Trong cuộc phỏng vấn độc quyền, CEO Meta Platforms và vợ là bác sĩ nhi khoa, đồng CEO của Chan Zuckerberg Initiative, nói về kế hoạch sử dụng công nghệ để hiểu sâu hơn về tế bào và mô người—đồng thời tạo ra mức tác động lên sức khỏe.
Sáu năm rưỡi trước, nhà sáng lập kiêm CEO Facebook Mark Zuckerberg và vợ, bác sĩ Priscilla Chan, công bố cam kết 3 tỉ USD cho nghiên cứu khoa học cơ bản trong một thập niên, bao gồm 600 triệu USD để thành lập trung tâm nghiên cứu y sinh ở San Francisco với sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu từ đại học California tại San Francisco và Berkeley, cũng như đại học Stanford.
Vào cuối năm 2021, họ hứa tài trợ thêm 3,4 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Hiện giờ, cặp đôi này công bố trung tâm sinh học mới ở Chicago – nhận 250 triệu USD trong một thập niên, từ khoản tài trợ 6,4 tỉ USD của Chan Zuckerberg Initiative.
Nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa đại học Northwestern, đại học Chicago với đại học Illinois tại Urbana-Champaign, Chicago Biohub sẽ thực hiện những nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cách thức mô người hoạt động, sử dụng cảm biến nhỏ trung tâm sẽ phát triển.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền diễn ra chỉ vài tuần trước ngày Chan sinh đứa con thứ ba, Zuckerberg và Chan, hiện đều 38 tuổi, cùng ngồi với Forbes hồi tuần trước để nói về trung tâm Biohub mới cũng như mức hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học khác với mô hình truyền thống như thế nào. Họ cũng nói về những mục tiêu rất cao liên quan đến phương pháp chữa trị hoặc quản lý tất cả bệnh.
Phần lớn khoản đóng góp cho khoa học của họ được thực hiện dựa trên ý tưởng rằng công cụ tốt hơn, kết hợp với sự hiểu biết sâu rộng về sinh lý học con người, có thể giúp đẩy nhanh việc tìm ra phương pháp chữa trị bệnh, quản lý hoặc hoàn toàn phòng ngừa chúng. “Nếu bạn nhìn vào lịch sử khoa học, hầu hết các tiến bộ lớn đều có trước khi xuất hiện những công cụ mới để quan sát mọi thứ, không chỉ trong sinh học mà còn với kính viễn vọng cũng như máy siêu va chạm,” Zuckerberg giải thích.
Ban đầu Chan và Zuckerberg quan niệm về các trung tâm sinh học như một cách để bắt đầu phát triển công cụ cũng như những khám phá như vậy. Không giống như nhiều phòng thí nghiệm nghiên cứu học thuật điển hình nhận hỗ trợ từ khoản tài trợ của viện Y tế Quốc gia, trung tâm sinh học Chan Zuckerberg sẽ hợp tác với trường đại học để giải quyết những câu hỏi lớn họ sẽ không tự mình giải quyết được, hợp tác giữa những ngành khoa học đồng thời đưa ra lời hứa Chan Zuckerberg Initiative tài trợ ít nhất trong một thập niên.
CZ Biohub đầu tiên, được thành lập vào năm 2016, nằm đối diện với khuôn viên Mission Bay của UC San Francisco, thực hiện nghiên cứu trong hai lĩnh vực rộng lớn: tạo ra hệ thống phát hiện cũng như ứng phó với bệnh truyền nhiễm, đồng thời nâng cao hiểu biết về cách thức hoạt động của tế bào người khỏe mạnh lẫn bị bệnh.
Sau sáu tháng đại dịch COVID-19 bùng phát tại Hoa Kỳ, CZ Biohub và UC San Francisco công bố kết quả nghiên cứu về độ tin cậy của xét nghiệm nhanh COVID-19 BinaxNow. Nghiên cứu do đồng chủ tịch Biohub Joe DeRisi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cũng là giáo sư tại UC San Francisco, dẫn đầu. DeRisi cho biết nghiên cứu đó giúp tăng cường sử dụng xét nghiệm nhanh rộng rãi hơn ở khu Vùng Vịnh và California.
Hiện giờ, các thành viên trong nhóm của DeRisi đang nghiên cứu cách chẩn đoán bệnh sốt rét nhanh, rẻ và chính xác hơn—căn bệnh làm cho hơn 600.000 người tử vong mỗi năm (chủ yếu trẻ em), thông qua sử dụng kính hiển vi có tia cực tím cùng với thuật toán học máy để phát hiện bệnh sốt rét trong mẫu máu của bệnh nhân, Paul Lebel, kỹ sư của CZ Biohub, người thiết kế đồng thời chế tạo chiếc kính hiển vi, giải thích. Một số kính hiển vi chuyên dụng hiện đang thử nghiệm tại phòng khám ở Uganda do nhóm nhà nghiên cứu của UC tại San Francisco điều hành.
Để hiểu rõ hơn về vai trò của tế bào người, nhóm nhà nghiên cứu tại CZ San Francisco Biohub, dẫn đầu là Stephen Quake, giáo sư kỹ thuật sinh học tại Stanford và trưởng phòng khoa học của CZI, tham gia vào một liên doanh tập hợp bản thảo đầu tiên của bản đồ tế bào người —gần 500.000 tế bào từ 24 cơ quan người.
Tập bản đồ “cho chúng tôi biết tất cả các tế bào khác nhau trong cơ thể đang hoạt động như thế nào ở trạng thái khỏe mạnh và đôi khi bị bệnh,” Chan giải thích. “Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi bạn tập hợp một cộng đồng lớn, nơi bạn nỗ lực phối hợp. . . để xây dựng nguồn lực toàn diện đó.” Quake lưu ý rằng mỗi tài liệu nghiên cứu về tập bản đồ tế bào người có tới 160 tác giả tham gia. CZI tài trợ cho toàn bộ dự án.
Những thành công ban đầu của trung tâm sinh học đầu tiên truyền cảm hứng cho Chan và Zuckerberg mở rộng — và tiếp tục nỗ lực tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Vì vậy, vào tháng 12.2021, CZI thông báo rằng Chan và Zuckerberg sẽ đầu tư thêm tới 3,4 tỉ USD trong vòng 10 đến 15 năm. Trong khoản tiền đó, 1 tỉ USD sẽ được chuyển đến Chan Zuckerberg Biohub Network. “Chúng tôi biết rằng chúng tôi muốn làm nhiều hơn thế nữa. “Câu hỏi là ở đâu và làm cái gì,” Chan nói.
Trung tâm sinh học thứ hai nhận được 58 đề xuất hợp tác giữa các trường đại học khắp Hoa Kỳ, và với sự giúp đỡ của một ủy ban, Chan và Zuckerberg chọn ra 8 đề xuất, theo Chan, tất cả chúng đều có “một vài điều làm cho chúng tôi cảm thấy hào hứng tài trợ cũng như muốn thực hiện. Chan và Zuckerberg cho biết quyết định chọn Chicago là do đề xuất của trường đưa ra vượt trội hơn và thực tế các trường đại học này trước đây cho thấy rằng họ có thể hợp tác.
Để lãnh đạo Chicago Biohub, Chan và Zuckerberg đã chọn Shana O. Kelley, giáo sư hóa học và kỹ thuật y sinh tại Northwestern, chuyên về cảm biến lẫn công nghệ cảm biến, đồng thời là nhà đồng sáng lập bốn công ty dựa trên các công nghệ do bà nghiên cứu. (Một trong số đó là Geneohm Science, được công ty công nghệ y tế Becton Dickinson mua lại vào năm 2006 với giá 230 triệu USD.) Chuyên môn của bà về cảm biến gắn liền với nghiên cứu đột phá Chicago Biohub cũng đang hướng tới thực hiện.
“Ý tưởng là lấy mô người đồng thời nhúng hàng ngàn cảm biến vào chúng, để tạo ra một loại phép đo hoàn toàn mới,” Kelley nói qua Zoom từ Chicago. Các thí nghiệm sẽ sử dụng mẫu mô người nhỏ được lấy trong quá trình phẫu thuật dưới sự đồng ý. Tiếp theo, nhà nghiên cứu sẽ “quan sát điều gì đang xảy ra với tế bào lẫn mô – quan sát chúng giao tiếp với nhau để hiểu điều gì xảy ra khi mô chuyển từ trạng thái bình thường sang trạng thái bị viêm,” Kelley cho biết, với mục tiêu hiểu được quá trình viêm hoạt động như thế nào cũng như cách thức tiến triển thành bệnh. Bà chỉ ra rằng hơn 50% số ca tử vong là do những bệnh liên quan đến hội chứng viêm nhiễm. Các thí nghiệm đầu tiên sẽ bắt đầu với mô da.
Kelley cho biết, ba trường đại học đều đóng góp một lĩnh vực chuyên môn cho Biohub: Northwestern mạnh về cảm biến, đại học Chicago vượt trội về viêm cũng như cảm biến lượng tử, và các nhà nghiên cứu của đại học Illinois tại Urbana-Champaign phát triển hệ thống chế tạo vi mô cũng như khả năng chế tạo thiết bị thu nhỏ, mà sẽ cần thiết để chế tạo cảm biến siêu nhỏ.
“Thật khó để giải thích mức độ hào hứng của mọi người ở đây —rằng chúng ta sắp có Biohub, sẽ có cơ hội nghiên cứu những vấn đề thực sự quan trọng này,” Kelley cười rạng rỡ. “Đây là cơ hội trong cả cuộc đời. Đây là cơ hội để làm khoa học theo cách chúng tôi luôn muốn làm, không bị ràng buộc và luôn được tự do sáng tạo.”
Một số hạn chế điển hình đối với nghiên cứu là thời gian cũng như nỗ lực cần thiết để xin tài trợ. Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu hiện đại Chicago Biohub sẽ đảm nhận có thể không nhận được tài trợ từ viện Y tế Quốc gia. “Để nhận được tài trợ của viện, bạn cần có nhiều dữ liệu sơ bộ—đồng thời phải có ý tưởng mọi người đều đồng ý,” Kelley nói. “Điều đó rất khó xảy ra, đặc biệt với những ý tưởng kỳ lạ, vượt trội có tiềm năng biến đổi.”
Chan, người từng học trường y tại UC San Francisco và trở thành bác sĩ nhi khoa trước khi đồng sáng lập và trở thành đồng giám đốc điều hành của Chan Zuckerberg Initiative, giải thích rằng hoạt động tài trợ cho nghiên cứu khoa học của họ có thể nói là tương đối khá nhỏ. “Tài trợ khoa học là một lĩnh vực rộng lớn và viện là tổ chức tài trợ lớn nhất – với hàng tỉ tỉ đô la mỗi năm. Khoản tài trợ của chúng tôi sẽ luôn nhỏ,” bà nói. “Trong tất cả các hoạt động tài trợ, chúng tôi phải tìm kiếm thị trường ngách phù hợp với những gì chúng tôi mang đến.”
Cặp đôi quyền lực công bố kế hoạch lần đầu vào năm 2016 để nghiên cứu vào phương pháp chữa trị, quản lý và phòng ngừa tất cả bệnh vào cuối thế kỷ này. Kể từ đó, họ không thay đổi mục tiêu, nhưng thông điệp có lẽ mạnh hơn. “Phần lớn, chúng tôi nghĩ rằng điều đó có thể, và tôi thường chỉ nghĩ rằng thật tốt khi nhắm đến những điều đầy tham vọng,” Zuckerberg nói về lý do tại sao họ chọn mục tiêu đó. Nhưng sau đó anh giải thích: “Nói rõ hơn, chúng tôi không nghĩ rằng mình sẽ làm điều này. Mục tiêu là xây dựng công cụ để có thể đẩy nhanh tiến độ trong toàn bộ lĩnh vực.” Đó vẫn là một yêu cầu cao.
Các trung tâm sinh học chỉ là một phần trong hoạt động khoa học của CZI. Tháng 9 năm ngoái, Chan và Zuckerberg đánh dấu sự ra mắt tại đại học Harvard của Kempner Institute for the Study of Natural and Artificial Intelligence – được đặt theo tên mẹ của Zuckerberg, Karen Kempner Zuckerberg, và nhận hỗ trợ với cam kết trị giá 500 triệu USD trong vòng 10 đến 15 năm để vận hành.
Cuối năm nay, cặp đôi này sẽ mở Zuckerberg Institute for Advanced Biological Imaging ở thành phố Redwood, California, và phân bổ từ 600 triệu đến 900 triệu USD để hỗ trợ viện trong hơn một thập niên. Dự kiến sẽ có thêm nhiều trung tâm y sinh hơn. Quake, giáo sư Stanford, trưởng phòng khoa học của CZI, được giao nhiệm vụ mở các trung tâm sinh học mới; ông từ chối cho biết có bao nhiêu trung tâm sẽ mở như kế hoạch.
Khoa học là một trong những hoạt động Chan Zuckerberg Initiative tài trợ – mặc dù hoạt động này chiếm phần lớn nhất xét về giá trị lẫn con người. Các hoạt động tại trợ giáo dục cũng như hỗ trợ cộng đồng trong Vùng Vịnh được thực hiện nhiều nhất — trong đó, chương trình giúp giải quyết khả năng chi trả nhà ở và tình trạng vô gia cư.
Trở lại tháng 12.2015, để đánh dấu sự ra đời của đứa con đầu lòng, Chan và Zuckerberg đã cam kết lấy 99% cổ phần Facebook (nay được gọi là Meta Platform) trong suốt cuộc đời của họ để “tiếp tục thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tiềm năng con người cũng như thúc đẩy bình đẳng bằng các biện pháp vận động công chúng hỗ trợ từ thiện cùng những hoạt động khác vì lợi ích chung.” Vào thời điểm đó, đây là lời hứa trị giá 45 tỉ USD. Cổ phiếu của Meta hiện có giá trị cao hơn 65%, tính ra khoản cam kết tương đương hơn 74 tỉ USD, trong đó họ đã phân bổ 3,9 tỉ USD thông qua cả CZI Foundation và quỹ do nhà tài trợ tư vấn.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm: Ứng dụng độc hại có thể lấy cắp mật khẩu của 1 triệu người dùng Facebook
Doanh thu của công ty mẹ Facebook Meta giảm
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/phong-van-doc-quyen-mark-zuckerberg-va-priscilla-chan-noi-ve-trung-tam-y-sinh-moi)
2 năm trước
Facebook thay tên mới Meta có ý nghĩa gì?11 tháng trước
10 tỉ phú công nghệ giàu nhất nước Mỹ trong năm 20232 năm trước
Tuần mất tiền của các tỉ phú: Elon Musk dẫn đầu