Công nghệ

Nhật Bản thành lập quỹ 6,6 tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ

Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ thành lập một quỹ trị giá 6,6 tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ khi Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đổ xô đưa người cũng như xây dựng căn cứ trên mặt trăng, đồng thời lên kế hoạch tương lai cho trạm Vũ trụ quốc tế trong cuộc đua mới giành quyền thống trị không gian.

Share
this:

Japan Times đưa tin nội các Nhật Bản phê duyệt phân bổ quỹ cho cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản để thực hiện nghiên cứu thăm dò không gian và tài trợ cho những đổi mới trong khu vực tư nhân.

Theo tờ báo Nikkei của Nhật Bản, nguồn quỹ sẽ được cấp cho các công ty phát triển công nghệ có thể dùng để hỗ trợ an ninh quốc gia hoặc những công ty phát triển tên lửa và “chòm sao vệ tinh” – hệ thống Internet vệ tinh – nhằm cạnh tranh với SpaceX của Elon Musk.

Sanae Takaichi, bộ trưởng phụ trách chính sách vũ trụ của Nhật Bản, cho biết quốc gia này không muốn bị tụt lại phía sau trong “cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước” nên cần thiết phải nỗ lực thêm.

Tên lửa “H3” thế hệ tiếp theo rời bệ phóng tại trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở Kagoshima, tây nam Nhật Bản, vào ngày 7.3.2023. Ảnh: Jiji Press/AFP/ Getty Images/ Forbes

Hiện Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản đều chạy đua xây dựng căn cứ trên mặt trăng và lên kế hoạch cho các nhiệm vụ lớn khác như việc ngừng hoạt động của trạm Vũ trụ quốc tế. Ngoài ra, Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới hạ cánh tàu vũ trụ xuống mặt trăng vào đầu năm tới.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết dự kiến sẽ chi 1 tỉ USD để xử lý an toàn trạm Vũ trụ quốc tế sau khi chương trình nghiên cứu không gian trên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất kết thúc vào đầu những năm 2030.  

Đồng thời, NASA đang chuẩn bị cho sứ mệnh đưa con người trở lại mặt trăng vào năm 2025 để khám phá khu vực gần cực nam mặt trăng – nơi các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về băng nước – và đặt nền móng xây dựng một căn cứ nghiên cứu khoa học.

Trung Quốc cũng đang tiến hành sứ mệnh thám hiểm mặt trăng theo đúng kế hoạch và dự kiến tàu Hằng Nga 6 sẽ được phóng trong năm 2024 để mang về những mẫu đầu tiên từ khu vực gần cực nam. Đồng thời, sứ mệnh này sẽ góp phần giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu xây dựng trạm nghiên cứu quốc tế trên bề mặt mặt trăng vào năm 2040.

Đầu năm nay, tàu vũ trụ của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực nam. Quốc gia này lên kế hoạch thực hiện sứ mệnh quay trở lại trong vòng 5 – 7 năm tới với mục tiêu gửi tổng cộng 4 mô-đun lên mặt trăng để thu thập các mẫu vật.

Tuần trước, Reuters đưa tin Nga có kế hoạch đưa các phi hành gia lên mặt trăng trong thập niên tới và bắt đầu xây dựng căn cứ tại đó vào năm 2031.

Theo Japan Times, ngành công nghiệp ô tô vững mạnh của Nhật Bản có thể giúp quốc gia này dễ tham gia vào cuộc đua lên mặt trăng, và các công ty như Toyota và Mitsubishi cũng đang phát triển tàu thám hiểm mặt trăng và tên lửa.

Thật ra Nhật Bản đã tiến hành nhiều hoạt động khám phá không gian vũ trụ từ rất lâu nhưng quốc gia này vẫn chưa theo kịp nhiều nước trên thế giới. Vào những năm 1980, Nhật Bản thực hiện sứ mệnh đầu tiên ngoài quỹ đạo Trái đất và phóng tàu lên Sao Hỏa vào năm 1998 nhưng tàu bị phá hủy do sự cố điện.

Trong năm 2007, Nhật Bản phóng vệ tinh thăm dò Kaguya để thu thập các dữ liệu về mặt trăng. Đầu năm nay, Nhật Bản triển khai sứ mệnh đầu tiên thám hiểm mặt trăng, phóng tên lửa mang tàu đổ bộ SLIM.

Nhật Bản là một trong những đối tác quốc tế tham gia chương trình Trạm vũ trụ quốc tế. Nhật Bản xây dựng nhiều bộ phận của trạm từ cuối những năm 1980. Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản là một trong năm cơ quan chịu trách nhiệm vận hành phần cứng cho trạm. Nhật Bản đã có 9 du khách đến trạm, bao gồm 6 thành viên phi hành đoàn.

Khoản phân bổ 6,6 tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của Nhật Bản không nhiều so với mức chi của Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Hoa Kỳ chi 25,4 tỉ USD cho Project Apollo trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1973, tương đương khoảng 219 tỉ USD ở thời điểm hiện tại.

Chi phí của chương trình thám hiểm mặt trăng Artemis dự kiến sẽ lên tới 93 tỉ USD. NASA và một số cơ quan đối tác, bao gồm Nhật Bản, thực hiện chương trình này từ năm 2012 đến năm 2025. Ngân sách của NASA tăng lên 25,4 tỉ USD trong năm 2023.

Ấn Độ chi ít hơn cho dự án đưa tàu Chandrayaan-3 lên mặt trăng vào tháng 8. Theo Nature Journal, ngân sách không vượt quá ngân sách 75 triệu USD. Lenta.Ru đưa tin Nga dự định dành 2,88 tỉ USD cho chương trình không gian vào năm 2024, và nguồn ngân sách này sẽ giảm dần theo từng năm sau đó. Công ty tư vấn Euroconsult ước tính Trung Quốc đã chi gần 12 tỉ USD cho chương trình không gian vào năm 2022.

Tuần gần cuối tháng 11, các nhà khoa học công bố một hình ảnh mới về trung tâm dải Ngân hà có thể giúp hiểu rõ hơn về sự khởi đầu của vũ trụ. Kính thiên văn James Webb của NASA chụp lại hình ảnh này.

Ngày 18.11, cục Hàng không Liên bang đã cấp phép cho SpaceX phóng thử nghiệm Starship lần 2. Tàu vũ trụ tiếp tục nổ như trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên. Nhưng các chuyên gia nghiên cứu cho biết đợt này đạt nhiều tiến bộ hơn so với lần phóng sáu tháng trước. Tàu vũ trụ Starship đã tách thành công khỏi bộ đẩy Super Heavy và tự bay trong khoảng 10 phút qua vịnh Mexico.

Theo kế hoạch, tàu vũ trụ Starship sẽ đưa các phi hành gia của NASA lên mặt trăng sau hơn 50 năm để thực hiện sứ mệnh Artemis III.

Biên dịch: Gia Nhi

———————–

Xem thêm:

Amazon phóng thành công vệ tinh thử nghiệm vào vũ trụ
Startup Gitai mở ra hướng đi mới cho ngành hàng không vũ trụ