Công nghệ xanh

Sách lược: Dean Solon thành tỉ phú năng lượng mặt trời nhờ cải tiến quy trình sản xuất

Dean Solon kiếm được khối tài sản hàng tỉ đô la Mỹ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời nhờ phát triển loại thiết bị có thể được sản xuất với giá rẻ hơn ở Trung Quốc. Bí quyết của ông: giá cao hơn mang lại chất lượng tốt hơn.

Share
this:

Tại nhà máy rộng hơn 9.000m2 của Shoals Technologies ở Portland, Tennessee, hành trình tìm kiếm sự đơn giản của Dean Solon bắt đầu từ việc phân định các nhóm công nhân của mình thông qua màu áo của họ, theo cảm hứng từ chương trình truyền hình thiếu nhi Sesame Street.

“Biểu trưng của SunPower có màu vàng, đó là nhân vật Big Bird. First Solar có màu đỏ, đại diện cho Elmo,” ông cho biết. Những nhân viên làm việc theo đơn đặt hàng cho Blattner Energy, một nhà thầu năng lượng mặt trời lớn, mặc áo màu xanh theo nhân vật Cookie Monster. “Và tiếp đó là Count, người luôn đếm, dùng màu tím. Họ kiểm tra chất lượng.”

Các công nhân của Shoals tại bốn nhà máy ở Tennessee và Alabama làm ra các bộ phận dùng để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời lớn – về cơ bản là mọi thứ bạn cần, ngoài những tấm quang điện sáng bóng và bộ biến tần để cung cấp năng lượng cho lưới điện. Họ chế tạo các cụm cáp, hộp kết hợp, cầu chì bên ngoài. Chính xác thì đó là loại hình sản xuất không có gì hấp dẫn, hầu hết mọi người đều cho rằng đã dịch chuyển sang Trung Quốc từ nhiều năm trước.

Quả thật thế, hầu hết đối thủ cạnh tranh của Solon là các công ty Trung Quốc như GCL System Integration và Wuxi Sun King. Các bộ phận do Trung Quốc sản xuất rẻ hơn của Shoals, nhưng Solon có lợi thế: Sản phẩm của ông được coi là an toàn hơn, đáng tin cậy hơn và dễ lắp đặt hơn.

Dây chuyền công việc: Dean Solon đã thiết kế nhà máy ở Portland, Tennessee, nơi mỗi ngày 500 nhân viên của ông sản xuất cáp đủ để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cực kỳ lớn “megawatt trên megawatt”. Ảnh: Jamel Toppin chụp cho Forbes

Nghĩa là các công ty sẵn sàng trả thêm 5-10%, với niềm tin phần chi phí tăng thêm đó sẽ bù đắp chi phí lao động và bảo trì. Năm ngoái, khoản chênh đó giúp tăng thêm 34 triệu đô la Mỹ lợi nhuận trên doanh thu 176 triệu đô la Mỹ. Sau khi IPO vào tháng giêng, Solon, 57 tuổi, có tài sản ròng khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ, nhờ vào 40% cổ phần trong công ty và tiền thu được sau thuế từ việc bán cổ phần trước đó.

Để giữ cho sản phẩm cao cấp sản xuất tại Mỹ có chi phí thấp nhất có thể, Solon làm cho quá trình sản xuất trở nên rõ ràng hết mức có thể. Màn hình gắn ở mặt trước mỗi máy hướng dẫn công nhân cách thực hiện từng công việc – từ việc tước và uốn dây đến lắp cầu chì và hoàn thiện cụm cáp – với chu kỳ thời gian tính bằng giây.

Solon cho biết, đó là thế giới của những phản xạ có điều kiện, trong đó các công nhân được huấn luyện để tự sửa lỗi khi đèn trên đầu khu làm việc của họ nhấp nháy, cho thấy họ đã chậm tiến độ và có khoảng 15 phút để điều chỉnh trước khi đèn chớp nhanh hơn và dịch vụ bảo trì được thực hiện. Họ được dặn là không bao giờ phải lo lắng về sự lộn xộn.

Các quản lý ngồi ở sàn nhà máy, bên trên một bệ lửng mà Solon gọi là Pride Rock, theo tên phiến đá nổi tiếng trong phim Vua Sư tử. Họ hiếm khi phải can thiệp vào công việc; các nhóm giúp nhau giải quyết các vấn đề, bởi vì nếu một người làm quá chậm, khâu tiếp theo sẽ không làm được. “Đừng la hét với bất cứ ai; hãy để họ tự giải quyết vấn đề,” Solon nói. “Tôi không cần phải vắt kiệt sức họ thêm mười giây nữa. Nếu đèn xanh bật sáng, chúng tôi đang làm ra tiền.”

“Nếu quy trình này xảy ra sai sót, chúng tôi là người thấy xấu hổ – chúng tôi đã thiết kế sai, chúng tôi không đủ hoàn hảo để bạn không mắc sai lầm.”

Dean Solomon

Solon đưa gia đình đến Disney World hai lần mỗi năm trong hàng chục năm nay và từ lâu ông vẫn luôn ngưỡng mộ sự dàn dựng hoàn hảo của công viên này: “Bề ngoài mọi thứ đều bình lặng, hạnh phúc và thanh thản, nhưng bên dưới là bộ máy vận hành hàng trăm người để đảm bảo rằng điều kỳ diệu được diễn ra đúng kế hoạch.” Tuy nhiên, trong chuyến đi gần đây đến Orlando, ông không đến Disney mà đến một cánh đồng năng lượng mặt trời gần đó thuộc sở hữu của Origis Energy.

Vào những ngày nắng đẹp, công trình rộng 109 héc ta này tạo ra 60 megawatt – đủ để cung cấp khoảng 1/4 nhu cầu điện năng của Vương quốc phép thuật. Michael Eyman, giám đốc điều hành của Origis Services, cho biết các sản phẩm của Shoals “không phải lúc nào cũng rẻ nhất, nhưng luôn là tốt nhất.” Origis đã thử lắp thiết bị của đối thủ cạnh tranh, “và tất cả đều bị lỗi trong thời gian bảo hành, không hề có ngoại lệ.”

Phần cứng “chỉ cần lắp đặt và hoạt động” của Shoals giúp cắt bỏ đội ngũ thợ điện tốn kém chuyên tước dây và bẻ hàng triệu kết nối bằng tay. “Chúng tôi không tận dụng nơi làm ăn của khách hàng để thực nghiệm thành phẩm,” Solon nói, khoe về bức tường có gắn năm hộc thử nghiệm, những chiếc hộp cỡ tủ lạnh mà ông có thể đặt các nguyên mẫu trong 40 ngày đêm chịu sức nóng, lạnh và 100% độ ẩm tương đối.

Solon là nhà phát minh có 30 bằng sáng chế đã được cấp cũng như đang chờ duyệt.

Ông có cũng khoảng chừng đó chiếc quần đùi jean, trang phục ưa thích của ông, cùng với chiếc áo thun có cổ Shoals màu đen. Ông tự hào vì mình không quá quan tâm đến việc kiểm soát chi tiêu và việc nộp hồ sơ lên SEC, đến mức 15 tháng trước ông đã giao quyền CEO cho giám đốc kỹ thuật lâu năm Jason Whitaker. Solon vẫn ở trong ban giám đốc, tập trung vào các sản phẩm mới. Brad Forth là chủ tịch của Shoals, cũng là cố vấn cấp cao của Oaktree Capital, công ty đã mua hơn một nửa công ty từ Solon vào năm 2017 và thu về hai tỉ đô la Mỹ trong đợt IPO gần đây.

Hiện giờ, khi công ty đã niêm yết, liệu có động lực nào để gia tăng biên lợi nhuận bằng cách nới lỏng một số quy định chặt chẽ đến ám ảnh của Solon không? Whitaker, 41 tuổi, nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ hi sinh chất lượng hoặc uy tín để đổi lấy bất cứ thứ gì, bởi vì điều đó đã được xây dựng trong chính quy trình.”

Solon bắt đầu công việc từ năm tám tuổi, khi đi theo phụ việc cho cha mình, thợ sửa chữa điện lạnh và dạy tại trường dạy nghề ở Gary, Indiana. Khi ấy, Dean tháo rời mọi thứ để xem hoạt động bên trong rồi ráp lại, từ máy cắt cỏ đến động cơ V8, và đôi khi còn để dư ra vài bộ phận nhỏ sau khi lắp xong. Đến năm 16 tuổi, ông có khách hàng riêng và xe tải riêng.

Ông theo học kỹ thuật tại Purdue nhưng bỏ học. Ông bỏ thực tập tại Inland Steel khi hãng này từ chối công nhận những đổi mới mà ông phát triển. Cuối những năm 1980, ông chế tạo và bán các bộ phận ô tô cho liên doanh giữa General Electric và Bosch. Ông cắt giảm hoa hồng để lôi kéo khách hàng quay trở lại nhiều hơn – sau đó nghỉ việc khi thấy các ông chủ bực bội vì ông vẫn kiếm được nhiều tiền hơn họ.

Năm 2003, ông nhận được cuộc gọi từ First Solar, công ty này cần một số hệ thống dây và hộp nối để kết nối các tấm pin mặt trời. Ngay sau đó, công ty Cypress Semiconductor cũng muốn có cùng thiết bị giống vậy cho bộ truyền năng lượng mặt trời SunPower của mình. “Tôi là người cả đời thích máy móc và kỹ thuật – tôi từng nghĩ mình sẽ nghỉ hưu và chế tạo các bộ phận xe hơi”. Nhưng thay vào đó, ông giới thiệu chủ nghĩa hoàn hảo trong sản xuất năng lượng mặt trời cho những người không biết làm thế nào để tăng quy mô sản lượng hiệu quả. “Tất cả những gì tôi biết là tăng quy mô.”

Cuộc cách mạng năng lượng mặt trời vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Năm 2020, sản lượng điện mặt trời của Hoa Kỳ đã tăng 25% lên 130 GWh, nhưng năng lượng tái tạo, không bao gồm thủy điện, chỉ chiếm 12,5% tổng nguồn cung năng lượng trong nước. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, vẫn còn có cơ hội khác cho những người chơi bản địa có thể tỏa sáng: Cuối năm 2019, công ty Huawei của Trung Quốc đã đóng cửa hoạt động kinh doanh năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ sau khi Quốc hội công khai lo ngại thiết bị của Huawei có thể là trung gian cho cuộc tấn công mạng.

Dù là một người làm việc tuân thủ quy trình chặt chẽ, nhưng Solon vẫn ưu tiên cho yếu tố con người trong công việc kinh doanh của mình. Những con rối máy móc có thể thú vị ở công viên giải trí, nhưng không phải ở các nhà máy của Shoals. Solon nói: “Thật tuyệt khi một con robot có thể làm việc 24/7, nhưng con robot thì lại không về nhà với gia đình và phải cho nó ăn vào cuối buổi tối. Tôi có thể thiết lập tự động hóa và sản xuất hoàn toàn bằng robot, cho toàn bộ nhà máy này. Nhưng rồi sau đó tôi chỉ là một kẻ ngốc.”

Thông tin bên lề
TÔI SẼ ĐẾN CÔNG VIÊN DISNEY!

Ảnh: Alamy/Forbes


Dean Solon say mê Vương quốc phép thuật khi còn là trẻ nhỏ vào những năm 1970 và hầu như mỗi năm ông đều đưa gia đình đến đây hai lần. Dưới đây là một số góc yêu thích của ông ở thiên đường tại Orlando.

Rạp hát Carousel of Progress
“Sự sáng tạo của Walt nằm ở đây. Đến rạp hát này là nhìn thấy mọi đổi mới và dịch chuyển vào tương lai với hi vọng và lạc quan của Hoa Kỳ. Chúng ta cần nhiều những điều như vậy hơn.”

Khu nghỉ dưỡng Contemporary
Solon thích ngủ trong công viên tại khu nghỉ dưỡng sang trọng có 655 phòng nổi tiếng với đường tàu một ray chạy ngang qua sảnh. “Tôi rất yêu thích bức tranh tường khổng lồ của nhà thiết kế Disney, Mary Blair, người có công trong việc thiết kế chuyến đi thuyền nước mang tên ‘It’s a Small World.’”

Nhà hàng Liberty Tree Tavern
Nơi này là một trong những chỗ yêu thích của Solon. “Một lần, tôi hỏi nhân viên họ làm gì với thức ăn thừa. Hóa ra họ chuyển hóa chúng thành dầu diesel sinh học – đó là lý do tại sao khi bạn ngồi sau xe buýt ở công viên, đôi khi bạn nghe có mùi giống như khoai tây chiên.”

Hành lang “Utilidors”
“Bên dưới công viên là mê cung rất nhiều hành lang để các diễn viên và nhân viên có thể di chuyển và làm việc phía sau hậu trường mà không làm ảnh hưởng đến những tiết mục đang biểu diễn. “Tôi rất muốn đi tham quan, nhưng việc này có thể khiến ta mất hứng thú với phép thuật – giống như được xem sau cánh gà.”

Các cửa hàng bán đồ lưu niệm
“Tôi có ví Fendi và Gucci, nhưng chiếc ví tốt nhất mà tôi dùng trong 10 năm là chiếc ví chuột Mickey trị giá 11,95 đô la Mỹ.”


Biên dịch: Quỳnh Anh
Tựa theo bản in Mặt trời nước Mỹ, Forbes Việt Nam số 94, tháng 6.2021