multi-media / Megastory

Hồ sơ: Tỉ phú Otto Toto Sugiri tiên phong kỹ thuật số

Tỉ phú Otto Toto Sugiri thuộc nhóm doanh nhân công nghệ thời kỳ đầu của Indonesia, đang hỗ trợ phát triển nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia bằng cách xây dựng DCI – công ty trung tâm dữ liệu lớn nhất nước.

Với chiếc áo sơ mi đen đặc trưng và mái tóc dài màu xám, Otto Toto Sugiri, đồng sáng lập kiêm chủ tịch công ty trung tâm dữ liệu DCI, khác biệt hẳn trong nhóm toàn doanh nhân công nghệ trẻ của Indonesia. Người đàn ông 68 tuổi này học lập trình trước khi nhiều người trong nhóm doanh nhân này ra đời, là một trong những doanh nhân công nghệ thời kỳ đầu của Indonesia, đang mở đường cho những người khác noi theo.

Công ty đầu tiên của ông, Sigma Cipta Caraka, thành lập năm 1989, là một trong những công ty phần mềm nội địa đầu tiên ở Indonesia, thuộc nhóm công ty có doanh số lớn nhất, vượt những nhà cung cấp phần mềm nước ngoài. Sau đó, Sugiri thành lập Indointernet, nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Indonesia vào năm 1994, giúp hàng triệu người Indonesia lần đầu tiên truy cập Internet. Trong thời bùng nổ dot-com, ông thành lập BaliCamp, công ty ươm mầm các công ty khởi nghiệp và cung cấp dịch vụ gia công. Tom Malik, CEO công ty Dattabot về dữ liệu lớn tại Indonesia, nhận xét sau hơn 20 năm quen biết Sugiri: “Sugiri giống Bill Gates của Indonesia.”

Giờ đây, khi thế hệ mới cố gắng thành lập công ty đầu tiên của mình, Sugiri đã có bước tiến dài với động thái gần nhất là xây dựng các trung tâm dữ liệu – cơ sở hạ tầng quan trọng, trung tâm của bất kỳ nền kinh tế kỹ thuật số nào. Được Sugiri và sáu người khác thành lập năm 2011, DCI là công ty trung tâm dữ liệu lớn nhất Indonesia, đáp ứng hơn một nửa nhu cầu nội địa.

DCI cho biết ba trong số bốn nhà cung cấp dịch vụ đám mây hoạt động tại Indonesia – Alibaba, Amazon Web Services, Google Cloud và Microsoft – cùng một số công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á là khách hàng của họ. Khách hàng của DCI còn có hơn 40 công ty viễn thông và hơn 120 nhà cung cấp dịch vụ tài chính trên khắp Indonesia, Đông Nam Á và Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, công suất trung tâm dữ liệu của Indonesia, ở mức 81 megawatt (MW), thấp hơn so với 613MW của Singapore (các trung tâm dữ liệu được xếp hạng theo mức tiêu thụ điện.) Nhưng Sugiri cho rằng tình trạng thiếu hụt này chính là cơ hội. Sugiri cho biết trong buổi phỏng vấn độc quyền cuối tháng 10.2021: “Indonesia có dân số lớn nhất khu vực, nhưng lại chỉ có một trong những trung tâm dữ liệu có công suất bình quân đầu người thấp nhất thế giới.”

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia sẽ tạo ra nhu cầu lớn về trung tâm dữ liệu nhằm xử lý toàn bộ lưu lượng truy cập. Theo báo cáo gần đây của Bain, Google và Temasek, nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia hiện đứng đầu Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) ước tính lên đến 70 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Bukalapak tiến hành đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay tại Indonesia vào tháng 8.2021, huy động được 1,5 tỉ đô la Mỹ và ít nhất bốn kỳ lân đồng hương khác, bao gồm GoTo và Traveloka, sẽ lên sàn chứng khoán trong 12 tháng tới. Tính đến tháng 6.2021, các công ty đầu tư mạo hiểm đã rót 4,7 tỉ đô la Mỹ vào thị trường Indonesia, cao nhất khu vực.

DCI đang đầu tư gấp đôi để duy trì vị thế dẫn đầu. Trong thập niên qua, công ty chi 210 triệu đô la Mỹ, xây dựng bốn trung tâm dữ liệu tại địa điểm chính rộng 8,5 héc ta ở Cibitung, ngoại ô Jakarta. Tổng công suất của khu vực này có thể được nâng lên 300MW nhằm đáp ứng nhu cầu lớn hơn. Hồi tháng 5.2021, tỉ phú Anthoni Salim đã nâng lượng cổ phần nắm giữ tại DCI từ 3% lên 11%, thể hiện quan hệ đối tác chiến lược giữa tập đoàn Salim của ông và DCI gắn chặt hơn.

“Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là duy trì vị thế dẫn đầu tại Indonesia. Đây là sân chơi của chúng tôi,” Sugiri nói.

Theo thỏa thuận, DCI quản lý trung tâm dữ liệu nội bộ 15MW của tập đoàn Salim, trung tâm này có thể tăng công suất lên 600MW để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Họ cũng đang đề xuất DCI giám sát các trung tâm dữ liệu khác của tập đoàn, chưa tính đến các mảng kinh doanh khác có khả năng đến từ danh mục các công ty và bất động sản khổng lồ thuộc tập đoàn trải khắp Indonesia và châu Á này.

“Chúng tôi tin rằng dữ liệu là điểm mấu chốt của quá trình số hóa, và sẽ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân. DCI, công ty công nghệ nội địa đã chứng minh năng lực chuyên môn trong cung cấp các giải pháp trung tâm dữ liệu, là đối tác chiến lược quan trọng của chúng tôi,” Salim tuyên bố bằng văn bản.

Số liệu tài chính của DCI rất ấn tượng. Công ty ghi nhận doanh thu tăng 81% và lợi nhuận ròng tăng 57%, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm từ năm 2017 đến năm 2020. Tuy nhiên, trong năm 2021, đến cuối tháng chín, doanh thu chỉ tăng 3% so với cùng kỳ lên gần 607 tỉ rupiah (43 triệu đô la Mỹ.) Sugiri giải thích, số liệu thấp khiến mọi người ít chú ý đến doanh thu định kỳ với biên lợi nhuận cao hơn thể hiện trong con số lợi nhuận ròng tăng 24% lên 173 tỉ rupiah (hơn 12 triệu đô la Mỹ) vào cuối tháng chín.

Dấu hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư là giá cổ phiếu DCI. Sau khi niêm yết vào tháng 1.2021, giá cổ phiếu đã tăng khoảng 11.000%, đạt mức 44 ngàn rupiah (3,07 đô la Mỹ) trong thời gian gần đây. Với giá trị thị trường bảy tỉ đô la Mỹ, DCI hiện là một trong những công ty giá trị nhất trên thị trường chứng khoán Indonesia tính theo vốn hóa thị trường. Sugiri và hai nhà đồng sáng lập khác trở thành tỉ phú nhờ lượng cổ phần nắm giữ tại công ty – chiếm ba trong số bốn vị trí mới trong danh sách 50 người giàu nhất Indonesia năm nay.

Sự tăng giá thần tốc của cổ phiếu khiến sàn giao dịch chứng khoán Indonesia phải tạm ngừng giao dịch cổ phiếu DCI năm lần trong năm nay, dẫn đến một cuộc điều tra hồi tháng 6.2021. Sugiri cho biết, sàn giao dịch kết luận công ty và nhóm cổ đông sáng lập không có bất kỳ hành vi sai trái nào. Theo quy định, sàn giao dịch từ chối bình luận về bất kỳ cuộc điều tra nào. Sugiri tin giá cổ phiếu tăng vọt một phần do các nhà đầu tư có nhu cầu lớn nhưng chỉ có số lượng nhỏ cổ phiếu được chào bán.

Thành công của DCI thu hút vài đối thủ nặng ký. Hồi tháng 5.2021, tập đoàn Triputra của tỉ phú Theodore Rahmat cho biết họ đang hợp tác với ST Telemedia và Temasek của Singapore để đưa một trung tâm dữ liệu 72MW đi vào hoạt động cuối năm 2023. Tháng 11.2021, tập đoàn kinh doanh Sinar Mas, được hậu thuẫn từ gia đình Widjaja quyền lực, tuyên bố hợp tác với Group 42 – công ty điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo tại Abu Dhabi – để xây dựng trung tâm dữ liệu 1.000 MW tại Indonesia (chưa công bố thời điểm khai trương.) Tập đoàn bất động sản hàng đầu Indonesia, Ciputra, cũng thể hiện ý định gia nhập lĩnh vực trung tâm dữ liệu, nhưng chưa tiết lộ cụ thể. Nhiều công ty trong và ngoài nước khác đang có mặt trên thị trường cũng công bố ý định mở rộng.

Sugiri không nao núng trước làn sóng cạnh tranh mới này. Ông nói: “Các trung tâm dữ liệu ở Indonesia sẽ trở nên quan trọng hơn khi các công ty công nghệ và Internet toàn cầu nhận ra tầm quan trọng của việc xích lại gần người dùng dịch vụ hơn. Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là duy trì vị thế dẫn đầu tại Indonesia. Đây là sân chơi của chúng tôi.”

Sugiri đúc kết kinh nghiệm hơn bốn thập niên trong ngành công nghệ của Indonesia. Năm 1980, sau khi lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện và thạc sĩ kỹ thuật máy tính tại đại học RWTH Aachen của Đức, ông quay về Indonesia chăm sóc người mẹ ốm yếu; bà qua đời sau đó không lâu. Ông ở lại Indonesia để thực hiện nhiều hợp đồng lập trình phần mềm tại quê nhà, chẳng hạn như viết phần mềm kỹ thuật cho các công ty dầu mỏ hoặc chương trình quản lý quy trình giải ngân khoản vay cho ngư dân ở Papua của một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc.



Năm 1983, Sugiri gia nhập Bank Bali, lúc ấy thuộc sở hữu của người cậu Djaja Ramli. (Bank Bali sau đó hợp nhất với ngân hàng Permata và rồi được Bangkok Bank mua lại.) “Chúng tôi đã phát triển hệ thống CNTT ngân hàng, từ hoạt động văn phòng đến kế toán. Tôi làm việc với nhiều bộ phận khác nhau để cung cấp phần mềm giúp công việc hiệu quả hơn. Một trong những thành công mà tôi nhớ là nhân viên kế toán có thể về nhà trước khi mặt trời lặn. Trước đó, họ phải làm việc đến gần nửa đêm để kết sổ thủ công,” Sugiri nói.

Ông nghỉ việc, thành lập công ty phần mềm Sigma Cipta Caraka năm 1989 với 200 ngàn đô la Mỹ – đủ để trả mười tháng tiền lương và tiền thuê nhà. Sáu cựu nhân viên của Bank Bali, bao gồm Marina Budiman – hiện là chủ tịch hội đồng giám sát tại DCI, gia nhập công ty. Đó là thời điểm hoàn hảo. Chính phủ vừa bãi bỏ quy định đối với ngành ngân hàng, và số lượng ngân hàng tăng từ 111 (năm 1988) lên 240 (năm 1994.) Các ngân hàng mới này cần hỗ trợ về CNTT và Sigma nhanh chóng có được khách hàng đầu tiên. Công ty có lãi ngay trong năm đầu tiên với doanh thu 1,2 triệu đô la Mỹ.

Ngay từ khi Sigma còn phân phối phần mềm cho IBM thì các chương trình độc quyền của họ đã nhanh chóng trở thành nguồn doanh thu chính. Đối thủ cạnh tranh chính của họ là Multipolar, do tập đoàn Lippo của Mochtar Riady sở hữu. Nhưng Multipolar chỉ bán phần mềm nhập khẩu đắt tiền, trong khi Sugiri cung cấp phần mềm rẻ hơn do ông và nhóm của mình viết, phù hợp với thị trường nội địa.

Trong khoảng thời gian này, một người bạn tiếp cận Sugiri với ý tưởng thành lập nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Indonesia. Ban đầu, cả hai chỉ muốn mang lại cho sinh viên Indonesia phương thức tiếp cận tài liệu học tập từ nước ngoài rẻ hơn và nhanh hơn. Ông nói: “Thời điểm đó, sách rất đắt và mất nhiều thời gian mới về đến Indonesia.” Năm 1994, họ ra mắt Indointernet, không chỉ giúp sinh viên mà còn giúp tất cả người Indonesia có cơ hội truy cập Internet lần đầu tiên.

Bước phát triển tiếp theo của Sugiri vào năm 2000 là BaliCamp – công ty con của Sigma, một “vùng đất dành riêng cho những nhà phát triển phần mềm” trên hòn đảo nghỉ dưỡng. Trong giai đoạn bùng nổ dot-com diễn ra mạnh mẽ, Sugiri thu hút các tài năng công nghệ trong và ngoài nước nhờ chi phí thấp và lối sống bình dị của hòn đảo nhằm ươm mầm cho các công ty khởi nghiệp và cung cấp dịch vụ gia công. Một dự án tại BaliCamp giúp tạo ra chương trình kiểm tra chính tả tiếng Indonesia cho Microsoft.

Toto Sugiri, sáng lập DCI tại Trung tâm Dữ liệu DCI tháng 10.2021

“Có rất nhiều công ty CNTT ở Indonesia vào thời điểm đó, nhưng họ có thể sẽ biến bạn thành kỹ sư bán hàng hoặc nhân viên tiếp thị. Chỉ một số công ty cho phép bạn phát triển sản phẩm. Sigma là một trong số đó, và BaliCamp là công ty nổi tiếng nhất. Tôi nghe nói đây là nơi làm việc tuyệt vời nhất,” Leontinus Alpha Edison, đồng sáng lập công ty thương mại điện tử Tokopedia (đã hợp nhất với Gojek thành GoTo) cho biết. Anh và William Tanuwijaya, đồng sáng lập Tokopedia, làm việc tại Sigma vài năm.

Tuy BaliCamp đóng cửa sau vụ đánh bom ở Bali năm 2002, nhưng Sigma vẫn phát triển mạnh mẽ. Nhờ không vay nợ, Sugiri lèo lái công ty vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, và ở thời kỳ đỉnh cao, Sigma ghi nhận doanh thu khoảng 21 triệu đô la Mỹ với 50 khách hàng là các ngân hàng, bao gồm ABN Amro và Ngân hàng Tokyo. Sugiri cũng bắt đầu tham gia lĩnh vực trung tâm dữ liệu với hai trung tâm.

Năm 2008, Sugiri bán 80% quyền sở hữu tại Sigma cho công ty viễn thông lớn nhất của Indonesia, Telekomunikasi Indonesia (Telkom), với giá 35 triệu đô la Mỹ. Telkom khiến thỏa thuận hấp dẫn hơn với tuyên bố giúp Sugiri đưa công ty lên sàn chứng khoán. Hai năm sau, khi kế hoạch niêm yết không thành công, Sugiri bán số cổ phần còn lại với giá chín triệu đô la Mỹ và cân nhắc nghỉ hưu.

Ý nghĩ đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Năm 2011, chính phủ Indonesia công bố mục tiêu phát triển các trung tâm dữ liệu nội địa, không khuyến khích sử dụng các trung tâm ngoài nước. Sugiri nhìn thấy cơ hội và cùng sáu người khác thành lập DCI. Nhằm thu hút các khách hàng lớn nhất và tốt nhất, Sugiri tập trung giúp DCI đạt chứng chỉ Tier IV (cấp IV), cấp độ cao nhất của lĩnh vực trung tâm dữ liệu toàn cầu, vào năm 2014.

Để thỏa mãn điều kiện chất lượng, trung tâm dữ liệu phải đảm bảo luôn hoạt động trực tuyến trong 99,995% thời gian, và có đầy đủ bản sao lưu dự phòng trong trường hợp mất điện. Sugiri nhớ lại: “Thách thức là xây dựng cơ sở với tiêu chuẩn cao nhất, nhưng việc này không hề rẻ. Các trung tâm dữ liệu theo chuẩn cấp IV tốn hơn 60% chi phí xây dựng so với cấp III. Nhưng gây dựng uy tín mới là mục tiêu chính.”

Thông qua mối quan hệ với tập đoàn Salim, DCI đang có kế hoạch mở rộng quan trọng. Trên đảo Bintan của Indonesia, ngoài khơi Singapore, DCI sẽ quản lý một trung tâm dữ liệu cho tập đoàn. Nhờ vị trí địa lý của hòn đảo, trung tâm dữ liệu này có tiềm năng khai thác thị trường Singapore. Theo báo cáo, tập đoàn Salim đang đàm phán với các ngân hàng nhằm huy động tới 500 triệu đô la Mỹ tài trợ cho hoạt động mở rộng các trung tâm dữ liệu.

Trong bối cảnh Singapore đang bỏ xa Indonesia về dung lượng trung tâm dữ liệu, DCI có cơ hội vươn lên dẫn đầu khu vực. Hồi tháng 5.2021, Singapore tuyên bố tạm hoãn hoạt động bổ sung công suất trung tâm dữ liệu trên đất liền do lo ngại sự bùng nổ của ngành này có thể tạo áp lực lên đất đai, lưới điện và các nguồn tài nguyên khác của quốc gia.

Theo Kevin Imboden, giám đốc nghiên cứu của nhóm cố vấn trung tâm dữ liệu toàn cầu từ công ty Cushman & Wakefield, hiện làm việc tại San Francisco, Indonesia có tiềm năng trở thành một trung tâm của khu vực. Ông lưu ý rằng các công nghệ mới nổi như Internet of Things (Internet vạn vật) và mạng 5G sẽ thúc đẩy nhu cầu về công suất và sức mạnh xử lý trong nước và khu vực. Việc xây dựng hai tuyến cáp ngầm, dự kiến hoàn thành năm 2023 và 2024, sẽ giúp tăng tốc độ kết nối giữa Jakarta và các trung tâm tài chính như Singapore.

Trong khi đó, Indointernet – do Sugiri làm chủ tịch và nắm 16,5% cổ phần – vẫn duy trì hoạt động. Công ty này niêm yết hồi tháng 2.2021, chứng kiến cổ phiếu của mình tăng gấp ba lần tính đến thời điểm này. Tháng 6.2021, nhà điều hành trung tâm dữ liệu Digital Edge có trụ sở tại Singapore đã mua 59,1% cổ phần của công ty với giá 165 triệu đô la Mỹ (Sugiri vẫn ngồi trong hội đồng quản trị.)

Digital Edge do Samuel Lee – cựu chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của công ty Equinix Hoa Kỳ – điều hành, và là công ty vận hành trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới với 227 trung tâm trên toàn cầu. Digital Edge muốn bành trướng khắp châu Á. Sugiri nói: “Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu đang cực kỳ hấp dẫn.”

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 102, tháng 2.2002