Nhân vật

Tỉ phú Richard Chandler tham vọng trở thành “Tesla ngành hàng không”

Richard Chandler – nhà đầu tư gốc New Zealand có ý tưởng khác biệt là chuyển đổi máy bay thông thường từ động cơ phản lực sang động cơ điện có chi phí vận hành thấp hơn và đáng tin cậy hơn

Share
this:

Xu hướng máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) đang thu hút sự chú ý, với hàng tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư đổ vào giải pháp mang tính tương lai này. Nhưng tỉ phú Richard Chandler – nhà đầu tư gốc New Zealand làm việc tại Singapore lại có ý tưởng tốt hơn là chuyển đổi máy bay thông thường từ động cơ phản lực sang động cơ điện có chi phí vận hành thấp hơn và đáng tin cậy hơn.

Một buổi trưa tĩnh lặng trong cái lạnh của tiết trời mùa đông tại miền đông bang Washington như bị xáo trộn bởi tiếng gầm rú inh tai từ máy bay tiêm kích F/A-18 đang hạ cánh xuống đường băng của sân bay Quốc tế Hạt Grant, đi qua hàng dài những chiếc Boeing 737 MAX nằm im lìm ở đó.

Bên trong một nhà chứa máy bay đặt gần đó là Eviation Alice – chuyên cơ phủ lớp sơn trắng được kỳ vọng có thể tạo ra bước tiến vượt bậc trong việc loại bỏ tiếng ồn và khí thải gây hiệu ứng nhà kính của ngành công nghiệp chế tạo máy bay.

Alice sử dụng hai động cơ điện, với kiểu dáng như sự kết hợp giữa máy bay Cessna Citation và mô hình bóng bay, và là máy bay điện nặng nhất thế giới với trọng lượng rỗng hơn 7,2 tấn ghi nhận vào tháng 9.2022.

Tỉ phú Richard Chandler. Ảnh: Courtesy of Eviation

Với tỉ phú Richard Chandler (63 tuổi), nhà đầu tư sinh sống và làm việc tại Singapore, sở hữu công ty Eviation và MagniX – đơn vị chế tạo động cơ điện cho máy bay Eviation Alice, câu chuyện của ông từ lý do cá nhân. Một người chú/bác bên nội của ông, Geogre Watt, cựu phi công lái máy bay thử nghiệm thuộc Không quân Hoàng gia Anh (RAF) trong Thế chiến thứ nhất, từng phụ trách chế tạo động cơ máy bay phản lực đầu tiên cho khối Đồng Minh. Còn một người chú/bác bên ngoại, Tony Guina, nhà đầu tư có xuất phát điểm từ công việc kỹ sư ô tô đã dành ra nhiều năm phát triển động cơ điện hiệu suất cao. Chandler từng đầu tư vào dự án của Guina, chủ yếu từ lời nhờ vả của mẹ ông.

Hành trình của Chandler bắt đầu từ ý tưởng đặt động cơ điện trên những chiếc xe Jeepney ở Manila, Philippines nhằm giảm ô nhiễm không khí, nhưng chi phí lại quá tốn kém. Sau khi cân nhắc, năm 2017, ông quyết định đưa động cơ điện vào bên trong máy bay.

Máy bay vận hành hoàn toàn bằng điện có rất nhiều ưu điểm, là vừa làm không khí xung quanh trong lành hơn, vừa giúp công ty tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn. Eviation tuyên bố động cơ điện tiết kiệm hơn 40%, thậm chí đến 80% chi phí vận hành và bảo dưỡng (động cơ điện có ít linh kiện hơn). Tuy vậy, pin điện tử sẽ cần đến hàng chục năm nữa để cung cấp đủ năng lượng vận hành những máy bay vận tải hành khách cỡ lớn.

Mặc cho những sự hoài nghi từ ngành hàng không truyền thống, các nhà đầu tư vẫn hứng thú với máy bay điện, đặc biệt là xu hướng eVTOL tân tiến, với hàng tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư đổ vào tầm nhìn về công nghệ taxi bay có thể di chuyển trên bầu trời như bước ra yếu tố khoa học viễn tưởng. Joby Aviation, công ty có trụ sở tại Bắc California đã huy động thành công 820 triệu USD vốn mạo hiểm từ các nhà đầu tư gồm Intel và Toyota trước khi thực hiện đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) thông qua thỏa thuận sáp nhập SPAC vào năm 2011, trị giá 1,1 tỉ USD.

Chandler có quan điểm khác biệt: Tại sao không điện khí hóa các mẫu máy bay cỡ nhỏ trước? Như vậy chi phí sẽ thấp hơn và chỉ cần thay đổi động cơ phản lực. Không những vậy, việc máy bay có ít sự thay đổi sẽ giúp các cơ quan quản lý an toàn hàng không kiểm định và đăng kiểm dễ dàng hơn. Do đó, giải pháp đơn giản nhất là chuyển đổi máy bay hiện nay từ sử dụng động cơ xăng truyền thống sang động cơ điện, với kế hoạch ban đầu của Chandler là sử dụng động cơ Magnix hoặc sản xuất chuyên cơ hoàn toàn mới như Alice.

Năm 2019, Richard Chandler thâu tóm 70% cổ phần của Eviation – công ty khởi nghiệp từ Israel để chứng minh mức độ hiệu quả của động cơ MagniX bên trong máy bay vận hành hoàn toàn bằng điện. Ông ví máy bay Alice có sức chứa 9 chỗ ngồi như “Tesla Model S” của thị trường máy bay điện.

Do đó, cũng như mẫu xe sedan điện trị giá 95.000 đô la Mỹ từ Tesla, Alice sẽ có giá bán đắt đỏ từ 7-8 triệu đô la Mỹ/chiếc, gấp đôi so với máy bay sử dụng động cơ phản lực cánh quạt với cùng sức chứa và có phạm vi hoạt động tối đa 250 hải lý (463 km). Chandler tin rằng Alice sẽ là chất xúc tác thúc đẩy quá trình phát triển của ngành công nghiệp chế tạo động cơ điện cho máy bay còn non trẻ. “Đây là bước đệm cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong ngành hàng không,” Chandler nhận định.

Richard Chandler có tư duy khác biệt. Quay ngược về giữa những năm 1980, khi ông tích lũy khối tài sản 2,6 tỉ USD từ những khoản đầu tư vào nhiều lĩnh vực như viễn thông, tiện ích công cộng và tài chính tại Nga, cũng như các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ Latinh. Tổng cộng, Chandler đã đầu tư khoảng 180 triệu đô la Mỹ cho Eviation và rót hàng chục triệu đô la Mỹ vào MagniX. Cả hai công ty này đã chuyển sang Seattle để tận dụng hệ sinh thái hàng không vũ trụ do Boeing xây dựng ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Tuy vậy, Eviation chỉ có doanh thu khiêm tốn.

MagniX từng trúng thầu hợp đồng trị giá 74 triệu USD từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ – NASA để phát triển động cơ điện cho dòng máy bay lớn hơn. Trong ngắn hạn, công ty có lộ trình phát triển rõ ràng là cung cấp một số động cơ cho các hãng bay thử nghiệm trên những mẫu máy bay thế hệ cũ hơn để chuyển đổi theo hướng “xanh hóa”. Với một số hãng hàng không, động cơ điện tuy có phạm vi hoạt động ngắn hơn nhưng như vậy là đã đủ, với những sự cải tiến trong tương lai mang lại nhiều tiềm năng hơn nữa.

Đơn cử như hãng hàng không Harbour Air có trụ sở tại Vancouver, Mỹ kể từ năm 2019 đã thử nghiệm động cơ của MagniX trên chiếc thủy phi cơ Beaver. Harbour Air tin tưởng Beaver có thể vận chuyển 3 hoặc 4 hành khách trong nửa giờ đồng hồ, dài hơn nhiều chặng bay nội địa trong 25 phút của công ty này. Trong khi đó, United Therapeutics đặt mục tiêu thực hiện các chặng bay dài hàng giờ đồng hồ với máy bay trực thăng R44 vận hành bằng động cơ MagniX.

MagniX kỳ vọng sẽ được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phê duyệt để thương mại hóa động cơ điện vào năm 2024.

Tuy chưa công bố giá bán, MagniX trước đó cho biết công ty đặt mục tiêu trang bị khối động cơ điện hiện đại có công suất 650KW trên các mẫu máy bay cỡ nhỏ với chi phí vào khoảng 300.000 USD, tương đương với chuyên cơ sử dụng động cơ phản lực cánh quạt có cùng lộ trình. Tuy vậy, Chandler cho biết động cơ của MagniX sẽ có giá thành cao hơn để bù cho nhược điểm về độ bền khi doanh thu dịch vụ bảo dưỡng, có vai trò “huyết mạch” của các hãng chế tạo động cơ, giảm xuống.

Công ty tư vấn McKinsey & Company ước tính, khoảng 12.000 máy bay cỡ nhỏ thế hệ cũ trên toàn thế giới có thể chuyển đổi sang động cơ điện hoặc động cơ hybrid với 2 hệ thống đốt khác nhau (MagniX cũng đang phát triển hệ thống này). Bên cạnh đó, công ty đang hợp tác với công ty khởi nghiệp đặt trụ sở tại miền Nam California Universal Hydrogen để sử dụng pin nhiên liệu cho các mẫu máy bay trung chuyển có sức chứa 40 chỗ ngồi.

Chandler có niềm tin vào triển vọng của Eviation Alice. Ông kỳ vọng những mẫu máy bay sử dụng động cơ điện sẽ mở rộng dịch vụ đến các cảng hàng không cỡ nhỏ có chi phí quá tốn kém để các máy bay hiện nay đáp xuống, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa.

“So với việc sản xuất tàu hỏa hay ô tô có quãng đường di chuyển từ 321-402 km, sẽ thú vị hơn rất nhiều khi bạn đón máy bay Alice tại sân bay gần đó. Công nghệ này có tiềm năng định hình lại cách chúng ta suy nghĩ về ngành hàng không cho mọi người,” Chandler chia sẻ.

Hai câu hỏi đặt ra là Alice sẽ có phạm vi hoạt động tối đa bao nhiêu và thực sự có đơn đặt hàng không. Eviation đã tiếp nhận các đơn đặt hàng cho gần 300 máy bay có tổng giá trị hơn 2 tỉ USD, nhưng gần như toàn bộ chỉ dừng lại ở thỏa thuận không ràng buộc.

Trong đó, DHL đã đặt mua 12 chiếc Eviation Alice được thiết kế lại để tối ưu cho hoạt động chuyên chở hàng hóa. Với phần thân có chiều dài 1,9m kết hợp với khối pin lithium-ion nặng 3.720 kg, Alice có trọng tải thấp hơn các loại máy bay có cùng kích thước nhưng có rất nhiều không gian bên trong. Alice là sự lựa chọn phù hợp để vận chuyển bưu kiện thương mại điện tử nhỏ.

Một khách hàng tiềm năng khác là Cape Air, công ty cung cấp các chặng bay ngắn có trụ sở tại New England. Tuy vậy, Cape Air chỉ mới ký kết ý định thư. Chủ tịch của Cape Air, Dan Wolf, ấn tượng với tiềm năng tiết kiệm chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng, song ông quyết định chờ xem liệu Eviation có thể đáp ứng các yếu tố quan trọng như pin điện tử có tuổi thọ dài và chi phí thay thế hợp lý. Bên cạnh đó, hãng hàng không này cân nhắc xem liệu có thể khai thác Alice nhiều hơn những mẫu máy bay của công ty hiện nay hay không, qua đó giảm chi phí vận hành để bù vào giá trị mua lại cao của máy bay này.

Với thắc mắc về phạm vi hoạt động tối đa của Alice, Eviation khẳng định khối pin điện tử trên máy bay này có thể bay đến 402km. Shashank Sripad, nhà nghiên cứu về pin điện tử tốt nghiệp tiến sĩ từ đại học Carnegie Mellon, nhận định tuyên bố của Eviation là khả thi song pin điện tử vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, nên chưa có gì chắc chắn về độ bền, mức độ an toàn hoặc khả năng chi trả khi công ty ra mắt thị trường vào năm 2027 (Sripad là thành viên trong danh sách Forbes Under 30 2022).

Động cơ của MagniX có công suất 850 mã lực nhưng không tạo ra nhiều tiếng ồn Ảnh: Courtesy of Eviation

Sripad ước tính, pin điện tử trên Aivation Alice sẽ phải có mật độ năng lượng từ 340-400 W⋅h/kg để di chuyển chặng đường 402km trong điều kiện an toàn. Mật độ năng lượng cao nhất từ khối pin trên các mẫu xe điện là 300 W⋅h/kg

Với tâm huyết dành cho Eviation Alice, Chandler kỳ vọng máy bay này sẽ có đơn hàng. Khi phát triển, ông chăm chút từ những chi tiết nhỏ nhất, lấy trải nghiệm của bản thân với nhiều giờ đồng hồ ngồi trong máy bay tư nhân di chuyển khắp nơi trên thế giới để thực hiện việc đầu tư và năng khiếu về thiết kế mà Chandler phát triển từ công việc nhà thiết kế trang phục nữ từ những năm 20 tuổi.

Sau đó, Richard Chandler giúp gia đình phát triển từ cửa hiệu tạp hóa tại Hamilton, New Zealand thành chuỗi cửa hàng thời trang. Năm 1986, gia đình ông nhượng lại cửa hàng, cho Chandler và em trai Christopher 10 triệu đô la Mỹ vốn khởi nghiệp ban đầu. Từ số tiền tiền đó, cả hai đã tích lũy thành khối tài sản 5 tỉ USD trước khi phân chia vào năm 2006.

Richard Chandler có lý do khác để cảm thấy lạc quan từ các chính sách hỗ trợ của chính phủ nhiều nước trên thế giới và thuế carbon. Pháp đã ban hành lệnh cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn và ưu tiên sử dụng tàu lửa, nhưng máy bay ít phát thải được miễn thuế. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng có động thái tương tự. Trong dài hạn, Na Uy sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang các mẫu máy bay điện cho chặng bay nội địa kể từ năm 2040.

Tuy vậy, Eviation đã xảy ra biến động với sự rời đi từ các nhà sáng lập của công ty, khi họ không hài lòng về việc Richard Chandler chỉ tập trung vào phát triển động cơ MagniX. Giám đốc điều hành (CEO) Omer Bar-Yohay, người đầu tiên vẽ ra bản phác thảo cho Alice khi đang ngồi trong quán bar ở Vienna năm 2014, đã rời Eviation vào tháng 2.2022.

Aviv Tzidon, doanh nhân khởi nghiệp liên tục trong lĩnh vực công nghệ nằm trong ban lãnh đạo công ty, thừa nhận không có lựa chọn nào khác ngoài MagniX vào thời điểm hiện nay, nhưng ông muốn công ty có thông báo mời thầu. Có lẽ những hãng sản xuất máy động cơ máy phản lực đã khẳng định vị thế như Rolls-Royce hoặc tập đoàn hàng không vũ trụ của Pháp Safran sẽ hoàn thiện công nghệ với mức giá thấp hơn.

Kiruba Haran, giáo sư ngành kỹ thuật tại đại học Illinois, đã dành lời khen cho MagniX trong việc thực hiện hóa động cơ điện trên máy bay. Tuy vậy, ông nhận định động cơ Magni650 chỉ cung cấp nguồn năng lượng khiêm tốn so với trọng lượng, trong khi các hãng bay lớn và viện nghiên cứu đang chế tạo động cơ có công suất ở tầm megawatt.

Chandler tin rằng MagniX đang dẫn đầu cuộc về máy bay điện, cho biết General Electric và Pratt & Whitney đều muốn mua lại công ty của ông (Hai công ty từ chối đưa ra bình luận). Với khả năng tài chính mạnh hơn, song các tập đoàn sản xuất động cơ máy bay này lại không có nhiều sản phẩm tạo ra lợi nhuận và mang tính kế thừa. Tương tự như Tesla, Chandler cho rằng MagniX sẽ tiếp tục phát triển khi chỉ tập trung vào động cơ điện.

“Chúng tôi như đang chinh phục ‘đỉnh Everest’ vậy? Đoán xem, người đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi này là người New Zealand đấy,” ông chia sẻ.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Viết bởi John Buckingham

John Buckingham. Ảnh: Patrick Welsh minh họa cho Forbes

Quá trình chuyển đổi sang các phương tiện vận hành bằng điện, bao gồm cả những khoản đầu tư của nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) và chính sách hỗ trợ từ chính phủ, báo hiệu nhu cầu dành cho pin lithium-ion tiếp tục tăng cao. Albemarle – chuyên sản xuất hóa chất đặc biệt có trụ sở tại Bắc Carolina hưởng lợi rất lớn từ điều này, khi mảng kinh doanh lithium đóng góp 70% doanh thu của công ty này.

Với thị phần lớn, kinh doanh trên toàn thế giới và chi phí sản xuất thấp, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Albemarle trong năm 2022 theo ước tính tăng lên hơn 21 USD/cổ phiếu và tiếp tục đạt mốc 27 USD/cổ phiếu vào năm 2023. Có rất nhiều hãng sản xuất xe điện, nhưng không dễ để chọn ra cái tên thành công lâu dài và chỉ số ít cổ phiếu ngành xe điện có mức giá hợp lý.

Tôi thiên về chiến lược “cuốc chim và xẻng” khi Albemarle với thu nhập ước tính tăng 11 lần có vẻ như là hướng đi an toàn hơn để đầu tư vào ngành xe điện (EV) đắt đỏ.

John Buckingham là giám đốc đầu tư (CIO) của AFAM Capital và biên tập viên của The Prudent Speculator.

Biên dịch: Minh Tuấn