CEO Anthony Tan của tập đoàn Grab đang dẫn dắt công ty siêu ứng dụng này phát triển sang giai đoạn tiếp theo, tăng cường thâm nhập vào lĩnh vực fintech.
Khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, mảng kinh doanh gọi xe của gã khổng lồ Grab chịu ảnh hưởng nặng tại khu vực Đông Nam Á do tình trạng phong tỏa và hạn chế đi lại khắp nơi. “Điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là làm thế nào để đảm bảo các đối tác tài xế của mình có thể xoay chuyển nhanh chóng và ít nhất thu nhập của họ cũng được hỗ trợ dưới một số hình thức,” CEO kiêm đồng sáng lập tập đoàn Grab, Anthony Tan, cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Forbes Asia qua video. Tan, 39 tuổi, nói: “Không xem đây là việc kinh doanh bình thường nữa.”
Tan cho biết Grab đã đề nghị các tài xế của mình vừa giao hàng thực phẩm vừa chở khách vì đại dịch khiến nhu cầu giao hàng thực phẩm tăng đột biến trong khu vực (và trên toàn thế giới.) Anh nói: “Chúng tôi đã chuyển đổi công việc cho hơn 140 ngàn tài xế trong khoảng thời gian rất ngắn.” Họ chuyển đổi cho khoảng 18 ngàn tài xế ở Malaysia chỉ trong một ngày.
Theo Tan, Grab có thể linh hoạt như vậy là nhờ vào chiến lược siêu ứng dụng: khách hàng chỉ cần dùng một ứng dụng cho cả việc đặt pizza lẫn gọi xe, như Grab tự mô tả mình: “Chúng tôi là nền tảng ‘tất cả trong một’.” “Dù bạn sử dụng dịch vụ gọi xe, giao hàng thương mại điện tử, GrabFood hay GrabMart, thì thực sự chỉ cần một thao tác, bạn chỉ cần chọn tính năng đó trong ứng dụng,” Tan nói. “Hoạt động kinh doanh của Grab thậm chí còn thực sự phục hồi tốt hơn vì chúng tôi là công ty duy nhất trong khu vực có năng lực kinh doanh đa dạng.”
Giờ đây, Grab Holdings, trụ sở chính tại Singapore, đang sẵn sàng cho một bước chuyển đổi khác trong hành trình dài kể từ khi Tan và người đồng sáng lập Tan Hooi Ling (không có quan hệ họ hàng) ra mắt ứng dụng MyTeksi vào năm 2012 tại quê nhà Malaysia. Grab vừa niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua thương vụ sáp nhập với công ty SPAC của Altimeter Growth vào ngày 3.12.2021, với định giá tại thời điểm niêm yết hơn 40 tỉ đô la Mỹ, và trở thành giao dịch niêm yết tại Mỹ lớn nhất trong lịch sử do một công ty Đông Nam Á thực hiện.
Một nhóm khác cũng được hưởng lợi nhiều từ Grab là các nhà đầu tư đã bơm hơn 12 tỉ đô la Mỹ vào công ty trước thương vụ sáp nhập SPAC đình đám trên, gồm những nhà đầu tư hạng A như GGV Capital, SoftBank và Toyota.
Trong cảm nhận của Tan, hành trình của Grab chỉ mới bắt đầu. Khi nhìn nhận về tương lai, anh cho biết Grab vẫn chưa thâm nhập sâu vào thị trường Đông Nam Á. Grab có ba mảng kinh doanh chính: vận chuyển hành khách, giao hàng và dịch vụ tài chính, tạo nên tổng giá trị giao dịch (GMV) 12,5 tỉ đô la Mỹ năm ngoái.
Theo công ty nghiên cứu Euromonitor, tổng thị trường có thể khai thác trong khu vực dành cho mảng giao hàng thực phẩm, gọi xe, thanh toán bằng ví điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp ba lần từ năm 2020, GMV lên hơn 180 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Tan nói: “Tôi thấy thực sự hào hứng về tương lai.” Giám đốc tài chính của Grab, Peter Oey, cũng cùng suy nghĩ: “Ở các quốc gia mà chúng tôi đang hoạt động hiện nay, chúng tôi mới chỉ tiếp cận bề nổi.”
Trích dẫn dữ liệu của Euromonitor, Grab tuyên bố mình là công ty dẫn đầu thị trường về GMV hoặc tổng giá trị thanh toán (TPV) trong tất cả các mảng kinh doanh chủ chốt của mình ở Đông Nam Á (Grab hiện đang hoạt động tại tám quốc gia.) Tuy nhiên, công ty vẫn phải đối mặt với những đối thủ khó nhằn. Đầu tiên là GoTo, công ty siêu ứng dụng có trụ sở tại Indonesia, ra mắt vào tháng 5.2021 sau sự sáp nhập giữa công ty siêu ứng dụng Gojek với công ty thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia. Mặc dù cũng hoạt động ở Singapore và Việt Nam dưới thương hiệu Gojek, nhưng thị trường quê nhà Indonesia là nơi GoTo phát triển mạnh nhất.
Với nền kinh tế có giá trị ngàn tỉ đô la Mỹ và dân số gần 300 triệu dân, Indonesia đóng vai trò quan trọng đối với tham vọng chiếm lĩnh khu vực của Grab với tư cách là thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á – và đây là quốc gia duy nhất trong hệ sinh thái của Grab có chủ tịch chuyên trách và giám đốc điều hành nội địa. Để củng cố thêm vị thế của mình tại đó, vào tháng 7.2021, Grab đã thành lập liên minh chiến lược với công ty truyền thông và công nghệ Indonesia Elang Mahkota Teknologi (Emtek), công ty đầu tư 375 triệu đô la Mỹ vào đơn vị Indonesia của Grab.
Năm ngoái, Grab đã chính thức khai trương trung tâm nghiên cứu công nghệ tại Singapore, đã được chọn là một trong hai công ty được nhận giấy phép ngân hàng kỹ thuật số với đầy đủ dịch vụ ở Singapore – và Sea là công ty còn lại. Stephanie Cheong, chuyên gia phân tích của Moody’s Investor Service tại Singapore, cho biết: “Grab đã xác định dịch vụ tài chính là mảng trụ cột thứ ba mà họ sẽ thâm nhập. Vì vậy, đó là phân khúc mà chúng tôi kỳ vọng họ sẽ đầu tư để phát triển dù là thông qua các hình thức tự tăng trưởng hay M&A.” Grab cho biết ngân hàng số tại Singapore của họ dự kiến sẽ ra mắt vào quý hai năm sau.
Bước đột phá của Grab vào dịch vụ tài chính bắt đầu năm 2017 với sự ra mắt của dịch vụ thanh toán kỹ thuật số GrabPay. Hiện nay, một đơn vị được gọi là Grab Financial Group cung cấp hàng loạt dịch vụ như bảo hiểm, khoản vay, quản lý tài sản và dịch vụ mua trước trả sau cùng một số dịch vụ khác dự kiến sẽ được bổ sung dần. Năm 2019, Grab đã ra mắt thẻ GrabPay hợp tác với Mastercard, có thể được sử dụng cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Để thúc đẩy tăng trưởng, công ty khai thác cơ sở khách hàng sẵn có bao gồm các tài xế, người tiêu dùng và người bán trong hệ sinh thái của mình để tiếp thị các dịch vụ này. Đến nay, Grab cho biết đã có được bộ giấy phép dịch vụ tài chính, bao gồm giấy phép thanh toán tại sáu thị trường trong khu vực. “Khi hàng triệu người tiêu dùng nhắc đến GrabPay, họ sẽ nghĩ đến việc mình có thể trả tiền ngay, hoặc trả tiền sau và có thể trả tiền ở bất cứ nơi đâu. Điều đó giúp dịch vụ của chúng tôi trở thành lựa chọn hàng đầu của họ,” Tan nói.
Ngoài Singapore, Tan cũng đang thúc đẩy sự phát triển của Grab trong lĩnh vực fintech ở Indonesia. Tháng 10.2021, Grab đã nâng lượng cổ phần của mình trong công ty fintech Ovo của Indonesia và hiện sở hữu 80%. Tan cho biết Grab muốn giúp các dịch vụ tài chính có giá cả phải chăng hơn và dễ tiếp cận hơn trong khu vực. Anh nói: “Ở Đông Nam Á, cứ 10 người thì có sáu người thuộc nhóm ít sử dụng dịch vụ của ngân hàng hoặc không sử dụng. Vì vậy chúng tôi phải đảm bảo mình phục vụ được cho nhóm người này.”
Jixun Foo, đối tác quản lý toàn cầu của công ty GGV Capital, nhà đầu tư ban đầu vào Grab, đã thúc đẩy việc Grab tham gia vào lĩnh vực fintech từ năm 2015. Foo nói: “Mỗi lần đi họp hội đồng quản trị, khi nhìn vào các con số và tiến độ phát triển của họ, tôi đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ví điện tử.” Năm 2017, Grab ra mắt GrabPay và mua lại Kudo, một trong những công ty thương mại điện tử O2O (trực tuyến đến trực tiếp) hàng đầu của Indonesia.
Tầm quan trọng của thanh toán kỹ thuật số không chỉ đơn giản là thêm tính năng vào ứng dụng. Đó là công cụ mạnh mẽ cung cấp thông tin chi tiết quan trọng về thói quen chi tiêu, ngân sách và sở thích của người dùng. Foo nói: “Bạn hiểu người tiêu dùng và thói quen chi tiêu của họ. Ví điện tử có giá trị chiến lược lâu dài rất lớn.” Trong phần bình luận gần đây trên mạng, Foo cho biết ví điện tử siêu ứng dụng là chìa khóa thành công của siêu ứng dụng.
Cuộc cạnh tranh sắp tới có thể rất khốc liệt – và rất quan trọng – đối với Grab. “Grab sẽ làm thế nào để tạo ra một thế hệ sản phẩm và dịch vụ ngân hàng mới nhằm thách thức các công ty đương nhiệm và các nhà cung cấp siêu ứng dụng khác như GoTo? Điều này rất quan trọng đối với họ – để chứng minh sự khác biệt của họ, và thể hiện rằng họ không chỉ là một hình thức phân phối khác của các sản phẩm và dịch vụ hiện có,” Christophe Uzureau, phó chủ tịch dịch vụ tài chính của Gartner, sống tại Hong Kong, cho biết.
Một cơ hội mới khác mà Grab và Sea theo đuổi là quảng cáo. Trong buổi họp báo tài chính trực tuyến mới đây với các nhà phân tích, CEO của Sea Group, Forrest Li, lưu ý rằng nguồn thúc đẩy tăng trưởng doanh thu GAAP gần đây chủ yếu là các thương nhân đầu tư vào tiếp thị và quảng cáo. Năm 2018, Grab thành lập một đơn vị gọi là GrabAds.
Vào tháng 9.2021, đơn vị này vừa công bố mối quan hệ hợp tác kéo dài một năm với GroupM, công ty con của gã khổng lồ quảng cáo WPP. Hoạt động kinh doanh quảng cáo được xếp vào mảng các doanh nghiệp và sáng kiến mới thuộc ngành dọc của Grab. Mặc dù GMV nhỏ, ở mức 34 triệu đô la Mỹ cho quý kết thúc vào tháng 6.2021, nhưng ngành dọc này đã tăng gấp sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái – dấu hiệu cho thấy quảng cáo có khả năng phát triển thành hoạt động kinh doanh quan trọng của Grab.
Tháng 9.2021, Grab báo cáo khoản lỗ ròng trong ba tháng kết thúc vào tháng 6.2021 đã tăng lên 815 triệu đô la Mỹ từ 718 triệu đô la Mỹ của một năm trước (Grab lưu ý rằng phần lớn khoản lỗ gần đây là do chi phí lãi vay.) Công ty cũng cắt giảm dự báo doanh thu thuần cả năm, điều chỉnh xuống trong khoảng 2,1–2,2 tỉ đô la Mỹ so với dự báo trước đó là 2,3 tỉ đô la Mỹ, khi khu vực Đông Nam Á tiếp tục đối mặt với đại dịch.
Tổng GMV trong giai đoạn này dự kiến sẽ khoảng 15–15,5 tỉ đô la Mỹ, giảm so với mức 16,7 tỉ đô la Mỹ trong dự báo trước đó. Các khoản lỗ đó được giảm nhẹ nhờ tăng trưởng trong mảng giao hàng, gần gấp đôi lên 5,5 tỉ đô la Mỹ GMV vào năm 2020 so với 2,9 tỉ đô la Mỹ của một năm trước đó, lần đầu tiên vượt qua hoạt động vận chuyển hành khách. Các dịch vụ tài chính cũng tăng trưởng đều đặn qua đại dịch, lên 8,9 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái từ mức 7,8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019 về TPV.
Tan đang hi vọng hoạt động vận chuyển hành khách sẽ sớm trở lại mức trước COVID-19. Đối với dịch vụ tài chính, Tan cho biết “chúng tôi thực sự mong đợi sẽ ghi nhận tăng trưởng nhiều hơn nữa.” Khi anh tiếp tục xây dựng siêu ứng dụng, bất kỳ khoản lỗ nào tính đến thời điểm hiện tại đều có thể được bù đắp nhờ thanh khoản tiền mặt của Grab (khoảng 5,3 tỉ đô la Mỹ.) Để giúp công ty có lãi, Tan lưu ý rằng mô hình siêu ứng dụng của Grab sẽ trở thành nguồntrợ lực.
Năm 2018, chỉ có 33% khách hàng sử dụng nhiều hơn một dịch vụ của Grab, nhưng đến tháng 6.2021, con số này đã tăng lên 55%. Anh nói: “Chúng tôi có thể bán chéo các dịch vụ bổ sung vì người dùng giao dịch hằng tháng của chúng tôi là những khách hàng trung thành. Nhờ đó, giá trị giao dịch trung bình của chúng tôi có xu hướng cao hơn so với các công ty khác. Tôi nghĩ đó cũng là dấu hiệu hàng đầu cho thấy mọi người tin tưởng chúng tôi. Càng giành được lòng tin, càng có nhiều khách hàng trung thành, và giá trị giao dịch trung bình cũng tăng.”
Cũng có những thách thức khác, gồm mê cung quy định và vô số đặc thù địa phương. Tan nói: “Khi chúng tôi tuyển dụng tài xế lần đầu tiên, chúng tôi nhận ra rằng rất nhiều người trong số họ thậm chí không sở hữu điện thoại thông minh. Họ không đủ tiền mua,” và cho biết thêm rằng sau đó Grab đã ký một thỏa thuận với Samsung để mua số lượng lớn điện thoại cho tài xế của họ. “Chúng tôi ngồi lại với họ và dạy họ cách sử dụng.”
Grab phải đối mặt với khủng hoảng lớn vào năm 2014, khi ứng dụng này gặp trục trặc hệ thống dẫn đến ngừng hoạt động ở Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Anh kể: “Thời điểm đó hệ thống của chúng tôi không đủ khả năng xử lý lượng đặt xe gia tăng đột biến và kết quả là có rất nhiều đối tác tài xế và người dùng cực kỳ giận dữ. Tôi thực sự đã nghĩ rằng mọi thứ thế là hết, bởi vì ai có thể tin tưởng chúng tôi một lần nữa?”
Ngay lập tức Tan chuyển sang chế độ xử lý khủng hoảng, qua đêm tại văn phòng ở Kuala Lumpur cùng với nhóm kỹ sư của Grab trong khi họ làm việc suốt ngày đêm để khắc phục sự cố. “Tôi không phải là kỹ sư, vì vậy tôi không thể làm bất cứ điều gì để giúp khắc phục sự cố. Tất cả những gì tôi có thể làm là ở lại với đội, cố gắng hiểu những gì đang xảy ra, hỗ trợ tinh thần cho họ và quan trọng nhất là lo ăn uống cho họ. Hồi đó chưa có GrabFood. Vì vậy, tôi là người giao bánh pizza của họ,” Tan kể. “Rất may, chúng tôi vượt qua được giai đoạn đó.”
Ban lãnh đạo của Grab đã được củng cố bằng nhiều nhân tài mới. Đầu tháng 10.2021, Grab thông báo người đồng sáng lập Tan Hooi Ling sẽ rời khỏi vai trò giám đốc điều hành vào tháng một năm sau, nhưng vẫn tiếp tục giám sát nguồn nhân lực, chiến lược doanh nghiệp và công nghệ. (Tan Hooi Ling không đưa ra bình luận.) COO mới sẽ là Alex Hungate, CEO đương nhiệm của SATS, công ty cung cấp dịch vụ ăn uống trên máy bay và dịch vụ mặt đất được niêm yết tại Singapore, cựu CEO của HSBC Singapore.
Năm 2019, Neneng Goenadi, cựu quản lý Accenture ở Indonesia, đã được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành ở Indonesia để hỗ trợ chủ tịch Grab Indonesia Ridzki Kramadibrata. Nhân tài mới được bổ sung vào đội ngũ mạnh mẽ của Grab cũng bao gồm Ming Maa, người giữ chức chủ tịch Grab từ năm 2016. Maa có hơn mười năm đảm nhiệm vai trò cấp cao trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, bao gồm cả tại Goldman Sachs và SoftBank, nơi ông hỗ trợ giám sát hai vòng rót vốn vào Grab.
“Việc hầu hết các nhân tài vẫn gắn bó với Tan nói lên rất nhiều điều về phong cách và khả năng lãnh đạo của anh ấy,” Chua Joo Hock, tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ tại công ty Vertex Ventures thuộc sở hữu của Temasek (từng là nhà đầu tư ban đầu của Grab) chia sẻ. “Anh ấy là người rất kiên định. Một khi đã nhắm đến điều gì đó, anh ấy sẽ tìm được những người phù hợp để thực thi, điều hành ý tưởng đó. Và anh ấy theo sát để đảm bảo rằng mọi thứ được thực hiện đúng cách.”
Động lực kinh doanh của Tan được bồi đắp bằng ý thức đặc biệt về sứ mệnh. Tan nói: “Mọi người trêu chọc tôi về điều đó, nhưng tôi thực sự tin rằng Chúa đã đưa tôi đến đây để vận hành Grab và phục vụ hàng triệu người.”