Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ tạo ra sự gắn kết lâu dài, thúc đẩy sự phát triển của hai quốc gia mà còn tạo ra cấu trúc kinh tế và an ninh đa phương tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới.
Vào ngày 10.9.2023, khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng long trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, tôi và nhiều người dân Việt Nam cảm thấy phấn khích.
Việc hai quốc gia từng có thời điểm lịch sử ở thế xung đột hiện đã xích lại gần nhau hơn, tạo ra một bậc thang phát triển mới trong quan hệ hợp tác song phương. Tuyên bố của hai vị nguyên thủ quốc gia thể hiện cam kết chung của hai đất nước, không chỉ gia tăng hợp tác kinh tế mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong giáo dục, công nghệ và biến đổi khí hậu.
Có rất nhiều sự gắn kết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Người dân hai quốc gia sáng tạo, năng động và mong muốn thúc đẩy tinh thần doanh chủ đều đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ song phương phát triển. Chúng ta đều quan tâm đến giải quyết những thách thức của thời đại, từ khủng hoảng khí hậu đến các vấn đề kinh tế.
Chúng ta tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Hai quốc gia đều mong muốn Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập và có sức chống chịu mạnh mẽ góp phần xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, phồn thịnh.
Quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phát triển bền chặt. Chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng thương mại phát triển theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển đáng kinh ngạc, lên 139 tỉ đô la Mỹ năm 2022 – tăng 360% chỉ sau 10 năm.
Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ, vốn ở mức không đáng kể khi dự án hỗ trợ kinh tế và thương mại đầu tiên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi động vào năm 2001, hiện đã vượt quá 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm kể từ năm 2018. Mức tăng trưởng cho thấy tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, thành tựu đáng ghi nhận từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng.
Trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Joe Biden, hai nước đã công bố triển khai sáng kiến mới phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Chính phủ Hoa Kỳ cấp khoản tài trợ ban đầu hai triệu đô la Mỹ thực thi sáng kiến này.
Trong vai trò đối tác, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi quốc gia vào thị trường của bên kia. Đồng thời hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu phát triển.
Điều này có nghĩa là hai quốc gia sẽ cùng giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường, quy định về kinh tế số và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư.
Những tiến triển đạt được trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) phản ánh các cam kết chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Những tiến bộ này bao gồm việc ký kết thỏa thuận về “Trụ cột thứ hai” gần đây đối với chuỗi cung ứng và kết thúc đàm phán về “Trụ cột thứ ba,” liên quan đến kinh tế xanh và “Trụ cột thứ tư” về tạo ra sân chơi kinh tế công bằng.
Những kết quả này sẽ mang lại lợi ích cụ thể cho nền kinh tế, người lao động, các gia đình và doanh nghiệp của hai quốc gia. Đồng thời, những thỏa thuận này cũng sẽ giúp Việt Nam đầu tư vào tương lai xanh, xanh hóa các đô thị, bảo vệ môi trường và hành tinh – ngôi nhà chung cho tất cả mọi người.
Liên kết kinh doanh và thương mại đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc bình thường hóa quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới và cải thiện môi trường pháp lý nhằm giảm bớt chi phí, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện phản ánh cam kết đổi mới, hợp tác, mang lại kết quả tốt đẹp, đặc biệt trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn trong xu hướng phát triển công nghệ và toàn cầu hóa.
Những nỗ lực hợp tác giữa hai quốc gia cũng mở rộng sang lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu. Hoa Kỳ và Việt Nam đang thúc đẩy trao đổi giáo dục và hợp tác giữa các nhà khoa học, doanh nhân và các chuyên gia đổi mới để hợp tác tốt hơn nhằm nắm bắt cơ hội to lớn của thời đại công nghệ phát triển. Sự hợp tác trong lĩnh vực này sẽ rất quan trọng đối với cả hai quốc gia khi chúng ta theo đuổi các mục tiêu to lớn trong ngành chip bán dẫn.
Chính phủ Việt Nam có mục tiêu tham vọng là đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030 – mục tiêu mà Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ tích cực với tư cách là đối tác kinh tế quan trọng. Việt Nam tạo ra các hứa hẹn đáng kể thông qua việc thu hút các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới mở cơ sở sản xuất và phát triển tại đây.
Động lực này gia tăng mạnh mẽ hơn nữa, sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden và chuyến đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến San Francisco tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023. Đây là các yếu tố quan trọng cấu thành hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới, kinh tế và tăng trưởng của Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang đầu tư để phát triển mạnh mẽ hơn nữa lực lượng lao động lành nghề trong các ngành học tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán, thúc đẩy trao đổi trong lĩnh vực giáo dục để giúp các nhà khoa học, hoặc doanh nhân và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể cùng nhau hợp tác tốt hơn, nắm bắt những cơ hội to lớn trong thời đại công nghệ mới.
Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam đạt được một số mục tiêu khác như trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050 và đạt thu nhập trung bình cao vào năm 2045 theo mục tiêu của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhận thức được tính cấp thiết của việc chống biến đổi khí hậu, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều cam kết giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng khả năng chống chịu và năng lực thích ứng.
Việc Việt Nam thông qua Tuyên bố Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỉ đô la Mỹ với các đối tác quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ và vai trò của USAID trong việc thúc đẩy hơn 300 triệu đô la Mỹ đầu tư vào dự án năng lượng mặt trời và gió ở Việt Nam thời gian qua là những hành động cụ thể minh họa cho cam kết chung này. Sự hợp tác này sẽ giúp giảm tới 30% lượng phát thải cao điểm hằng năm của ngành điện và hạn chế mức tiêu thụ than.
Tại hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cơ chế JETP, kế hoạch huy động nguồn lực mở ra giai đoạn mới trong chuyển đổi năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng hoan nghênh những đóng góp của Hoa Kỳ trong việc huy động tài chính công và tư nhân cho JETP của Việt Nam và hợp tác với cộng đồng quốc tế. Sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm bảo chủ quyền quốc gia về năng lượng, an ninh năng lượng và sự bền vững tài chính của các dự án.
Để Việt Nam phát huy hết tiềm năng của ngành năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch thì giải quyết các thách thức pháp lý là rất quan trọng. Điều này bao gồm việc Việt Nam cải thiện khuôn khổ pháp lý và quy định trong việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời và gió đã hoàn thành để đảm bảo cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững và hiệu quả.
Vấn đề năng lượng sạch liên quan tới phương cách để Việt Nam có thể cạnh tranh và thu hút tốt hơn đầu tư nước ngoài trước các công ty đối thủ khác trong khu vực và trên thế giới. Nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Apple và Google đã cam kết về mức phát thải ròng bằng 0 và sẽ không mở rộng hoạt động ở những quốc gia mà họ không thể tiếp cận năng lượng sạch. Bảo vệ môi trường và chuyển đổi năng lượng là những yếu tố then chốt trong thu hút và duy trì vốn đầu tư nước ngoài.
Tôi cho rằng hai quốc gia sẽ tiến xa hơn nữa – và mối quan hệ hợp tác mới này sẽ đóng góp ngày càng nhiều vào cấu trúc kinh tế và an ninh đa phương ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tạo động lực cho thịnh vượng và an ninh tại một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới.
—————————————————————-
(*) Bà Susan Burns là tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/quan-he-hoa-ky-viet-nam-nhung-co-hoi-moi)
2 năm trước
Phục hồi kinh tế: Cần nhìn xa hơn đại dịch2 năm trước
BEST Inc: Chuyển phát nhanh kiểu mới2 năm trước
Nền kinh tế nhập siêu 2 tỉ USD trong chín tháng