multi-media / Megastory

Noubar Afeyan cải tổ kinh doanh và khoa học nền tảng

Noubar Afeyan cho ra mắt 70 công ty bằng cách liên tục thúc ép các nhà nghiên cứu biến ý tưởng điên rồ nhất của họ trở thành sự thật. Dùng 17 tỉ đô la Mỹ và mô hình “kinh doanh song song,” ông tài trợ cho rất nhiều ý tưởng hoang đường.

Noubar Afeyan, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Flagship Pioneering, đồng thời là chủ tịch của Moderna, nói: “Tôi liên tục nói những điều phi lý và có vẻ điên rồ.” Ông hỏi các nhà nghiên cứu của mình rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu các vi sinh vật sống trong ruột của chúng ta, “hệ vi sinh vật” có thể giúp chữa bệnh ung thư không? Điều gì sẽ xảy ra nếu các tế bào hồng cầu có thể vận chuyển thuốc cùng với oxy? Điều gì sẽ xảy ra nếu không phải tất cả virus đều xấu?

Có một câu hỏi mà ông đã nêu ra cách đây khoảng 10 năm: điều gì sẽ xảy ra nếu RNA thông tin (mRNA) trở thành cơ sở để phát triển liệu pháp điều trị? “Tôi đã trả lời ông ấy ‘Anh điên rồi, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra,’” CEO Stéphane Bancel của Moderna nhớ lại cuộc trò chuyện đầu tiên của ông với Afeyan về chủ đề này vào năm 2011. Nhưng khi Afeyan, người gốc Armenia nhập cư đến Lebanon và Canada, một lần nữa thuyết phục Bancel, lúc đó là CEO của nhà sản xuất thiết bị chẩn đoán BioMérieux của Pháp, ông đã đồng ý đến Moderna. “Cái hay của Noubar là không cố thúc ép mà chỉ khiến tôi suy nghĩ rằng điều đó có thể thay đổi thế giới và đáng để mạo hiểm,” ông cho biết.

Nhờ vaccine mRNA COVID, Moderna hiện là cái tên quen thuộc, doanh thu trong 12 tháng qua là hơn 11 tỉ đô la Mỹ và vốn hóa thị trường khoảng 119 tỉ đô la Mỹ (tính đến tháng 12.2021.) Afeyan, 59 tuổi, là một trong năm tỉ phú gắn liền với công ty này, có tài sản ước tính 3,5 tỉ đô la Mỹ (Bancel là một trong bốn tỉ phú còn lại, sở hữu tài sản trị giá khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên Afeyan hi vọng rằng Moderna không phải là trường hợp thành công vượt bậc chỉ xuất hiện một lần trong đời, mà sẽ là một trong số hàng chục công ty đạt kết quả đột phá thuộc danh mục đầu tư của công ty Flagship có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts trong hai thập niên qua.

Flagship là công ty đầu tư mạo hiểm có tổng tài sản trị giá 17 tỉ đô la Mỹ, hoạt động như dạng vườn ươm. Thông qua đó, Afeyan đưa ra các ý tưởng khoa học trong công nghệ sinh học, khoa học đời sống và nông nghiệp với mục tiêu tạo ra và hỗ trợ phát triển cho khoảng sáu công ty mỗi năm. Hầu hết các công ty đó đều phát triển từ những vấn đề giả định mà Afeyan đặt ra.

“Mỗi công ty trong danh mục của chúng tôi đều được thành lập với mục tiêu đạt đến những gì Moderna đã làm được,” ông nói với Forbes trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của Flagship nhìn ra sông Charles. “Tại sao bạn không nghĩ rằng bạn thực sự có thể thay đổi thế giới trong lĩnh vực mà bạn đang làm?”

Noubar Afeyan.

Kể từ khi ra mắt Flagship, Afeyan đã hỗ trợ thành lập khoảng 70 công ty. Mỗi công ty đều khởi đầu từ ý tưởng nhỏ trong phòng thí nghiệm. Nếu ý tưởng đủ hứa hẹn, Flagship sẽ đầu tư và công ty đó sẽ hoạt động như công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn trong một thời gian. Những công ty tốt nhất trong số này sẽ tiếp cận với các nhà đầu tư bên ngoài trước khi niêm yết.

Cho đến nay, có 30 công ty của Afeyan đã hoàn thành toàn bộ quy trình. Moderna là lớn nhất tính đến thời điểm này. Ngoài ra còn các công ty đã niêm yết bao gồm Denali Therapeutics (vốn hóa thị trường 6,3 tỉ đô la Mỹ), đang nghiên cứu phương pháp điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh; Quanterix (vốn hóa thị trường 2,1 tỉ đô la Mỹ), sản xuất công cụ đo lường protein để phát hiện và điều trị bệnh; và Rubius (vốn hóa thị trường 1,3 tỉ đô la Mỹ), sử dụng tế bào hồng cầu làm phương pháp điều trị ung thư và các bệnh tự miễn dịch.

Ông gọi mô hình của mình là “tinh thần kinh doanh song song,” nghĩa là ông muốn thành lập nhiều công ty cùng lúc, không chỉ một hoặc hai, mà là sáu hoặc tám. Khi tài sản tăng lên, tốc độ Flagship thành lập các công ty khởi nghiệp cũng tăng. Từ năm 2000 đến 2005, Flagship ra mắt trung bình hai công ty một năm. Đến năm 2020, Flagship đã tăng hơn gấp đôi tốc độ, lên năm công ty khởi nghiệp mỗi năm. Simba Gill, CEO của Evelo Biosciences, công ty của Flagship chuyên nghiên cứu về hệ vi sinh vật, người đã gặp Afeyan lần đầu cách đây hơn hai mươi năm, cho biết: “Ông ấy rất chủ động, đầy thách thức và rất khắt khe. Ông ấy rất trái ngược trong tất cả mọi thứ.”

Theo nguồn tin thân cận với Flagship, kể từ năm 2007, khi Flagship áp dụng mô hình hiện tại, cho đến nửa đầu năm 2021, tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) gần 40%. Hiển nhiên, Moderna là trường hợp siêu lợi nhuận. Dù vừa trải qua đợt giảm giá gần đây, nhưng cổ phiếu Moderna cũng đã tăng gấp tám lần kể từ tháng 3.2020. Nhờ có Moderna, quỹ thứ tư của Flagship, ra mắt vào năm 2012, đứng đầu danh sách 17 công ty công nghệ sinh học có hiệu suất cao và đang trên đà hoàn vốn gấp 15 lần cho nhà đầu tư, theo thông tin nghiên cứu do Stat công bố vào tháng 8.2021. Biên bản từ cuộc họp ủy ban đầu tư của quỹ hưu trí Massachusetts Pension Reserves Investment Management vào tháng 5.2021 ghi nhận “Cả Moderna và Flagship đều nằm trong số các khoản đầu tư có lợi tức cao nhất trong lịch sử của quỹ.”

Afeyan đang tận dụng thành công đó để huy động thêm một lượng lớn tiền mặt nữa. Hồi tháng 6.2021, Flagship huy động được 3,4 tỉ đô la Mỹ cho quỹ mới. Đây là nguồn tiền khổng lồ ngay cả trong thời điểm nguồn đầu tư đang đổ dồn vào công nghệ sinh học và trị liệu. Với lượng vốn mới, Flagship đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực trị liệu, nông nghiệp và dinh dưỡng. Công ty cũng đang xây dựng bộ phận mới chuyên sâu vào y học dự phòng, loại hình chăm sóc sức khỏe mang tính cá nhân nhiều hơn, cũng như phòng ngừa về mặt y tế để chuẩn bị tốt hơn cho các mối đe dọa tương lai từ các bệnh truyền nhiễm. Nếu không có đại dịch, Afeyan nói và đặt tay lên đầu, “chúng tôi có lẽ sẽ không quyết tâm triển khai ngay bây giờ.”

Dòng tiền ào ạt đổ vào cũng sẽ là điều kiện để kiểm tra khả năng mở rộng quy mô kinh doanh song song của ông, thậm chí còn lớn hơn và nhanh hơn so với hiện tại. Flagship hoạt động nhờ một số nhóm nội bộ, như nhóm do giám đốc điều hành công nghệ sinh học lâu năm John Mendlein lãnh đạo, chuyên khảo sát các ý tưởng và thành lập công ty trong các lĩnh vực cụ thể. Khi Flagship ngày càng mở rộng, Afeyan tuyển dụng các giám đốc điều hành có năng lực cao để gánh vác công việc, với tư cách là đối tác hợp danh của công ty, đồng thời là CEO của các công ty khởi nghiệp mới.

Tuy nhiên, ông vẫn thích tham gia vào mọi việc. Thậm chí hiện nay ông vẫn là chủ tịch của Moderna và nằm trong hội đồng quản trị của sáu công ty khác trong nhóm Flagship. David Epstein, người trở thành quản lý hợp danh của Flagship năm 2017, cho biết: “Dần dần, Noubar phải tìm ra cách để điều hành một tổ chức lớn hơn và luôn nắm bắt được nhịp độ của mình. Tôi nghĩ, đối với ông ấy, điều đó không phải tự nhiên mà có, không thoải mái đâu. Ông ấy đang làm rất nhiều việc cùng một lúc.”


Giống như nhiều người Armenia khác, gia đình của Noubar Afeyan di cư từ quốc gia này sang quốc gia khác, cố gắng tìm một nơi định cư an toàn. Afeyan kể, trong cuộc diệt chủng người Armenia năm 1915-1916, có tới 1,2 triệu người theo đạo Cơ đốc Armenia sống dưới đế chế Ottoman đã bị giết, ông nội và ông chú của Afeyan cũng bị bắt đi hai lần. Lần thứ hai, các sĩ quan Đức đang thực hiện vụ trục xuất nhận ra ông của Afeyan có đôi mắt xanh và nói được tiếng Đức, nên đã giúp họ sống sót. “Những người Đức đó thương hại họ,” ông kể. “Mặc dù họ phải thực hiện chính sách của chính phủ, nhưng trên thực tế, các sĩ quan đã phản đối khi nhìn thấy hàng loạt người bị dồn đến chỗ chết.”

Ông nội của ông trốn thoát đến Bulgaria, nơi cha ông được sinh ra. Nhiều năm sau, gia đình Afeyan lại di cư sang Hi Lạp trước khi định cư ở Lebanon vào đầu những năm 1950. “Ông ấy sống cuộc đời tương tự như tôi đang sống bây giờ, không phải người bản xứ, luôn phải chứng tỏ bản thân,” Afeyan kể. Ông trải qua thời thơ ấu ở Beirut cho đến tháng 8.1975, gia đình ông chạy trốn khỏi cuộc nội chiến khi ông 13 tuổi, lần này đến Canada.

Sau khi học kỹ sư hóa học tại đại học McGill, Afeyan hoàn thành bằng tiến sĩ kỹ thuật sinh hóa tại MIT vào năm 1987. Cuộc gặp gỡ tình cờ với David Packard, người đồng sáng lập Hewlett-Packard tại sự kiện của quỹ Khoa học Quốc gia ở Washington, D.C. vào năm 1985 đã tạo nên tác động đối với ông. Packard, người qua đời năm 1996, tự mô tả mình là kỹ sư kiểu mới, pha trộn giữa doanh nhân và nhà đổi mới. “Tôi đã bị mê hoặc theo đúng nghĩa đen.” Afeyan nói, “Tôi bắt đầu tìm cách học mọi thứ liên quan đến thành lập công ty.”

Năm 1989, Afeyan thành lập PerSeptive Biosystems, nhà sản xuất thiết bị đo đạc có trụ sở tại Framingham, Mass. được các công ty công nghệ sinh học yêu thích. Khi đó, theo ông kể, ông là một ngoại lệ, vừa là người sáng lập trẻ tuổi vừa là một người nhập cư, cả hai điều này đều không phải là lợi thế vào thời điểm đó. “Nếu tôi bận tâm nhiều về điều đó thì chắc chắn tôi đã không thành lập công ty. Đó là điều rất phi lý,” ông chia sẻ. Nhưng ông nhớ lại lời khuyên của Packard rằng đối với một lĩnh vực hoàn toàn mới thì bất kỳ sự đổi mới nào trong lĩnh vực đó cũng đều có giá trị. “Tôi nghĩ tôi không gặp nhiều khó khăn,” ông nói. “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ phí hoài bằng tiến sĩ vừa mới nhận được khi tham gia lĩnh vực mà tôi có thể sẽ thất bại.”

PerSeptive đã phát triển công nghệ tiên tiến hàng đầu trong phân tích protein và tăng doanh thu lên 100 triệu đô la Mỹ trước khi Afeyan bán công ty cho tập đoàn thiết bị khoa học Perkin-Elmer với giá 360 triệu đô la Mỹ vào năm 1998. Ông trở thành giám đốc kinh doanh của Applera, công ty kế thừa mảng kinh doanh khoa học đời sống của Perkin-Elmer, nhưng đã sớm suy nghĩ về bước đi tiếp theo của mình. Nhiều người sáng lập trở thành doanh nhân khởi nghiệp liên tục, thành lập công ty rồi lại tiếp tục tạo ra công ty mới, đôi khi thực hiện liên tiếp. Nhưng Afeyan tự hỏi liệu mình có thể tạo ra một cơ cấu để thành lập nhiều công ty cùng một lúc, để luôn có nhiều ý tưởng ở giai đoạn đầu và các công ty khởi nghiệp tiềm năng tràn ngập trong vườn ươm.

“Nếu bạn thực hiện nhiều việc cùng lúc, bạn buộc phải nắm được bản chất cốt lõi,” ông nói. “Tôi nghĩ nó giống như cờ vua. Khi chơi ván cờ, có thể bạn sẽ cố gắng tìm hiểu xem người kia sẽ làm gì. Nếu bạn chơi nhiều ván cờ song song, bạn phải hiểu được chiến lược mấu chốt. Bạn không thể do dự khi hạ nước cờ cụ thể. Tư duy kinh doanh song song là sự khiêu khích đối với tôi.”

Năm 1999, Afeyan thành lập công ty tiền thân của Flagship Pioneering và đặt trụ sở tại khu văn phòng ở ngoại ô Cambridge. Người đồng sáng lập của ông là nhà đầu tư mạo hiểm Ed Kania, từng đầu tư vào PerSeptive. “Đó là yếu tố thúc đẩy tôi thành lập nhiều công ty cùng lúc. Đó là quá trình khác để biến tư tưởng này thành quy trình,” Afeyan cho biết.

Afeyan, trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 2008, tin rằng xuất phát điểm là người nhập cư giúp ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro và hành động ngược lại với lẽ thường. Ông nói: “Sự kiên quyết cần có để thực hiện những điều này khởi đầu từ việc không có cội nguồn. Một phần trong đó là cảm giác quen với việc thiếu an toàn và không mặc nhiên chấp nhận mọi thứ.”

Vào thời điểm Flagship được thành lập cách đây 20 năm, công nghệ sinh học không còn được ưa chuộng và cái gọi là “các doanh nghiệp nền tảng cơ bản” – hoạt động dựa trên một ý tưởng như mRNA chứ không phải nghiên cứu ra loại thuốc cụ thể – là những công ty ít được ưa chuộng nhất. “Đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với lĩnh vực sinh học. Các công ty dotcom đã mê hoặc thị trường. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học và đầu tư mạo hiểm, người ta tuyên bố ‘kỷ nguyên của công nghệ sinh học đã qua, kỷ nguyên của doanh nghiệp nền tảng đã kết thúc. Chúng ta đã thấy được rằng không có ý tưởng nào trong số đó mang lại hiệu quả,’” Doug Cole, bác sĩ y khoa kiêm giám đốc hợp danh của Flagship, một trong những nhân viên đầu tiên vào năm 2001, nhớ lại.

Nhưng Afeyan không quan tâm đến những gì người khác nghĩ. “Về cơ bản Noubar luôn tin bạn có thể thay đổi thế giới bằng khoa học nền tảng,” CEO Gill của công ty Evelo cho biết. “Mọi người đều yêu thích Moderna, nhưng rất khó để xác định khoa học nền tảng là điều hợp thời hay lỗi mốt. Đó là cách mà Noubar nghĩ, và ông ấy kiên định với suy nghĩ đó trong suốt thời gian qua.”

Nhờ vaccine mRNA COVID, Moderna hiện là cái tên quen thuộc, doanh thu trong 12 tháng qua hơn 11 tỉ USD và vốn hóa thị trường đạt 125 tỉ USD. Afeyan là một trong năm tỉ phú gắn liền với công ty này, có khối tài sản ước tính 3,7 tỉ USD.

Dần dà, Afeyan đã thiết lập cơ chế để huy động ý tưởng cho các công ty mới. Ông bắt đầu với những câu hỏi giả định. Afeyan nói, hãy vẽ một vòng tròn đại diện cho những gì hiện đang tồn tại, sau đó vẽ một vòng tròn lớn hơn thể hiện những gì liền kề với vòng tròn đó. “Những cái nằm ở vòng tròn bên ngoài là thế giới mà mọi người cho là liều lĩnh,” ông nói.

Thế giới liều lĩnh đó là chốn ngọt ngào của Afeyan vì đó là nơi diễn ra những bước đột phá lớn. Ngoài ra còn có một cơ chế để các nhà nghiên cứu của Flagship khảo sát hàng tá ý tưởng, chấp nhận một số ý tưởng và từ chối một số khác. Afeyan mô tả quá trình này giống như thuyết tiến hóa của Darwin. Khi các nhà nghiên cứu của công ty khám phá ra các ý tưởng, họ sẽ thay đổi cách tiếp cận của mình – hoặc thậm chí là những gì họ đang làm – mà không quan tâm nhiều đến cách thế giới bên ngoài nhìn nhận về ý tưởng và cách làm của mình. Ông nói: “Tất cả những gì chúng tôi đang làm là vận hành quá trình tiến hóa.”

Những ý tưởng có thể trụ lại được – tổng cộng có khoảng 89 ý tưởng – được đầu tư tiền bạc chứ không chỉ là có danh tiếng. Công ty đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (trong hầu hết trường hợp, có thể tạo nhiều đơn đăng ký bằng sáng chế cho một ý tưởng) để khoanh vùng sản phẩm của mình và đầu tư từ 1-2 triệu đô la Mỹ. Flagship nộp 341 đơn xin cấp bằng sáng chế trong năm 2020, nhiều hơn gấp đôi con số của hai năm trước đó; trong nửa đầu năm nay, công ty đã nộp 379 đơn đăng ký bằng sáng chế. Nếu ý tưởng có hiệu quả trong phòng thí nghiệm, Flagship sẽ đặt tên cho công ty mới và cam kết đầu tư từ 20 triệu đô la Mỹ trở lên cho công ty mới này với tư cách là một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn. Đến nay, đã có 70 công ty được hình thành từ 89 ý tưởng đó.

Khi các công ty này phát triển, Flagship thu hút các nhà đầu tư bên ngoài, thường huy động được 100 triệu đô la Mỹ trở lên, với mục tiêu cuối cùng là cổ phần hóa. Theo Afeyan, nhờ ươm mầm những ý tưởng riêng và cung cấp tất cả các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong giai đoạn hạt giống và giai đoạn đầu, Flagship có thể sở hữu 50% hoặc nhiều hơn tại thời điểm IPO của các công ty khởi nghiệp. Avak Kahvejian, giám đốc hợp danh tại Flagship (và là anh em họ xa của Afeyan) cho biết: “Đó là mô hình rất khác biệt. Nói cách khác, Noubar đã phát minh ra mô hình này và về cơ bản là người huấn luyện chúng tôi làm công việc này.”

Hãy xem xét nghiên cứu của Flagship về hệ vi sinh vật, những vi sinh vật phát triển mạnh sống trong cơ thể chúng ta, đặc biệt là trong ruột. Năm 2008, lần đầu tiên Afeyan đưa ra ý tưởng khám phá vai trò của hệ vi sinh vật đối với bệnh tật, bao gồm các bệnh tự miễn dịch và ung thư. Thời điểm đó, hệ vi sinh vật vẫn là khái niệm còn xa vời, dù các nhà khoa học đã biết và bàn về chúng trong nhiều năm. Sau khi khám phá ban đầu không đi đến đâu, vào năm 2012, Flagship ra mắt công ty khởi nghiệp về hệ vi sinh vật đầu tiên: Seres Therapeutics, công ty đang tạo ra phương pháp phục hồi sức khỏe bằng cách sửa chữa chức năng điều chỉnh sự cân bằng của hệ vi sinh.


Hiện nay, Flagship đã ra mắt sáu công ty về hệ vi sinh vật, bao gồm Evelo (thành lập 2014), Kaleido Biosciences (2015) và Senda Biosciences (2016). Tuy nhiên, đây vẫn còn là cuộc chơi dài hơi vì các nhà nghiên cứu chỉ đang tiến hành nghiên cứu khoa học và các thử nghiệm lâm sàng. Gần một thập niên sau khi thành lập, Seres chỉ có loại thuốc đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và một số phương pháp điều trị khác trong các thử nghiệm giai đoạn trước. Công ty niêm yết này có vốn hóa thị trường 710 triệu đô la Mỹ.

Có thể nói, công trình nghiên cứu về hệ vi sinh vật cũng góp phần dẫn đến nhiều nghiên cứu về virus hơn trong thời gian gần đây, khi Afeyan và nhóm của ông đặt câu hỏi liệu có virus nào trong cơ thể chúng ta không phải là bệnh lý hay không. “Sao lại có thể xuất hiện mọi vi sinh vật có lợi mà lại không hề có virus nào có lợi?” Afeyan hỏi.

Câu trả lời cho vấn đề này là điều then chốt, vì trong liệu pháp gene, các phương pháp điều trị được thực hiện thông qua virus và những virus đó cũng tạo ra những tác dụng phụ. Afeyan tự hỏi liệu có khả năng xuất hiện một loại virus an toàn để thay thế các loại virus hiện có trong vai trò đó hay không. Ông cho biết khi các nhà nghiên cứu của Flagship nghiên cứu vấn đề này, họ đã biết về một họ virus, được gọi là Anellovirus, sống trong cơ thể người nhưng không được chú ý vì không gây hại. Nghiên cứu này trở thành ý tưởng đánh số “FL46” trong phòng thí nghiệm của công ty và được ra mắt với tên gọi Ring Therapeutics vào năm 2017.

Tháng 7.2021, Ring gọi được 117 triệu đô la Mỹ, với T. Rowe Price là một trong những nhà đầu tư.Tất nhiên, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Flagship đã đóng cửa bốn công ty mà họ đầu tư từ 10 triệu đô la trở lên và 13 công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu với số tiền đầu tư ít hơn. Ví dụ, vào tháng tư vừa qua, Ohana Biosciences, công ty hỗ trợ sinh sản chuyên về các phương pháp điều trị thông qua tinh trùng, đã đóng cửa và sa thải hầu hết nhân viên của mình sau hơn một năm ra mắt.

Một số ván cược lớn hơn cũng không có sự bứt phá. Indigo Agricultural được thành lập năm 2013, sử dụng vi sinh để tạo ra hạt giống giàu năng suất hơn. Công ty huy động được 1,1 tỉ đô la Mỹ, số tiền khổng lồ đối với một công ty khởi nghiệp nông nghiệp, nhưng đã phải chật vật xoay xở để đưa hoạt động của mình đi đúng hướng. Vào tháng 9.2020, Ron Hovsepian, cựu CEO công ty phần mềm Novell, trở thành quản lý hợp danh của Flagship hai năm trước đó, đảm nhận vị trí CEO. Ông đang nỗ lực cải tạo doanh nghiệp và loại bỏ chiến lược bán hàng trực tiếp cho nông dân để ủng hộ quan hệ đối tác với các nhà phân phối nông sản. “Nếu chúng tôi muốn thực hiện tầm nhìn này, chúng tôi phải đạt đến quy mô phù hợp,” Hovsepian nói.

Quy mô cũng rất quan trọng đối với Repertoire Immune Medicines, công ty con của Flagship dưới trướng John Cox, nhân vật kỳ cựu trong mảng công nghệ sinh học, người đã giám sát thương vụ 11,6 tỉ đô la Mỹ bán Bioverativ cho Sanofi. Repertoire đang tìm hiểu các hoạt động bên trong của hệ thống miễn dịch. Trọng tâm của công ty là tế bào T, loại tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Cox giải thích: “Nguyên nhân cơ bản của hầu hết các bệnh tự miễn đều có liên quan đến hoạt động sai lệch của tế bào T. Nếu có thể tìm hiểu tại sao tế bào T tạo ra các tổn thương trong não khiến gây ra bệnh đa xơ cứng, bạn có thể bào chế các loại thuốc miễn dịch phù hợp để điều trị bệnh thay vì chỉ làm giảm phản ứng miễn dịch.”

Đó là ý tưởng lớn tồn tại từ rất lâu trong tâm trí Afeyan và Repertoire hiện đã huy động được hơn 350 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư bao gồm SoftBank và quỹ Alaska Permanent để theo đuổi ý tưởng này. Giống như các công ty khác của Flagship, công ty này được gọi là “nền tảng cơ bản.” Afeyan lập luận lộ trình phát triển này làm giảm rủi ro cho các công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của mình và cho phép bất kỳ công ty nào trong số đó chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác khi có nhu cầu, như trường hợp của Moderna với các loại vaccine phòng ngừa COVID-19.

Ông chia sẻ: “Trong công nghệ sinh học, việc bất kỳ một sản phẩm nào cũng tạo ra hiệu quả là sự thật có xác suất rất thấp, vậy tại sao lại phải đổ hàng triệu đô la và thời gian, công sức vào sản phẩm chỉ có duy nhất một tác dụng? Moderna đã huy động được một tỉ đô la Mỹ và việc đó khiến mọi người hoài nghi. Họ thắc mắc ‘Vì sao người ta lại đổ tiền vào công ty này?’ Vaccine được phát triển hai ngày sau khi công bố trình tự gene của virus corona. Vậy giá trị nằm ở đâu? Vaccine hay nền tảng cơ bản? Một nhà đầu tư thời nay sẽ tin giá trị nằm ở vaccine. Còn tôi vẫn kiên định cho rằng đó là nhờ nền tảng cơ bản.”

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam, số 100, tháng 12.2021.