Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, khi chính phủ Việt Nam đang tích cực đưa ra các giải pháp khôi phục kinh tế sau cơn bão COVID-19.
Hai hội nghị diễn ra vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua đã ghi nhận được những quan điểm, đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi của Việt Nam cũng như cơ hội thu hút vốn trong thời gian tiếp theo.
Ông Warrick Cleine, chủ tịch kiêm tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhận định, Việt Nam đã tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô và xã hội. Đây là điều khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn khi các nhà đầu tư ưa thích những môi trường an toàn, có thể dự đoán được. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những lợi thế về tăng trưởng kinh tế và mức độ tương tác của chính phủ với cộng đồng toàn cầu.
“Việt Nam vẫn là môi trường tốt cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài,” ông Warrick Cleine bày tỏ quan điểm tại hội nghị “Ngày Việt Nam – Mở cửa cơ hội kinh doanh” với sự tham dự của gần 400 nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế do HSBC Việt Nam tổ chức hôm 3.11.
Khảo sát các giám đốc điều hành do KPMG thực hiện từ tháng 4.2020 đến tháng 4.2021 cho thấy, niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp đã hồi phục và họ tin tưởng nhiều hơn vào trạng thái bình thường trở lại.
Ông Alain Cany, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần trong ít nhất sáu tháng tới cho đến khi đà tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022 nhờ các yếu tố cơ bản vững chắc. Trước mắt, các nhà máy tại các khu công nghiệp phía Nam có thể phục hồi chậm hơn so với những khu vực khác do tình trạng phong tỏa kéo dài và nghiêm ngặt trong những tháng vừa qua.
Một số công ty sử dụng nhiều lao động đã giảm quy mô sản xuất do làn sóng dịch bệnh thứ tư vừa qua có thể đối mặt với những thách thức mới trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đạt được sẽ hậu thuẫn tích cực cho sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu hải sản, cà phê, quần áo, giày dép, thiết bị cơ khí…
Đại diện Eurocham đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam bởi ở đây có cả thị trường trong nước rộng lớn lẫn cơ hội tốt cho sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, phân khúc tiêu dùng trung lưu trong nước ngày càng tăng, dự kiến chiếm hơn một nửa dân số vào cuối thập niên này, trở thành thị trường tăng trưởng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực.
“Các doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế của các FTA mà Việt Nam tham gia và xem M&A là một phương thức phổ biến để thâm nhập thị trường trong nước và xây dựng quan hệ với các nhà cung cấp và đối tác tiềm năng,” theo ông Alain Cany.
Trong khi đó, theo ông Don Lam, đồng sáng lập và tổng giám đốc tập đoàn VinaCapital, nỗ lực của chính phủ Việt Nam đã giúp gia tăng lòng tin của nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư mới vào Việt Nam – vốn được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn trên thế giới. VinaCapital vừa tổ chức hội nghị trực tuyến nhà đầu tư thường niên 2021 vào cuối tháng 10, thu hút hàng trăm nhà đầu tư chưa có điều kiện vào Việt Nam để giới thiệu các cơ hội đầu tư hỗ trợ sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Ông Don Lam đánh giá, một trong các yếu tố quan trọng nhất tạo đà cho sự hồi phục này là định hướng “sống chung với đại dịch” của chính phủ Việt Nam, đã được cụ thể hóa bằng chiến dịch “phủ” vaccine thần tốc chỉ trong vài tháng qua để nhanh chóng mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế.
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20.10.2021 đạt 23,74 tỉ USD. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới cho 1.375 dự án và điều chỉnh tăng vốn 7,09 tỉ USD cho 776 dự án đang hoạt động. Đặc biệt, vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhanh với 3.063 lượt đầu tư có tổng giá trị góp vốn 3,63 tỉ USD.