Min-Liang Tan muốn tăng gấp sáu lần số lượng cửa hàng của Razer và cân nhắc khả năng niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.
Razer, công ty chuyên về phát triển các thiết bị chơi game từ Singapore, đang có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ của thương hiệu này trong nhiều năm tới. Đặc biệt, kế hoạch này tập trung vào thị trường Mỹ, nơi Razer sở hữu 11 cửa hàng tại những thành phố như New York, San Francisco, Miami, Seattle và San Diego.
Chia sẻ tại hội nghị Forbes Global CEO 2023 diễn ra tại Singapore hồi đầu tháng 9.2023, Min-Liang Tan cho biết: “Razer muốn đạt cột mốc 100 cửa hàng trong tương lai gần và chúng tôi đang tập trung vào mục tiêu này.” Ông cũng chia sẻ kế hoạch mở rộng quy mô sẽ kéo dài trong nhiều năm, giai đoạn đầu tập trung vào khu vực Bắc Mỹ.
“Chúng tôi muốn tập trung vào làm mới mô hình kinh doanh của các cửa hàng tại Mỹ để đáp ứng tiêu chí mà công ty đề ra, cũng như kỳ vọng từ khách hàng. Một khi hoàn thành, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng số lượng cửa hàng tại những nơi khác trên thế giới,” ông cho biết.
Bên cạnh Mỹ, Min-Liang Tan cho biết châu Âu và Trung Quốc cũng sẽ là những thị trường trọng điểm cho quá trình mở rộng của Razer. Hiện tại, Razer có 16 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới, bao gồm Mỹ, Đài Bắc, Singapore và Hong Kong.
Là một người có niềm đam mê lớn dành cho game, Min-Liang Tan định hình cửa hàng của Razer như nơi mang đến trải nghiệm học hỏi, giao lưu giữa các game thủ. “Khi còn nhỏ, tôi nhớ lại mình hay tới những phòng game sử dụng mạng máy tính nội bộ (LAN) để gặp bạn bè, kể cả khi tôi không phải lúc nào cũng có tiền để mua game hoặc thiết bị mới. Không chỉ chơi game, đó còn là nơi gặp mặt và nảy ra các ý tưởng mới lạ với những người bạn. Do vậy, chúng tôi cũng muốn xây dựng cửa hàng Razer theo hướng như vậy, trở thành điểm đến để các game thủ tương tác và chia sẻ niềm yêu thích của mình,” Min-Liang Tan cho biết.
Vào tháng 5.2023, Razer đã hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hong Kong, theo thỏa thuận tư nhân hóa định giá công ty ở mức 3,2 tỉ USD. Tuy vậy, Min-Liang Tan vẫn bỏ ngỏ khả năng trở lại sàn chứng khoán và cho biết công ty có thể niêm yết tại Mỹ. CEO của Razer từ chối cung cấp thêm thông tin về khả năng niêm yết cổ phiếu.
Min-Liang Tan hiện sở hữu khối tài sản ròng 1,3 tỉ USD từ gần 39% cổ phần trong Razer. Trong khi đó, nhà đầu tư ban đầu Lim Kaling và CVC Capital Partners, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất châu Âu có trụ sở tại Luxembourg, lần lượt nắm 29% và 32% cổ phần.
Min-Liang Tan đồng sáng lập Razer vào năm 2005 với cố doanh nhân Robert Krakoff, người từng giữ vai trò chủ tịch danh dự trong công ty, đặt trụ sở tại Mỹ và Singapore. Nhìn nhận về quá trình phát triển của lĩnh vực game trong nhiều năm qua, Min-Liang Tan cho biết: “Khi tôi mới thành lập Razer, ngành game khi đó chỉ là một thị trường ngách. Giờ đây, lĩnh vực này đã trở thành ngành công nghiệp mang lại doanh thu hàng tỉ đô la Mỹ.”
Trước thời điểm tư nhân hóa, Razer báo cáo lợi nhuận thuần trong năm 2021 đạt 46 triệu USD, tăng gấp tám lần so với năm 2021 và doanh thu là 1,6 tỉ USD. Trong khi thị trường Mỹ đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu, công ty cũng có sức ảnh hưởng tương đối lớn tại Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương. Razer đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á, cũng như tiến vào những thị trường mới như Mỹ Latinh và Trung Đông.
Min-Liang Tan cho biết Razer cũng hợp tác với những thương hiệu cao cấp về phong cách sống phát triển thêm sản phẩm để mở rộng tệp khách hàng. Razer đã bắt tay với hai cái tên từ Ý gồm hãng xe hạng sang Lamborghini và thương hiệu đồng hồ Panerai, cũng như nhà sản xuất vali và túi xách cao cấp TUMI (New Jersey) ra mắt các sản phẩm mới.
Vào ngày 22.9, Razer đã ra mắt những sản phẩm mới tại RazerCon, sự kiện phát trực tuyến về thiết bị chơi game thường niên của công ty này. Trong lần hợp tác với nhà mốt Dolce & Gabbana, Razer đã trình làng hai mẫu ghế và tay nghe chơi hướng tới game thủ (hiện chỉ có một sản phẩm ghế chơi game là Dolce & Gabbana – Razer Enki Pro đang có mặt trên thị trường).
Min-Liang Tan đưa ra có nhiều thương hiệu hoạt động ngoài lĩnh vực game đang tìm cách tiếp cận cộng đồng những người chơi game.
“Tôi đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận về game thủ. Game thủ được xem là hình ảnh gắn liền với giới trẻ, và Razer đã trở thành cầu nối quan trọng giúp các thương hiệu tiếp cận nhóm nhân khẩu học này,” Min-Liang Tan cho biết.
Min-Liang Tan thừa nhận rằng việc hợp tác với các thương hiệu ngoài lĩnh vực game có thể giúp Razer tiếp cận nhiều khách hàng hơn nữa. “Các thỏa thuận hợp tác này mang lại lợi ích cho cả doanh thu và lợi nhuận. Tôi tin rằng đây là cách tốt để Razer học hỏi và phát triển. Công ty nhìn thấy kết quả tích cực từ những lần hợp tác này,” ông cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/min-liang-tan-dat-muc-tieu-tham-vong-cho-thuong-hieu-razer)
1 năm trước
Gogoro dốc toàn lực tiến ra thị trường quốc tế1 năm trước
CEO Team Flash kể chuyện đường dài với esports2 năm trước
Appota nắm bắt thời cơ