Quản trị

Việt Nam đối mặt thách thức khi lợi thế chi phí nhân công giá rẻ không còn

Việt Nam đối mặt thách thức phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi chi phí lao động giá rẻ đã không còn.

Share
this:

Hai động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất cho Việt Nam là xuất khẩu và đầu tư. Trên bản đồ xuất khẩu thế giới, Việt Nam nổi bật ở nhiều lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, nông sản, đồ gỗ,… Việc thu hút vốn FDI chủ yếu dựa trên ưu đãi thuế, lao động giá rẻ… ít tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

Tuy nhiên hiện nay, theo ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch TBS Group, thời kì cạnh tranh nhờ vào lao động chi phí thấp tại Việt Nam đã không còn. Điều này càng tạo nên áp lực lớn trong việc vừa giảm giá thành sản phẩm mà vẫn có giá bán cạnh tranh.

“Lời giải ở đây là phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển nhằm tăng năng suất lao động, xây dựng mối hợp tác chặt chẽ với đối tác trong chuỗi, phát triển nhân lực và ứng dụng nền tảng số. Thời kì của lao động giá rẻ không còn nữa, chúng ta phải tăng chất xám trong nhân sự Việt Nam và phát triển vai trò của các trung tâm nghiên cứu,” ông Nguyễn Đức Thuấn nói.

Đồng quan điểm, ông Chad Ovel, tổng giám đốc Mekong Capital cho rằng trước đây sức hút tại thị trường nội địa đến từ chi phí lực lượng lao động cạnh tranh. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đang là mảnh đất phát triển của các công ty có khả năng tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị được chấp nhận trên thị trường toàn cầu. “Hiện là cơ hội để định vị lại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ tài năng. Đây là yếu tố định hình lợi thế trong tương lai,” ông Chad nói.

Để trở thành nơi thu hút khoảng 6.000 nhân sự tại Việt Nam sau 16 năm gia nhập thị trường, Bosch Việt Nam đã đầu tư cả nhà máy sản xuất lẫn trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm nghiên cứu phát triển… Theo ông Dominik Meichle, tổng giám đốc Bosch Việt Nam, tự động hóa, công nghệ kết nối và số hóa đã và đang là những xu hướng mới cơ bản trong sản xuất.

Sản xuất thông minh và kết nối sẽ mang lại năng suất cao hơn, ít lỗi hơn, chi phí thấp hơn và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. “Các doanh nghiệp cần đánh giá lại các quy trình sản xuất và vận hành hiện có để bắt tay số hóa, từ việc xây dựng bản sao kỹ thuật số trong sản xuất đến tự động hóa các quy trình kinh doanh,” theo ông Dominik.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ là yếu tố hỗ trợ giúp cải thiện quá trình hoạt động của con người. Theo ông Chad Ovel, doanh nghiệp trước tiên cần suy nghĩ đến bài toán cần giải trước, sau đó mới nghĩ đến việc tìm loại công nghệ nào phù hợp để ứng dụng.

“Khi những công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi tìm ra chính xác sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ muốn cung cấp cho khách hàng, điều đó thúc đẩy sự thay đổi công nghệ,” ông Chad nói.

Để trở thành thị trường hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chưa đủ. Theo ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, song song với việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, Việt Nam cần cải thiện cả môi trường sống, để các lao động nước ngoài an tâm làm việc tại Việt Nam.

Khi đối mặt với thách thức cần tìm đúng bài toán cần giải để chọn công cụ công nghệ phù hợp, các doanh nghiệp trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam sẽ còn phải tuân theo các bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, trung hòa carbon…

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, chủ tịch Secoin, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, trong bối cảnh tái định vị Việt Nam, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong hành trình đạt mục tiêu trung hòa carbon.

“Nhà nước đóng vai trò điều tiết trong việc xây dựng các quy định về sản xuất, công nghệ sản xuất với các tiêu chuẩn cụ thể để các thành phần kinh tế cùng đạt chuẩn. Các doanh nghiệp nhỏ cũng cần coi chuẩn ESG là yếu tố giúp mình tồn tại,” ông Đinh Hồng Kỳ chia sẻ.