multi-media / Megastory

Đánh thức hoang sơ

Khu nghỉ dưỡng Crown Retreat Quy Nhơn nhắm đến thị trường ngách với kỳ vọng giới thiệu những gì đặc sắc nhất của Bình Định đến du khách.

Một ngày cách đây 20 năm, ông Lê Duy Linh chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ngoại thất có tiếng, dẫn những người bạn ngoại quốc đi khám phá bán đảo Phương Mai, khu vực cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 25km.

Thời điểm đó, cầu Thị Nại (hay cầu Nhơn Hội) chưa có, cách dễ nhất là đi bằng thuyền mất hơn một giờ đồng hồ rồi lội nước vào trong bán đảo. Vùng đất hoang sơ với những dải núi nhấp nhô nối tiếp nhau, phía dưới là bãi cát trắng phau, nước biển xanh trong màu ngọc bích làm những vị khách mê đắm.

“Quê hương ông đẹp như thế này mà sao ông không làm giàu từ đây?” – những người bạn đã hỏi ba tôi như vậy. Câu nói đó đã thúc đẩy ông xin dự án du lịch,” Lê Duy Lân, tổng giám đốc công ty Trung Hội, con trai ông Linh kể với Forbes Việt Nam về sự bắt đầu của Crown Retreat Quy Nhơn.

Khu nghỉ dưỡng nằm ở bán đảo Phương Mai thuộc sở hữu của công ty Du lịch Trung Hội, một doanh nghiệp gia đình. Sau sáu năm có mặt trên thị trường, Crown Retreat Quy Nhơn – cái tên mang ý nghĩa “ẩn mình dưới tàng cây” là một trong số ít khu nghỉ dưỡng phân khúc tầm trung ở khu vực Quy Nhơn (Bình Định) ghi dấu trong lòng du khách với bãi biển hoang sơ, những trải nghiệm văn hóa đặc trưng vùng đất võ và những nỗ lực bảo tồn nét tự nhiên.

Trên bản đồ du lịch quốc gia, bán đảo Phương Mai là vùng núi thấp có nhiều ngọn nhấp nhô, trong đó núi Bà cao hơn 350m nối với dãy Triều Châu bằng một dải núi dài chừng 2km, bề ngang có nơi hẹp nhất chỉ độ 500m.

Từ thành phố Quy Nhơn đến bán đảo Phương Mai, du khách đi qua sáu cây cầu, trong đó có cầu vượt biển Thị Nại, cây cầu dài thứ hai Việt Nam với gần 2.500m và 54 nhịp.

Bán đảo Phương Mai được đánh giá là điểm du lịch lý tưởng núi liền biển, những bãi tắm hoang sơ nước trong xanh, cồn cát trải dài, rạn san hô tuyệt đẹp và những làng chài yên bình.

Crown Retreat Quy Nhơn là khu nghỉ dưỡng có những lợi thế đặc biệt tại bán đảo này: nằm dọc đường bờ biển dài 3km bao quanh núi Bà, trong đó có 700m với bãi cát thoai thoải, lúc ngà vàng, lúc chuyển trắng. Nước biển trong vắt màu ngọc bích mang đặc trưng khu vực biển Nam Trung Bộ.

Phóng tầm mắt là có thể nhìn thấy những chiếc thuyền đánh cá nhỏ dập dềnh theo từng con sóng nhỏ. Để giữ gìn không gian này, Trung Hội đã chọn mô hình retreat (khu nghỉ dưỡng với những phòng ốc riêng tư, yên tĩnh), một sản phẩm còn thiếu trên thị trường du lịch Quy Nhơn để du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp và môi trường tự nhiên.

Trên tổng diện tích hơn 14,7 héc ta, nhà đầu tư chỉ xây dựng 63 bungalow (một căn nhà có diện tích nhỏ gọn, kết cấu tương đối đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tiện nghi cho người sử dụng) mái lợp lá dừa nước nằm dọc theo bãi biển, tạo thành một ngôi làng nhỏ.

“Phần xây dựng chỉ khoảng 6% tổng diện tích, chúng tôi cố gắng xây dựng ít nhất có thể để giữ lại vẻ hoang sơ cho bãi biển,” Lân nói và thừa nhận số phòng ít khiến bài toán tài chính khó hơn nhưng công ty chấp nhận để đạt mục tiêu “tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa độc đáo của Bình Định.”

Năm 2015, khu nghỉ dưỡng chính thức khởi công và mở cửa đón khách hai năm sau đó. Du lịch Quy Nhơn chính thức cất cánh khi một số tập đoàn bất động sản đầu tư, xây dựng các quần thể khách sạn nghỉ dưỡng lớn đi liền với những chiến dịch quảng bá điểm đến.

“Trung Hội nhìn thấy cơ hội nên khởi công Crown Retreat Quy Nhơn cố bắt kịp thời điểm FLC Quy Nhơn khai trương để tận dụng làn sóng thị trường, nhưng chúng tôi chọn thị trường ngách với phân khúc khách nội địa tầm trung,” Lân lý giải. Chiến lược này dường như đã đúng hướng khi khu nghỉ dưỡng đạt hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng nhanh ngay từ những năm đầu hoạt động.

Theo số liệu tự bạch, năm 2019, doanh thu Crown Retreat tăng 60% so với năm trước đó. Năm 2020, doanh thu vẫn khá tốt vì tệp khách hàng chính của họ chưa bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Sau sáu tháng đóng cửa, đầu năm 2022 Crown Retreat hoạt động trở lại, doanh thu tăng 60% so với trước đại dịch và giữ được con số này trong năm 2023 dù nhu cầu du lịch sụt giảm do kinh tế khó khăn. Tỉ suất khai thác phòng bình quân đạt 60–70%, tỉ lệ doanh thu từ phòng chiếm 60%, phần còn lại đến từ mảng kinh doanh dịch vụ F&B (thực phẩm và đồ uống).

Khu nghỉ dưỡng được Trung Hội tự quản lý và vận hành. Lê Duy Lân sinh năm 1992, từng du học Anh ngành quản trị kinh doanh chịu trách nhiệm bán hàng, truyền thông tiếp thị và tài chính, trong khi người cha quản lý chung và xây dựng.

Crown Retreat Quy Nhơn từng thuê giám đốc điều hành người nước ngoài, khu nghỉ dưỡng hiện không đầu tư theo các tiêu chuẩn xếp hạng sao của Việt Nam mà tập trung vào xếp hạng của các nền tảng đánh giá điểm đến của thế giới.

Trước khi có khu nghỉ dưỡng, Trung Hội đã có hai mô hình kinh doanh dịch vụ là Surf Bar Quy Nhơn (ra mắt năm 2014) và khu dã ngoại Trung Lương (năm 2015) dành cho phân khúc khách phổ thông. Surf Bar là quán cà phê bên bờ biển nằm ngay tại trung tâm thành phố Quy Nhơn với không gian mở để khách hàng tận hưởng vẻ đẹp về đêm của biển.

Trong khi đó, khu dã ngoại Trung Lương cung cấp các dịch vụ như tham quan Cát Farm, lặn ngắm san hô, câu cá, thể thao dưới nước, đốt lửa trại và các món ăn truyền thống đặc sản địa phương.  Khi còn là sinh viên Lân đã nảy sinh ra ý tưởng kinh doanh này, anh tranh thủ triển khai trong thời gian nghỉ mỗi năm rồi quay lại trường, phụ huynh điều hành hoạt động.

Báo cáo “Du lịch bền vững năm 2023” do nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com thực hiện cho thấy du khách Việt Nam thuộc nhóm yêu thích và có ý thức hành động vì du lịch bền vững hàng đầu thế giới. 97% người tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới, cao hơn con số bình quân toàn cầu là 80%; 79% cho biết cảm thấy an tâm hơn khi ở tại một cơ sở lưu trú được trao chứng nhận bền vững. Đặc biệt, 83% du khách mong muốn có thể giúp những địa điểm du lịch họ đến trở nên xanh sạch hơn sau khi rời đi, cao hơn tỉ lệ toàn cầu là 66%.

Tại Crown Retreat Quy Nhơn, Trung Hội hướng tới bảo tồn thiên nhiên tối đa bằng cách bảo vệ và duy trì vùng biển, bãi cát và cảnh quan tự nhiên, qua đó thúc đẩy sự tương tác giữa du khách và thiên nhiên để hiểu hơn giá trị môi trường sinh thái. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Rác thải nhựa được hạn chế tối đa bằng cách sử dụng các đồ dùng từ vật liệu thân thiện với môi trường, 90% đồ dùng trong phòng nghỉ sử dụng nhựa nguyên sinh.

Lê Duy Lân quan niệm, kinh doanh bền vững là hành trình giải đáp cho câu hỏi “có thể đi xa đến mức nào?” Vì vậy, mục tiêu Trung Hội đang hướng đến là “xanh” trong từng yếu tố: sử dụng năng lượng tái tạo, hóa chất có nguồn gốc thực vật trong giặt tẩy, vệ sinh, quản lý tài nguyên nước và năng lượng hiệu quả, đồ dùng làm từ vật liệu tái chế hay thực phẩm trong từng món ăn phải có chứng nhận nuôi trồng, khai thác không ảnh hưởng đến tự nhiên.

Điều này đòi hỏi đầu tư lớn, áp lực lên tài chính doanh nghiệp nhưng mang lại lợi ích lâu dài: giảm chi phí vận hành và quản lý, thu hút được du khách ý thức về môi trường, gia tăng lợi nhuận.

Từ bỏ ngành gỗ và chuyển sang làm du lịch, Lân cho biết doanh nghiệp gia đình chuyển từ thu tiền chẵn sang thu tiền lẻ nhưng biên lợi nhuận tốt hơn. “Điều vui nhất là tinh thần thoải mái và mang được những gì tốt đẹp nhất của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế,” anh nói.

————————————-

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 123, tháng 11.2023, chuyên đề “Phát triển ngành du lịch Việt Nam”