Tiêu điểm

Giáo dục là chìa khóa của phát triển

7 tháng trước
Dorsati Madani

Trong quá trình chuyển đổi, những ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực và lực lượng lao động là không thể tránh khỏi. Một câu hỏi lớn là nguồn nhân lực Việt Nam có bộ kỹ năng phù hợp cho nền sản xuất mới hay không? Làm thế nào để đảm bảo nhân lực Việt có đầy đủ những kỹ năng làm chủ cuộc chơi mới?

Share
this:

Xem xét toàn cảnh, suy thoái kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ tới Việt Nam. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 dự báo đạt 2,1%, thấp hơn mức 3,1% năm ngoái. Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ đạt 4,7%, thấp hơn nhiều so với con số dự báo 6,3% hồi đầu năm. Dự kiến GDP Việt Nam tăng 5,5% năm 2024 và tăng khoảng 6% năm 2025.

Chúng tôi đã kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục mạnh mẽ sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng điều đó đã không thành hiện thực. Trong năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ nhiều vấn đề: tăng trưởng thấp, xuất khẩu giảm tốc, thị trường tiêu dùng sụt giảm, thị trường bất động sản sa lầy.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lâm vào khó khăn khiến cho khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu trở nên bất định. Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, quá trình phục hồi chậm chạp của kinh tế Trung Quốc làm chậm lại đà tăng trưởng của Việt Nam.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong nhiều năm qua lĩnh vực xuất khẩu có đóng góp quan trọng tới tăng trưởng GDP. Điểm mạnh này trở thành điểm yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. Ngoài Trung Quốc, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam gồm EU và Hoa Kỳ đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.

Vậy làm thế nào để Việt Nam phục hồi và chống đỡ với các biến động bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế? Câu hỏi và câu trả lời thực sự quan trọng với tương lai phát triển của Việt Nam. Trước tiên, chúng ta nhìn sâu vào nền kinh tế nội địa. Việt Nam vẫn đang hàn gắn các vết thương mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Bà Dorsati Madani là chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (World Bank)

Niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp dẫn đến tổng cầu nội địa suy giảm. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 6.2023 là 6,5%, tương đương khoảng 50% so với mức trước đại dịch. Đầu tư tư nhân cũng giảm khoảng 36%, góp phần đáng kể vào sự giảm tốc của cả nền kinh tế.

Nửa đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khiêm tốn ở mức 3,7%. Con số này dù thấp hơn kỳ vọng nhưng vẫn tương đối lạc quan so với toàn cầu. Lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Việt Nam có dư địa giảm lãi suất thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu khiến đơn hàng suy giảm, nhiều công ty buộc phải cắt giảm sản xuất, thu hẹp quy mô lao động. Các khó khăn trên thị trường việc làm đã ảnh hưởng mạnh đến tiêu dùng trong nước. Chính phủ giảm thuế VAT 2% để thúc đẩy tiêu dùng. Thị trường nội địa và tiêu dùng tiếp tục đóng vai trò quan trọng để kinh tế phục hồi.

Về đầu tư, chúng tôi tin rằng đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân sẽ bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm nay và bước sang năm 2024 sẽ khởi sắc để đón đà xuất khẩu phục hồi trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh các khoản đầu tư công trong nửa cuối năm 2023. Đây là chính sách đúng đắn. Thông qua việc rót vốn tới các nhà thầu, nhà cung cấp nguyên liệu và nhân công làm việc theo hợp đồng tại các dự án, dòng vốn sẽ lan tỏa tới nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng.

Một tin tốt là ngân sách Việt Nam và dự trữ ngoại hối dồi dào, yếu tố rất quan trọng khi nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược và các yếu tố rủi ro. Một trong những cơn gió ngược là kịch bản cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất và mặt bằng lãi suất cao sẽ duy trì một thời gian.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư quốc tế và nhu cầu tiêu dùng toàn thế giới. Ngành tài chính Việt Nam có thể đối mặt với các khoản nợ xấu ngày càng tăng. Nợ xấu tăng làm giảm chất lượng khối tài sản lẫn hiệu quả hoạt động của khối ngân hàng.

Một vấn đề khác xa hơn chúng ta phải nhìn tới là các  tác động của biến đổi khí hậu. Những cơn bão lớn và những đợt nắng nóng kỷ lục có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Một hệ quả trực tiếp là thiếu hụt điện năng có thể trầm trọng, cần phải được giải quyết hiệu quả và bền vững. Những đợt cắt điện trên diện rộng tại phía Bắc trong tháng 5 và tháng 6.2023 ước tính gây thiệt hại khoảng 0,3% GDP trong năm nay.

Bên cạnh đó, một câu hỏi khác là liệu Việt Nam đã thật sự tận dụng được tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay chưa? Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại ở những thị trường còn lại chiếm đến 40% kim ngạch xuất nhập khẩu.

Dường như cơ hội tại các thị trường này vẫn chưa được tập trung khai thác đúng mức. Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời xây dựng khả năng chống đỡ, phục hồi trước những cú sốc đến từ các thị trường riêng lẻ. Đó cũng là cách để Việt Nam quản trị rủi ro cho nền kinh tế.

Việt Nam cần nâng tầm lĩnh vực dịch vụ. Một ví dụ đáng tham khảo như hãng xe hơi Mercedes Benz. Trên thực tế, hoạt động bán xe của hãng chỉ mang lại 25% doanh thu, phần lớn còn lại đến từ những dịch vụ liên quan, tăng thêm giá trị cho hoạt động bán hàng như chăm sóc khách hàng, tư vấn, bảo hiểm, bảo dưỡng… Việt Nam có thể phát triển thêm mảng dịch vụ như dịch vụ tài chính, dịch vụ pháp lý.

Việt Nam nên xem xét thực hiện những cải cách cần thiết trong lĩnh vực tài chính, trong đó gồm củng cố tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng, để họ có khả năng chống chịu rủi ro cao hơn. Khung thể chế cũng cần rõ ràng hơn để khi có khủng hoảng, hệ thống ngân hàng có thể giải quyết nhanh chóng hơn, không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Ngân hàng Thế giới đưa ra một số khuyến nghị và biện pháp hỗ trợ tăng trưởng giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Thứ nhất là khuyến khích đổi mới trong sản xuất và thứ hai là hỗ trợ phát triển kỹ năng mới cho người lao động. Trong tương lai, vấn đề của Việt Nam không chỉ ở việc thúc đẩy tăng trưởng trở lại mức 6% hay cao hơn nữa mà còn là cách Việt Nam xây dựng sức đề kháng của nền kinh tế và phát triển bền vững trong 10–15 năm tới, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Để làm được điều này, Việt Nam cần quan tâm đến những chuyển động thời sự đang diễn ra với nền kinh tế thế giới. Một trong số các xu hướng nổi bật là việc người tiêu dùng ở các quốc gia đang phát triển ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm xanh. Việc chuyển sang sản xuất xanh sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu xuất khẩu sản phẩm xanh, cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới với những ngành hàng có thế mạnh.

Dĩ nhiên trong quá trình chuyển đổi, sự đổi mới sẽ có các ảnh hưởng không thể tránh khỏi tới nhiều lĩnh vực, đến lực lượng lao động. Một câu hỏi lớn là nguồn nhân lực của Việt Nam có bộ kỹ năng phù hợp cho nền sản xuất mới hay không? Làm thế nào để đảm bảo được nhân lực Việt có đầy đủ những kỹ năng làm chủ cuộc chơi mới?

Hệ thống đại học trước tiên cần cải thiện về mặt đào tạo để sinh viên được trang bị những kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi. Các công ty lớn và các trường đại học Việt Nam cũng có thể liên kết, làm việc cùng nhau để cung cấp các chương trình đào tạo thiên về thực tiễn để những sinh viên trẻ tuổi, nhanh nhạy có thể áp dụng ngay vào làm việc thực tế.

Các công ty tư nhân lớn có thể tiên phong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trước tiên cho chính họ và sau đó là nền kinh tế. Các kiến nghị giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững đều dẫn đến yếu tố con người mà gốc rễ là đào tạo nhân lực. Giáo dục là chìa khóa sự phát triển bền vững  và thịnh vượng của mỗi quốc gia.

——————————-

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 121, tháng 9.2023