Tài chính

Bầu Hiển bán công ty tài chính SHB Finance cho ngân hàng Thái Lan

2 năm trước
Tác giả Giang Thanh

Share
this:

Theo tin từ ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), ngày 25.8 ngân hàng đã ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV SHB (SHB Finance) cho Krungsri, ngân hàng đại chúng của Thái Lan. Theo thỏa thuận sơ bộ, giai đoạn đoạn 1, SHB chuyển nhượng 50% vốn của SHB Finance cho Krungsri. Theo lộ trình, sau ba năm, 50% vốn còn lại sẽ được chuyển giao cho ngân hàng Thái Lan. Giá trị thương vụ chưa được công bố.

Hiện tại, SHB nắm 100% vốn tại SHB Finance. Tiền thân của SHB Finance là công ty Tài chính Vinaconex Viettel vào năm 2014 SHB đã mua lại và sáp nhập vào ngân hàng này năm 2016. Cuối năm 2020, SHB có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng tổng tài sản 4.098 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 70,7 tỷ đồng. Nhân sự của SHB Finance hơn 2.100 người, hoạt động tập trung chủ yếu vào cho vay tiền mặt cá nhân với nhóm đối tượng người lao động có thu nhập thấp.

Trong khi đó, Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan xét theo quy mô tổng tài sản, dư nợ và tiền gửi. Hiện nay, Krungsri là một thành viên của tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) do định chế tài chính này nắm giữ 76,88% vốn.

Theo báo cáo của Fiin Group, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có giá trị khoảng 1,7 triệu tỉ đồng (gần 74 tỉ USD) vào năm 2019 với tốc độ tăng trưởng kép 35% mỗi năm. Thị trường có 16 công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trong đó FE Credit, Home Credit, HD Saison dẫn đầu về thị phần. Tỷ lệ vay tiêu dùng trên GDP của Việt Nam hiện ở mức 28%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (38%), Nhật Bản (50%), Trung Quốc (55%), Singapore (69%).

Xu hướng bán công ty tài chính tiêu dùng nở rộ trong thời gian gần đây. Thương vụ nổi bật  giữa năm nay là việc VPBank thỏa thuận bán 49% cổ phần FE Credit, công ty chiếm gần 50% thị phần, cho đối tác Sumitomo Mitsui Financial Group thu về 1,4 tỉ USD. Ngoài SHB bán SHB Finance, ngân hàng Maritime Bank cũng đang đàm phán bán FCCOM. Việc các ngân hàng thoái vốn ra khỏi lĩnh vực tài chính tiêu dùng do sự cạnh tranh gay gắt, thị phần do các công ty dẫn đầu kiểm soát.