Sáng tạo

Startup Gitai mở ra hướng đi mới cho ngành hàng không vũ trụ

9 tháng trước
Tác giả India Rice

Gitai đang phát triển dòng robot thế hệ mới có thể làm việc ngoài không gian và trên bề mặt của mặt trăng.

Share
this:

Sho Nakanose hình thành niềm đam mê về robot học từ một biến cố lớn cách đây 10 năm trước. Đó là khi anh chứng kiến người mẹ của mình qua đời. Nỗi đau này khiến Nakanose trở nên ám ảnh với ý tưởng rằng mọi thứ có lẽ đã khác đi nếu anh có trong tay công nghệ mới.

“Tôi từng suy nghĩ rằng giá như khi đó chúng ta có thể phát triển ra những công nghệ mới, như nâng cao khả năng của con người, có lẽ tôi đã cứu được mẹ,” Sho Nakanose chia sẻ.

10 năm sau, Sho Nakanose, 36 tuổi, đã biến nỗi đau đó thành động lực để lập nghiệp với Gitai – công ty khởi nghiệp đặt trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản.

Đến nay, Gitai đã huy động hơn 47 triệu đô la Mỹ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm gồm Daiwa Corporate Investment Venture Growth Fund, Mitsubishi UFJ Capital IX và Global Brain CVC Funds, đặt mục tiêu phát triển robot có thể hoạt động ngoài không gian, như thu thập mẫu đất trên bề mặt của mặt trăng.

Nhưng ý tưởng chính đằng sau sứ mệnh của công ty là sử dụng robot để nâng cao cuộc sống và sức khỏe cho con người khi ở ngoài không gian.

Việc đưa con người lên sinh sống và làm việc ngoài không gian là một quá trình tốn kém và nguy hiểm. Ví dụ, chi phí để đưa một phi hành đoàn lên quỹ đạo trái đất và trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có thể tiêu tốn từ 58 triệu đô la Mỹ/người, kèm theo đó là những rủi ro về sức khỏe khi di chuyển ngoài không gian.

Theo cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ – NASA, quá trình tiếp xúc với lượng bức xạ vũ trụ khi ở ngoài không gian có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư và gây tổn thương lên hệ thần kinh, ảnh hưởng tới sự liên kết giữa bộ não và các giác quan. Bên cạnh đó là chức năng nhận thức bị đảo lộn, hệ vận động suy yếu và dẫn đến những hành vi bất thường.

Sho Nakanose, nhà sáng lập và CEO của Gitai. Ảnh: Gitai.

Với Nakanose, việc ứng dụng công nghệ robot có thể mở ra hướng đi hợp lý và thiết thực trong công cuộc khám phá vũ trụ, mà không ảnh hưởng đến tính mạng của con người.

Anh cho biết mục tiêu của Gitai là cắt giảm 100 lần chi phí nhân công làm việc ngoài không gian và giảm thiểu rủi ro về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, thông qua việc đưa robot bay lên quỹ đạo thay cho con người.

Nakanose cho biết, Gitai hiện đang sản xuất hai sản phẩm. Đầu tiên là cánh tay robot có chiều dài 2m, với hình dạng và chuyển động lấy cảm hứng từ con sâu, và có thể trang bị nhiều vật dụng khác nhau như máy khoan, xẻng. Phần bàn tay của robot có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Về tiềm năng, robot này có thể giúp các phi hành gia không phải di chuyển quá nhiều ngoài bên không gian để sửa chữa, hoặc bảo trì trên tàu vũ trụ hay tại trạm không gian.

Còn sản phẩm thứ hai là xe tự hành mặt trăng, có kích cỡ tương đương với một chiếc xe go-kart và phạm vi hoạt động hàng chục km. “Thiết bị này có khả năng định vị và vận hành trên bề mặt của mặt trăng,” Nakanose cho biết. Anh cho rằng thiết bị này có vai trò quan trọng trong bối cảnh NASA có ý định đưa con người lên định cư lâu dài trên mặt trăng.

Nhưng Gitai không phải cái tên duy nhất trên thị trường. Lĩnh vực phát triển robot làm việc ngoài không gian hiện nay chứng kiến sự áp đảo từ nhóm doanh nghiệp như MDA Space, công ty từ Canada sản xuất cánh tay robot cho ISS, và nhà sản xuất hệ thống tự động cho tàu vũ trụ Redwire có trụ sở tại Luxembourg.

Nhu cầu dành cho robot hoạt động ngoài không gian đang tăng cao, với công ty phân tích thị trường Grand View Research trong một báo cáo đưa ra lý do từ yêu cầu về “sửa chữa, dịch vụ và bảo trì hiệu quả các vệ tinh địa tĩnh.”

Grand View Research dự báo thị trường này sẽ có quy mô hơn 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027. “Hiệu quả chi phí, năng suất tốt hơn và khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt ngoài vũ trụ là những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu dành cho công nghệ tự động ngoài không gian,” báo cáo cho biết.

Christopher Stott – nhà phân tích của Lonestar Data Holdings Inc., nhận định Gitai có thể trở thành cái tên thách thức vị thế thống trị của những doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực này.

“Trong khi MDA và Redwire là những nhân tố quan trọng trong lĩnh vực phát triển robot làm việc ngoài không gian hiện nay, Gitai có tiềm năng trở thành đối trọng thực sự. Việc này tương tự như cái cách mà SpaceX đã trở thành tên tuổi lớn trong ngành hàng không vũ trụ,” Stott cho biết.

Gitai có nhiều khách hàng hoạt động trong lĩnh vực phát triển robot làm việc ngoài không gian. Nakanose cho biết “chúng tôi giúp các đối tác xây dựng xây dựng cơ sở hạ tầng, như vận chuyển và chi phí nhân công.”

Một thập niên trước, công việc và cuộc sống của Sho Nakanose không hề liên quan gì đến các lĩnh vực robot học và không gian. Anh từng làm nhân viên tư vấn giải pháp công nghệ thông tin (IT) cho IBM Nhật Bản vào năm 2009, phụ trách việc thay đổi hệ thống sang hệ thống SAP mới (do một công ty cùng tên tại Đức phát triển) mới cho khách hàng. Thời gian sau, anh rời công ty để tìm hướng đi mới cho sự nghiệp, đưa ra lý do “bản thân không phù hợp với vai trò nhân viên tại một doanh nghiệp lớn.”

Năm 2013, Nakanose chuyển đến Ấn Độ và thành lập CloudLancer India, Pvt, Ltd – công ty tập trung vào phát triển trang web cho khách hàng, bên cạnh việc tự phát triển trang web riêng và ứng dụng di động về tiếp thị và giáo dục. Vào năm 2015, anh bán CloudLancer India cho một công ty ở Ấn Độ, sau đó trở về Nhật Bản để theo đuổi niềm đam mê về robot.

Năm 2016, Nakanose thành lập Gitai với mục tiêu xây dựng hệ thống robot có chi phí thấp hơn, hỗ trợ xây dựng và bảo trì hạ tầng ngoài không gian. Cái tên “Gitai” có nghĩa là “cơ thể máy móc” trong tiếng Nhật. Nhưng có lẽ cái tên này còn dễ nhận biết hơn khi đó là cách gọi những người có cơ thể kết hợp với máy móc trong Ghost in the Shell, bộ phim yêu thích của Nakanose.

Robot của Gitai sẽ trải qua quá trình vận hành trong môi trường giả lập trước khi đưa lên mặt trăng. Ảnh: Gitai.

Năm 2021, Gitai đã tổ chức thành công sự kiện trình diễn công nghệ đầu tiên tại ISS cho robot tự hành có khả năng thám hiểm mặt trăng và xây dựng, sửa chữa tàu vũ trụ. Đến năm 2024, công ty sẽ tổ chức sự kiện trình diễn công nghệ khác, với địa điểm bên ngoài ISS. Gitai cũng có những dự án chuẩn bị thực hiện với cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Toyota và các tổ chức khác.

Vào tháng 5.2023, Gitai đã huy động thành công 30 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn Series B, với mục tiêu mở rộng quy mô và nâng công suất hoạt động cho nhà máy sản xuất đặt tại Torrance, California. Trong tương lại, Nakanose cho biết dự án quan trọng nhất của Gitai sẽ là phát triển robot hỗ trợ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, ăng ten viễn thông, mô-đun môi trường và máy phát điện ngoài không gian, cũng như đưa hàng ngàn robot lên bề mặt của mặt trăng.

“Chúng tôi sẽ đưa hàng ngàn robot lên bề mặt của mặt trăng và Sao Hỏa, với nhiệm vụ lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, ăng ten viễn thông, mô-đun môi trường và máy phát điện. Đó sẽ là dự án lớn nhất của Gitai trong tương lai gần,” Nakanose chia sẻ.

Biên dịch: Minh Tuấn