Xu hướng

Nhiều cơ hội phát triển ngân hàng mở ở châu Á-Thái Bình Dương

Ngày càng có nhiều ngân hàng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương ứng dụng ngân hàng mở nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường hoặc quy định của cơ quan quản lý.

Share
this:

Ngân hàng mở là ứng dụng công nghệ mã nguồn mở API (giao diện lập trình ứng dụng) để tinh giản quá trình chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba. Điều đó có nghĩa là công nghệ giúp ngân hàng chia sẻ dữ liệu tạo điều kiện cho khách hàng có quyền kiểm soát cũng như sở hữu nhiều hơn thông tin cá nhân được các tổ chức tài chính sử dụng.

Về lý thuyết, một hệ thống ngân hàng mở tối ưu sẽ được thiết kế riêng, cho phép khách hàng lựa chọn các dịch vụ từ các tổ chức tài chính họ thích nhất, trái ngược với mô hình truyền thống được thiết kế phù hợp cho tất cả mọi người hiện vẫn chiếm ưu thế.

Trên thế giới, thị trường ngân hàng mở, bao gồm hoạt động bán các dịch vụ ngân hàng mở của tổ chức, công ty tư nhân và đối tác dự kiến ​​sẽ tăng từ 15,13 tỉ USD vào năm 2021 lên 123,70 tỉ USD vào năm 2031, tương đương với tỉ lệ tăng trưởng kép 23,4% từ năm 2021 đến năm 2031, theo báo cáo gần đây của Allied Market Research. Vùng Viễn Đông cùng với Trung Quốc (Trung Quốc được xác định như một thị trường riêng biệt) được dự báo là thị trường ngân hàng mở lớn thứ hai theo sau châu Âu.

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngân hàng mở đang được áp dụng rộng rãi, nhưng có sự khác nhau trong cách ứng dụng giữa các quốc gia và khu vực. Cách thức ứng dụng có thể do theo nhu cầu của thị trường, quy định của cơ quan quản lý, hay cả hai yêu cầu này.

Ngành ngân hàng ở châu Á đang chuyển đổi để bắt kịp xu thế ngân hàng mở. Ảnh: Getty/Forbes

Ứng dụng cẩn trọng và kết hợp

Đông Nam Á là một trong những khu vực mới nhất ứng dụng ngân hàng mở. Cách tiếp cận ở các nước Đông Nam Á dựa vào nhu cầu thị trường rất nhiều. Ở đây, do nhu cầu khách hàng nên ngày càng có thêm nhiều ngân hàng ứng dụng API.

Mặc dù nhìn chung các cơ quan quản lý ở Đông Nam Á không bắt buộc các ngân hàng phải thực hiện ngân hàng mở nhưng cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) vẫn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ứng dụng ngân hàng mở ở đó.

Năm 2016, MAS trở thành cơ quan quản lý đầu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương đưa ra những hướng dẫn ứng dụng ngân hàng mở và vạch ra kế hoạch để có sẵn dữ liệu ngân hàng thông qua API mở. MAS cũng thực hiện danh sách API ngành tài chính để quản lý các API mở trong ngành tài chính theo các danh mục chức năng.

Tại Malaysia, không nhiều ngân hàng ứng dụng ngân hàng mở do không thấy có nhiều động lực để chia sẻ công khai dữ liệu với bên thứ ba. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi ngân hàng trung ương Malaysia công bố đồng ý cấp giấy phép cho 5 ngân hàng số hồi tháng 4.2022.

Còn ở Philippines, trước kia chậm ứng dụng ngân hàng mở, nhưng vài năm trở lại đây có những bước phát triển vượt bậc. Đáng chú ý, hồi tháng 10.2020 ngân hàng trung ương Philippines đã đưa ra một lộ trình chuyển đổi thanh toán kỹ thuật số bao gồm tài chính lẫn ngân hàng mở.

Ứng dụng theo quy định của cơ quan quản lý

Ngược lại với Đông Nam Á, những nước như Australia ban hành quy định pháp lý cho phép ngân hàng liên kết với nhà cung cấp bên thứ ba. Đặc biệt ở chỗ Australia là một trong những thị trường duy nhất ở châu Á- Thái Bình Dương có những quy định pháp lý rõ ràng về chia sẻ dữ liệu.

Australia triển khai Quyền dữ liệu người tiêu dùng (CDR) trong lĩnh vực ngân hàng từ tháng 7.2020, hợp pháp hóa cũng như bắt buộc thực hiện ngân hàng mở trong các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, CDR chỉ chiếm một phần trong động thái lớn hơn trao quyền kiểm soát dữ liệu cho khách hàng.

Quyền này được thiết kế để trở thành quyền dữ liệu người tiêu dùng trong toàn nền kinh tế theo một khuôn khổ quy định pháp lý, và công nghệ duy nhất. Ngân hàng mở được xem như là bước đầu tiên hướng tới nền kinh tế dữ liệu mở, kế tiếp lĩnh vực năng lượng và sau đó viễn thông.

Hồi tháng 1.2022, bộ Ngân khố Australia đã phát hành báo cáo “Kết quả đánh giá chiến lược” xác định lĩnh vực cho vay phi ngân hàng, dịch vụ thanh toán và bộ dữ liệu chính trong lĩnh vực bảo hiểm lẫn hưu bổng nói chung như những lĩnh vực ưu tiên tiếp theo để mở rộng CDR – được gọi chung là “tài chính mở.”

Tài chính mở

Ngân hàng mở là bước đầu tiên hướng tới một xã hội dữ liệu mở, một thế giới dựa vào dữ liệu trong đó sẽ kết nối các hệ sinh thái từ tài chính đến công nghệ, cho phép người tiêu dùng sở hữu đầy đủ các nguồn dữ liệu để hưởng lợi. Giai đoạn phát triển tiếp theo trong hành trình đó là tài chính mở, phạm vi rộng hơn của ngân hàng mở cho phép trao đổi nhiều loại dữ liệu tài chính tiêu dùng để đánh giá chính xác và toàn diện hơn về những hoạt động tài chính kỹ thuật số của một cá nhân.

Mặc dù các ngân hàng đang đối mặt áp lực cạnh tranh trong ứng dụng ngân hàng mở lẫn tài chính mở ở phạm vi rộng hơn nhưng hoạt động ứng dụng này cũng tạo điều kiện cho họ cạnh tranh với những đối thủ ưu tiên triển khai nền tảng kỹ thuật số mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ kỹ thuật số liền mạch, không ma sát và tăng biên lợi nhuận. Điều đó ngày càng được thực hiện dễ dàng nhờ vào kiến trúc ứng dụng API hiện đại cũng như từ những gì mà mô hình tài chính mở cho phép các tổ chức tài chính thực hiện.

Sự cần thiết của chuyển đổi kỹ thuật số

Các hệ thống kế thừa ngân hàng lõi cùng với kiến trúc khép kín của chúng thường không đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên kỹ thuật số nên tạo ra những trở ngại cho các ngân hàng đạt được đầy đủ tiềm năng phát triển ngân hàng mở lẫn tài chính mở ở phạm vi rộng hơn. Chuyển đổi kỹ thuật số là điều kiện tiên quyết cần thiết nếu các ngân hàng muốn thành công phát triển xu thế kinh doanh mới này cũng như tận dụng các công nghệ mới nhất để bắt kịp xu hướng trong thế giới kỹ thuật số luôn thay đổi.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng ngần ngại nâng cấp các hệ thống cốt lõi do sẽ tạo nên mức tác động mạnh lên các kênh cũng như hoạt động. Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng chọn tập trung cải thiện giao diện của trang web, ứng dụng di động và trải nghiệm kênh hơn là chấp nhận rủi ro gián đoạn do hiện đại hóa hệ thống cốt lõi gây ra.

Tuy nhiên, cách tiếp cận đó cuối cùng cũng làm chậm quá trình, vì cần phải có một bộ phận hỗ trợ linh hoạt hơn nếu các ngân hàng muốn hỗ trợ các sản phẩm, dịch vụ cũng như ứng dụng kỹ thuật số mới nhất mà họ muốn cung cấp cho khách hàng.

Ba lựa chọn để hiện đại hóa hệ thống

Khi nói đến hiện đại hóa hệ thống, các ngân hàng có sẵn ba lựa chọn hiệu quả: thay thế hệ thống lõi hiện hữu; chuyển đổi dần dần hệ thống theo quá trình, hoặc thiết lập một ngăn xếp được thiết kế để chạy trên đám mây độc lập cùng với hệ thống lõi hiện hữu. Bất kỳ cách ứng dụng nào ngân hàng quyết định thực hiện sẽ phụ thuộc vào quyết định của các bên liên quan, nguồn lực, văn hóa lẫn tư duy, và cách ngân hàng chấp nhận thực hiện hoạt động cạnh tranh trong kỷ nguyên kỹ thuật số mới.

Khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương chuyển từ việc trao đổi dữ liệu ngân hàng sang chế độ tài chính, dữ liệu mở, cơ hội sẽ được đưa ra nhờ vào những gì có thể phát triển dựa vào cơ sở hạ tầng và sản phẩm của những ứng dụng khác nhau. Nhiều loại mô hình kinh doanh sáng tạo mới sẽ xuất hiện nhờ vào kết quả của việc cung cấp các bộ dữ liệu phong phú này. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng xây dựng mối quan hệ cá nhân với từng khách hàng cũng như giải quyết nhu cầu thực sự của họ.

Alistair Brown, giám đốc toàn cầu trong mảng thanh toán & ngân hàng mở của EPAM lưu ý: “Khi chúng ta có thể truy cập được kho tàng dữ liệu tuyệt vời này vào bất cứ thời điểm nào, thì chúng ta thật sự có thể đưa ra quyết định quản lý chính xác hơn dựa vào chúng. Đó là khởi đầu mới chúng ta đang mong đợi. ”

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

Adyen sẽ ứng dụng ngân hàng nền tảng cạnh tranh với Stripe, Square và PayPal
Ngân hàng số của Simon Loong “cược lớn” vào thị trường Indonesia
Điều gì đang diễn ra với ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse?
Ngân hàng Sumitomo Mitsui tham gia lĩnh vực NFT