Xu hướng

Công nghệ giáo dục thời đại dịch: Cuộc chạy đua trong hành tinh số

Trong dịch bệnh, ngành giáo dục đang thực hiện cuộc di cư chưa từng có lên “hành tinh số”. Dự báo các quỹ đầu tư sẽ liên tục giải ngân vào các công ty công nghệ giáo dục những năm tới tại Việt Nam và thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện ứng dụng công nghệ giáo dục (edtech).

Share
this:

Lễ khai giảng năm học 2021–2022 diễn ra vào đầu tháng 9.2021 với nhiều hình ảnh chưa từng có. Lãnh đạo nhà trường đọc diễn văn khai mạc trước sân trường không bóng người, học sinh ăn mặc quần áo chỉnh tề, làm lễ chào cờ trước màn hình TV ở nhà. Ở năm COVID-19 thứ hai, việc học tập và giảng dạy trực tuyến đang trở thành việc “phải làm” và “phải làm tốt” với cả người dạy và người học. Chuyển đổi số đang tham gia mạnh mẽ vào giáo dục như thế nào và các công ty công nghệ đang thay đổi giáo dục tại Việt Nam ra sao?

Theo báo cáo Vietnam Tech Investment Report 2019-H1/2020 của Do Ventures, công nghệ giáo dục (edtech) đang là lĩnh vực được đầu tư nhiều thứ ba tại Việt Nam, sau công nghệ tài chính và thương mại điện tử. Trong số đó, hai con số đáng chú là 50 triệu đô la Mỹ vào Topica (mô hình bài giảng ghi hình trước dành cho sinh viên, người lớn, 2018) và 100 triệu đô la Mỹ của quỹ KKR Global Impact vào tập đoàn giáo dục EQuest (2019.)

EQuest vận hành hệ sinh thái giáo dục gồm hệ thống trường phổ thông song ngữ từ lớp 1 tới lớp 12 (K-12), hệ thống trường đại học và cao đẳng dạy nghề, trung tâm đào tạo tiếng Anh, và các giải pháp edtech. EQuest, phát triển từ nền tảng tư vấn du học và luyện thi chứng chỉ quốc tế từ năm 2003, thông qua các thương vụ mua lại, đến nay sở hữu nhiều trường ở nhiều khối học, và tự phát triển các loại công nghệ hỗ trợ việc học tập trong hệ thống, cùng với đó kinh doanh thông qua việc cho thuê phần mềm đăng ký dài hạn. Hiện EQuest có hơn 110 ngàn học sinh, sinh viên theo học mỗi năm, và là một trong những tập đoàn giáo dục tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Năm 2020, lĩnh vực edtech tại Việt Nam nhận được khoảng 8 triệu đô la Mỹ đầu tư, theo Do Ventures, có sự chậm lại về tốc độ đầu tư do dịch bệnh. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư bắt đầu cải thiện vào năm 2021 và dữ kiện sẽ tăng nhanh thời gian tới.

Thị trường và nhu cầu học trên nền tảng số trong khối giáo dục công rất lớn. Theo ông Lê Trường Tùng, chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT, phó chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tính đến năm 2019 ở khối đại học, tỉ trọng khối công lập chiếm 93% về số lượng trường và 94% số lượng sinh viên. Ở cấp phổ thông, con số còn cao hơn nhiều. Việt Nam có khoảng 16 triệu học sinh cấp tiểu học và phổ thông. Số lượng sinh viên vào đại học hằng năm là 1,5 triệu người.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập và giám đốc điều hành EQuest cho biết họ tập trung khai thác quá trình chuyển đổi số trong khối trường công lập. EQuest đã đầu tư một triệu đô la Mỹ để phát triển nền tảng trường học trực tuyến MegaSchool thông qua việc số hóa toàn bộ nội dung chương trình học tập từ lớp 1 đến lớp 12. Ông kỳ vọng đưa sản phẩm này tiếp cận rộng hơn khối K-12 theo mô hình đăng ký dài hạn từ các trường.

Tại Việt Nam, những nền tảng học tập trực tuyến quy mô lớn thế hệ đầu tiên từ năm 2006-2007 có thể kể đến hocmai.vn, violet.vn. Số hóa nội dung là bước đầu tiên và cơ bản nhất trong quá trình áp dụng công nghệ trong giáo dục. Theo ông Trịnh Minh Giang, chủ tịch tập đoàn tư vấn quản lý đầu tư VMCG, người có nhiều năm kinh nghiệm đồng sáng lập và điều hành hệ thống trường phổ thông liên cấp, phát triển các ứng dụng giáo dục mới, dịch bệnh đã giúp các công ty công nghệ giáo dục tiết kiệm thời gian để giúp thị trường làm quen và tiếp cận sản phẩm mới từ 4-5 năm.

Để hình dung về độ phủ của các ứng dụng công nghệ, thử điểm tên số lượng các ứng dụng edtech đang có mặt trong khối phổ thông cấp 1, mô hình song ngữ hoặc quốc tế: Seesaw Class – ứng dụng dùng để quản lý lớp học, thầy cô giao bài tập và gửi các nội dung cần trao đổi với phụ huynh. Một số trường dùng ClassDojo thay thế. Buổi giảng bài sẽ dùng Google Classroom, Zoom, Microsoft Team, Zalo là những phần mềm hội họp và học tập, hội thảo trực tuyến; Kid A-Z, MyOn, Farfaria là ứng dụng đọc về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, địa lý thế giới. Epic! là ứng dụng bài tập đọc về văn học, con người, đạo đức, truyện ngắn, truyện tranh; Quizlet, Prodigy là ứng dụng cho môn toán. Zearn giúp làm bài tập về toán. Quizziz và IXL Learning là nền tảng học tập các môn cho khối mầm non tới lớp 12; Khan Academy Kid là trang web học sinh học, hóa học, vật lý. Minecraft Education là phần mềm của Minecraft để học thông qua game. AtlasNext dùng để quản lý học bạ, giáo án.

Những trường có điều kiện ở khối công lập đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm hệ thống quản lý học tập (LMS), dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS), dạy học thông qua hệ thống dạy học trực tuyến. Các trường cũng ứng dụng sản phẩm của các công ty phát triển edtech trong nước bằng tiếng Việt. Các nền tảng tiếp cận kiến thức của người học đang trở nên rất đa dạng và phong phú.

“Dịch COVID-19 thực sự mang lại nhiều vấn đề bất cập cho xã hội, nhưng kỳ thực đây là cơ hội rất lớn (nếu không nói duy nhất) để chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam.”

—Nguyễn Quang Trung, CEO MegaSchool & CTO của EQuest.

Thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu đồng bộ trong quá trình chuyển đổi từ việc giảng dạy trực tiếp lên trực tuyến. Trong các yếu tố giáo dục gồm môi trường học tập – chương trình học – phương pháp dạy và học, môi trường học tập đang được xem là thay đổi mạnh mẽ nhất, khi các trường học đang di chuyển lên các nền tảng trực tuyến, nhưng chương trình học và phương pháp dạy và học đều chưa thích ứng kịp, không phù hợp với môi trường và cách tiếp cận kiến thức mới. Các trường đang sử dụng nhiều nền tảng, nhiều ứng dụng khác nhau, khiến việc quản lý lớp học, chương trình giảng dạy, đánh giá hiệu quả dạy và học trở nên khó khăn và tốn nhiều công sức.
“Mọi thứ mới được hiểu sơ khai rằng giảng dạy kỹ thuật số là đưa các bài mẫu nguyên văn lên PowerPoint, và dạy qua các phần mềm hội họp trực tuyến,” ông Toàn nhận định về một trong những “nút thắt cổ chai” của việc học tập trực tuyến hiện nay.

Đồng bộ hóa nội dung số theo chương trình của bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ giúp giải phóng sức lao động của người dạy, trong khi giúp người học có thể chủ động tiếp cận được kiến thức. MegaSchool của EQuest đang hỗ trợ cho hơn 10 ngàn học sinh phổ thông. Theo ông Nguyễn Quang Trung, CEO MegaSchool, MegaSchool có thể đáp ứng được nhu cầu về hệ thống LMS ở quy mô quốc gia, hỗ trợ hàng triệu học sinh tham gia học theo mô hình hỗn hợp (blended) và quản lý tập trung trên một nền tảng.

Tổ chức này cũng sở hữu một mô hình trong edtech là ngân hàng đề thi, thông qua nền tảng 789.vn, có thể khảo thí độc lập và có hơn 500 ngàn câu hỏi. EQuest cũng vận hành iSMART Education, ứng dụng công nghệ trong việc giảng dạy tiếng Anh qua môn toán và khoa học, theo đề án tiếng Anh tăng cường từ bộ Giáo dục – Đào tạo, đang được dùng tại hơn 400 trường phổ thông tại Việt Nam sau tám năm phát triển. Bên cạnh đó, EQuest cũng phát triển nền tảng ECO Study, quản lý học tập theo mô hình quản trị tập trung giúp các trường phổ thông quản lý thông tin học sinh và các nghiệp vụ của trường. Nền tảng này sẽ được đưa ra thị trường theo dạng “phần mềm như dịch vụ (Saas)”.

Thị trường rộng mở, còn sơ khai, là cơ hội lớn cho các công ty khởi nghiệp edtech tại Việt Nam. Ông Trịnh Minh Giang ước tính tỉ lệ chi tiêu cho các sản phẩm edtech tại Việt Nam đang chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số chi tiêu cho giáo dục. Trong khi đó, Ken Research dự báo quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023 với tỉ lệ tăng trưởng kép CAGR là 20,2%.
Các quỹ đầu tư đang tìm kiếm và liên tục đầu tư vào các công ty khởi nghiệp edtech gần đây sau một thời gian chậm lại vào năm 2020.

Gần nhất, cuối tháng 8.2021, Do Ventures công bố hỗ trợ vòng gọi vốn đầu tiên (không tiết lộ số tiền) của Vuihoc, nền tảng phát triển mô hình giáo dục ghi hình trước, ra mắt từ cuối năm 2020. Nền tảng cung cấp hơn 150 khóa học với gần 9.000 bài giảng video cùng kho bài tập 240 ngàn câu hỏi. Do Ventures trước đó cũng đầu tư vào Manabie, mô hình học hỗn hợp (blended learning) gồm ứng dụng di động ra mắt đầu năm 2020 cho học sinh cấp 3 và với năm cơ sở học tập để học sinh có thể đến gặp người hướng dẫn. Manabie đến nay đã gọi được số vốn tổng cộng 4,8 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó, Marathon, startup hoạt động trong lĩnh vực dạy thêm trực tuyến của Việt Nam vừa thành lập đầu năm 2021 đã gọi được 1,5 triệu USD để bắt đầu hoạt động.

Công nghệ giáo dục ở Việt Nam đang chủ yếu tập trung vào khai thác mảng nội dung (content, ghi hình trước dưới định dạng video hoặc ngân hàng đề thi). Các loại hình khác chưa được khai thác, gồm live class (lớp học trực tuyến của giáo viên); O2O (trực tuyến kết hợp trực tiếp) và B2B (giải pháp quản lý quy trình cho cơ sở giáo dục.)

Ông Trần Trí Dũng, quản lý chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ trong tọa đàm về đầu tư edtech tại Việt Nam ngày 28.8 do InVestUP, VMI và EdxTech tổ chức cho rằng thách thức hiện nay là các công ty cần tìm đúng lĩnh vực để có thể phát triển. Theo ông Dũng, live class và B2B được xem là có thể đem lại dòng tiền tốt để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Thực tế, thu nhập hộ gia đình đang giảm mạnh, việc thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế không sáng sủa là thách thức lớn cho các công ty cung cấp dịch vụ ngoại khóa. Bên cạnh đó, đối thủ cạnh tranh với các công ty công nghệ giờ đây lại chính là các trường học, vì các trường học cũng đang phải phát triển ứng dụng học tập, và tìm cách thu hút người học ở cùng một thời điểm học tập trong ngày là trong giờ học chính khóa.

Loài người đang di dân lên hành tinh mới để học tập vì COVID-19, một nơi đến còn nhiều ẩn số, và cần phải trải nghiệm để điều chỉnh. Tương lai học tập sẽ thế nào? Ông Nguyễn Quốc Toàn tin rằng tương lai sẽ chứng kiến người học đến trường một nửa thời gian để tương tác với môi trường thực, còn học kiến thức sẽ được tiếp thu từ nền tảng học tập online. “Học online để có hiệu quả và chống ô nhiễm môi trường. Với sự hỗ trợ của công nghệ, vai trò của giáo viên sẽ dịch chuyển sang gợi cảm hứng, hỗ trợ học tập cá nhân hóa và xây dựng mối quan hệ ý nghĩa với người học,” ông nói.

Chuyển đổi số là làm mọi việc đơn giản hơn và chi phí thấp xuống. Theo Ambient Insight năm 2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 thị trường edtech có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới với tỉ lệ hơn 44%. Thị trường sau giai đoạn sẵn sàng chi tiền nhiều hơn, đã có thói quen học trực tuyến. Sau một thời gian chậm lại vì dịch bệnh, dự kiến các khoản đầu tư vào edtech sẽ liên tiếp được công bố trong thời gian tới.

EDTECH TẠI VIỆT NAM
Một số công ty tập trung vào lĩnh vực công nghệ giáo dục nhận vốn đầu tư thuộc dạng cao tại Việt Nam.

+ TOPICA EDTECH GROUP
Nhận đầu tư 50 triệu đô la Mỹ từ NorthStar năm 2018.
+ ELSA
Dạy ngoại ngữ, nhận 15 triệu USD từ VIG và Gradient Ventures năm 2021, hoạt động trên thị trường toàn cầu.
+ EVEREST EDUCATION
Mô hình lai, O2O, nhận đầu tư 4 triệu USD năm 2019 từ Hendale Capital.
+ EDUPIA
Nhận đầu tư 3 triệu USD từ Redefine Capital, mô hình lớp học ghi hình trước.
+ MANABIE
Mô hình O2O, nhận 3 triệu đô la Mỹ năm 2021.
+ CODER SCHOOL
O2O, nhận đầu tư 2,6 triệu đô la Mỹ năm 2021.
+ MARATHON EDUCATION
Mô hình live class, nhận 1,5 triệu đô la Mỹ từ TPG năm 2021.


(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam tháng 10.2021)