Magazine

Nguyễn Thúy Quỳnh: Nữ tiến sĩ làm vật liệu chống cháy

2 năm trước
Tác giả Gia Lộc

Tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh (Kate Nguyễn) tạo ra vật liệu chống cháy, ngăn ngừa những vụ hỏa hoạn tại
xứ sở kangaroo.

Share
this:

Tháng 8.2021, tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, 38 tuổi, giảng viên cao cấp tại đại học RMIT ở Úc, được mời làm kỹ sư trưởng cho Cladding Safety Victoria. Tổ chức trực thuộc chính quyền bang Victoria (Úc) cung cấp giải pháp về công nghệ và vật liệu chống cháy giúp hơn 800 tòa nhà ở bang này trở nên an toàn trước hỏa hoạn. Kết quả một khảo sát ở bang Victoria cho thấy nhiều tòa nhà khi xây dựng đã sử dụng composite tổng hợp – một loại vật liệu từng khiến đám cháy tòa nhà 24 tầng Grenfell Tower ở London lan nhanh, làm 72 người chết trong năm 2017.

Vị trí kỹ sư trưởng là dấu ấn ghi nhận thành quả  nghiên cứu phát triển vật liệu chống cháy mới của tiến sĩ Quỳnh trong chục năm qua. “Làm sao biến vật liệu dễ bị đốt cháy trở thành không cháy nữa. Tôi mong muốn nghiên cứu của mình tạo ra những gì chưa được làm trước đó,” cô nói.

Quỳnh nhận học bổng tiến sĩ năm 2011 để theo học ngành kỹ thuật xây dựng tại đại học Melbourne (Úc). Trong thời gian này, Quỳnh nghiên cứu về vật liệu graphene vì cô nhận thấy đây là vật liệu có tiềm năng chống cháy. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô nhận ra nguồn cung graphene là hạn chế và việc ứng dụng graphene trong xây dựng trở nên không thực tế.

Cô chuyển hướng nghiên cứu sang vật liệu nanoclay có nguồn gốc từ đất sét với nguồn cung dồi dào hơn. Cô chuyển đất sét thành dạng nano và ứng dụng chúng vào giải bài toán do công ty cộng tác Permasteelisa Pty Ltd đưa ra: nâng khả năng chống cháy của vật liệu composite mà công ty đang có. Cô phát triển thành công loại vật liệu mới và được công ty Permasteelisa áp dụng vào xây dựng nhiều công trình ở châu Âu.

Tiến sĩ Quỳnh công bố kết quả nghiên cứu này trên một số tạp chí chuyên ngành, công ty Envirosip Australia Pty Ltd đã liên hệ và hợp tác với cô để cùng tạo ra loại vật liệu composite kết cấu dạng nhẹ, có khả năng chịu lực tốt. Sau đó, cô phát triển thành công vật liệu chống cháy mới, đăng ký bản quyền cho vật liệu đang trong giai đoạn thương mại hóa hiện nay.

GS Adrian Mouritz, hiệu trưởng trường Kỹ thuật, đại học RMIT, nhận xét trong email gửi đến Forbes Việt Nam: vật liệu ốp (cladding materials) mới do tiến sĩ Quỳnh cộng tác với các công ty phát triển an toàn hơn và giảm tác hại đến môi trường so với những vật liệu đang được sử dụng. Trên website của bang Victoria Dan O’Brien, CEO Cladding Safety Victoria, đã đánh giá tiến sĩ Quỳnh “đóng góp kinh nghiệm và các nghiên cứu học thuật để thực hiện chương trình giúp đảm bảo an toàn cho những ngôi nhà ở bang Victoria”.

 “Ở Úc, có rất nhiều khu dân cư sống gần rừng. Khi cháy rừng, người dân được sơ tán và khi trở về thì nhà của họ phải xây dựng lại. Cháy rừng xảy ra hằng năm, khiến hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, vì vậy tôi rất muốn làm cái gì đó để tăng cường bảo vệ cho các ngôi nhà,” Quỳnh nói. Cô sử dụng chuyên môn và kỹ thuật tạo ra lớp phủ dạng xịt chứa hạt ceramic không cháy và không lưu giữ nhiệt để phủ lên các tòa nhà gần những khu rừng.

Theo thống kê của hội đồng Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khẩn cấp và Cứu hỏa Úc, ước tính các vụ cháy rừng trong giai đoạn 2019-2020 phá hủy hơn 3.000 ngôi nhà trên khắp nước Úc. Vật liệu cô nghiên cứu cũng có thể sử dụng phủ lên các tòa cao ốc để giảm khả năng xảy ra cháy và kéo dài thời gian bắt cháy, hỗ trợ thời gian cho đội cứu hỏa hành động và cho việc sơ tán.

Ngày càng nhiều vụ cháy các tòa nhà lớn xảy ra, Quỳnh cho rằng có nhiều vật liệu xây dựng mới trong đó có nguồn gốc dầu mỏ dễ gây cháy nhanh. “Một nghiên cứu cho thấy trước kia thời gian một đám cháy nhỏ trong một phòng trở thành đám cháy lớn mất 17-20 phút nhưng hiện giờ chỉ trong vòng 3-5 phút.” Vì vậy, theo Quỳnh, cần cải thiện khả năng chống cháy của ngôi nhà để phù hợp nhu cầu sử dụng mới.

Theo GS Mouritz, những vật liệu ốp mới này có thể được sử dụng trong các tòa nhà mới và thay thế lớp ốp dễ bắt lửa, nguy hiểm trên các tòa nhà hiện có.  Các quy định nghiêm ngặt về an toàn cháy nổ đang được áp dụng cho các vật liệu ốp ở nhiều nước trên thế giới. Với những nghiên cứu phát triển vật liệu chống cháy mới trong xây dựng có tính khả thi cao, Quỳnh là nhà nghiên cứu đầu tiên trong ngành kỹ thuật xây dựng được nhận huy chương the Batterham Medal for Engineering Excellence (Huy chương Batterham cho Kỹ thuật xuất sắc) của học viện Công nghệ và Kỹ thuật Úc năm 2021. 

Danh sách 20 nữ quản lý chuyên nghiệp

Huy chương được đặt tên theo giáo sư Batterham, một trong những người đặt nền móng cho ngành kỹ thuật của nước Úc. Trong cùng năm đó, cô cũng được tạp chí Research của Úc xếp hạng là nhà nghiên cứu hàng đầu của Úc về vật liệu composite. Ngoài ra, cô là một trong năm nữ nghiên cứu trẻ tài năng ở Úc nhận học bổng nghiên cứu For Women in Science của L’Oréal-UNESCO trong năm 2020. Theo trang Google Scholar, những nghiên cứu của cô được 4.003 trích dẫn với chỉ số đo lường mức ảnh hưởng của nhà khoa học (h-index) là 18 và số ấn phẩm học thuật có ít nhất 10 trích dẫn (i10-index) là 27 trong giai đoạn từ 2015 – 2022.

Quỳnh cũng vừa xin được tài trợ của bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho dự án nghiên cứu nước sạch và điều kiện vệ sinh cho học sinh tiểu học tại một vùng miền núi ở Việt Nam, bắt đầu triển khai trong năm 2022. Cô sẽ cùng những sinh viên năm cuối của đại học RMIT (Úc) phối hợp với đại học Xây dựng Hà Nội và một số công ty ở Việt Nam và Úc thực hiện. “Tôi rất hào hứng thực hiện dự án này. Đây là bước đầu tiên để tôi mang công nghệ hoặc nghiên cứu về ứng dụng ở Việt Nam,” Quỳnh cho biết.

Tiến sĩ Quỳnh đến với ngành kỹ thuật nhờ cảm hứng từ người cha, từng giảng dạy và nghiên cứu về thủy tinh tại đại học Bách khoa Hà Nội. “Tôi thấy ngành kỹ thuật tạo ra được nhiều ứng dụng, vì vậy muốn được trải nghiệm quá trình tạo ra sản phẩm trong phòng thí nghiệm và nhà máy. Tôi rất thích làm cái gì có nhiều ứng dụng để cải thiện được nhiều thứ trong cuộc sống,” Quỳnh chia sẻ.

Cô kể gia đình không muốn cô chọn theo ngành kỹ thuật vì nghĩ con gái học kỹ thuật vất vả. Tuy vậy, tình yêu Quỳnh dành cho nghiên cứu chớm nở từ thời điểm cô dành toàn bộ thời gian vào đề tài nghiên cứu trong năm cuối để tốt nghiệp năm năm học ngành hóa vật liệu tại đại học Bách khoa Hà Nội và tốt nghiệp với thành tích thủ khoa. Giờ đây, cô nhận lại được niềm vui khi thấy những công trình nghiên cứu được ứng dụng vào cuộc sống.

Sau mỗi ngày kết thúc công việc ở phòng thí nghiệm lúc 5 giờ chiều, cô thường dành thời gian bên chồng con. “Thời gian nấu ăn hay làm vườn giúp tôi thoải mái đầu óc và đặc biệt có thể nảy ra những ý tưởng giải quyết khúc mắc gặp phải trong quá trình nghiên cứu,” cô chia sẻ. 

Cô cho rằng làm kỹ thuật, đặc biệt đối với phụ nữ, không có nhiều cơ hội tốt nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình và cơ sở nghiên cứu thì khả năng bỏ ngang rất cao. Quỳnh cho biết cô may mắn được gia đình ủng hộ và hỗ trợ. “Có nhiều lúc tôi cũng tự nhủ tại sao mình lại chọn hướng đi vất vả và khó khăn như vậy,” Quỳnh nhớ lại. “Nhưng nếu các bạn muốn trở thành người tiên phong trong cái mới, nên hình dung những điều có thể đạt được sau này, và bằng cách nào đó để tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục nghiên cứu,” cô nói.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 103, tháng 3.2022, Danh sách 20 nữ quản lý chuyên nghiệp