Thị Trường

Vốn rót vào lĩnh vực khách sạn ở châu Á – Thái Bình Dương tăng trở lại

Vốn đầu tư vào lĩnh vực khách sạn ở châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 33% trong sáu tháng đầu năm 2022.

Share
this:

Các khoản đầu tư vào lĩnh vực này trong khu vực đã phục hồi về mức trước đại dịch, ngoại trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận sụt giảm, theo báo cáo công bố hôm 26.7 của công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu JLL.

Vốn đầu tư đã tăng trở lại trong nửa đầu năm 2022 một phần đến từ những thương vụ các nhà đầu tư lớn mua lại các khách sạn từ các nhà đầu nhỏ phải bán tháo tài sản. Tổng vốn đầu tư trong nửa đầu năm đạt 6,8 tỉ USD, tăng 33% so với năm ngoái và tăng 11,9% so với năm 2019, “tương đương mức vốn đầu tư vào lĩnh vực khách sạn ở châu Á – Thái Bình Dương trước đại dịch,” JLL cho biết.

Nhật Bản dẫn đầu các khoản đầu tư vào lĩnh vực khách sạn ở châu Á – Thái Bình Dương trong nửa đầu năm 2022, theo JLL. Ảnh: Akio Kon / Bloomberg/ Forbes

Có 75 giao dịch trong nửa đầu năm 2022, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 33% so với nửa đầu năm 2019, cho thấy xu hướng các thương vụ ngày càng có giá trị cao hơn. Tổng số phòng được giao dịch trong sáu tháng đầu năm đạt 19.822 phòng, tăng 29,9% so với nửa đầu năm 2021 và tăng 9,4% so với thời điểm trước đại dịch, JLL cho biết.

“Các nhà đầu tư tổ chức với dòng tiền lớn muốn tìm cách rót vốn hiệu quả hơn vì vậy họ thực hiện ngày càng nhiều thương vụ mua lại,” theo JLL. Những nơi nhận vốn cao nhất trong nửa đầu năm 2022 gồm Nhật Bản (1,8 tỉ USD), Hàn Quốc (1,7 tỉ USD) và Trung Quốc (1,6 tỉ USD).

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, giao dịch chỉ đạt khoảng 7 tỉ NDT (891,7 triệu USD), giảm 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ COVID-19 ở nhiều thành phố. Theo đó, nhiều giao dịch mua khách sạn có thể bị trì hoãn sang quý 4 năm nay hoặc quý 1.2023, báo cáo lưu ý.

JLL ước tính số lượng giao dịch khách sạn của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 13,5 tỉ NTD (1,7 tỉ USD) trong cả năm 2022. “Thời gian cách ly rút ngắn đối với khách đến và việc gỡ bỏ bớt hạn chế đi lại trong nước báo hiệu thị trường khách sạn tại quốc gia này sẽ hồi phục ổn định,” JLL cho biết thêm.

Ngoài ra, những người bán tháo tài sản cũng thu hút những người mua đang tìm kiếm mức giá thấp. “Nhiều chủ đầu tư đã thoái vốn khỏi các tài sản khách sạn không phải là hoạt động cốt lõi nhằm giảm bớt khó khăn tài chính, đã thu hút nhiều nhà đầu tư có dòng tiền lớn đang tìm cơ hội mua lại những tài sản có chất lượng với mức chiết khấu cao,” Zhou Tao, giám đốc điều hành Hotels & Hospitality Group, JLL China, cho biết.

Một số thành phố lớn ở Trung Quốc ghi nhận sự bùng nổ việc đầu tư vào nhà cho thuê và khách sạn cũng được nhà đầu tư quan tâm nhiều.

Theo JLL, ngày càng có nhiều dự án khách sạn thua lỗ ở các thành phố trực thuộc tỉnh được rao bán thông qua tòa án, thu hút sự quan tâm của các công ty quản lý tài sản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khách sạn.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:
AKYN đưa thương hiệu khách sạn Courtyard By Marriott đến Quy Nhơn

Hilton và Shangri-La đều mở thêm khách sạn ở châu Á
Trải nghiệm kỳ thú ở những khách sạn trên sông băng nổi tiếng thế giới