Tiêu điểm

Cải cách ngành tài chính, dịch vụ và đào tạo nhân lực để thoát đà phục hồi chậm

8 tháng trước
Tác giả Trọng Nam

Chuyên gia kinh tế cao cấp Dorsati Madani đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra các thách thức nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt đồng thời khuyến nghị về các biện pháp chiến lược để nâng cao tăng trưởng và khả năng chống chịu trong thương mại và ổn định kinh tế.

Share
this:

Trong bài trình bày Viễn cảnh vĩ mô, chuyên gia Dorsati Madani nêu lên bức tranh chung kinh tế vĩ mô toàn cầu và Việt Nam. Dựa vào dữ liệu báo cáo đầu tháng 8.2023, bà Madani dự báo kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2023-2024.

Thế giới đã và đang trải qua một sự giảm tốc ở quy mô toàn cầu, ảnh hưởng đáng kể đến các đối tác thương mại chính của Việt Nam, bao gồm châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Dự báo về tăng trưởng kinh tế của WB và các tổ chức quốc tế đều đã được điều chỉnh giảm xuống và khả năng khôi phục dự kiến sẽ là mức trung bình. 

Bà Madani nhấn mạnh những tác động về thương mại quốc tế ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu chiếm một tỉ trọng lớn đến 60% đã giúp tạo ra độ mở cao cho nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nền kinh tế dễ bị tác động tiêu cực bởi các biến đổi bên ngoài khi thương mại toàn cầu yếu đi.

Các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng chậm hơn, với dự báo sự phục hồi yếu cho năm nay và cả năm sau. 

Trong trường hợp với Trung Quốc, sự phục hồi đã không đạt được mức độ mong đợi. Mặc dù tiêu dùng đang phục hồi như thị trường bất động sản của quốc gia này lại gặp vấn đề và tạo ra sự không chắc chắn cho cả nền kinh tế.

Thương mại hàng hóa toàn cầu cũng phục hồi chậm, trong khi nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và các nước EU còn phục hồi chậm hơn nữa. Bà Dorsati Madani cho rằng “năm 2023 và 2024, mức độ phục hồi sẽ khó thể mạnh mẽ.” 

Ở thị trường nội địa, Việt Nam đối mặt với những thách thức sau đại dịch COVID-19. Trước tiên là sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng, dẫn đến sự suy giảm chung trong tổng cầu nội địa. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 6.2023 là 6,5%, chỉ tương đương 50% so với mức trước đại dịch. Đầu tư tư nhân cũng giảm khoảng 36%, góp phần vào sự giảm tốc kinh tế tổng thể. 

Tuy nhiên chuyên gia WB cũng nên lên các động lực hiện tại sau khi kinh tế Việt Nam trải qua mức tăng trưởng 3,7% trong những tháng đầu năm 2023, mặc dù thấp hơn mong muốn nhưng vẫn tương đối mạnh so với toàn cầu. Lạm phát đang giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Dorsati Madani đến từ World Bank. Ảnh: Forbes Việt Nam

Tuy nhiên, xuất khẩu đang chậm lại và nhiều công ty ghi nhận doanh thu giảm và mất công nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước bởi người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay ở mức 4,7%, với tiêu dùng tư nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng và chính phủ đang tăng lương cho công chức để thúc đẩy tiêu dùng.

WB đưa ra dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2024 khoảng 4.7%. Dự kiến đầu tư tư nhân tăng lên vào cuối năm 2023 và sẽ tiếp đà tăng trong năm 2024, được hỗ trợ bởi sự phục hồi xuất khẩu toàn cầu.

Về cơ hội tăng trưởng và khôi phục đà tăng trước đại dịch, bà Madani nhấn mạnh tầm quan trọng của các cải cách cơ cấu, đặc biệt là việc thúc đẩy sản xuất xanh và sáng tạo. Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo phát triển kỹ năng, cải thiện đào tạo đại học và khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục.

Đại diện WB khuyến khích Việt Nam mở rộng tận dụng các hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký với các quốc gia, khu vực để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu tác động của nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, dễ bị ảnh hưởng từ các chấn động trên thị trường nhập khẩu chủ lực như Mỹ, EU và Trung Quốc.

Động lực còn đến từ việc tăng cường ngành dịch vụ, bao gồm tài chính, logistics và các dịch vụ chuyên nghiệp như luật, thuế, có thể đóng góp vào giá trị gia tăng và doanh thu cao hơn. Bà Madani đề xuất cải cách mạnh ngành tài chính để tăng tính linh hoạt, tính bao hàm và quản lý rủi ro.

Chuyên gia kinh tế WB đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam dựa vào tiềm năng phát triển của đất nước. Bà nhấn mạnh: “Thời điểm khủng hoảng sẽ thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của các cải cách mạnh mẽ để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.”