Doanh nghiệp

Cổ phiếu giảm 37% khiến vốn hóa Grab bốc hơi 7 tỉ USD

Giá cổ phiếu của Grab giảm xuống còn 3,09 USD sau khi báo cáo doanh thu hằng quý giảm 44% và lỗ 1,1 tỉ USD trong quý IV.

Share
this:

SCổ phiếu của gã khổng lồ đặt xe và giao hàng Grab ở Singapore giảm 37% xuống mức thấp nhất lịch sử, thổi bay 7 tỉ USD giá trị thị trường của công ty sau kết quả kinh doanh trong quý IV gây thất vọng.

Công ty niêm yết trên sàn Nasdaq báo cáo doanh thu hằng quý giảm 44% và lỗ 1,1 tỉ USD trong quý IV. Giá cổ phiếu của Grab giảm xuống còn 3,09 USD, mức thấp nhất kể từ khi công ty IPO hồn tháng 12.2021 trong thương vụ sáp nhập lớn nhất thế giới với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) trị giá 40 tỉ USD.

Giám đốc tài chính Peter Oey cho biết trong báo cáo về kết quả kinh doanh hằng quý của Grab: “Chúng tôi sẽ thận trọng cũng như kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ vốn khi chúng tôi cố gắng tận dụng cơ hội tăng trưởng dài hạn của các hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính, quảng cáo theo yêu cầu của chúng tôi.”

Đồng sáng lập Grab kiêm CEO Anthony Tam của Grab trong buổi lễ rung chuông ở Singapore trong ngày 2.12.2021. Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg/ Forbes

Oey cho biết thêm Grab sẽ vẫn “tập trung cao độ” để đạt được điểm có lợi nhuận. Công ty dự kiến hòa vốn ở mảng giao đồ ăn trong nửa đầu năm sau, khi tổng lượng hàng hóa của Grab — quy về tổng giá trị giao dịch trên nền tảng — tăng 29% so với cùng kỳ năm trước lên 16,1 tỉ USD vào năm 2021, đánh dấu một năm kỷ lục của Grab.

Được Anthony Tan và Tan Hooi Ling thành lập vào năm 2012 như ứng dụng đặt taxi tương tự như Uber, Grab kể từ đó đã phát triển trở thành siêu ứng dụng thông qua mở rộng hoạt động kinh doanh sang dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và dịch vụ tài chính kỹ thuật số giúp startup ở Đông Nam Á này khác biệt so với với DoorDash và PayPal.

Ứng dụng cung cấp “mọi thứ cho cuộc sống hằng ngày” hoạt động tại hơn 400 thành phố và thị trấn trên khắp Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Trong kế hoạch mở rộng khắp khu vực, Grab đã ký kết hợp tác với nhà cung cấp thực phẩm tươi sống và những người cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày. Trong những tháng gần đây, siêu ứng dụng này đã mua lại chuỗi cửa hàng tạp hóa Jaya Grocer của Malaysia cũng như ký kết hợp tác với các siêu thị khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên, Grab phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những gã khổng lồ Internet khác trong khu vực như Sea Ltd. ở Singapore và GoTo ở Indonesia, một công ty công nghệ khổng lồ được hình thành từ sự hợp nhất giữa ứng dụng gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia hồi tháng 5 năm ngoái. Bên cạnh các đối thủ trong khu vực, Grab cũng phải đối mặt với các đối thủ trong từng lĩnh vực kinh doanh của mình, chẳng hạn như Foodpanda của Delivery Hero trong lĩnh vực giao đồ ăn.

Trong cuối năm 2020, Grab hợp tác với công ty viễn thông lớn nhất Singtel ở Singapore để được cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số đầy đủ cùng với Sea Ltd. Grab cho biết ngân hàng số ở Singapore dự kiến sẽ ra mắt trong quý 2 năm nay.

Ở khắp châu Á, các siêu ứng dụng cũng đã phải đối mặt với các rào cản quản lý. Kakao của tỉ phú Kim Beom-su, một gã khổng lồ Internet ở Hàn Quốc cung cấp dịch vụ fintech (công nghệ tài chính) và ứng dụng nhắn tin, đã bị cơ quan quản lý chống độc quyền điều tra hồi tháng 6 năm ngoái khiến cổ phiếu giảm hơn 26%. Tương tự, siêu ứng dụng WeChat ở Trung Quốc của tỉ phú Pony Ma cũng đang bị chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý cùng với các công ty lớn trong ngành công nghệ.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:
Người hùng siêu ứng dụng
Grab chính thức lên sàn Nasdaq