Dịch vụ

AirAsia tiếp nhận thêm tàu bay khi ngành du lịch phục hồi

Share
this:

Trong bối cảnh nhu cầu di chuyển bằng hàng không tăng cao khi hoạt động du lịch phục hồi, AirAsia có kế hoạch tiếp nhận thêm tàu bay từ năm 2024 trở đi.

AirAsia của hai tỉ phú Malaysia Tony Fernandes và Kamarudin Meranun có kế hoạch tiếp nhận trở lại tàu bay mới từ năm 2024 trở đi, khi công ty muốn tăng cường đội bay trong bối cảnh nhu cầu di chuyển bằng hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19.

“Từ năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp nhận tàu bay mới Airbus A321neo, giúp công ty giảm thêm 20% lượng khí thải CO2 trên mỗi ghế ngồi và thúc đẩy hơn nữa quá trình tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh,” Tony Fernandes, CEO của Capital A (công ty mẹ của AirAsia), cho biết trong thông cáo báo chí hôm 26.8.

Đổi tên thành Capital A vào tháng 1.2022, công ty này đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, khi bổ sung thêm hai mảng logistics và kinh doanh số gồm dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn.

Vào ngày 26.8, Capital A cho biết doanh thu trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30.6 tăng từ 710 triệu ringgit trong năm 2021 (158 triệu USD) lên 2,3 tỉ ringgit (512,4 triệu USD), khi doanh thu của AirAsia tăng gần 5 lần lên 1,9 tỉ ringgit (423 triệu USD).

“Tập đoàn mong muốn tiếp tục đẩy mạnh nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách,” Bo Lingam, CEO của AirAsia Aviation, cho biết trong thông cáo.

Đội bay của AirAsia tại Malaysia. Ảnh: Samsul Said/Bloomberg  

Khi phần lớn các nước châu Á gỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại phòng COVID-19, AirAsia đã hưởng lợi từ việc lưu lượng hàng không quốc tế phục hồi và nhu cầu từ thị trường nội địa Malaysia tăng cao, giúp công ty nâng tần suất vận chuyển lên 84% tính đến cuối tháng 6.2022.

Nhằm đón đầu nhu cầu tăng cao, AirAsia cho biết đã dần triển khai trở lại đội bay với tổng cộng 108 chuyên cơ quay trở lại bầu trời kể từ tháng 8.2022, cũng như vận hành thêm 52 tàu bay vào cuối năm 2022.

Tuy doanh thu phục hồi, nhưng Capital A vẫn ghi nhận khoản lỗ thuần 2,2 tỉ ringgit (490 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30.6, cao hơn 1,7 tỉ ringgit (379 triệu USD) của năm 2021 trong bối cảnh thách thức về lạm phát nổi lên từ giá nhiên liệu máy bay tăng cao.

Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19, khi các quốc gia trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới nhằm kiểm soát dịch trong ba năm qua.

Ngành hàng không toàn cầu được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu trở lại vào năm 2023 sau khi tổn thất khoảng 189,5 tỉ USD trong ba năm từ thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020, theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

“Nền kinh tế và ngành du lịch phục hồi theo mô hình chữ V như chúng tôi dự báo trước đó mang đến lợi ích đáng kể cho cả lĩnh vực hàng không và các mảng kinh doanh khác của công ty,” Fernandes cho biết.

Vào năm 2001, Fernandes và Kamarudin thâu tóm AirAsia để xây dựng hãng hàng không giá rẻ, giúp du lịch hàng không dễ tiếp cận hơn. Cả hai đã ra khỏi danh sách 50 người giàu nhất Malaysia năm 2021.

Xem thêm: AirAsia X hoàn tất tái cơ cấu nợ, thu về 7,9 tỉ USD
AirAsia ra mắt dịch vụ giao hàng trọn gói khi thương mại điện tử bùng nổ

Biên dịch: Minh Tuấn