multi-media / Megastory

Tham vọng chế tạo máy bay không người lái “made in Vietnam” của tiến sĩ kinh tế UC Berkeley

Sản phẩm máy bay không người lái HERA do đội ngũ kỹ sư người Việt phát triển, đang tìm hướng xuất ngoại đến một trong các thị trường khắt khe nhất thế giới là Hoa Kỳ.

Trụ sở của công ty thiết kế, sản xuất máy bay không người lái (UAV) Real–Time Robotics Việt Nam (RtR) là căn nhà cấp bốn, nền nhà thấp hơn mặt đường, nằm lọt thỏm trong con hẻm cụt tại TP. Thủ Đức (TP.HCM). Bên trong, các kỹ sư đang loay hoay kiểm tra lại hai thiết bị bay không người lái HERA trước khi đóng gói xuất sang Hoa Kỳ cho khách hàng trong lĩnh vực điện lực.

Mỗi mét vuông trong căn nhà được thuê với giá 30 triệu đồng/tháng này đều được tận dụng tối đa, đủ nơi làm việc cho bộ phận thiết kế đến cơ khí, điện tử, trí tuệ nhân tạo. Họ không có phòng riêng mà chia nhau không gian chung và ngăn cách bằng tấm rèm nhựa PVC như tại các nhà xưởng sản xuất cho thuận tiện khi bưng bê máy bay ra vào các bộ phận nghiên cứu, chế tạo.

“Bản quyền sáng chế HERA đứng tên người Việt. Phát minh, nắm công nghệ lõi là con đường duy nhất để Việt Nam dịch chuyển từ nước đang phát triển lên phát triển,” ông Lương Việt Quốc, 58 tuổi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành RtR nói với Forbes Việt Nam về kỳ vọng ghi tên Việt Nam “lên bản đồ sản xuất máy bay không người lái trên thế giới.”

HERA hiện nay là kết quả của rất nhiều phiên bản trong hơn một năm RtR nghiên cứu chế tạo và ra mắt từ cuối năm 2022. Trọng lượng chỉ 9kg nhưng HERA có thể nâng tải trọng 15kg, tầm quan sát 360 độ cho mỗi tải, thời gian bay 56 phút với bán kính tối đa 15km. HERA đang thuyết phục được các khách hàng tiềm năng.

Trao đổi với Forbes Việt Nam qua email, ông J.T. VonLunen, chủ tịch RMUS, công ty chuyên cung cấp dịch vụ máy bay không người lái cho các cơ quan chính phủ, tập đoàn và trường đại học khu vực Bắc Mỹ nhận xét: “RtR đã phát triển một loại máy bay không người lái có một không hai. Nó có sức nâng đáng kinh ngạc, thời gian bay dài và rất nhỏ gọn. Rất khó để thiết kế một máy bay không người lái có tất cả các tính năng này.”

HERA có trọng lượng 9kg, có thể nâng tải trọng 15kg, gấp gọn vừa ba-lô (Ảnh: DNCC).

Sau gần chín năm tham gia lĩnh vực UAV, RtR vừa xuất khẩu những máy bay HERA đầu tiên sang Hoa Kỳ. Toàn bộ quá trình nghiên cứu phát triển, thiết kế đến chế tạo đều ở Việt Nam. Năm điểm khác biệt của HERA so với các sản phẩm cùng loại: nhỏ gọn bỏ vừa balo; sức nâng tới 15kg; không gian rộng và gắn được bốn tải khác nhau; “bộ não” xử lý thông minh với thuật toán trí tuệ nhân tạo cho phép hoạt động đa năng, có thể tùy biến cho nhiều lĩnh vực.

Quay lại thời điểm 10 năm trước, khi còn ở Hoa Kỳ, nhận thấy tiềm năng của UAV, ông Lương Việt Quốc bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực này bằng việc trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ UAV, tương tự cách các công ty lớn như Flyability, Aerodyne, Drone Base… đã làm. Ông mở công ty tại Hoa Kỳ rồi nhập thiết bị bay về Việt Nam, cung cấp dịch vụ kiểm tra sâu bệnh ở đồng ruộng, giám sát hạ tầng tại các dự án điện mặt trời, đường điện cao thế.

Nhưng kết quả không đạt kỳ vọng vì “sản phẩm quảng cáo 10 mà tính năng chỉ được 2–3.” Ông cùng đội ngũ ở Việt Nam tháo các bộ phận của thiết bị, chỉnh sửa từ camera đến pin sao cho máy bay xa hơn, thời gian lâu hơn với hình ảnh rõ nét.

Năm 2017, ông Quốc nảy ra ý định thiết kế, chế tạo khi đã có chút kiến thức và kinh nghiệm tích lũy sau ba năm “học việc”.

RtR ra đời và bắt đầu chuyển sang sản xuất UAV, mảng kinh doanh mà các công ty lớn như DJI, Parrot, Autel Robotics… đang thống lĩnh. Đội ngũ RtR bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm rồi đưa mẫu  thử đến hội chợ ở các nước.

Thành quả bước đầu của họ là khi mẫu thử VIAN ra đời năm 2018, có thể “chẩn đoán sức khỏe” cho cây trồng và phục vụ lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam. Nhưng mẫu này mới chỉ thu hút được sự quan tâm của truyền thông, chưa thể khai thác thương mại. Phiên bản đầu tiên chỉ có một camera và không khác biệt nhiều so với các sản phẩm khác trên thị trường.

“Tôi không cảm nhận được tầm nhìn của công ty ở những mẫu sản phẩm trước đây,” Phí Duy Quang, kỹ sư cơ điện tử trường đại học Công nghệ Sài Gòn nhắc đến mẫu VIAN và nói về quyết định nghỉ việc ở công ty khi đó.

Năm 2017, RtR đối diện với giai đoạn khó khăn khi nhân sự nòng cốt nghỉ việc, có cổ đông rút vốn, sản phẩm không nổi trội. Ông Quốc đứng trước quyết định nên bỏ cuộc hay tiếp tục khởi nghiệp ở tuổi 52. Ông chọn tiếp tục và hẹn gặp lại Phí Duy Quang, hiện là kỹ sư trưởng phụ trách cơ khí của RtR để cùng tìm lời giải cho sản phẩm mới, với yêu cầu sức tải tốt hơn, nhỏ gọn hơn và đa nhiệm hơn. Họ cùng suy nghĩ về ý tưởng mẫu thiết kế ban đầu của HERA.

Quang nhớ lại: “Trên đường từ quán cà phê ở quận 9 chạy về nhà ở quận 8, tôi nghĩ ra ý tưởng, tấp vào quán cà phê suy nghĩ cho xong rồi về đến nhà vẽ ra bản thảo gửi tin nhắn cho anh Quốc. Anh ấy nhắn lại đúng một từ ‘Excellent’.” Đầu năm 2021, Quang chính thức quay lại làm việc tại RtR.

Đến nay, RtR đã xuất khẩu 15 chiếc HERA (bốn đi EU và 11 đi Hoa Kỳ). Bắt đầu làm việc với ông Quốc từ đầu năm 2022, RMUS đặt mua một số sản phẩm cho khách hàng trong lĩnh vực điện ở Hoa Kỳ thử nghiệm và kỳ vọng, “một ngày nào đó, HERA sẽ chiếm gần một nửa doanh số.”

Giá khởi điểm mỗi chiếc HERA xuất xưởng khoảng 40 ngàn đô la Mỹ (hơn 900 triệu đồng) và RMUS bán với giá khởi điểm 58 ngàn đô la Mỹ (khoảng 1,3 tỉ đồng). Để có thể sử dụng cho các dự án tại Hoa Kỳ, HERA đạt các tiêu chuẩn trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA), đặc biệt về vấn đề sử dụng chip, vi mạch và bảo mật dữ liệu.

Ông Lương Việt Quốc, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành RtR, công ty phát minh máy bay không người lái HERA (Ảnh: Tạ Hồng Phúc).

Ngoài RMUS, ông Quốc cũng đang làm việc với Idan Tessler, cựu phi công quân sự, người điều hành công ty cung cấp dịch vụ máy bay không người lái Prof-Worx tại Hà Lan. Sau khi xem video giới thiệu, Idan đến Việt Nam vào tháng 2.2023 để tìm hiểu. Sau chuyến đi, Idan hỗ trợ RtR đưa HERA thử nghiệm tại Hà Lan. Ông đánh giá HERA có chi phí sản xuất hợp lý, kỹ thuật và thiết kế vượt trội so với các đối thủ khác ở hầu hết mọi khía cạnh.

Sinh ra tại TP.HCM, hoàn cảnh gia đình buộc ông Quốc có lúc phải kiếm sống bằng việc nhặt phế liệu ven kênh Nhiêu Lộc từ khi lên 10. Nghe lời dặn của bà nội, ông không bỏ học, ước mơ kiếm được công việc chỉ để không bị đói. Thi đậu đại học nhưng gia cảnh chỉ cho phép ông theo học hệ trung cấp ngành tài chính trường đại học Tài chính kế toán (nay sáp nhập vào trường đại học Kinh tế TP.HCM).

Ông Quốc sau đó cố gắng tiếp tục học lên bậc đại học, học thêm tiếng Anh và có học bổng Fulbright hệ thạc sĩ tại trường đại học Cornell năm 2002. Sau khi tốt nghiệp với luận văn xuất sắc, ông chọn học tiến sĩ kinh tế tại UC Berkeley. Trong hơn 10 năm ở Hoa Kỳ, ông làm chuyên gia kinh tế tại các công ty tư vấn trước khi khởi nghiệp trong lĩnh vực máy bay không người lái.

37 tuổi mới nhận được học bổng thạc sĩ, với ông Quốc, học tập không có giới hạn về tuổi tác hay địa lý. Chương trình tiến sĩ rèn cho ông thói quen “tư duy sâu, luôn đặt câu hỏi: Điều mình nghe là có lý có thật sự đúng không?.” Ông tự nhận mình luôn nhìn vấn đề từ góc độ người dùng, không phải góc nhìn của dân kỹ thuật; nghĩa là tìm ra điều người dùng cần và xem xét công nghệ nào có thể giải quyết.

Trong thiết kế máy bay không người lái, bài toán khó là cân bằng giữa sức nâng và kích cỡ. RtR tìm ra lời giải cho bài toán này sau gần 10 năm vật lộn. Bộ khung HERA làm từ sợi carbon, chịu lực cao, càng đáp tự động gập gọn khi cất cánh, không che tầm nhìn camera.

HERA có đủ không gian cho bốn camera với các tính năng khác nhau, hệ thống bo mạch điện tử bên trong máy bay đến phần mềm điều khiển đều do đội ngũ kỹ sư RtR xây dựng. Đội ngũ tạo ra các thuật toán giúp HERA nhận diện các vật thể cần thu hình và quay, chụp hình ảnh tự động.

“Thách thức không chỉ tìm tòi học hỏi thêm mà còn nằm ở việc không để kiến thức đã có ngăn cản chúng ta tìm ra phương hướng mới,” ông Quốc nói và tự hào về đội ngũ 50 kỹ sư trẻ, hầu hết dưới 30 tuổi từ các trường đại học như Bách khoa, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, những người đam mê chinh phục lĩnh vực mới, có kiến thức và tin tưởng vào tầm nhìn xuất khẩu máy bay không người lái từ Việt Nam.

Theo Drone Industry Insights (DRONEII), quy mô thị trường máy bay không người lái toàn cầu dự kiến tăng từ 30,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 lên gần 56 tỉ đô la Mỹ đến năm 2030. Trong đó, công ty DJI (Trung Quốc) đang là nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới, chiếm hơn 70% thị trường máy bay không người lái dân dụng.

Những thiết bị bay không người lái được sử dụng cho nhiều mục đích, từ làm phim, gieo hạt đến giám sát công trình, môi trường, cứu hộ. Nhưng các doanh nghiệp đang phải giải quyết nhiều thách thức, từ rào cản pháp lý liên quan đến an ninh mạng, an toàn không phận, độ tin cậy, hiệu quả và dữ liệu.

Công ty khởi nghiệp non trẻ RtR sẽ phải giải quyết những trở ngại nêu trên nếu muốn sản xuất đại trà. “Bây giờ chúng tôi phải giải bài toán xây dựng hệ thống với quy trình sản xuất số lượng nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất và chất lượng đồng bộ,” Phí Duy Quang cho biết.

Trong khi đó, Idan Tessler đánh giá thách thức mà RtR gặp phải chính là giúp thị trường hiểu hơn về sản phẩm, “khiến các nước phương Tây hiểu rằng kỹ thuật tuyệt vời và công nghệ chất lượng cao đang được phát triển và sản xuất tại Việt Nam.”

Quá trình thương mại hóa HERA chỉ mới bắt đầu, với doanh số khiêm tốn, khoảng một triệu đô la Mỹ. RtR đặt mục tiêu tham vọng đến cuối năm 2023 bán ra được một ngàn sản phẩm HERA và tăng gấp đôi vào năm 2024.

Kế hoạch xây nhà máy sản xuất trên diện tích 9.000m2 bao gồm khu nghiên cứu, chế tạo tại khu Công nghệ cao TP.HCM với tổng vốn đầu tư 13,5 triệu đô la Mỹ của RtR vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và xin giấy phép xây dựng dự án. Họ đang trong quá trình huy động vốn để mở rộng  nghiên cứu và sản xuất. RtR đã tìm được cách cân bằng phép tính mong manh giữa kích cỡ máy bay với khả năng tải trọng và ngay lập tức đăng ký sáng chế.

Tháng 10.2021, RtR nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho HERA và đang chờ kết quả (quá trình chờ đợi này thường khoảng 1,5 năm để được chấp nhận). Họ cũng đã nộp hồ sơ để được cấp bằng sáng chế cho năm phát minh khác. “Phải dựa trên phát minh để duy trì ưu thế, tạo ra giá trị chứ không thể chỉ cạnh tranh bằng việc ăn may vào một sáng chế,” nhà sáng lập RtR chia sẻ về chiến lược duy trì tốc độ phát minh.