Doanh nghiệp

CEO Team Flash kể chuyện đường dài với esports

11 tháng trước
Tác giả Trọng Nam

Thể thao điện tử rất mới mẻ nhưng Mark Chew, CEO của Team Flash muốn dùng kinh nghiệm trong thể thao truyền thống để tìm hướng đi chuyên nghiệp, bền vững cho bộ môn này.

Share
this:

Một chiều mùa hè đổ lửa, ngồi trong phòng họp, Mark Chew, CEO của Team Flash chống tay, bày tỏ: “Như bạn thấy đó, chúng tôi có một văn phòng đúng nghĩa, bộ máy đầy đủ, hướng tới một tổ chức chuyên nghiệp. Team Flash tự hào là đội game quy mô và bài bản nhất của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.”

Trụ sở Team Flash Việt Nam rộng khoảng 120m2 nằm tại một tòa cao ốc văn phòng ở quận 4 (TP.HCM) với một phòng thu truyền thông (media studio), bốn dãy bàn làm việc hiện đại với hơn 20 nhân sự túc trực. Bên cạnh trụ sở chính, Team Flash có hai gaming house (ngôi nhà chung của trên dưới 40 game thủ và thành viên ban huấn luyện) ở Gò Vấp và quận 7 (TP.HCM).

Tháng 2.2020, đội game Liên Quân Mobile (AoV) của Team Flash lọt vào danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam. Dù có được những thành công vang dội cách đây chưa lâu, lãnh đạo của Team Flash thừa nhận họ có những khó khăn trong việc duy trì một đội game chuyên nghiệp khi là một trong các nhóm đi đầu trên thị trường ở lĩnh vực còn mới mẻ là thể thao điện tử (esports).

Với kinh nghiệm về bản quyền truyền hình và đầu tư công nghệ, CEO Team Flash đang cố gắng biến esports thành mảng sinh lợi, từ tổ chức cộng đồng, mở mảng giáo dục đến mô phỏng, thậm chí kết hợp chung với thể thao truyền thống.

Là một phần quan trọng của tổ chức esports Team Flash có trụ sở chính tại Singapore, Team Flash Việt Nam tham dự thi đấu ba nội dung trò chơi di động và một trò chơi trên máy tính. Team Flash đầu tư vào đội game Liên Quân có tên ProArmy được Terrence Ting, quốc tịch Singapore, tổ hợp lại năm 2017 với vai trò CEO, nòng cốt là đội Liên Quân Mobile Việt Nam và đội FIFA Online của Singapore. Mark Chew và Sanson Oh khi đó đóng vai trò là cố vấn tài trợ và nhà đầu tư chính.

Đội tuyển Liên Quân Mobile đã giành liên tiếp bốn chức vô địch trong nước, một lần vô địch giải thế giới AWC và một chức vô địch quốc tế AIC năm 2019. Ước tính, các đội tuyển của Team Flash đã đạt tổng tiền thưởng lên đến gần 740 ngàn đô la Mỹ.

Mark Chew, CEO của Team Flash. Ảnh: Danny Bach

Mark Chew chính thức tiếp quản vị trí CEO, quản lý toàn bộ tổ chức, bao gồm trụ sở chính tại Singapore, các chi nhánh ở Việt Nam, Thái Lan từ tháng 2.2021. Tuy kín tiếng, chưa từng chính thức xuất hiện trên báo chí, Mark Chew là một chuyên gia có kinh nghiệm về truyền thông thể thao. Xuất thân quản lý cấp cao của cục Thể thao – bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, Mark Chew có công việc chính là mua bán bản quyền phát sóng.

15 năm qua, vị CEO này chủ yếu kiếm tiền từ việc bán bản quyền giải đấu cho thị trường châu Á. Ở Việt Nam, Mark tham gia vào việc bán quyền phát sóng giải bóng đá Pháp, Ý cho VTV Cab, FPT, bản quyền các giải golf Mỹ (USGA) cho HTV và đang xúc tiến bản quyền giải đua công thức 1 (Formula 1).

“Thật ra, tôi quyết định đầu tư từ một lần tham dự sự kiện về game tại Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á, vào năm 2018”, Mark Chew nhớ lại. Sự hâm mộ cuồng nhiệt của đám đông khán giả, chủ yếu là người trẻ tuổi, những game thủ xuất hiện như ngôi sao, kiếm rất nhiều tiền. Cảnh tượng đó khiến cho doanh nhân người Singapore kinh ngạc, nảy ra ý tưởng đầu tư vào esports.

Số liệu từ công ty nghiên cứu chuyên về dữ liệu game NewZoo (Thụy Điển) cũng ủng hộ sự lạc quan của Chew. Theo đó, Đông Nam Á là khu vực mà thị trường esports đang có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đến năm 2024, doanh số esports tại đây ước đạt 72,5 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, đầu tư vào esports ở thời điểm này dường như là một cuộc phiêu lưu cần kiên nhẫn. Nick Ha, quản lý quốc gia của Rocket Lab Mexico, chuyên xây kênh quảng cáo cho chủ yếu là ngành game Việt Nam, khẳng định hầu hết các đội esports sống bằng nguồn tiền của ông chủ. “Người đầu tư vào đội esports thường kinh doanh sản phẩm dịch vụ liên quan, họ dùng đội game như một phần của chiến dịch tiếp thị, hoặc đơn giản để thỏa đam mê”. Olivier Raus

sin, đồng sáng lập kiêm đối tác điều hành của quỹ mạo hiểm FEBE Ventures, trụ sở tại Singapore cũng chia sẻ, ngành esports hiện thiếu hấp dẫn. Chẳng hạn Olivier chưa thấy tiềm năng mang lại doanh thu lớn và vắng bóng yếu tố công nghệ độc quyền, đột phá chống lưng phía sau.

Về phần mình, dưới dẫn dắt của bộ đôi Sanson Oh và Mark Chew, Team Flash đã gọi được tổng cộng 1,5 triệu đô la, chủ yếu từ Octava, một công ty quản lý quỹ cho các gia đình giàu có tại Singapore. Ban đầu, Octava đầu tư bất động sản và tài chính, chỉ mới quan tâm esports gần đây. Được biết, Team Flash đang trong giai đoạn chốt khoản đầu tư tiếp theo, trị giá 2,7 triệu đô la, dự kiến sẽ công bố trong vòng vài tháng tới.

Trong cuộc trao đổi với Forbes Việt Nam, Mark Chew thoải mái thừa nhận: “Không chỉ tại Việt Nam, toàn thế giới, tất cả các đội esports đều đang phải đốt tiền. Kiếm tiền từ esports rất khó khăn”.

Vấn đề đầu tiên, esports có tốc độ thăng tiến và đào thải cực kỳ nhanh chóng, nếu so với thể thao truyền thống. Chew nói: “Một đội bóng mất hàng chục năm để dựng vị thế, cũng có thể duy trì chục năm mà không có danh hiệu. Một đội game có thể lừng danh chỉ sau 3 mùa giải, nhưng sẽ dần thoái trào chỉ sau vài mùa không danh hiệu.”

Tuổi thọ của một tựa game cũng tạo thêm áp lực đào thải cho ngành esports. Tuổi thọ trung bình của một tựa game máy tính đã ngắn, vòng đời của game di động còn ngắn hơn nhiều. Thống kê từ Appotia, Mỹ, cho thấy chỉ có khoảng 10% các game di động có thể tồn tại trong tốp 50 game trên ba năm.

Mark Chew cho rằng cách tốt nhất là tổ chức các đội esports như những kênh truyền thông thể thao. Theo ý này, mỗi đội game tương tự là một chương trình trong kênh, chương trình nào đi xuống thì “cắt sóng”, thay bằng chương trình mới. Đội game trong tổ chức cũng vậy, đội game nào đi xuống thì thế dần bằng đội khác vươn lên để đỡ lấy cả tổ chức.

Qua đây, Chew cũng thừa nhận, đội Liên Quân Mobile cần phải gấp rút chặn đà giảm về thành tích, dù trong Team Flash vẫn còn đó đội tuyển FIFA (game mô phỏng bóng đá) đang xếp đầu châu Á, đứng tốp 10 thế giới.

Tiếp tục so sánh với thể thao truyền thống, Mark Chew đề cập đến nguồn thu. Ngoài tiền giải thưởng và tiền tài trợ, esports thiếu đi hai nguồn thu quan trọng khác mà một câu lạc bộ bóng đá chẳng hạn, đang có. Đó là tiền thu dịch vụ từ sân đấu và tiền bản quyền. “Tổ chức esports không có sân đấu (venue) riêng, không thể thu được tiền từ vé hay dịch vụ tại sân,” Mark Chew lý giải. Theo ông, việc không có sân đấu cũng khiến bản quyền quảng cáo trong esports bị hụt một khoản lớn, vì ở thể thao truyền thống, đội chơi ở sân nhà được giữ nguồn thu từ quảng cáo trên sân của họ.

Với lối nói chuyện trực diện, Mark bày tỏ quan điểm với một đơn vị phát hành game vào hàng lớn nhất khu vực. Vị CEO sinh năm 1978 thẳng thừng nêu chất vấn vì sao cùng một đơn vị phát hành mà chỉ trả tiền bản quyền giải đấu cho các đội esports tại Thái Lan, còn giải ở Việt Nam thì hoàn toàn không có. “Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính bền vững của esports tại Việt Nam, và chính Mark Chew của Team Flash nói như thế đấy,” Mark bất mãn ra mặt.

Mark Chew khẳng định, Team Flash không nhận được hỗ trợ nào từ các chiến dịch marketing của nhà phát hành như nhiều lời đồn đại, ngoài tiền thắng giải. Khoản tiền này, theo Mark, là rất nhỏ, không đủ để duy trì tổ chức esports lâu dài.

Để tìm tiền cho Team Flash, đội esports lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, Mark Chew tính đến bốn phương kế. Đầu tiên, đối với thị trường thu nhập cao như Singapore, Team Flash lựa chọn bắt tay với các trường đại học phát triển kênh giáo dục về ngành game và định hướng nghề nghiệp trong ngành này.

Mark Chew chọn đội ngũ ở Việt Nam làm thí điểm, qua việc mời lại các tuyển thủ đã giải nghệ và giới thiệu họ những vai trò mới, từ huấn luyện viên tới quản lý và cả làm bình luận viên. Theo đại diện của Team Flash, thời gian thi đấu của một game thủ quá ngắn để thành sự nghiệp, nhưng việc tập trung luyện tập và thi đấu lại tạo cách biệt đủ dài, khiến họ thiếu đi các kỹ năng và kiến thức cơ bản. “Chúng tôi sẽ dạy cho game thủ, định hướng họ để có một công việc dài hơi hơn sau khi giải nghệ”.

Mark Chew – CEO Team Flash

Thứ đến, qua thành công ở Việt Nam, Team Flash tìm cách cắt bớt chi phí bằng việc đẩy mạnh xây dựng đội team ở các nước thu nhập còn thấp, như Lào và Campuchia. Hiện tại, thu nhập “cứng” của các game thủ thuộc Team Flash Việt Nam dao động từ 300 – 2.000 đô la/tháng, chưa tính các khoản thưởng và nguồn thu liên quan đến hoạt động game. “Mức thu nhập này hấp dẫn đối với một bạn trẻ ở Việt Nam, nhưng ở Singapore, dù chi đến 3.000 đô la Mỹ cũng chưa chắc có ai muốn chơi game toàn thời gian,” Chew cười nói.

Tiếp theo, Team Flash xây dựng bộ khung đội ngũ hỗ trợ hoàn thiện, đặc biệt là ở mảng bán hàng và tiếp thị. Có sáu người làm việc ở bộ phận này ở trụ sở văn phòng hỗ trợ. Đội ngũ sẽ chịu trách nhiệm bán mọi thứ có thể mang lại nguồn thu cho team, từ áo đấu, đồ lưu niệm đến lưu lượng truy cập các trang, mạng xã hội thuộc quản lý của team.

Chew tiết lộ đội ngũ Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng quan hệ đối tác với một đội bóng đá thuộc tốp đầu của V-League, trong khi Team Flash Singapore sẽ có hợp tác với một đội ở giải Ngoại hạng Anh, có đại bản doanh lại London. Theo Chew, thể thao truyền thống dần trở thành sản phẩm của quá khứ, khi một bộ phận lớn thanh thiếu niên không thuộc tên cầu thủ của đội bóng nào, nhưng lại sẵn sàng thử mọi tựa game vừa mới “hot”.

“Tôi có tham vọng Team Flash từ kết hợp quảng bá với những đội bóng này tiến đến kinh doanh chung, đưa người hâm mộ thể thao điện tử xích gần lại với thể thao truyền thống, thậm chí sở hữu một đội ở V-League, tại sao không?”

Cuối cùng, Mark Chew cho thấy niềm tin và sẵn sàng đầu tư vào các game blockchain trên nền tảng web3 trong tương lai. Với cơ chế sở hữu tài sản ảo trong game, nguồn thu từ game web3 được kỳ vọng sẽ có phần cho đội game, cho người chơi thay vì chỉ cho nhà phát triển và đơn vị phát hành như hiện tại. Thêm vào đó game web3 cho khả năng tạo ra sân đấu ảo thuộc sở hữu của đội esports, từ đó mở ra khả năng kinh doanh các vật phẩm ảo, dịch vụ ảo và thu phí bản quyền phát sóng cho đội game.

Chiến thuật là như vậy, nhưng chiến lược của một đội thi đấu cuối cùng vẫn là đầu tư vào con người. Mark Chew cho rằng game thủ đã có thể giống như vận động viên, trở thành ngôi sao và có người hâm mộ thì cũng phải được rèn luyện để chuyên nghiệp, mẫu mực, không chấp nhận bất cứ lối hành xử độc hại nào.

Là một nhà kinh doanh thể thao, Mark Chew hiểu cái gốc của thể thao truyền thống hoặc esports vẫn là sự ủng hộ từ những người hâm mộ trung thành. Mark Chew kết luận: “Lòng hâm mộ của khán giả không chỉ mang đến hướng doanh thu hay sự bền vững phát triển của team mà còn giúp cải biến cái nhìn của gia đình và xã hội đối với game thủ, cải biến tương lai của cả ngành esports”