Đà phục hồi tiếp diễn trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sau đại dịch đã hậu thuẫn cho mức tăng GDP cả năm 2022 nhưng triển vọng cho năm 2023 là kém lạc quan.
Hôm 5.10, ngân hàng UOB đã nâng mức dự báo GDP cả năm 2022 lên 8,2% từ mức công bố 7% hồi tháng 6, mặc dù đưa ra triển vọng kinh tế 2023 là kém lạc quan do kế hoạch thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương đè nặng lên kinh tế Mỹ và châu Âu cùng với những lo ngại về mức ăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.
Các dữ kiện toàn cầu tạo ra dấu hiệu cho thấy tiền đồng có khả năng tiếp tục suy giảm trong các quý tới. Theo đó, định chế tài chính này cập nhật dự báo tỷ giá đô la Mỹ và đồng Việt Nam về 24.000 đồng/1 USD trong quý 4.2022 và sẽ trượt về 24.300 đồng/1 USD trong quý 3.2023.
Mức trượt tỷ giá này là khá mạnh so với dự báo của UOB hồi tháng 6, với tỷ giá ở mốc 23.500 đồng/1 USD vào quý 4.2022 và 23.600 vào quý 2.2023.
Hôm nay 6.10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.417 đồng/1 USD, không thay đổi so với ngày trước nhưng tăng so với mức ngày 1.10 là 23.400 đồng/1 USD.
Trong bối cảnh đô la Mỹ tiếp tục tăng giá, khiến đồng Việt Nam sẽ mất giá thêm và tỷ lệ lạm phát về sát mức mục tiêu ngân hàng Nhà nước đặt ra. Theo đó UOB dự báo nhà điều hành tiền tệ sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng hai quý tới.
“Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và 6% vào cuối quý 1.2023, bằng mức trước thời điểm đại dịch toàn cầu công bố vào tháng 3.2020,” báo cáo nêu ra.
Áp lực lạm phát gia tăng cũng đang thể hiện qua CPI toàn phần tăng 3,9% trong tháng 9 từ mức 2,9% của tháng 8, là tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3.2020 và sát mức trần 4% của ngân hàng trung ương.
Trong khi lạm phát cơ bản (thực phẩm và năng lượng) tăng 3,8% trong tháng 9 từ mức 3,1% trong tháng 8, hai tháng liên tiếp ở mức trên 3% và là mức cao nhất tính từ mức kỷ lục vào năm 2015.
“Sự gia tăng của chi phí vận tải, thực phẩm và nhà ở là động lực chính của lạm phát toàn phần và có khả năng sẽ vẫn tiếp tục,” báo cáo nhận định.
Giao thương kinh tế đang chậm lại ở cả hai lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu, dự báo nhu cầu tiếp tục chậm lại do chính sách thắt chặt từ các ngân hàng trung ương sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động tiêu dùng.
Trong đó xuất khẩu tháng 9 tăng 10,3% so với cùng kỳ, cách xa mức tăng 17,3% tính gộp từ đầu năm. Kim ngạch xuất 29,9 tỉ USD trong tháng 9 cũng thấp hơn mức trung bình năm 2022 tính đến nay là 31,3 tỉ USD.
Tương tự, nhập khẩu tháng 9 tăng 6,4% so với cùng kỳ trong khi chín tháng đầu năm tăng 13%. Thặng dư thương mại lũy kế đạt 6,5 tỉ USD trong tháng 9, vượt mức thặng dư cả năm 2021 là 4,8 tỉ USD.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn nằm ở triển vọng năm 2023, khi chính sách thắt chặt tiền tệ từ các ngân hàng trung ương dự kiến đè nặng lên kinh tế Mỹ và châu Âu, là hai thị trường chính chiếm đến 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.
UOB dự đoán cuộc suy thoái đối với các nền kinh tế lớn vào năm 2023 sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam và đưa dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 về 6,6%, dựa trên ước tính nhu cầu từ các thị trường chính tiếp tục chậm lại.
Ngân hàng Thế giới trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hồi tuần trước dự báo GDP Việt Nam năm 2022 tăng 7,2%, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng vững.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. WB cũng chỉ ra áp lực từ lạm phát toàn cầu dai dẳng và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc) cùng sự gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
“Về rủi ro trong nước, lạm phát cao hơn dự kiến, tài chính hộ gia đình vẫn còn bấp bênh, tình trạng thiếu lao động trong các khu vực sản xuất và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng,” báo cáo của WB nêu ra.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/trien-vong-kinh-te-2023-kem-lac-quan-du-gdp-2022-van-tang-dot-bien)
1 năm trước
Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 – 5,5%2 năm trước
Nhiều rủi ro tiềm ẩn với tăng trưởng GDP