Xu hướng

Xu hướng: Thịt nhân tạo phát triển trong năm 2022

Thịt nhân tạo không còn là một ý tưởng viễn vông. Có ít nhất 60 công ty trên thế giới đang nghiên cứu và sẵn sàng đưa sản phẩm thịt nhân tạo ra thị trường.

Share
this:

Với nhiều người, dự án giảm thiểu thiệt hại về môi trường, sức khỏe cộng đồng và quyền lợi động vật do chăn nuôi công nghiệp gây ra có một vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, nhưng viễn cảnh con người không ăn thịt nữa sẽ không bao giờ xảy ra. Vì vậy, thịt nhân tạo (hoặc “nuôi cấy”, “sạch”, “từ tế bào”, “phát triển trong phòng thí nghiệm”…) đang là xu hướng phát triển đầy triển vọng trong thời gian gần đây.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, ý tưởng cao siêu về thịt nhân tạo đã được phát triển thành mặt hàng tiêu dùng thực sự. Khái niệm phát triển thịt không từ động vật đã trở thành niềm đam mê khoa học viễn tưởng kể từ khi Winston Churchill đưa ra khái niệm này gần một trăm năm trước. Nhưng phát triển sản phẩm thịt nhân tạo thực sự và đưa vào sử dụng trên thị trường đã bắt đầu tăng tốc trong thời gian gần đây.

Năm 2020, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận bán thịt nhân tạo đến người tiêu dùng, và ngay sau đó công ty Eat Just của Mỹ ra mắt món gà nhân tạo tại câu lạc bộ tư nhân 1880. Cuối năm 2021, startup UPSIDE Foods ở Berkeley (trước đây là Memphis Meats) đã mở cơ sở sản xuất quy mô lớn đầu tiên ở California để sản xuất 22.679 kg thịt nhân tạo để bán thương mại hàng năm.

Có ít nhất 60 công ty trên toàn thế giới hiện tạo nên ngành công nghiệp thịt nhân tạo non trẻ và với gần một tỉ đô la đầu tư chỉ riêng trong năm 2021, các sản phẩm của những công ty này đang được mong đợi thiết tha. Vẫn còn rất nhiều thách thức về công nghệ trong sản xuất thịt nhân tạo, đặc biệt ở quy mô lớn – nhưng những thách thức này đang được giải quyết nhờ vào một vài sáng kiến.

Thịt gà nhân tạo. EAT JUST, INC./FORBES

Với tất cả tiền bạc và chất xám đang đầu tư vào phát triển thịt nhân tạo, chúng ta có thể sẽ thấy một số bước tiến lớn trong lĩnh vực này vào năm tới hoặc nhiều năm nữa. Dưới đây là một vài xu hướng hiện đang diễn ra.

Tăng tốc và ươm mầm

Thịt nhân tạo là một ngành đầy triển vọng và đang thu hút nhiều công ty trong ngành công nghiệp thực phẩm lẫn các ngành khác đầu tư vào các công ty trên để cố gắng sản xuất. Trên toàn cầu, có một số chương trình hỗ trợ tăng tốc và ươm mầm nhằm giúp các công ty trẻ triển vọng phát triển sản phẩm và đưa ra thị trường.

Nhiều chương trình trong số này đặc biệt được thực hiện để nâng cao các thương hiệu đang tìm kiếm những giải pháp sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, chẳng hạn như các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật và nuôi cấy từ tế bào cũng như các sản phẩm protein khác.

Các tổ chức và tập đoàn đứng sau các chương trình khởi nghiệp này đang đầu tư vào sáng kiến phát triển hành tinh bền vững cũng như phát triển kinh doanh thông qua hỗ trợ các đổi mới trong công nghệ thực phẩm.

Các thương hiệu nhỏ đang dẫn đầu

Một trong những chương trình đó là mạng lưới tăng tốc R+D của Nestle, hoạt động ở một vài quốc gia với một số thương hiệu thân thiện môi trường. Nhưng không chỉ công ty thực phẩm khổng lồ Thụy Sĩ đang hy vọng học hỏi từ những công ty non trẻ tạo ra những đổi mới táo bạo. Quá trình lên men vi sinh vật, giống như nuôi cấy tế bào, là quá trình được sử dụng trong công nghệ thực phẩm để tái tạo các protein động vật trong phòng thí nghiệm. 

Công ty công nghệ thực phẩm Perfect Day đang dẫn đầu trong sản xuất ra các protein trong sữa không có nguồn gốc từ bò trong phòng thí nghiệm. Các protien này hiện được sử dụng nhiều nhất như công thức bí truyền trong các loại kem của Brave Robot. Nhưng Perfect Day cũng đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn thực phẩm lớn hơn nhiều – cụ thể là General Mills, dự định vào đầu năm 2022 sẽ ra mắt dòng sản phẩm sữa Bold Cultr không phải lấy từ bò. Sản phẩm sữa này sẽ sử dụng protein của Perfect Day. Và sau đó là công ty The EVERY, đã ra mắt protein lên men trong các sản phẩm như bột protein từ lòng trắng trứng được bán tại Pressed Juicery. Tương lai của protein động vật nhân tạo không chỉ đang đến gần mà đang diễn ra.

Thực sự không từ động vật

Vẫn có một trở ngại liên quan đến đạo đức trong sản xuất thịt nhân tạo cần giải quyết. Huyết thanh thai bò, được lấy từ bào thai của bò cái trong quá trình giết mổ, trước đây là thành phần quan trọng trong nuôi cấy tế bào protein động vật trong phòng thí nghiệm. Sử dụng huyết thanh này rõ ràng không chỉ thể hiện sự tàn ác của con người gây ra cho động vật, mà còn rất tốn kém cũng như làm cho sản phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn giống như thịt truyền thống. May mắn thay, một vài công ty trong lĩnh vực thịt nhân tạo đã phát triển các phương pháp không sử dụng huyết thanh hoặc bất kỳ nguồn nguyên liệu đầu vào nào liên quan đến động vật khác. Đây là những phương pháp độc quyền, vì vậy chúng tôi không biết chính xác chúng là gì – nhưng nếu một vài công ty đã tìm ra được cách giải quyết trở ngại đó thì chúng ta chắc chắn có thể kỳ vọng trong một tương lai gần sẽ có thêm nhiều cách giải quyết khác nữa.

Chia sẻ kiến thức

Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ của công ty có lẽ sẽ không kìm hãm ngành phát triển quá lâu. Dự án Shojinmeat là một tài nguyên và cộng đồng trực tuyến dành cho các nhà khoa học độc lập để so sánh các ghi chú, chia sẻ kết quả và cuối cùng hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển thịt nhân tạo với giá vừa phải. Các nhà lãnh đạo trong ngành như CEO của Shiok Meats, Sandhya Sriram, tin rằng thịt nhân tạo DIY có thể trở thành hiện thực trong vòng 10 năm, tiện lợi khi lò phản ứng sinh học trở thành một mặt hàng gia dụng bình thường. Nhưng ngay cả trong thời gian ngắn hơn, dự án Shojinmeat vẫn có mức ảnh hưởng. Đến nay, những người tham gia dự án đã nuôi cấy thành công cá và hàu, và những khám phá họ chia sẻ có thể giúp phát triển ngành công nghiệp.

Các loại thịt đặc trưng và phù hợp với văn hóa

Từ “các nhà khoa học công dân” của Shojinmeat đến các nhà đổi mới của công ty được đầu tư bởi các tổ chức tăng tốc trên khắp thế giới, có những ứng dụng thịt nhân tạo đặc biệt và đầy bất ngờ. Trong khi nhiều nhóm nhà khoa học tập trung chủ yếu vào các sản phẩm chính như thịt bò và thịt gà, một số nhóm khác đang nghiên cứu nuôi cấy các loại thịt truyền thống đắt tiền, gây hại cho môi trường trong chăn nuôi hoặc sản xuất tàn nhẫn một cách bất thường.

Shojinmeat có dự án tập trung tạo ra gan ngỗng trong phòng thí nghiệm và công ty Avant Meats đang phát triển bóng cá, món ngon của Trung Quốc thường được lấy từ các loài cá đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vow Food đang phát triển thêm một bước nữa và nghiên cứu các protein động vật hiếm đã được con người từng ăn – chẳng hạn như ngựa vằn. Cơ bản họ đặt ra một câu hỏi: nếu sự tàn ác không phải là vấn đề thì những thứ nào khác trên đời chúng ta có thể ăn và thưởng thức?

Sữa – không chỉ từ bò

Tất nhiên, đưa ra các lựa chọn thay thế cho sữa bò truyền thống là trọng tâm chính của ngành công nghệ thực phẩm và các công ty như Perfect Day đã nói ở trên đang biến điều đó thành hiện thực. Nhưng không chỉ sữa bò mới được nghiên cứu và nhân rộng. Công ty TurtleTree ở Singapore đang nghiên cứu sản xuất sữa không từ bò và họ cũng đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm không được bán phổ biến tại các cửa hàng tạp hóa: Họ đang tìm cách tạo ra sữa của các loài động vật khác; ví dụ, khi những con báo tuyết bị nhốt trong chuồng, chúng tiết ra ít sữa cho con. Tương tự, công ty Biomilq ở Bắc Carolina đang phát triển sữa mẹ từ tế bào gốc với kỳ vọng sẽ có thêm một lựa chọn bên cạnh sữa công thức cho những mẹ không có đủ sữa cho con bú.

Giá vừa phải

Khi chiếc bánh mì kẹp thịt nhân tạo đầu tiên được phát triển thành công ra mắt vào năm 2013, giá của nó được ước tính là hơn một phần tư triệu đô la. Trong vòng chưa đầy 10 năm, một số công ty trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm tuyên bố đã tìm ra cách giảm tối đa chi phí để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với giá rẻ hơn. Ví dụ, công ty Future Meat Technologies của Israel đã thông báo vào đầu năm 2021 giờ đây họ có thể tạo ra món gà nhân tạo với giá chỉ 7,50 USD cho mỗi khẩu phần ăn và Eat Just bán thịt gà nhân tạo trong câu lạc bộ 1880 ở Singapore với giá khoảng 23 USD. Nhìn chung, giá của thịt nhân tạo vẫn không thể bằng giá của thịt truyền thống, nhưng những tiến bộ trong công nghệ đang cho phép các thương hiệu sản xuất sản phẩm với giá thấp hơn – điều này giúp chúng được bán phổ biến trên các kệ hàng trong cửa hàng tạp hóa.

Đối thoại với nhà quản lý

Mặc dù hầu hết các công ty này vẫn chưa sẵn sàng đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang thực hiện những buổi nói chuyện với các công ty. Cụ thể ở Mỹ, Bộ nông nghiệp đang thực hiện cuộc đối thoại với ngành công nghiệp sản xuất thịt nhân tạo để thảo luận về thuật ngữ mà họ sẽ sử dụng, các yêu cầu trong ghi nhãn và các quy tắc khác khi đưa sản phẩm ra thị trường. Chúng ta có thể nghe thấy nhiều quan điểm được tất cả các bên nêu ra (bao gồm cả ngành chăn nuôi gia súc, một đối thủ tiềm năng của ngành công nghiệp thịt nhân tạo) trong suốt các cuộc đối thoại. Và hy vọng rằng các cuộc đối thoại này sẽ giúp mọi thứ diễn ra nhanh chóng hơn khi các công ty đã sẵn sàng đưa sản phẩm ra thị trường.

Quá trình phát triển và đưa thịt nhân tạo, và thậm chí cả các sản phẩm động vật được lên men bằng vi sinh vật ra thị trường là một chặng đường không hề đơn giản vì đây là một ngành mới và chưa có sẵn công nghệ, các quy tắc đạo đức, quy định luật pháp và cách thức kinh doanh. Có vẻ như vẫn còn rất nhiều điều cần phải giải quyết trước khi cửa hàng tạp hóa địa phương bán thịt gà nhân tạo. Nhưng với tất cả tiền bạc, tâm huyết và tư tưởng cực kỳ đổi mới trong dự án, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục thấy những phát triển của ngành trong tương lai không xa. Nếu các thương hiệu có thể thực hiện những lời hứa, chúng ta có thể có một câu chuyện rất khác – và khám phá những lựa chọn rất mới – vào thời điểm này trong năm sau. Nếu tương lai đó chưa xảy ra, rất có thể sẽ đến rất sớm.

Biên dịch: Gia Nhi