multi-media / Megastory

Singapore vững vị thế “bến an toàn” cho những người giàu có

Singapore vẫn đang là nơi thu hút những người nước ngoài giàu có. Tuy nhiên, những khó khăn lớn trên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến tổng tài sản của những người giàu nhất quốc gia này trong năm nay.

Singapore nổi tiếng là “cảng tránh gió” an toàn và điều này càng được củng cố hơn trong thời kỳ đại dịch, khiến quốc gia này trở thành thỏi nam châm thu hút những người giàu có. Lượng người nước ngoài giàu có tiếp tục tăng đã thúc đẩy lĩnh vực bất động sản của đảo quốc này, khiến giá cả và chi phí thuê tăng lên.

Việc nới lỏng các lệnh hạn chế nhập cảnh từ tháng 4.2022 gia tăng lượng khách quốc tế đến Singapore, giúp các khách sạn nâng tỉ lệ đặt phòng. Bất chấp những xu hướng tích cực này, tình hình lạm phát tăng cao và thị trường công nghệ toàn cầu lao dốc khiến tổng tài sản của 50 người giàu nhất Singapore giảm hơn 1/5 so với một năm trước, xuống còn 164 tỉ đô la Mỹ.

Trong danh sách năm 2022, năm cái tên dẫn đầu phản ánh bức tranh toàn cảnh hậu đại dịch COVID-19. Li Xiting, nhà sáng lập và chủ tịch của Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics, ghi nhận giá trị tài sản giảm gần 30% xuống còn 15,6 tỉ đô la Mỹ, khi cổ phiếu của công ty sản xuất thiết bị y tế giảm do tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại. Tuy vậy, ông vẫn giữ vị thế người giàu nhất Singapore.

Lĩnh vực bất động sản phục hồi và thông tin mới về tập đoàn bất động sản Far East Organization giúp hai anh em tỉ phú Robert và Philip Ng vươn lên ngôi á quân với giá trị tài sản 15,2 tỉ đô la Mỹ.

Khối tài sản của Goh Cheng Liang (95 tuổi), tỉ phú ngành sơn nắm quyền kiểm soát công ty sơn Nhật Bản Nippon Paint Holdings và cũng là thành viên lớn tuổi nhất trong danh sách 50 người giàu nhất Singapore, giảm 30% xuống còn 13 tỉ đô la Mỹ dù ông vẫn là người giàu thứ ba đảo quốc này.

Đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ khiến giá trị tài sản của Eduardo Saverin, nhà đồng sáng lập Facebook (nay là Meta), giảm hơn một nửa còn 9,6 tỉ đô la Mỹ và ông tụt hai bậc xuống vị trí thứ tư.

Giá cổ phiếu công ty game Sea niêm yết tại New York, từng “đốt nóng” thị trường chứng khoán năm 2021, lao dốc khi sàn thương mại điện tử Shopee ngày càng thua lỗ và lấy đi hơn 70% giá trị tài sản của ba nhà sáng lập Forrest Li, Gang YeDavid Chen – mức giảm lớn nhất tính theo tỉ lệ phần trăm.

Những con số trên lớn hơn rất nhiều so với mức tăng tài sản ròng của hơn một nửa thành viên trong danh sách năm 2022. Đáng chú ý là Min-Liang Tan, nhà sáng lập Razer, hưởng lợi từ việc tư nhân hóa công ty chuyên về thiết bị chơi game.

Nhờ phục hồi của lĩnh vực khách sạn, Michael Kum, điều hành M&L Hospitality, quay trở lại danh sách 50 người giàu nhất Singapore sau một năm vắng bóng.

Danh sách năm 2022 chào đón hai thành viên mới có gốc nước ngoài. Đầu tiên là Leo Koguan, nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch của công ty cung cấp dịch vụ CNTT SHI International, người vừa tiết lộ mình là cổ đông cá nhân lớn thứ ba của Tesla vào năm 2021. Koguan là người Mỹ sinh ra tại Indonesia, hiện đứng ở vị trí thứ bảy với giá trị tài sản 7,6 tỉ đô la Mỹ.

Người mới thứ hai là Laurent Junique sinh ra tại Pháp, người sáng lập dịch vụ chăm sóc khách hàng thuê ngoài và công ty gia công quy trình kinh doanh TDCX có trụ sở tại Singapore, đã niêm yết vào tháng 10.2021 trên sàn Giao dịch chứng khoán New York.

Ba cái tên rời khỏi danh sách năm 2022, gồm Changpeng Zhao, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa Binance từng ở trong nhóm 50 người giàu nhất Singapore năm 2021 nhưng đã chuyển đến Dubai.

Cái tên nổi tiếng khác là nhà sáng lập Grab Holdings, Anthony Tan, do giá cổ phiếu của siêu ứng dụng này giảm mạnh. Giá trị tài sản ròng tối thiểu để vào danh sách 50 người giàu nhất Singapore là 705 triệu đô la Mỹ, giảm từ con số 735 triệu đô la Mỹ năm 2021.


Ong Beng Seng

Ong Beng Seng: Nhìn xa trông rộng


Không nao núng trước hai năm thua lỗ do đại dịch gây ra, Ong Beng Seng, giám đốc điều hành Hotel Properties niêm yết tại Singapore, công ty sở hữu những bất động sản nổi tiếng như khách sạn Four Seasons ở Singapore, hiện đang bận rộn phát triển.

Tháng 5.2022, Hotel Properties và quỹ đầu tư Temasek Holdings đã vượt qua Keppel trong phiên đấu giá kéo dài bảy tháng để trúng thầu một loạt dự án bất động sản thương mại (bao gồm các trung tâm thương mại tại Singapore và Úc) của tập đoàn truyền thông Singapore Press Holdings, với giá trị khoảng 3,9 tỉ đô la Singapore (2,8 tỉ đô la Mỹ).

Đầu tháng 1.2022, Hotel Properties khánh thành Voco Orchard Singapore, trước đây là Hilton Singapore đã được cải tạo và thay đổi thương hiệu. Khách du lịch đang quay trở lại Singapore, với công suất và giá phòng ở các khách sạn tăng cao. Đảo quốc sư tử cũng là chủ nhà của Singapore Grand Prix, chặng đua xe Công thức 1 (F1) do công ty tư nhân Singapore GP của Ong Beng Seng điều hành vào tháng 9.2022 sau hai năm gián đoạn.

Hotel Properties đang mở rộng quy mô sang thị trường quốc tế. Năm 2021, công ty mua lại khu nghỉ dưỡng Kanuhura Maldives gồm 81 villa tại đảo Lhaviyani Atoll, cách thủ đô Male (Maldives) khoảng 150km về phía bắc với giá trị không được tiết lộ và sẽ mở cửa vào năm 2023. Cũng trong năm 2023, công ty có kế hoạch đưa vào hoạt động một khách sạn 150 phòng tại Dubrovnik, Croatia khi tiến vào thị trường du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Âu.

Hotel Properties đang ghi nhận thành quả từ những quyết định trên, khi lợi nhuận ròng trong sáu tháng đầu năm 2022 tăng trưởng trở lại, đạt 1,9 tỉ đô la Singapore (1,35 tỉ đô la Mỹ). Ong Beng Seng và vợ Christina xếp thứ 24 trong danh sách 50 người giàu nhất Singapore của Forbes với khối tài sản chung 1,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 2% từ năm 2021.

Ong Beng Seng, đồng sáng lập Hotel Properties cách đây bốn thập niên, phụ trách kế hoạch chiến lược và phát triển hoạt động kinh doanh, còn Christina điều hành chuỗi khách sạn hạng sang Como Hotels & Resorts do bà thành lập.


Forrest Li, Gang Ye & David Chen: Biển Động


Ba nhà đồng sáng lập của công ty trò chơi và thương mại điện tử Sea: Forrest Li, Gang Ye và David Chen đã chứng kiến khối tài sản của họ giảm mạnh, với tổng mức giảm 21,6 tỉ đô la Mỹ trong năm qua. Giá cổ phiếu công ty niêm yết tại Hoa Kỳ của họ giảm 77% trong bối cảnh bán tháo cổ phiếu công nghệ và những thách thức toàn cầu ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.

Forrest Li, nhà sáng lập kiêm CEO Sea Group.

Khối tài sản của Li, chủ tịch kiêm CEO và Ye, giám đốc điều hành, sụt giảm mạnh, lần lượt là 4,2 tỉ đô la Mỹ và 2,8 tỉ đô la Mỹ. Chen, giám đốc sản phẩm của nền tảng mua sắm Shopee, không còn là tỉ phú với giá trị tài sản ròng 745 triệu đô la Mỹ.

Sau giai đoạn tăng trưởng nhờ đại dịch COVID-19, tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát khi thế giới đang quay trở lại cuộc sống bình thường tạo áp lực lên nguồn thu của Sea. Công ty có trụ sở tại Singapore báo cáo khoản lỗ ròng trong quý 2.2022 cao hơn dự kiến, tăng hơn gấp đôi lên 931 triệu đô la Mỹ so với năm 2021.

Trong khi đó, doanh thu tăng 29% lên 2,9 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng và công ty cho biết sẽ không công bố báo cáo doanh thu năm 2022 cho mảng thương mại điện tử. “Chúng tôi đang trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng bất ổn, với lạm phát gia tăng, lãi suất tăng, đồng nội tệ Singapore giảm giá so với đô la Mỹ và xu hướng mở cửa trở lại hiện nay,” Li cho biết tại cuộc họp báo cáo thu nhập gần đây của Sea. Công ty 13 năm tuổi này vẫn chưa thu được lợi nhuận.

Để kiểm soát chi phí, Sea đã rút gọn các kế hoạch toàn cầu của mình cho Shopee, công ty đang cạnh tranh với Lazada (Alibaba) và siêu ứng dụng Grab trong khu vực. Kể từ tháng 3.2022, Shopee đã đóng cửa tại Pháp, Tây Ban Nha và Ấn Độ chỉ sau vài tháng ra mắt tại các thị trường này, cũng như tinh giản nhân sự tại những nơi khác trên thế giới gồm Mexico, Argentina, Chile và một số nước Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực fintech, Sea đã đạt được một vài bước tiến nhờ các công ty con về dịch vụ và thanh toán số. Vào tháng 9.2021, SeaMoney triển khai ngân hàng số tại Indonesia cũng như nhận giấy phép hoạt động ngân hàng số tại hai thị trường Malaysia và Singapore, và sẽ vận hành vào nửa cuối năm 2022.

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 110, tháng 10.2022