multi-media / Megastory

Sau Hoàn Mỹ, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng xây dựng chuỗi bệnh viện thứ hai với mô hình khác biệt

Sau khi chấm dứt vai trò tại Hoàn Mỹ, chuỗi bệnh viện tư lớn nhất Việt Nam, hơn 10 năm qua bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng làm gì? Câu trả lời cho những ai quan tâm: Xây dựng hệ thống bệnh viện Tâm Trí và trường đại học Phan Châu Trinh với ước vọng gieo những mầm xanh vào nhân sự ngành y tế.

Vào mỗi sáng trong tuần, tầm 7h, nếu bạn di chuyển trên tuyến đường từ Thảo Điền (TP Thủ Đức) tới vòng xoay Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) có thể đã lướt qua một người đàn ông đứng tuổi lom khom điều khiển chiếc xe Dream II cũ kỹ. Với chiếc áo mưa cẩn thận cài trước giỏ, mang chiếc nón bảo hiểm màu xanh dương, ở một thời điểm bất chợt nào đó ông có thể tạt vào lề, vội vã lấy giấy bút ghi ý tưởng vừa lóe lên trong đầu rồi mới tiếp tục hành trình. Thường lệ, 7h30 sáng ông ngồi vào bàn làm việc, có thể các cuộc họp với cộng sự hoặc để cụ thể hóa các ý tưởng vừa mới bật ra. 4h chiều, ông kết thúc một ngày làm việc, hành trình ngược lại trở về trên chiếc xe gắn máy đã gắn bó nhiều năm.

Người đó là bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, người sáng lập hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ, hiện đã được chuyển nhượng và đang nằm dưới quyền quản lý của tập đoàn Clermont (Singapore). Dù khuôn mặt nhiều nếp nhăn và cánh tay lấm tấm vết đồi mồi, ông vẫn linh hoạt và tinh anh hơn nhiều so với độ tuổi thất thập. “Làm việc đối với mình trở thành lẽ sống. Có những lúc tôi nghĩ hay mình dừng lại nhưng tự cảm thấy phải tiếp tục làm việc. Những ngày cuối tuần không có việc gì mình thấy rất trống vắng,” vị bác sĩ 69 tuổi nói.

11 năm sau khi rời Hoàn Mỹ, song song với việc xây dựng và điều hành hệ thống bệnh viện Tâm Trí, ông đang đào tạo lứa sinh viên y khoa tại đại học tư thục Phan Châu Trinh theo mô hình thực hành. Ở tuổi xấp xỉ 70, vị bác sĩ chưa muốn dừng lại mà nỗ lực thực hiện thử thách của bản thân: xây dựng đội ngũ thầy thuốc tương lai có vị trí và hình ảnh tốt hơn trong lòng người bệnh và cộng đồng xã hội.

Mang cặp kính trắng, vẻ bề ngoài hiền lành, dễ gần với lối nói chuyện nhẹ nhàng nhưng khúc chiết, tổng giám đốc Y khoa Tâm Trí có thể dành thời gian vài giờ liền thao thao về các ngóc ngách ngành y tế khi đã gắn bó với lĩnh vực này xấp xỉ 50 năm. Trong tuần, thời gian làm việc của ông chia đôi.

Nếu tại TP.HCM, ông tới trụ sở của công ty cổ phần Y khoa Tâm Trí, một tòa nhà nhỏ nằm trong một con hẻm, mặt tiền có tấm biển hiệu khiêm tốn, cầu thang bộ dốc, không có gì mang dáng vẻ đầu não của mạng lưới bốn bệnh viện với 750 giường bệnh tại TP.HCM, Đồng Tháp, Nha Trang và Đà Nẵng. Phòng làm việc của nhà sáng lập Tâm Trí khiêm tốn, bài trí tối giản trên tường là các sơ đồ và mô hình quản lý bệnh viện được in trên khổ A4.

Thời gian còn lại, nếu không ở TP.HCM thì gần như ông có mặt tại đại học Phan Châu Trinh tại Quảng Nam, nơi ông là chủ tịch trường. “Tôi phải bán ba héc ta đất tại quận 9 (TP.HCM) để đầu tư vào trường,” ông hé lộ. Ở tuổi ngoài 60 đây là một quyết định đầy táo bạo không phải ai cũng dũng cảm thực hiện: mua lại giấy phép của một trường đại học vốn đào tạo đa ngành từ du lịch, quản trị kinh doanh, tài chính kế toán… sau đó xóa bỏ tất cả, xin cấp phép đào tạo ngành y bậc độ đại học.

Theo báo cáo của bộ Y tế, hiện tại Việt Nam có khoảng 300 bệnh viện tư nhân, hầu hết hoạt động theo hình thức đa khoa hoặc tập trung vào một chuyên ngành xã hội có nhu cầu cao như sinh sản, nam khoa, đột quỵ, ung bướu, tim mạch. Chỉ một nhóm nhỏ trong số này phát triển thành chuỗi, tiêu biểu có Hoàn Mỹ, Vinmec, Xuyên Á, Tâm Trí, Hồng Ngọc…

Xét về quy mô, với bốn bệnh viện, 1.000 nhân sự, thực hiện 3.000 lượt khám chữa bệnh mỗi ngày, hệ thống Tâm Trí chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên hệ thống này là một trong số ít chuỗi bệnh viện tư nhân tại Việt Nam nhận được vốn đầu tư nước ngoài: Năm 2018, VinaCapital dẫn đầu nhóm các nhà đầu tư rót 25 triệu đô la Mỹ, lần thứ hai trở thành đối tác với bác sĩ Tùng sau lần đầu rót vốn vào Hoàn Mỹ.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng

 “Khoa học quản lý bệnh viện” là cụm từ ông Tùng hay nhắc đi nhắc lại khi đề cập đến việc xây dựng chuỗi bệnh viện. Đó là việc đầu tư cơ sở vật chất ở quy mô vừa phải, khoảng 3 tỉ đồng/giường bệnh để chi phí điều trị ở mức hợp lý, tầng lớp thu nhập trung bình trong xã hội cũng có thể tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đó là việc am hiểu đặc tính vùng miền để định vị các hoạt động khám chữa bệnh mũi nhọn dù các bệnh viện đều xây dựng mô hình đa khoa. Chẳng hạn, khu vực miền Tây do lối sống và tập quán sinh hoạt văn hóa riêng nên khoa sản nhi và nội tiêu hóa là mũi nhọn. Ngược lại, tại miền Trung điều kiện lao động vất vả trong thời tiết cực đoan thì khoa chấn thương chỉnh hình lại là tiêu điểm.

 “Khoa học quản lý bệnh viện” của nhà quản lý bệnh viện đó là việc phân luồng, phân tuyến để các dòng người tới khám chữa bệnh được vận hành tối ưu, tiết kiệm thời gian chờ đợi, xét nghiệm của người bệnh. Đó là việc chẩn đoán điều trị bệnh nhân hiệu quả để tiết kiệm chi phí. Là việc xây dựng đội ngũ nhân sự y tế gắn bó lâu dài với bệnh viên, vừa thực hiện việc phân phối thu nhập để giữ chân nhân sự giỏi vừa tích lũy thặng dư, tái đầu tư xây dựng, vừa đạt các chỉ tiêu tài chính cam kết với cổ đông. “Bệnh viện tư là một doanh nghiệp, vì vậy phải quản lý theo kiểu một doanh nghiệp,” ông nói.

Theo thống kê của WHO, Việt Nam có 8 bác sĩ trên 10 ngàn dân, con số tương ứng tại Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ lần lượt là 19, 24 và 26. Nhân sự y tế là bài toán nan giải nhất với các bệnh viện, trạng thái quá tải trong khám chữa bệnh xảy ra thường xuyên với các bệnh viện tuyến cuối công lập: xếp hàng chen chúc, chờ vài tiếng mới tới lượt khám, mỗi lần khám qua loa vài phút, thậm chí thời gian tính bằng giây. “Khoa học quản lý” của tổng giám đốc Tâm Trí tại bệnh viện tư là mỗi bác sĩ chỉ khám tối đa 25 lượt bệnh nhân/ngày, nếu bước sang con số 26 là mức báo động đỏ phải bổ sung thêm nhân sự.

Báo cáo mới đây của bộ Y tế cho biết trong nửa đầu năm 2022 nhân sự ngành y tế đã có gần 10 ngàn người nghỉ việc với lý do chính  là thu nhập thấp. “Tâm Trí không giữ bác sĩ lương thấp. Bệnh nhân được chọn bác sĩ, bác sĩ muốn có thu nhập tốt thì phải giỏi tay nghề, được bệnh nhân tin tưởng. Chính bệnh nhân giữ bác sĩ chứ không phải bệnh viện giữ bác sĩ,” ông lập luận và cho biết Tâm Trí phân nhân viên y tế làm ba nhóm: bác sĩ phù hợp với chuyên môn bệnh viện; bác sĩ tiềm năng – có thể phát triển tay nghề tốt hơn trong tương lai và bác sĩ tài năng – nhân lực giỏi giải quyết được các ca khó và được bệnh nhân tin tưởng, yêu mến, lựa chọn. Phân phối thu nhập sẽ dựa trên sự phân loại này.

 “Doanh nghiệp y tế tư nhân” này đã gặp các thử thách thực sự trong đại dịch COVID-19. Đầu năm 2020 “khoa học quản lý” áp dụng vào phân luồng bệnh nhân tỏ ra hiệu quả. Để ngăn chặn nguy cơ virus thâm nhập bệnh viện, luồng bệnh nhân được điều chỉnh theo ba màu vàng – đỏ – xanh như tín hiệu đèn giao thông.

Qua sàng lọc, người có triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, chảy nước mũi và lịch sử di chuyển từ vùng dịch là nhóm có nguy cơ (vùng vàng) chuyển sang khu vực xét nghiệm sâu hơn để nếu dương tính lập tức được đưa đi cách ly (vùng đỏ). Vùng xanh trong bệnh viện là khu vực an toàn cho bác sĩ và những người tới khám chữa bệnh khi đã được sàng lọc không có virus. Bệnh viện đặt ra KPI thưởng phạt rõ ràng: khi phát hiện ngăn chặn được một ca nhiễm COVID-19 không thâm nhập bệnh viện, nhân viên được tính thù lao một ca làm việc bằng một ngày và ngược lại.

Nhưng giữa năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát căng thẳng ở phía Nam, các bệnh viện thu dung chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng quá tải. Không còn chỗ để chuyển bệnh nhân COVID-19 thì chính “vùng xanh” của Tâm Trí cũng bất đắc dĩ trở thành “vùng đỏ” – nơi điều trị bệnh cho các bệnh nhân nhiễm virus. Các nhân viên y tế phải sinh hoạt ba tại chỗ.

Kết quả, 20% số nhân sự của hệ thống lần lượt nhiễm COVID-19. Có bác sĩ làm việc ở bệnh viện nhiều tháng, dịch bớt trở về nhà mới biết người thân đã mất vì dịch bệnh. Dù nhân lực của hệ thống được bảo toàn nhưng 18 bệnh nhân điều trị COVID-19 đã không qua khỏi tại bệnh viện Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, TP.HCM). “Ảnh hưởng bởi đại dịch, hai năm liên tiếp hiệu quả hoạt động của hệ thống Tâm Trí đều giảm so với năm 2019,” ông Tùng cho biết.

Vị bác sĩ với triết lý nghề nghiệp “bản sắc y học Việt Nam là y đức” trở thành nhà quản lý bệnh viện sau quá trình lăn lộn trong ngành y từ công lập đến tư nhân, từ những năm nền kinh tế bao cấp tới giai đoạn mở cửa nền kinh tế. Tốt nghiệp đại học Y khoa Huế, đầu thập niên 1980, ở tuổi 30 ông được phân công về công tác tại bệnh viện Đại Lộc (Quảng Nam). Các sáng kiến quản lý bệnh viện của ông dù giúp người bệnh hài lòng nhưng không được các đồng nghiệp công tác lâu năm ủng hộ vì trái với những việc họ vẫn làm.

Giữa thập niên 1980 ông vào TP.HCM, trải qua gần mười năm khó khăn chạy tới chạy lui xin làm việc tại nhiều bệnh viện và nông trường nhưng rốt cuộc không nơi nào trụ lại được lâu khi những quan điểm tân thời: “chăm sóc sức khỏe với chi phí phải chăng”, “lấy bệnh nhân làm trung tâm”, “dịch vụ trước, kinh doanh sau” không được chấp nhận.

Năm 1997, bằng vốn vay mượn ông lập phòng khám đa khoa 1A Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM) để triển khai mô hình khám chữa bệnh vẫn thường ấp ủ. Đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, phòng khám đông khách, theo đà, từng bước vị bác sĩ quê Quảng Nam mở rộng phát triển lên thành hệ thống bệnh viên tư nhân Hoàn Mỹ.

Quản lý chuyên môn y tế tốt nhưng sự phiêu lưu trong sử dụng đòn bẩy tài chính lúc mở rộng hệ thống lên sáu bệnh viện đã gián tiếp đẩy nhà sáng lập Hoàn Mỹ vào tình thế rủi ro tài chính. Năm 2011, ông ở thế buộc phải chuyển nhượng cổ phần cho tập đoàn Fortis (Ấn Độ) và sau đó một năm hệ thống được tỉ phú Singapore, Richard Chandler mua lại từ Fortis với định giá 100 triệu đô la Mỹ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam cách đây tám năm khi nói về việc rời chuỗi bệnh viện tư nhân thành công nhất về độ phủ và tài chính khi ấy, ông nói: “Tôi ngộ ra một điều tài sản tạo ra là của xã hội chứ không của riêng ai. Không nên ‘ôm’ trong mình mà nên trả lại xã hội.” Tám năm sau vẫn quan điểm đó: “Khi ra đi mình không mang được theo tài sản, vì vậy nên tìm cách bàn giao lại cho xã hội.” Di sản vị bác sĩ muốn bàn giao cho xã hội là một trường đào tạo y khoa tư nhân.

Thất bại trong việc xin đất, mở trường y tại quận 12, TP.HCM, năm 2017 ông mua lại trường đại học Phan Châu Trinh (Điện Bàn, Quảng Nam). Miếng đất tại bán đảo Long Phước (TP.HCM) mua từ năm 2004 dự định dành dưỡng già được bán để có nguồn tài chính đào tạo thế hệ bác sĩ ưu tú cho tương lai. Trường đại học tư thục này đào tạo theo hình thức thực hành, các chuyên ngành đào tạo gồm: y khoa, xét nghiệm, răng hàm mặt, điều dưỡng và cả quản trị bệnh viện.

Ông nói ngành y là một ngành đặc thù, thường xuyên làm việc trực tiếp với con người và quan trọng hơn là liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người nên việc đào tạo một bác sĩ không phải chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức y khoa và các kỹ năng lâm sàng khám chữa bệnh, mà mục tiêu đào tạo một bác sĩ toàn diện được thể hiện ở nhiều khía cạnh trí tuệ, tâm, đức. “Tôi muốn tạo ra một thế hệ sinh viên chuẩn mực đầu tiên về trí tuệ,” ông Tùng nói.

Trường tuyển sinh trong cả nước, hiện sinh viên theo học tới từ miền Tây Bắc đến ĐBSCL. Giáo trình giảng dạy xuất phát từ quy định quản lý ngành y tế, có sáng tạo phù hợp với thực tế và “có chuẩn đầu ra mong ước.” 70% đào tạo tại trường là lồng ghép thực hành. Với bốn bệnh viện thương hiệu Tâm Trí và một phòng khám đa khoa trực thuộc đại học Phan Châu Trinh, sinh viên được thực hành ngay từ năm thứ nhất.

Bên cạnh việc mời các đồng nghiệp tại đại học Y khoa Huế, đại học Y dược TP.HCM thỉnh giảng, các bác sĩ tại hệ thống Tâm Trí trực tiếp đứng lớp và hướng dẫn sinh viên thực hành. Nhà quản lý hằng ngày vẫn đi làm trên chiếc xe máy cà tàng không ngần ngại đầu tư cho các mô hình giải phẫu và lâm sàng nhập từ Mỹ trị giá triệu đô la Mỹ. Trường có phòng thực hành mô hình giải phẫu 2D và 3D, phòng thực hành kỹ năng tiền lâm sàng, các phòng thực hành thí nghiệm hiện đại.

Với khoảng 300 sinh viên y khoa đang theo học, năm 2024 lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Ông nói chuẩn đầu ra của trường cao hơn quy định hiện nay của bộ Giáo dục – Đào tạo với nhiều bài kiểm tra để đạt các tiêu chuẩn riêng về lý thuyết, lâm sàng, đạo đức, tiếng Anh và phục vụ cộng đồng. Sinh viên ra trường không buộc làm cho hệ thống Tâm Trí nhưng sẽ được bố trí công việc nếu có nguyện vọng.

Vị chủ tịch trường Phan Châu Trinh tiết lộ kể từ khi tiếp quản tới nay EBIDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) của trường thường xuyên âm. Ông kỳ vọng mô hình trường sẽ phát triển bền vững khi nâng cấp phòng khám đa khoa hiện nay thành bệnh viện Tâm Trí thứ năm, vừa để sinh viên có chỗ thực tập vừa để trường có thêm nguồn tài chính. Theo nhà quản lý này, mô hình trường đại học – bệnh viện cũng là mô hình phát triển bền vững trên thế giới với các đại học tư thục ngành y.

Đại dịch tạo ra sự thay đổi gì với ngành y tế? Vị bác sĩ nhìn nhận ngoài nhận thức sức khỏe trong cộng đồng tăng lên, công tác khám chữa bệnh trong hệ thống y tế chưa có nhiều chuyển biến. Theo nhận định của ông, y tế dự phòng (tuyên truyền, tiêm chủng, phòng bệnh) đã giúp Việt Nam đảo ngược tình thế khó khăn một năm trước đây trở thành quốc gia có độ phủ vaccine thuộc nhóm cao nhất thế giới khi y tế điều trị (bệnh viện, bác sĩ, dược phẩm) vỡ trận.

Điều cần thiết là đánh giá lại vai trò của y tế dự phòng, vai trò của người “gác cổng” trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe toàn dân. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, theo ông, một đồng ngân sách đầu tư cho y tế dự phòng có thể tạo ra sự lan tỏa tương đương 10 đồng dành cho y tế điều trị. Vì vậy, mức tỉ lệ đầu tư 15/85 hiện nay là bất đối xứng, cần thay đổi: tăng nhân lực và thu nhập cho y tế dự phòng, đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ sức khỏe chủ động…

Mỗi ngày, ông thức dậy lúc 4h30 sáng, tập thể dục, bơi lội và tập dịch cân kinh. Ăn sáng, nhâm nhi ly cà phê khi báo vừa tới, ông đọc lướt các tin tức trong ngày trước khi rời nhà. Vào cuối tuần, ông có thói quen đạp xe lang thang các nơi, mỗi bận mấy chục cây số khi xuống Củ Chi, lúc loanh quanh TP Thủ Đức. Thủa hàn vi, giữa thập niên 1980, chạy chiếc Mobylette cũ trên đường có lúc ông ước có vài ngàn dằn túi phòng xe bể lốp, có giai đoạn khó khăn chi phí sinh hoạt phải nhờ cậy vào bạn bè.

Bây giờ, đạp xe trên đường, nhìn ngó cuộc sống đó đây thay đổi chóng mặt, quá khứ cũ mới đan xen giúp ông bật ra các ý tưởng. “Mình vận động để nuôi dưỡng cảm xúc, thiếu cảm xúc thì không sự tươi mới, không có sự tươi mới thì không có sáng tạo, không có sáng tạo không tạo ra cái mới,”  ông nói.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 109, tháng 9.2022