Góc nhìn

Khát vọng trăm năm của Việt Nam

2 năm trước

Cần một sự đồng lòng giữa doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị cho khát vọng 2045 thành hiện thực.

Share
this:

Trình bày Chương trình nghị sự toàn cầu tại Hội nghị mùa Xuân hôm 7.4, do ngân hàng Thế giới (WB) và quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức, tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đưa ra thông điệp lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu 2021 được cải thiện, khi các quốc gia áp dụng nhiều chính sách chưa từng có cùng với tốc độ sản xuất vaccine phòng COVID-19 tiến triển nhanh chóng. Báo cáo viết: “Tiến trình phục hồi kinh tế đang diễn ra tích cực, là tin tốt sau cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất kể từ thế chiến II.”

Triển vọng ngắn hạn. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được IMF công bố tại phiên khai mạc hội nghị đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 6% cho năm nay và 4,4% cho năm 2022. Trong khi đó dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức cao hơn, với 6,5% năm nay và 7,2% vào năm 2022, đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm năm 2021-2025 ước khoảng 6,5-7%/năm. Đây cũng là con số dự báo khả quan trong nhóm năm nước thuộc hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-5) – gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia, có mức bình quân 4,9% năm nay và 6,1% năm 2022.

Nền kinh tế Việt Nam, theo tổ chức này, có được nền tảng vững vàng khi GDP 2020 tăng 2,9%, kết quả khả quan hơn so với nhiều quốc gia khác trong giai đoạn đại dịch, nhờ những giải pháp quyết liệt của Chính phủ cả về kinh tế và y tế. IMF cũng ước tính tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam từ 3,3% của năm 2020 sẽ giảm xuống còn 2,7% trong năm nay và tiếp tục giảm còn 2,4% năm 2022. Tổ chức này khuyến nghị các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần được duy trì trong năm 2021 nhằm bảo đảm phục hồi bền vững và toàn diện.

Căn cứ tình hình chống chọi của kinh tế Việt Nam trong và sau đại dịch, các định chế tài chính quốc tế đã đưa ra những nhận định tích cực. Fitch Ratings dự báo GDP năm 2021 vẫn có thể tăng trưởng 7,5%, UOB dự báo mức tăng trưởng 7,1%, khối nghiên cứu kinh tế của HSBC dự báo con số 6,6%…

“Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn.”

Bức tranh IMF chỉ ra nhiều nền kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu phục hồi nửa cuối năm 2020, trong đó Trung Quốc và Việt Nam phục hồi theo lộ trình hình chữ V, với mức tăng trưởng vượt mức trước COVID-19. Dẫu vậy, đại dịch đang cản trở tăng trưởng của các nền kinh tế cho đến khi vaccine được triển khai rộng rãi hơn. Ngành du lịch toàn cầu vẫn tăng trưởng thấp hơn mức trước đại dịch cho đến năm 2023 làm trì hoãn phục hồi ở các nền kinh tế phụ thuộc du lịch.

Các định chế tài chính tỏ ra thận trọng về tiến trình phục hồi kinh tế do các bất trắc, phụ thuộc nhiều biến số như tiến trình tiêm chủng, thời gian khống chế đại dịch cũng như thời gian duy trì các biện pháp hỗ trợ. Về lâu dài, theo nhận định của ngân hàng Thế giới, COVID-19 có thể gây tác động lâu dài đến tăng trưởng trong dài hạn. Các yếu tố bất định kéo dài trên toàn cầu sẽ làm suy giảm đầu tư, nợ công và bội chi ngân sách tăng sẽ ràng buộc chi tiêu chính phủ. Đại dịch COVID-19 vì thế tiếp tục là phép thử với các nền kinh tế trong quá trình phát triển cả ngắn hạn và dài hạn.

Kinh tế Việt Nam, như phân tích của tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV trên VTV, có những thuận lợi trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhờ bốn yếu tố chính. Do gắn liền với thương mại, xuất khẩu và đầu tư nên kinh tế Việt Nam gặp thuận lợi khi nền kinh tế thế giới hồi phục. Thứ hai, Việt Nam nằm trong số điểm đến thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp, kết quả từ tăng trưởng kinh tế kết hợp phòng, chống dịch bệnh. Thứ ba, các hiệp định thương mại tự do tạo cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu, đầu tư. Cuối cùng, là chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế trong cả ngắn hạn và trung dài hạn.

Năm 2020, năm cuối trước khi bước vào thập niên thứ ba của thiên niên kỷ, quy mô kinh tế Việt Nam, theo bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt hơn 340 tỉ đô la Mỹ, đứng vào tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6 – 6,5%. Nếu tốc độ này được duy trì trong 25 năm tới, Việt Nam có thể trở thành nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập cao, nghĩa là GDP bình quân đầu người đạt trên 12 ngàn đô la Mỹ, theo định nghĩa của Liên hiệp quốc. Đây cũng là mục tiêu được nêu ra trong đại hội Đảng toàn quốc năm 2021.

Ước vọng dài hạn. “Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn,” người đứng đầu Chính phủ, chủ trì chương trình “Đối thoại 2045” phát biểu tổng kết cuộc gặp quy tụ các doanh nghiệp đầu ngành và trí thức, nhằm hiện thực hóa khát vọng 2045 – thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của diễn đàn: “Một khát khao cháy bỏng cho một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045”. Theo đó, cần một sự đồng bộ giữa doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị cho khát khao này thành hiện thực.

25 năm, một phần tư thế kỷ, là khoảng thời gian đủ dài để nền kinh tế xuất hiện những tập đoàn, doanh nghiệp, thương hiệu lớn mang tên Việt Nam. Nếu như 25 năm trước, rất nhiều doanh nghiệp tại Đối thoại 2045 vẫn chưa từng có tên trong bản đồ kinh tế Việt Nam thì nay họ đã mang thương hiệu Việt vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Trong danh sách của Forbes Việt Nam trong số báo này, Việt Nam ghi nhận sáu tỉ phú đô la Mỹ, là con số còn khiêm tốn trong gần 800 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, khu vực tư nhân đang dần khẳng định vai trò trụ cột với đóng góp hơn 40% cho GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho toàn xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế trong các ngành nghề đòi hỏi đầu tư nhiều chất xám và nguồn lực như phần mềm, hàng không, du lịch…

Người chủ trì đối thoại 2045 đúc kết năm nhóm vấn đề được nêu ra tại đối thoại. Thứ nhất, đó là con người và công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trên bình diện quốc gia. Thứ hai, quan tâm đổi mới thể chế làm bà đỡ cho doanh nghiệp và đất nước, trong đó nhấn mạnh quyền con người và quyền công dân. Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp và người dân, các thành phần kinh tế từ FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… Thứ tư, bồi tụ một nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế đi liền với khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ môi trường sống. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, bảo vệ văn hóa Việt Nam, nếu mất văn hóa là mất tất cả.

2021 là năm khởi đầu thập niên mới, thập niên của thế hệ 8X – thế hệ Millennials lớn lên cùng Internet và di động, trưởng thành trong giai đoạn chuyển giao thiên niên kỷ, sẽ làm chủ cuộc chơi, là đối tượng trụ cột cho khát vọng của Chính phủ đặt ra cho nền kinh tế số của Việt Nam.

Khoảng 18 triệu người Việt Nam thế hệ 8X (theo tháp dân số Việt Nam 2020) ở vào độ tuổi chín muồi để có thể trở thành những lãnh đạo dẫn dắt các doanh nghiệp, các tổ chức, trở thành trụ cột hưng thịnh của từng gia đình. Gen Y trở thành nhân tố chính bồi đắp cho nền kinh tế số – nền kinh tế sáng tạo giúp từng doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia vượt thoát các rào cản trên đường phát triển.

Lãnh đạo chính phủ cho biết, diễn đàn “Đối thoại 2045” là sự kiện thường niên giữa các nhà lãnh đạo đất nước với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ trí thức nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045. Trong 5 – 10 năm tới, tham dự diễn đàn sẽ là các gương mặt đại diện thế hệ Y, Z – những người sinh ra trong giai đoạn cả thế giới chuyển mình với những bước tiến của khoa học, viễn thông và sự hợp tác đa phương diện.

Họ được phát triển trong một thế giới mở, nơi hàng tỉ người trên thế giới kết nối và mở rộng theo nhiều kênh, được bồi bổ kiến thức trong rất nhiều lĩnh vực, không chỉ chuyên môn mà còn văn hóa, nghệ thuật, đời sống… Các vấn đề được bàn luận sẽ có ngày không gói gọn trong phạm vi dải đất hình chữ S, mà là của toàn cầu như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Năm 2021 và nhiều năm tới nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hành trình giải quyết các di chứng của đại dịch COVID-19.

Trước các biến động mang tính bất định trên toàn cầu, thích ứng là khả năng cần có với mỗi cá nhân, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế để đồng lòng thực hiện khát vọng 2045.

Bài viết đăng trên tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 4.2021