Ở kịch bản kỳ vọng – dịch bệnh được kiểm soát trong khoảng hai tuần cuối tháng 9, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDPR) tại TPHCM năm 2021 có thể giảm khoảng 1,74% so với năm 2020
Thông điệp nói trên được đề cập trong báo cáo “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM đợt dịch Covid-19 lần 4”. Báo cáo do nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG TPHCM và ĐH Kinh tế – Luật thực hiện.
Hai kịch bản khác ứng với từng khoảng thời gian tình trạng “bình thường mới” được thiết lập. Cụ thể, GRDP của TPHCM sẽ giảm khoảng 0,85% so với năm ngoái nếu thành phố kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9. Mức tăng trưởng này đã bao gồm việc chuẩn bị chu đáo để kết thúc giãn cách và tái khởi động hoạt động kinh tế.
Kịch bản xấu nhất, trạng thái “bình thường mới” được thiết lập ở nửa sau tháng 10, GRDP của thành phố sẽ giảm mạnh khoảng 13,5% so với năm 2020. Đồng thời nền kinh tế dễ rơi vào vòng xoáy suy thoái.
GRDP của TPHCM chủ yếu phụ thuộc vào công nghiệp và dịch vụ. Trong mức tăng trưởng 5,46% tổng GRDP sáu tháng đầu năm nay, 3,66% đến từ dịch vụ. Ở giai đoạn đầu nới lỏng giãn cách, động lực tăng trưởng kinh tế của TPHCM sẽ nằm ở nhóm ngành xuất khẩu, vận tải kho bãi, dịch vụ ăn uống, bán lẻ.
“Tốc độ phục hồi kinh tế của TPHCM phụ thuộc rất lớn vào tốc độ, quy mô của động lực hỗ trợ từ chính quyền thành phố và chính phủ”, nhóm nghiên cứu cho biết. Hai mục tiêu quan trọng của các gói hỗ trợ cũng được đề cập trong bản báo cáo. Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu bằng cách giảm thuế, tăng chi hỗ trợ việc làm và nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Thứ hai, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp bằng các giải pháp chia sẻ chi phí, cho vay…
Báo cáo cũng chỉ ra, mục tiêu ưu tiên là tốc độ hỗ trợ, chấp nhận sai lệch nhất định ở một số đối tượng thụ hưởng. Để đảm bảo hồi phục được kinh tế, nhóm nghiên cứu kiến nghị TP.HCM xây dựng gói hỗ trợ với quy mô khoảng 23.000 tỉ đồng (tương đương 1,7% GRDP thành phố năm 2020).
Đồng thời, báo cáo đề xuất chính phủ dành khoảng 4% GDP – tương đương 250.000 tỉ đồng để xây dựng các gói hỗ trợ trong năm 2021 nhằm giúp TPHCM và các tỉnh khác bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần 4 phục hồi kinh tế.
Nội dung báo cáo được xây dựng dựa trên hai giả định: TPHCM và các tỉnh giáp ranh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 9, thiết lập tình trạng “bình thường mới” trong tháng 10. Thứ hai, vaccine tiếp tục được phủ rộng và tới quý IV năm nay, khoảng 80% dân cư thành phố và các tỉnh giáp ranh tiêm đủ hai mũi.
1 năm trước
Bed Bath & Beyond nộp đơn xin phá sản2 năm trước
Số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ lên kỷ lục mới