Tiêu điểm

Tăng vị thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu

Làm gì để đưa Việt Nam thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút vốn đầu tư chất lượng và phát triển thành một cường quốc thương mại? Forbes Việt Nam ghi nhận ý kiến của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Ông Takeo Nakajima – trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội, tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO); ông Gabor Fluit – chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); và ông Hong Sun – chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM). (Ảnh từ trái sang)

Share
this:

Forbes Việt Nam: Theo quý vị, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến các lĩnh vực nào tại Việt Nam?

Takeo Nakajima: Hiện số công ty Nhật đang hoạt động tại Việt Nam với định hướng sản xuất cho xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa có tỉ lệ khoảng 50–50. Các nhà sản xuất hướng xuất khẩu chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện – điện tử, dệt may, giày dép, máy móc và phụ tùng ô tô. Các doanh nghiệp đầu tư hướng vào thị trường nội địa kỳ vọng vào sức tiêu dùng đang tăng với số dân 100 triệu người và nền kinh tế đang tăng trưởng. Hai thập niên qua, đầu tư và thương mại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) ở Việt Nam tăng nhanh, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, thu hút vốn ODA đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Gabor Fluit: Các thành viên EuroCham quan tâm đến những mô hình đầu tư khác biệt, kết hợp giữa tri thức chuyên môn từ châu Âu và nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa. Sự liên kết giữa các yếu tố này sẽ là tác nhân thúc đẩy đầu tư và đã thể hiện tại một số lĩnh vực như năng lượng tái tạo. Đáng chú ý là điện gió ngoài khơi nhờ đường bờ biển dài hơn 3.000km của Việt Nam và các mô hình điện gió ven biển phù hợp. Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt được kỳ vọng sẽ gia tăng số thành viên EuroCham tham gia lĩnh vực này.

Tầng lớp trung lưu đang gia tăng có vai trò như thỏi nam châm thu hút đầu tư. Khi tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, các doanh nghiệp châu Âu càng nỗ lực đầu tư vào mảng sản xuất hàng tiêu dùng cho thị trường nội địa. Các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và thời trang sẽ là những trọng điểm đầu tư mới.

Chi phí sản xuất và lực lượng lao động lành nghề tại Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh, trở thành lựa chọn của các nhà đầu tư châu Âu quan tâm đến sản xuất công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn với các ngành như điện tử, cơ khí chính xác và vật liệu tiên tiến. Quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang giá trị gia tăng sẽ giúp tăng sức mạnh tổng hợp của lực lượng lao động lành nghề Việt Nam và năng lực công nghệ quốc gia, tạo môi trường kinh doanh lý tưởng cho các lĩnh vực này.

Hệ sinh thái công nghệ Việt Nam cũng đang thu hút các nhà đầu tư EU, đặc biệt ở mảng phát triển phần mềm, khởi nghiệp công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số. Động lực này được thúc đẩy bởi dân số am hiểu công nghệ của Việt Nam và cam kết mạnh mẽ của chính phủ với chuyển đổi kỹ thuật số. Tôi kỳ vọng doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

Hong Sun: Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nhưng gần đây có xu hướng đầu tư đa dạng hơn, nhiều công ty đầu tư vào công nghệ cao hơn. Các nguồn đầu tư mới đang dần chuyển dịch từ công nghiệp phổ thông đến công nghệ cao, góp phần thay đổi xu hướng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, đầu tư nhiều hơn vào trang thiết bị kỹ thuật, không sử dụng quá nhiều lao động để tăng năng suất.

Forbes Việt Nam: Khẩu vị đầu tư có những thay đổi nào trong 30 năm Việt Nam mở cửa kinh tế, hội nhập quốc tế?

Takeo Nakajima: Có ba đợt bùng nổ thu hút đầu tư vào Việt Nam. Đợt đầu tiên khoảng năm 1995, các công ty Nhật vào Việt Nam sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế năm 1994. Năm 2006, Việt Nam gia nhập WTO tạo ra làn sóng thứ hai. Sau đó, khủng hoảng ngân tài chính 2008 khiến đầu tư vào Việt Nam tiếp tục tăng tốc và đa dạng hóa từ năm 2012, tạo ra đợt bùng nổ thứ ba.

Hầu hết nhà đầu tư Nhật tập trung vào sản xuất bởi chi phí hợp lý, khu công nghiệp dồi dào, nguồn nhân lực tốt và Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhật Bản có chương trình tài chính “Trợ cấp đa dạng hóa chuỗi cung ứng” hỗ trợ mạng lưới các nhà sản xuất Nhật Bản tại ASEAN. Trong tổng cộng 129 dự án được lựa chọn thì có 40% liên quan đến Việt Nam.

Gabor Fluit: Ưu tiên của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đã trải qua những thay đổi đáng kể trong suốt 30 năm. Nhìn chung, hành trình ưu tiên đầu tư của họ cũng phản ánh động lực phát triển của Việt Nam trong mối tương quan với mô hình phát triển kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn.

Những năm 1990, các nhà đầu tư châu Âu chủ yếu bị thu hút bởi lao động giá rẻ, sản xuất cơ bản và xuất khẩu, dẫn đến làn sóng đầu tư vào các ngành dệt may, giày dép và công nghiệp nhẹ.

Khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, những năm 2000 họ chuyển chú ý sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như điện tử, linh kiện ô tô và viễn thông, đòi hỏi lao động lành nghề và công nghệ tiên tiến hơn.

Việc gia nhập WTO đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Những năm 2010, khẩu vị đầu tư đa dạng hơn. Các ngành sản xuất vẫn giữ được tầm quan trọng nhưng mối quan tâm lớn hơn vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và dịch vụ. Sự xuất hiện của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam nhấn mạnh những bước tiến của đất nước về công nghệ và đổi mới cũng đã thu hút các nhà đầu tư châu Âu.

Gần đây hơn, đầu tư xanh và bền vững chiếm vị trí trung tâm. Cũng như các đối tác toàn cầu, họ ngày càng quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường và cơ sở hạ tầng bền vững. Sự quan tâm gắn với các ưu tiên phát triển của Việt Nam và tương ứng với xu hướng toàn cầu hướng tới các hoạt động bền vững.

Điều quan trọng trong giai đoạn này là hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được ký kết đã đóng vai trò then chốt củng cố sự hợp tác, không chỉ trong các lĩnh vực quan tâm hiện có mà còn tạo điều kiện tăng cường thương mại và đầu tư, đa dạng hóa môi trường hoạt động các doanh nghiệp EU tại Việt Nam.

Forbes Việt Nam: Trong tương quan với khu vực, Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn nào trong thu hút đầu tư?

Hong Sun: Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào Việt Nam vì chính phủ thể hiện thiện chí thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn chưa đủ, cần tiếp tục cải thiện và cởi mở hơn. Đơn cử, việc cấp thị thực cho người lao động nước ngoài ngắn hạn, gây bất tiện vì mất nhiều thời gian làm thủ tục giấy tờ.

Một vấn đề khá nghiêm trọng là thiếu điện. Các nhà đầu tư đang phải đối mặt với thách thức đảm bảo nguồn điện ổn định và bền vững cho sản xuất. Năm nay chúng ta chứng kiến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở miền Bắc, một số nhà máy phải ngừng hoạt động 2-3 ngày/tuần. Các nhà máy công nghệ cao cần nguồn điện ổn định, chưa kể chi phí tự phát điện mỗi ngày mất hàng chục ngàn đô la Mỹ, tăng chi phí sản xuất.

Takeo Nakajima: Việt Nam và Indonesia nổi bật trong các nước ASEAN về tiềm năng tăng trưởng thị trường. Các doanh nghiệp mong đợi sự tăng trưởng dài hạn trên thị trường B2B do dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam với các dự án cơ sở hạ tầng. Tầng lớp tiêu dùng trung lưu Việt Nam gia tăng tạo nhiều tiềm năng. Tuy nhiên quy mô thị trường hiện chưa cao khi GDP bình quân đầu người khoảng 4.000 đô la Mỹ, vẫn còn thấp.

Về thách thức, theo khảo sát của JETRO, Việt Nam đứng đầu trong sáu nước ASEAN về “sự kém hiệu quả của thủ tục hành chính.” Nhiều thành viên JETRO phàn nàn về sự chậm trễ, thiếu minh bạch và không công bằng trong thủ tục. Ngoài ra, một số thách thức về lương và chi phí tăng nhưng vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Gabor Fluit: Vị trí chiến lược tại Đông Á giúp Việt Nam trở thành trung tâm thương mại và đầu tư then chốt trong khu vực. Là quốc gia lân cận các thị trường lớn Trung Quốc, ASEAN và khu vực châu Á – Thái Bình Dương giúp các đối tác đầu tư tăng cường kết nối thương mại.

Về yếu tố nhân khẩu học, Việt Nam với đặc trưng lực lượng lao động năng động và lành nghề là yếu tố thuận lợi hình thành môi trường sản xuất hiệu quả về chi phí. Điều này rất phù hợp với các ngành đòi hỏi cả lao động chân tay và kỹ năng chuyên môn, thúc đẩy hệ sinh thái cạnh tranh toàn diện hơn cho các doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng bền vững. Những tiến bộ kinh tế và sự ổn định của đất nước củng cố thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư muốn khai thác thị trường tiêu dùng và tham gia hoạt động thương mại.

Việc Việt Nam tham gia tích cực vào các FTA là lợi thế lớn. EVFTA là hiệp định có tính bước ngoặt, thúc đẩy kết nối thương mại và đầu tư với EU, một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới và thị trường 500 triệu dân. EVFTA mở rộng cửa cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và đa dạng hóa đối tác thương mại. Kết quả thể hiện rõ qua kim ngạch thương mại giai đoạn sau EVFTA (2021–2022) đã tăng khoảng 7% so với trước EVFTA (2018–2019).

Về thách thức, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động kinh tế toàn cầu. Căng thẳng thương mại và suy thoái kinh tế ở các thị trường lớn có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Mặt khác, dù đã cải thiện đáng kể nhưng các quy trình hành chính quan liêu và phức tạp về quy định nhà nước có thể gây trở ngại cho các nhà đầu tư. Những khó khăn trong việc xin thị thực làm việc cho người lao động nước ngoài cũng là một trở ngại lớn.

Quá trình công nghiệp hóa và mở rộng đô thị khiến Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về môi trường cần được quan tâm lập tức. Tổng hợp của những thách thức này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp chủ động từ phía chính phủ, giải quyết những vấn đề này là chìa khóa để mở trói tăng trưởng.

Forbes Việt Nam: Thương chiến Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19 thúc đẩy chuỗi sản xuất chuyển dịch mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam cần những thay đổi lớn nào để hấp thụ sự chuyển dịch này?

Takeo Nakajima: Trước tiên Việt Nam phải vượt qua thách thức vừa phải tăng cường hệ thống cấp điện ổn định vừa phải đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 đầy tham vọng. Việc nỗ lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng tình trạng mất điện đột ngột gần đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sản xuất, hậu cần/vận tải, y tế và tài chính. Các vấn đề khác là cần đẩy nhanh thủ tục thông quan, thuế, tăng cường sự minh bạch thúc đẩy sự phát triển của các công ty nội địa.

Thương mại quốc tế của Việt Nam đã tăng 3,2 lần trong thập niên qua. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng, các quy định, số hóa quy trình và năng lực hải quan chưa cải tiến phù hợp với mức tăng trưởng này. 57% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho rằng thủ tục hải quan còn rườm rà. Việt Nam cần tạo ra hệ thống cho phép đất nước phát triển như một cường quốc thương mại.

Thêm vào đó, để trở thành trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng chất lượng doanh nghiệp địa phương là cần thiết, khi tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam thấp nhất trong sáu nước ASEAN và phải nhập khẩu hầu hết hàng hóa từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

Hong Sun: Thuế suất là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt gần đây là chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu. Việt Nam vẫn cần chính sách thuế hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao nhưng không phải địa phương nào cũng đủ năng lực hấp thụ nguồn vốn này.

Để đi cùng những nhà máy công nghệ cao cần hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo từ bậc đại học và năng suất cao. Không phải tất cả tỉnh thành đều có thể thu hút đầu tư công nghệ cao nên chính phủ cần xác định muốn phát triển lĩnh vực nào thì tập trung nguồn lực cho lĩnh vực đó. Khi chọn lĩnh vực, có thể bàn thảo với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đáp ứng chính xác nguồn lực.

Gabor Fluit: Theo chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) của EuroCham, 53% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nhận thấy việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam là “rất thiếu sót” hoặc “tụt hậu”. Điều này nhấn mạnh cách cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận về vai trò cơ sở hạ tầng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển mạnh.

Tiến độ đường cao tốc Bắc – Nam hay những tiến bộ ở dự án sân bay Long Thành, hệ thống tàu điện ngầm TP.HCM và Hà Nội rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, với khát vọng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu thì những thành tựu này mới chỉ là bước khởi đầu. Để Việt Nam trở thành nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng là rất cấp bách.

Chỉ số BCI EuroCham còn cho thấy một góc nhìn phức tạp. Mặc dù nguồn nhân lực dồi dào nhưng chỉ 1/3 lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát tỏ ra hài lòng với chất lượng nhân lực hiện tại. Việc đào tạo lao động có tay nghề có tầm quan trọng then chốt đối với các lĩnh vực công nghệ và sản xuất có giá trị gia tăng cao.

Quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam cũng đòi hỏi mở rộng nhiều lĩnh vực ngoài sản xuất, đòi hỏi lao động nhiều kỹ năng để nắm bắt các ngành dịch vụ, công nghệ và công nghiệp sáng tạo. Cách tiếp cận nhiều mặt này giúp tăng khả năng phục hồi bằng cách giảm sự phụ thuộc vào một lĩnh vực duy nhất, giảm tác động của các cú sốc kinh tế toàn cầu. Nó cũng mở ra những con đường tăng trưởng mới, kích thích đổi mới và tạo ra các cơ hội việc làm đa dạng.

Forbes Việt Nam: Để cải thiện những điểm yếu khi tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu từ đâu?

Takeo Nakajima: Theo khảo sát của JETRO, tỉ lệ nội địa hóa tính theo giá trị của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam là 37%, 63% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Mặc dù tỉ lệ hiện tại đã cải thiện từ mức 28% vào năm 2012 nhưng vẫn còn khá thấp so với Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57% và Indonesia là 47%.

Chúng ta cần có cách tiếp cận đa tầng để cải thiện tỉ lệ nội địa hóa. Vấn đề đầu tiên là nhà cung cấp trong nước thiếu chất lượng và năng lực kỹ thuật. Sản phẩm Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các công ty toàn cầu, thông qua hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo, tuyển dụng chuyên gia và giới thiệu các công cụ tiên tiến.

Gabor Fluit: Cần một chiến lược toàn diện. Đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt. Dành nguồn lực cho việc kiểm soát chất lượng, chứng nhận và phù hợp với sở thích của người tiêu dùng châu Âu có ý thức về môi trường có ý nghĩa then chốt.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thu được lợi ích đáng kể từ các hoạt động đào tạo và hỗ trợ có mục tiêu để đạt các tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu và đảm bảo tuân thủ các quy định xanh đang phát triển của EU, đặc biệt là Quy định chống phá rừng và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Việc thích nghi với các quy định ngày càng phức tạp của EU giúp các doanh nghiệp Việt Nam duy trì khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh.

Thứ hai là tạo điều kiện kết nối mạnh mẽ hơn giữa các nhà cung cấp địa phương và công ty đa quốc gia. Việc xây dựng các liên doanh và quan hệ đối tác chiến lược là công cụ giúp doanh nghiệp địa phương hội nhập vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia, thúc đẩy mối quan hệ cộng sinh mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tiến bộ công nghệ và đổi mới không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn đảm bảo sự tích hợp liền mạch vào các chuỗi cung ứng phức tạp. Để thu hẹp khoảng cách, cần thiết lập các chương trình chuyển giao công nghệ cho phép các công ty đa quốc gia chia sẻ kiến thức với các đối tác Việt Nam.

Chính phủ cần củng cố chính sách khuyến khích các công ty đa quốc gia tham gia với các nhà cung ứng địa phương và kết hợp họ vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ, thiết lập khung pháp lý thúc đẩy tính minh bạch và công bằng trong mối quan hệ giữa công ty đa quốc gia và nhà cung cấp địa phương làm nền tảng cho quan hệ đối tác hiệu quả.

Hong Sun: Để hình thành chuỗi cung ứng, ta có thể ví dụ về các doanh nghiệp Hàn Quốc, khi đầu tư nhà máy họ chấp nhận doanh số lớn nhưng lợi nhuận thấp để từng bước tích lũy phát triển.

Trong khi đó, nhiều công ty Việt Nam có các cơ hội đầu tư tốt, có lợi nhuận cao hơn từ một số lĩnh vực như bất động sản nên chưa dành tâm sức đầu tư vào sản xuất. Đặc biệt là để tạo giá trị cao khi tham gia vào chuỗi cung ứng, cần đầu tư vào nghiên cứu phát triển, tạo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty lớn.

Mặc khác, đầu tư vào sản xuất có rủi ro cao nên cần chính phủ quan tâm, hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp sản xuất trong nước nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng các công ty đa quốc gia, từng bước hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Chúng tôi từng kết nối một số công ty Việt Nam quy mô lớn để hợp tác làm đơn vị phụ trợ cấp 1, cấp 2 cho các công ty lớn của Hàn Quốc nhưng không thành. Một phần do yêu cầu tiêu chuẩn cao nhưng lý do chính là lợi nhuận không cao như đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác.

—————————-

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 121, tháng 9.2023