Thị Trường

Đơn hàng đồ gỗ nội thất đang quay trở lại Việt Nam

Sau hơn sáu tháng đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ nội thất liên tục giảm, các nhà sản xuất Việt Nam cho biết đã có những tín hiệu lạc quan hơn nhờ đơn hàng mới đến từ các thị trường khu vực Trung Đông.

Share
this:

“Hoạt động của chúng tôi đã hồi phục khoảng 90% so với giai đoạn nửa cuối năm ngoái và có những khách hàng mới không phải từ thị trường truyền thống châu Âu và Mỹ mà từ các nước khu vực Trung Đông,” bà Dương Thị Minh Tuệ, giám đốc kinh doanh công ty cổ phần Gỗ Minh Dương nói với Forbes Việt Nam.

Để vượt qua giai đoạn suy giảm nhu cầu trong sáu tháng qua, doanh nghiệp này giảm giờ tăng ca để cân đối đơn hàng cho gần 2.000 lao động làm việc đủ sáu ngày mỗi tuần.

Theo bà Tuệ, gu thiết kế đồ gỗ nội thất của các nhà mua hàng khu vực Trung Đông đang thay đổi và đối tác cung cấp không còn gói gọn ở nguồn cung quen thuộc từ quốc gia có cùng tôn giáo như Malaysia.

“Trước đây họ thiên về thiết kế cổ, mang đậm tính tôn giáo. Giờ kinh tế phát triển, khách hàng trẻ chấp nhận giá cao hơn, thiết kế hiện đại hơn đã tìm đến nhà cung cấp ở Việt Nam,” bà Tuệ nói và cho rằng đây là thị trường doanh nghiệp Việt có thể chú trọng trong thời gian tới.

Người lao động làm việc tại nhà máy AA ở Long An (Nguồn: DNCC).

Không chỉ Minh Dương, các doanh nghiệp khác trong ngành gỗ nội thất Việt Nam chuyên cung cấp sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp như AA cũng đang có khách hàng mới từ khu vực Trung Đông.

Tại buổi thông tin đến báo chí về hội chợ Xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất TP.HCM (Hawa Expo 2023), ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA cũng cho biết họ vừa có đơn hàng lớn ở Tel Aviv, Israel và Hy Lạp.

Là công ty tập trung sản xuất, cung ứng sản phẩm trung cấp vào các công trình như khách sạn 4-5 sao, AA có kinh nghiệm, nguồn lực trong thiết kế và khả năng quản trị đơn hàng. Đây cũng là hai yếu tố mang đến giá trị gia tăng cho sản phẩm.

“Doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thiết kế cá nhân hóa cao, đi cùng tính thẩm mỹ, sản xuất nhanh thì họ đồng ý trả mức giá cao,” ông Khanh nói về cơ hội cho các đơn vị cung ứng có năng lực thiết kế sản xuất.

Bà Minh Tuệ cho biết trước đây Minh Dương tập trung vào các sản phẩm nội thất đại trà, có giá trị thấp nhưng vẫn phát triển tốt vì thị trường không đòi hỏi khó và cạnh tranh cao như hiện nay. Mô hình này giúp tạo nền tảng tích trữ cơ bản cho doanh nghiệp nhưng ở điều kiện thị trường hiện nay sẽ khó tồn tại nếu tiếp tục đi vào những mặt hàng giá trị thấp.

Vì vậy Minh Dương đã dần chuyển dịch để tập trung vào nhóm sản phẩm phân khúc trung và cao cấp, có biên lợi nhuận cao hơn bình quân từ 10-15% so với sản phẩm đại trà.

Tìm kiếm khách hàng ở thị trường mới như Trung Đông đang được xem là hướng đi giúp doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam duy trì hoạt động trong khi nhu cầu từ các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản suy giảm.

Tuy vậy, các thị trường truyền thông vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu đồ gỗ nội thất thế giới. Vì vậy về dài hạn, ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, “ngoài việc tìm miếng bánh nhỏ ở thị trường ngách, doanh nghiệp phải tập dượt để có thị phần trong miếng bánh lớn bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.”

Đây cũng là động lực thúc đẩy năm hiệp hội ngành gỗ nội thất Việt Nam (bao gồm Viforest, hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai và hiệp hội Gỗ lâm sản Bình Định) phối hợp tổ chức Hawa Expo 2023.

Hawa Expo 2023 sẽ khai mạc ngày 22.2.2023 với khoảng 1.600 gian hàng từ gần 200 nhà sản xuất và xuất khẩu nội thất cả trong và ngoài nước, được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp kết nối giao thương, lấy lại đà tăng trưởng sau hơn giai đoạn sụt giảm.

Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả nước năm 2023 dự kiến đạt 17,5 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 2,5% so với năm 2022.