multi-media / Megastory

“Thời phục hưng” của hàng không vũ trụ

Cuộc đua vào không gian của các công ty hàng không vũ trụ do các tỉ phú hậu thuẫn tạo nên một “hệ mặt trời” mới gồm nhiều danh mục đầu tư mạo hiểm.

Với nhiều người, các chuyến bay vào không gian của Virgin Galactic (do Richard Branson thành lập), hay Blue Origin (do Jeff Bezos sở hữu) trông giống chương trình truyền hình hơn là màn phô diễn tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, với cộng đồng đầu tư mạo hiểm thì ý nghĩa lại khác.

Các cột mốc quan trọng này là dấu hiệu cho nhiều doanh nhân và nhà đầu tư thấy rằng hoạt động thương mại hóa không gian, do công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk tiên phong, không chỉ khả thi mà còn có thể mở rộng hơn và phát triển sớm hơn dự tính ban đầu – và họ muốn tham gia. Các công ty hàng không vũ trụ tư nhân này đều được thành lập cách đây khoảng 20 năm, với mục tiêu tạo ra các chuyến du lịch vũ trụ hoặc xây dựng nhà máy trên quỹ đạo không gian.

Dù đó chỉ là tham vọng – hay thậm chí nếu thành công – thì những gì họ làm được hiện tại đã tạo nên thay đổi cơ bản đối với vai trò của một công ty tư nhân trong lĩnh vực không gian. Bill Nye, CEO của tổ chức phi lợi nhuận The Planetary Society, nói: “Tôi chỉ muốn nhắc mọi người rằng, tuy bị đem ra làm trò đùa nhưng ý tưởng của họ vẫn khá tuyệt. Nhiều năm trước, Elon Musk đã tuyên bố nếu bạn phóng tên lửa đều đặn, cụ thể là mẫu tên lửa Falcon 9, và ghi nhận kết quả đủ tin cậy, tàu vũ trụ rồi sẽ trở thành máy bay thương mại.”

Điều mà các công ty hàng không vũ trụ như SpaceX và Rocket Lab (thành lập năm 2006, trụ sở tại Los Angeles) cải thiện nhiều nhất là các hoạt động phóng tên lửa, vốn là khó khăn lớn nhất của ngành hàng không vũ trụ. Nếu cắt giảm được chi phí phóng tên lửa, hoạt động này có thể diễn ra thường xuyên hơn, khiến giới doanh nhân nhìn thấy hi vọng.

Các công ty này đã truyền cảm hứng cho những công ty khác để cùng khắc phục khó khăn đó, chẳng hạn như công ty Relativity Space – trụ sở tại Long Beach, phát triển công nghệ lắp ráp tên lửa bằng máy in 3D, và Stoke Space Technologies – trụ sở tại Seattle, nghiên cứu chế tạo tên lửa có thể tái sử dụng hoàn toàn.

Richard Branson cầm mô hình vệ tinh LauncherOne, cạnh tàu vũ trụ SpaceShipTwo.

Nhờ loại bỏ được hầu hết khó khăn chính của ngành, các công ty phóng tàu vũ trụ đã xây dựng cơ sở hạ tầng cho phép các doanh nghiệp khác có thể tiếp tục phát triển. Giống như hiện tượng máy vi tính phát triển và mạng cáp quang quy mô lớn tạo nên thời kỳ bùng nổ dotcom thập niên 1990, các nhà đầu tư mạo hiểm dự đoán điều tương tự cũng sẽ sớm xảy ra với ngành hàng không vũ trụ.

Dữ liệu từ Space Capital cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2021, các nhà đầu tư đã đổ gần 15 tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực này với 230 thương vụ, tổng cộng 37 tỉ đô la Mỹ tính từ năm 2013. Thị trường bắt đầu chứng kiến một vài đợt thoái vốn – chủ yếu thông qua các thương vụ SPAC – điều này như đang đổ thêm dầu vào lửa.

“Đây là thời kỳ phục hưng của hệ sinh thái hàng không vũ trụ,” Andy Lapsa, đồng sáng lập Stoke, cho biết. “Hàng không vũ trụ phát triển và trở thành một ngành thương mại. Chưa có trường hợp nào hứa hẹn như ngành này hiện nay.” Delian Asparouhov, lãnh đạo của Founders Fund, cũng khẳng định điều này. Anh cho biết thêm, hiện tại ngành này đã xây dựng được nền tảng để các ngành khác có thể bắt đầu tận dụng.

“Suy cho cùng, không ngành nào thành công nếu không thể kiếm được tiền từ bên ngoài đúng không?” Asparouhov nói. “Hàng không vũ trụ cũng vậy. Bạn không thể chỉ buôn bán trong ngành. Vào lúc này, chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của hàng không vũ trụ 2.0. Còn cách nào khác để kiếm tiền từ không gian nữa không?”

Trước khi trở thành một nhà đầu tư, Asparouhov từng là nhà sáng lập đang tìm cách đi tiên phong trong nền kinh tế tương lai. Anh cho rằng Varda, công ty có trụ sở tại San Francisco của anh, sẽ khôngthể xuất hiện nếu không có những “người khổng lồ” mở đường như Blue Origin và SpaceX. Varda vừa hoàn tất vòng gọi vốn Series A 42 triệu đô la Mỹ hồi tháng 7.2021, đang tìm cách khai thác lĩnh vực mà các công ty đầu tư mạo hiểm (VC) đặc biệt quan tâm: sản xuất trong không gian.

Varda dự tính cung cấp “dịch vụ vi trọng lực” (microgravity as a service) cho các công ty nhằm cải thiện hoạt động sản xuất bằng cách vận dụng một trong bốn lực cơ bản của tự nhiên. Asparouhov cho biết môi trường này có thể tạo ra các nguyên liệu thô tốt hơn để dùng trong chất bán dẫn, sợi quang học và dược phẩm. Đây cũng chính là mục tiêu nghiên cứu của trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nhằm trợ giúp phi hành đoàn trên tàu vũ trụ.

Will Bruey, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Varda, cho biết: “Ngành công nghiệp phóng tàu vũ trụ và các phương tiện, cơ sở hạ tầng phục vụ hàng không vũ trụ đã phát triển đến mức có cả một hệ sinh thái dành cho các dịch vụ hàng hóa mà chúng tôi sẽ mua. Varda tin sản xuất sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu trước khi du lịch vũ trụ thực sự khởi sắc.”

Bruey nói đùa rằng tuy khách hàng chưa đông tới mức xếp thành hàng dài quanh khu nhà, nhưng công ty vẫn bắt đầu triển khai các đợt phóng thử nghiệm vào năm 2023, chỉ ba năm sau khi thành lập vào tháng 11.2020. Không chỉ có các VC tập trung vào khoa học hay các công ty công nghệ cao tỏ ra hào hứng với sản xuất trong không gian (các công ty như Lux Capital cũng đã tham gia đầu tư), ngày càng nhiều công ty VC đa ngành muốn tham gia thị trường, bao gồm Khosla Ventures và General Catalyst.

Jeff Bezos giới thiệu tàu đổ bộ lên mặt trăng “Blue Moon” vừa được phát triển.

Một lĩnh vực khác đang được chú ý sát sao là vệ tinh, vốn chiếm tỉ trọng lớn thứ hai trong tổng số tiền đầu tư của các VC, sau các công ty tên lửa – theo dữ liệu của Space Capital là 1,9 tỉ đô la Mỹ tiền đầu tư chỉ trong quý 2.2021. Tiến bộ công nghệ giúp chế tạo các vệ tinh nhỏ hơn, rẻ hơn kéo giảm chi phí phóng, đã mở ra nhiều khả năng khác xung quanh tàu vũ trụ, bất kể những tiến bộ này có được ứng dụng trong các công ty hiện tại hoặc các dịch vụ khác hay không.

Asparouhov hình dung toàn bộ nền kinh tế tương lai chỉ xoay quanh các vệ tinh – từ các trạm tiếp nhiên liệu, sửa chữa robot đến các dịch vụ taxi vệ tinh. Hoạt động chế tạo vệ tinh của SpaceX ngày càng tốt hơn và nhanh hơn, các công ty như Rocket Lab và Loft Orbital, trụ sở tại San Francisco, đang cung cấp các nền tảng tiêu chuẩn có thể hoạt động như một mô hình kinh doanh “dịch vụ vệ tinh” (satellites-as-a-service). Sự phát triển của vệ tinh khiến Asparouhov hình dung ra tương lai với nhiều đổi mới trong lĩnh vực này.

Asparouhov nói: “Ví dụ dễ thấy nhất là khi xe hơi cá nhân ngày càng phổ biến thì đầu tư vào đường cao tốc trở nên hợp lý hơn rất nhiều.” Đây là nguyên lý lặp đi lặp lại trong giới đầu tư mạo hiểm: ngành công nghiệp này có tiềm năng hình thành nhiều “lớp triển vọng” lồng ghép vào nhau, mỗi bước tiến mới sẽ vượt khỏi một rào cản, tất cả đều bắt nguồn từ nền tảng được các tỉ phú tạo nên.

Ngoài việc cung cấp nền tảng phát triển cho các công ty khởi nghiệp, cuộc đua vào không gian của các tỉ phú còn tự tạo ra các nhân tài cho chính lĩnh vực này. Nhiều công ty trong bài viết này có nhà sáng lập từng là kỹ sư của Blue Origin hoặc SpaceX. Một vài người như Lapsa, cựu chuyên viên giám sát động cơ tại Blue Origin, nói công việc tại các công ty hàng không vũ trụ lớn giúp họ tìm ra thị trường đáng giá để phát triển kinh doanh. Hoặc với Bruey, từng điều hành hoạt động hàng không vũ trụ tại SpaceX, việc thành lập Varda là kết quả khi anh kết hợp kinh nghiệm làm việc trong các công ty khởi nghiệp cùng niềm đam mê không gian từ khi còn nhỏ.

Bản sao mô hình tàu vũ trụ SpaceShipTwo (của Virgin Galactic) trong lần ra mắt tại sự kiện NextFest của tạp chí Wired, thành phố New York.

Cựu nhân viên từ công ty hàng không vũ trụ của các tỉ phú đang tìm cách áp dụng những gì họ tích lũy được vào “lớp” kế tiếp của ngành để tạo cơ hội kinh doanh, tương tự cách các cựu nhân viên PayPal và Facebook thành lập các công ty thành công như công ty Asana, cung cấp phần mềm dưới dạng dịch vụ (software-as-a-service) hoặc công ty công nghệ quốc phòng Palantir, hiện cả hai đều đã lên sàn chứng khoán sau khi huy động được hàng trăm triệu đô la Mỹ vốn đầu tư mạo hiểm.

Josh Wolfe, đồng sáng lập và là đối tác quản lý của Lux Capital – công ty hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cho biết: “Nhiều người muốn thành lập công ty riêng. Sẽ có rất nhiều nhân tài được chú ý. Nhân tài sắp rời bỏ SpaceX có thể tuyển dụng đồng nghiệp hoặc nhóm nhân viên, những điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra.”

Các nhà đầu tư thận trọng chỉ ra nhiều mảng trong ngành hàng không vũ trụ đang bị thổi phồng so với thực tế – ít nhất là vào lúc này – như khai thác tiểu hành tinh hoặc hi vọng thuộc địa hóa sao Hỏa của Musk. Nhưng 60 năm sau khi diễn ra cuộc đua đầu tiên vào không gian đã xuất hiện cuộc đua mới, là nhân tố chủ chốt thúc đẩy làn sóng đổi mới trong tương lai và các tỉ phú dẫn đầu đang kéo theo các nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nhân. Wolfe nói: “Toàn bộ hệ sinh thái này đang phát triển từng bước một. Nếu bạn đi ngủ một giấc dài 10-12 năm, khi thức dậy bạn sẽ kinh ngạc về tiến bộ công nghệ và tài sản mà ngành này đã tạo ra.”

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 100, tháng 12.2021