Thị Trường

Dịch kéo dài, KIDO thay đổi chiến lược với chuỗi thức uống Chuk Chuk

2 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Share
this:

Thay vì mở cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy như kế hoạch ban đầu, KIDO đã phải thay đổi kênh bán Chuk Chuk kể từ 24.9.

Chia sẻ trong thông tin phát đi hôm 25.9, ông Trần Lệ Nguyên, phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) cho biết, việc giãn cách xã hội kéo dài liên tục, KIDO quyết định điều chỉnh chiến lược, thay đổi mục tiêu và bổ sung các loại hình kinh doanh mới cho thương hiệu chuỗi thức uống Chuk Chuk.

Tập đoàn này hồi đầu tháng 6.2021 công bố ra mắt chuỗi Chuk Chuk chuyên bán các loại thức uống (kem, trà sữa, cà phê…) kết hợp giữa cửa hàng, xe đẩy và ki-ốt. Theo kế hoạch sẽ hình thành 58 điểm bán trong năm 2021 trong tham vọng đến năm 2025 đạt 1.000 cửa hàng ở khắp các tỉnh thành cùng với mục tiêu nhượng quyền thương hiệu ra các nước châu Á trên cơ sở kết hợp với một số đối tác.

Chuk Chuk khi công bố thành lập được đánh giá là có lợi thế là thành viên của KIDO, được hậu thuẫn về hệ thống, tài chính, marketing, logistics và nhất là đội ngũ R&D am hiểu khẩu vị của người Việt Nam. KIDO cho biết sẽ tận dụng mạng lưới hỗ trợ Chuk Chuk có được mặt bằng tốt với chi phí phù hợp để qua đó có giá bán hợp lý đến người tiêu dùng.

Các sản phẩm sẽ được pha chế tại hai trung tâm rồi giao hàng đến khách mua qua kênh online. Ảnh: KIDO.

Tuy nhiên kế hoạch này nay được thay đổi bằng kênh Chuk Chuk Online, bán hàng qua website, tổng đài và một số ứng dụng. Các sản phẩm sẽ được chế biến tại hai trung tâm chính đặt tại quận 1 và Bình Thạnh, bán qua ứng dụng nội bộ và đội ngũ giao hàng của chính công ty. Bên cạnh các sản phẩm nước uống, hệ thống đặt hàng này bán thêm các đồ ăn nhẹ và bánh tươi của KIDO.

KIDO tính toán từ đầu tháng 11 đến đầu năm 2022, khi dịch bắt đầu dần ổn định, sẽ quay lại mở các cửa hàng, ki-ốt, xe đẩy ở các quận trung tâm TPHCM. Giai đoạn kế tiếp sẽ tìm kiếm đối tác và địa điểm để mở các cửa hàng tại Hà Nội và các thành phố du lịch trọng điểm.

Dịch bệnh bùng phát cũng tác động đến nhiều kế hoạch lớn của KIDO. Ngoài việc phải thay đổi hoạt động của chuỗi Chuk Chuk, KIDO cũng chưa thể ra mắt các sản phẩm mang thương hiệu Vibev trong liên doanh với Vinamilk và không triển khai sản xuất bánh trung thu trong năm nay.

Kết quả kinh doanh công bố gần nhất cho sáu tháng đầu năm 2021 của KIDO ghi nhận doanh thu thuần 4.979 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 342 tỉ đồng, tăng lần lượt 34% và 83% so với cùng kỳ năm ngoái – thực hiện được hơn 42% kế hoạch năm. Tuy nhiên lợi nhuận tính sau thuế tăng mạnh 163% so với cùng kỳ, đạt 351 tỉ đồng.

Năm 2016, công ty kinh doanh gia đình của ông Trần Lệ Nguyên đã bán mảng bánh kẹo Kinh Đô cho Mondelez và tập trung phát triển ngành hàng thực phẩm. Đến năm 2020, họ công bố quay lại ngành hàng bánh kẹo và đẩy mạnh mảng thức uống trong một liên doanh với Vinamilk.

KIDO công bố sẽ hoạt động quanh bốn ngành hành chính gồm dầu ăn, ngành hàng lạnh, thức uống và ngành bánh. Trong sáu tháng đầu năm nay, mảng dầu ăn mang lại tỷ trọng 83% tổng doanh thu KIDO đạt được. Trong kế hoạch của KIDO, chuỗi Chuk Chuk được kỳ vọng là kênh thúc đẩy mảng thực phẩm và đồ uống (F&B).