Kỹ năng phát triển

EMASI đưa giáo dục sóng đôi nghệ thuật

Nhà sưu tập nghệ thuật Nguyễn Thúy Quỳnh và chồng, ông Nguyễn Tuyên, tích hợp không gian nghệ thuật vào môi trường giáo dục chính quy do họ sáng lập và vận hành.

Share
this:

Khu vực trưng bày nghệ thuật tại trường song ngữ quốc tế EMASI (quận 7, TP.HCM) khiến người xem liên tưởng về không gian trưng bày chuyên nghiệp, đa dạng thể loại từ tác phẩm treo tường, sắp đặt, điêu khắc, studio, thư viện, và cả nơi thực hành trao đổi, thảo luận.

Điều này có được là do bà Nguyễn Thúy Quỳnh và chồng, ông Nguyễn Tuyên, đã chủ đích tích hợp không gian trưng bày vào thiết kế ban đầu của trường học. Thông qua không gian này, họ trưng bày một phần bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của mình, với hàng trăm bức tranh, tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, sớm mở rộng cánh cửa tiếp cận nghệ thuật cho học sinh.

Ở các nước phát triển, trường học trưng bày tác phẩm nghệ thuật thuộc bộ sưu tập của nhà trường, hoặc là sáng tác của học sinh, sinh viên trong trường là chuyện phổ biến. Trong môi trường học tập, tác phẩm nghệ thuật có tác dụng nâng cao thẩm mỹ, tạo ra những quãng nghỉ tư duy sau giờ học, hoặc kích thích sự suy tư và trí tò mò của người xem, khiến người xem sáng tạo hơn.

Tất cả đều là những mục tiêu của giáo dục. Hai cơ sở của EMASI (quận 7 và TP. Thủ Đức) thuộc nhóm tiên phong tích hợp không gian giáo dục với không gian trưng bày nghệ thuật đương đại. Vợ chồng bà Quỳnh là chủ của bộ sưu tập The Nguyen Art Foundation (Quỹ Nghệ thuật Nguyễn, NAF), là những nhà sưu tập Việt Nam đầu tiên đưa tác phẩm nghệ thuật ra công chúng thông qua môi trường giáo dục chính quy. Bà Quỳnh tin rằng: “Trẻ em khi được tương tác mỗi ngày với nghệ thuật thì sẽ có cảm nhận về cái đẹp, từ đó có thể liên tưởng tới rất nhiều lĩnh vực khác.”

Ông Nguyễn Tuyên và bà Quỳnh Nguyễn tại lễ khai mạc trưng bày Con người, Vinh quang và Cuộc sống sau chiến tranh tại không gian nghệ thuật của EMASI Nam Long.

Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam khởi đầu từ những năm 1990, với những thế hệ tiên phong như Trương Tân, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy… Sau hơn 30 năm, công chúng muốn tiếp cận loại hình này vẫn khó tìm địa điểm, nơi tổ chức, giới thiệu tác phẩm, ngoài một vài điểm do tư nhân, hoặc nhóm nghệ sĩ thành lập và tự vận hành.

“Ở nước ngoài, trẻ em đi bảo tàng, tham gia các hoạt động, nói chuyện với nghệ sĩ là điều bình thường. Học sinh ở Việt Nam còn rất thiệt thòi. Tôi mong muốn thế hệ trẻ được tiếp cận với nghệ thuật,” bà Quỳnh nói với Forbes Việt Nam giữa tiếng nhạc vọng lại từ bài hát The vacant chair – Chiếc ghế trống thuộc tác phẩm sắp đặt – video cùng tên của nghệ sĩ Bàng Nhất Linh. Bài hát thời nội chiến Mỹ của tác giả George F. Root vào năm 1861 dựa trên thơ của Henry S. Washburn có âm hưởng buồn bã gợi đến sự mất mát và tâm trạng trống rỗng của những người mất đi người thân trong chiến tranh. Trong căn phòng tối khoảng 10m2, người xem lạc vào một thế giới khác, chìm sâu vào những tầng mức của “ký ức, lịch sử, của những không gian tâm lý đã chìm khuất, của sự lãng quên”.

Phản ứng đầu tiên khi học sinh đến xem là “căn phòng tối quá,” nhưng khi nghe về tác phẩm, họ hiểu hơn về đất nước trải qua nhiều thăng trầm trong chiến tranh, về lòng bao dung, về mối quan hệ giữa con người. Theo giám tuyển Gridthiya Gaweewong, sử dụng quy trình giám tuyển, thực hiện triển lãm, buổi trưng bày trở thành công cụ giáo dục để thu hút học sinh, qua đó khuyến khích các em tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật.

Tác phẩm tại trưng bày: Chiếc ghế trống của nghệ sỹ Bàng Nhất Linh.

Mục đích cuối cùng là nâng cao tình yêu nghệ thuật và đem đến sự trải nghiệm trực quan cho học sinh nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung. Bộ sưu tập trở thành công cụ học tập để giúp mọi người hiểu thêm về lịch sử nghệ thuật của Việt Nam gắn liền với bối cảnh xã hội và chính trị, đồng thời thiết lập môi trường đối thoại giữa các thế hệ nghệ sĩ, những người yêu nghệ thuật và học sinh.

Tình yêu nghệ thuật của bà Quỳnh bắt đầu từ tình bạn với con gái của nghệ sĩ Bùi Quang Ngọc. Bức tranh mà ông Ngọc vẽ bà, khi đó ở tuổi đôi mươi với mái tóc ngắn, trở thành tác phẩm quý đầu tiên trong bộ sưu tập, để rồi từ một nhà sưu tập, một người bảo trợ các hoạt động nghệ thuật, bà Quỳnh thành người cổ súy cho việc đưa nghệ thuật vào môi trường học tập. Tại EMASI, nghệ thuật là chữ A trong tên của trường, gồm Tiếng Anh – Toán – Nghệ thuật – Khoa học – Công nghệ thông tin. Từ ngôi trường này, các nhà sáng lập hi vọng sẽ có những lứa học sinh theo đuổi chuyên ngành nghệ thuật, và không gian nghệ thuật như vậy sẽ giúp các em hiểu, hình dung rõ nét hơn về sự nghiệp của một người sáng tạo, một nghệ sĩ, một người phản biện xã hội thông qua nghệ thuật trong tương lai.

Mối quan tâm nghệ thuật của bà Quỳnh tăng dần theo thời gian. Vị CEO công ty cổ phần Hương liệu Việt Hương (thành lập năm 1995) chuyên sản xuất hương liệu cho các ngành thực phẩm và mỹ phẩm bắt đầu sưu tầm tác phẩm nghệ thuật, và tự học nhiếp ảnh. Năm 2014, sau một vài năm sống ở Houston, Texas (Mỹ), bà mở phòng tranh International Modern Art Gallery để đưa tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam tới thị trường Mỹ. Rồi như một sự phát triển tự nhiên, bà muốn có bộ sưu tập riêng, giữ lại cho mình những tác phẩm yêu thích.

Nguồn cảm hứng của bà đến từ bảo tàng The Menil Collection, nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân của John de Menil và Dominique de Menil gồm khoảng 17 ngàn bức tranh, điêu khắc, in, vẽ, ảnh và sách hiếm. Bảo tàng cũng có chương trình học bổng, xuất bản, lưu trú nghệ sĩ, bên cạnh các đợt trưng bày nhằm thu hút, giáo dục và truyền cảm hứng cho nhiều tầng lớp khán giả. Bà cũng muốn làm điều tương tự ở Việt Nam.

Học sinh Tinkle Painting tham quan không gian nghệ thuật EMASI Nam Long.

Cùng năm đó, bà gặp Trần Thanh Hà (nghệ danh Cam Xanh), người có nhiều tác động lớn trong cộng đồng nghệ thuật đương đại tại Việt Nam thông qua bộ sưu tập Post Vidai, và cũng là người sát sao thực hiện nhiều hoạt động nhằm gây dựng, nuôi dưỡng, phát triển cộng đồng còn rất non trẻ này.

Với sự tư vấn của Thanh Hà, năm 2018 vợ chồng bà Quỳnh thực hiện nhiều hoạt động, từ mua nhiều tác phẩm quan trọng, và thành lập NAF với Nguyễn là họ chung của hai ông bà. NAF hoạt động phi lợi nhuận, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Như mọi nhà sưu tập có sự cam kết lâu dài và tình yêu lớn với nghệ thuật, bà Quỳnh dành rất nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu về nghệ sĩ, tác phẩm, bối cảnh, tự mình thực hiện các video nghệ thuật về các nghệ sĩ. “Tôi dành thời gian tìm hiểu, yêu thích, đặt tâm trí vào đó, thực sự có cảm xúc với các tác phẩm trước khi mua,” bà nói. Bà cũng là người bảo trợ cho A. Farm, không gian lưu trú nghệ thuật ở Sài Gòn do NAF, MoT+++ và Sàn Art khởi xướng trước khi cơ sở này phải đóng cửa trong đại dịch COVID-19.

Ông Tuyên là chủ tịch HĐQT và đồng sáng lập công ty Khai Sáng, đầu tư vào trường học. Trước đó, ông là chủ tịch, CEO và nhà sáng lập Saigon Gas năm 1998, một trong những nhà phân phối gas lớn nhất ở Việt Nam trước khi khi bán lại cho Total Oil and Gas. Ông cũng là chủ tịch công ty Việt Hương. Ông bà là bạn học từ thời đại học (họ cùng học ĐH Tổng hợp TP.HCM). Họ thành lập trường quốc tế Khai Sáng (Renaissance International School), một trong những trường quốc tế hoạt động rất sớm tại TP.HCM năm 2007. Trong ngôi trường này, bà Quỳnh đưa vào khuôn viên các tác phẩm nghệ thuật mà bà sưu tầm, với những chất liệu rất đa dạng, và có những tác phẩm chứa các yếu tố chỉ được kích hoạt qua sự tham gia của khán giả, mang lại sự khác biệt cho môi trường học đường.

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, đồng sáng lập trường EMASI.

Tuy vậy, phải đến khi xây dựng hai ngôi trường mới trong hệ thống EMASI, họ mới tích hợp không gian trưng bày nghệ thuật vào học đường. Đợt trưng bày đầu tiên của bộ sưu tập cũng là lần thử nghiệm đưa học sinh trở thành một chủ thể tham gia vào quá trình thực thi. Quá trình giám tuyển trong COVID-19 diễn ra qua mạng, giữa giám tuyển Gridthiya Gaweewong từ Bangkok cùng với 28 học sinh của ba ngôi trường.

Với chủ đề Con người, Vinh quang và Cuộc sống sau Chiến tranh, đợt trưng bày từ 26.3 đến 17.12.2021 này thể hiện quá khứ và hiện tại của nghệ thuật Việt Nam, gồm những tác phẩm ký họa chiến tranh và tác phẩm nghệ thuật đương đại của 13 nghệ sĩ. Các nghệ sĩ cũng sẽ tham gia các buổi giao lưu với học sinh và các nội dung này được sử dụng làm tài liệu cho giáo viên và học sinh, hỗ trợ cho các môn học như lịch sử, nghệ thuật, kể chuyện và viết văn.

Trưng bày lần này có hai tác phẩm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là Adrift in the Darkness (Trôi trong đêm đen) của nghệ sĩ quốc tế gốc Việt Lê Quang Đỉnh, tác phẩm ba chiều mô tả ký ức bấp bênh của người tị nạn, trải nghiệm cá nhân của nghệ sĩ và sự đồng cảm của ông với cuộc di dân trên thế giới gần đây. Bên cạnh đó là tác phẩm AK-47 vs M16 của The Propeller Group diễn đạt biểu tượng của sự tranh chấp của hai thế giới, đòi hỏi sự bảo quản và chăm sóc luôn ở nhiệt độ lạnh.

“Bộ sưu tập The Nguyễn Art Foundation rất đặc biệt, và có rất ít bộ sưu tập như thế ở Việt Nam. Điều đặc biệt nhất là bộ sưu tập được trưng bày ở Việt Nam, cho công chúng ở đây thưởng lãm,” Nhung Walsh, giám tuyển, giảng viên môn giám tuyển và nghiên cứu thị giác của chuyên ngành Nghiên cứu nghệ thuật và Truyền thông (ĐH Fulbright Việt Nam) sau khi đưa nhóm sinh viên của mình đến tham quan trưng bày nói với Forbes Việt Nam. Còn nghệ sĩ Tuan Andrew Nguyen của The Propeller Group nhận xét: “Chúng ta đều biết là tăng trưởng kinh tế nhanh mà không đi kèm với phát triển văn hóa sẽ tạo ra một xã hội khô cằn và trống rỗng. Phải có nỗ lực hợp tác giữa nghệ sĩ, gallery, nhà sưu tập, cũng như những người hỗ trợ nghệ thuật, cơ quan văn hóa, các học giả nghiên cứu.”

Sau thời gian dài các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam chủ yếu bán cho người nước ngoài, trước khi COVID-19 xảy ra và đặc biệt hiện nay, ngày càng có nhiều nhà sưu tập trong nước. Các nhà sưu tầm nổi bật đều có các bước đi bài bản, từ mua tác phẩm, tài liệu hóa tác phẩm, thực hiện các chương trình trao đổi, trưng bày, giáo dục, hỗ trợ nghệ thuật và nghệ sĩ.

“Chưa bao giờ có bộ sưu tập được trưng bày toàn diện như NAF, về lịch sử, xã hội Việt Nam, ký ức chiến tranh. Việc nó được trưng bày ở mức độ, không gian trưng bày đạt chuẩn bảo tàng quốc tế như thế là rất tốt,” Nhung Walsh nhận định.

Tuy nhiên, trưng bày không gian nghệ thuật trong trường học cũng có những giới hạn nhất định, trước hết là số người đến thưởng lãm. Bà Quỳnh cho biết, họ mở cửa chào đón tất cả. Trước mắt, sinh viên đại học và các trường quốc tế đã đến tham quan, và sẽ có nhiều kết nối, hợp tác được mở ra, đặt những mầm xanh tiếp theo cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam gặp nhiều thách thức: hạ tầng chưa phát triển, môn học không được dạy hoặc dạy rất sơ sài ở trường học, ít nơi triển lãm, và hiếm nhà tài trợ. “Tôi là người tiên phong đưa nghệ thuật đương đại vào giáo dục, nhưng tôi nghĩ có nhiều người mong muốn làm như tôi, và sẽ làm được. Tôi chỉ muốn tất cả cùng làm, để nghệ thuật đương đại của mình bắt kịp với các nước láng giềng,” bà Quỳnh nói.

Ảnh: Tư liệu do Nguyen Art Foundation cung cấp.

*Bài viết đăng trên tạp chí Forbes Việt Nam số 94, tháng 6.2021