Nhân vật

Samantha Cristoforetti, phi hành gia người Italy sớm trở thành chỉ huy ISS

Samantha Cristoforetti, phi hành gia 45 tuổi người Italy, sắp trở thành chỉ huy trạm Vũ trụ Quốc tế.

Share
this:

Bà sẽ là phụ nữ châu Âu đầu tiên đảm nhận vai trò này. Vào ngày 28.9, một buổi lễ chính thức sẽ diễn ra để trao lại danh hiệu từ người tiền nhiệm, Oleg Artemyev. Buổi lễ sẽ được phát trực tiếp trên các kênh của cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Cristoforetti, còn được gọi là AstroSamantha trên mạng xã hội, đã trở thành một nhân vật được công chúng trong nước yêu mến trong những năm gần đây. Bà trở nên nổi tiếng một phần là nhờ xuất hiện nhiều trên mạng xã hội thông qua những hình ảnh và video bà chia sẻ để thông tin cũng như thu hút công chúng, đặc biệt thế hệ trẻ, tìm hiểu về các hoạt động của trạm cùng với cuộc sống trong không gian.

Sứ mệnh bà hiện đang làm là bay lên trạm ISS lần thứ hai. Sứ mệnh lần này, có tên Minerva, kéo dài 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 10.2022, được đặt theo tên của nữ thần trí tuệ La Mã cũng là người bảo vệ các nghệ nhân, như một lời tri ân đến những người thực hiện cuộc thám hiểm không gian trong nhiều thập kỷ trước.

Phi hành gia Samantha Cristoforetti của cơ quan Vũ trụ châu Âu phát biểu trong cuộc họp báo về Sứ mệnh Futura vào ngày 8.10.2015 ở Milan, Italy. Ảnh:Pier Marco Tacca/Getty Images/Forbes

Với vai trò mới là chỉ huy trạm, Cristoforetti sẽ chịu trách nhiệm về công việc của các phi hành đoàn, những người sẽ làm việc trên trạm, nơi đang tiến hành một số thí nghiệm khoa học, tận dụng lợi thế của việc thiếu trọng lực.

Nhưng AstroSamantha là ai và làm thế nào để trở thành người phụ nữ châu Âu đầu tiên chỉ huy ISS?

Cristoforetti sinh năm 1977 tại Milan, nhưng trưởng thành trong một ngôi làng nhỏ trên dãy Alps có tên là Malè. Sau khi tốt nghiệp trường trung học phổ thông chuyên khoa học, bà học kỹ sư cơ khí ở Munich, Đức, sau đó học tiếp tại học viện Không quân Italy (Accademia Aeronautica) ở khu vực Naples.

Trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2006, bà hoàn thành việc học và nhận bằng phi công chiến đấu. Sau đó, bà được đề cử làm Cơ trưởng của Lực lượng Không quân Italy. Bà rời học viện vào cuối năm 2019. Trong quá trình đào tạo để trở thành một phi hành gia, bà cho biết kiến thức về quân sự rất có ích cho công việc trong Lực lượng Không quân. Cơ quan Vũ trụ châu Âu lựa chọn bà vào năm 2009 và 5 năm sau, bà tham gia sứ mệnh bay vào không gian lần đầu.

Khi thực hiện sứ mệnh đầu tiên của mình, vào năm 2014, Cristoforetti là người phụ nữ Italy đầu tiên du hành vào vũ trụ và phi hành gia người Italy thứ 7 trong lịch sử khám phá không gian. Sứ mệnh đầu tiên của Cristoforetti kéo dài tổng cộng 200 ngày từ tháng 11.2014 đến tháng 6.2015. Trong năm 2021, cơ quan Vũ trụ châu Âu, Viện Cristoforetti làm việc, thông báo bà sẽ tham gia một sứ mệnh mới trong năm nay. Bà rời Trái đất một lần nữa vào ngày 27.4.2022.

Khi bà bay vào không gian, Cristoforetti chia sẻ những hình ảnh cũng như video sống động từ trạm Vũ trụ quốc tế lên Twitter lẫn TikTok. Bà chia sẻ nhiều loại nội dung khác nhau, từ giải thích về cách hoạt động của trạm vũ trụ, cũng như đặc điểm, đến cuộc sống trong không gian trông như thế nào, chẳng hạn như những bữa ăn, thói quen khi đi ngủ, tập thể dục, gội đầu và cả chụp hình.

Ngoài ra, bà còn chia sẻ rất nhiều hình ảnh về các hiện tượng thiên nhiên ấn tượng, gồm Bắc cực quang cũng như những cơn bão khổng lồ. Bà đặc biệt quan tâm chia sẻ hình ảnh về mức tác động của biến đổi khí hậu đối với những cảnh quan bà nhìn thấy. Nói chung, thông qua cách bà thực hiện, công chúng có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh ngoạn mục về Trái đất lẫn không gian.

Samantha Cristoforetti cũng viết một cuốn sách, Nhật ký của phi hành gia tập sự , vào năm 2018.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

Boeing phóng thử nghiệm thành công tàu vũ trụ Starliner
Tàu vũ trụ của NASA lần đầu tiên chạm vào mặt trời
Jeff Bezos đóng góp 200 triệu USD thúc đẩy giáo dục hàng không vũ trụ