Thị Trường

Công ty Đan Mạch quan tâm đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam

1 năm trước
Tác giả Bảo Trung

Sản lượng lương thực của Đan Mạch nhiều hơn gấp ba lần lượng dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải thấp nhất châu Âu

Share
this:

Đoàn doanh nghiệp Đan Mạch với 13 công ty hàng đầu trong các lĩnh vực Giải pháp Chăn nuôi & Sản xuất Thực phẩm, Công nghệ Chế biến Thực phẩm, Nguyên liệu và Giải pháp Điều tiết Nhiệt độ đã bày tỏ sự quan tâm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cao với các công ty Việt Nam. Từ ngày 16 – 19/8, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, là một phần trong nỗ lực của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hợp tác, tìm kiếm cơ hội kết nối thương mại và đầu tư. Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19 sự kiện kết nối lần đầu tiên được tổ chức.

Mục đích chính của đoàn là chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các giải pháp hàng đầu thế giới đã được kiểm chứng của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông Troels Jakobsen, Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch cho biết: “Trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn.”

Hiện sản lượng lương thực của Đan Mạch nhiều hơn gấp ba lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Trong khi đó Việt Nam tại COP26, đại diện chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính net zero vào năm 2050. Theo nghiên cứu của VNEEC, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực gây phát thải CO2 tại Việt Nam sau năng lượng và sản xuất công nghiệp.

Theo thống kê của Hội đồng Nông nghiệp & Lương thực Đan Mạch, sản lượng nông nghiệp năm 2020 của Đan Mạch đạt 9,6 triệu tấn ngũ cốc, 5,7 triệu tấn sữa, 132.300 tấn thịt bò, 1,96 triệu tấn thịt lợn, 166.900 tấn thịt gia cầm. Trong đó, lượng thuốc trừ sâu sử dụng đã giảm 53% so với năm 2010. Số lượng heo con/nái/năm trung bình hàng năm đã tăng 52% từ năm 1995. Trung bình, một heo nái Đan Mạch sinh ra 33 heo con mỗi năm. Từ năm 1995, sản lượng sữa bò cũng đã tăng 46% với trung bình một con bò sữa sản xuất ra 10.132 kg sữa/năm vào năm 2020.

Đan Mạch cũng là nước đầu tiên được EU cấp chứng nhận đặc biệt đảm bảo về khuẩn salmonella trong thịt gà không nhiễm khuẩn. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn của gà cũng rất thấp, chỉ vào khoảng 1,4 – 1,5 kg thức ăn cho mỗi kg thịt.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ: “Chương trình hợp tác Việt Nam Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác Đan Mạch và và áp dụng chúng trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu một nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao.”