Xu hướng

MeaTech xây nhà máy thí điểm sản xuất mỡ thịt nhân tạo đầu tiên ở Bỉ

Công ty phát triển thịt nhân tạo MeaTech 3D ở Israeli đang trở thành tâm điểm của sự chú ý khi sản xuất ra gà viên nhân tạo từ protein thực vật và sinh khối mỡ gà nhân tạo.

Share
this:

Nhu cầu về thịt gia tăng đang thúc đẩy tìm kiếm những sản phẩm thay thế có thể làm giảm lượng khí thải carbon trong quá trình chăn nuôi và sản xuất. Mặc dù thân thiện với môi trường hơn so với các loại thịt truyền thống, bánh mì kẹp thịt cũng như gà viên làm từ thực vật vẫn không thỏa mãn đầy đủ kỳ vọng của người tiêu dùng vì thiếu độ ngon lẫn vị béo từ thịt động vật.

Công ty MeaTech thêm sinh khối mỡ vào gà viên nhân tạo để tạo nên mùi vị ngon ngọt như thịt gà thông thường. Ảnh: MeaTech/Forbes

Kể từ năm 2019, MeaTech thêm duy nhất một thành phần vào những sản phẩm trên để đạt được độ ngon và vị béo hoàn hảo. Trong năm 2021, công ty đã mua lại công ty Peace of Meat (PoM), một công ty của Bỉ đang nghiên cứu tạo ra thành phần còn thiếu đó trong phòng thí nghiệm. Hiện giờ MeaTech sở hữu hoàn toàn PoM.

Sau khi thêm sinh khối mỡ gà nhân tạo vào protein thực vật, những miếng gà viên có mùi thơm của thịt gà thông thường. Công ty đã bắt đầu giới thiệu sản phẩm này trong buổi nếm thử món ăn tại trụ sở chính ở Rehovot, Israel, trung tâm của ngành công nghệ thực phẩm ở nước này: “Mọi người đều nói nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng: bạn thực sự không biết rõ về loại thịt nhân tạo này cho đến khi bạn dùng thử,” Arik Kaufman, đồng sáng lập và CEO của MeaTech, cho biết.

Sau nhiều đợt thử nghiệm thành công này, công ty đang xây dựng nhà máy thí điểm đầu tiên để thúc đẩy sản xuất đại trà sinh khối mỡ nhân tạo: “Sở dĩ chúng tôi xây dựng nhà máy thí điểm là vì tự tin về khả năng mở rộng và dòng tế bào,”  Kaufman cho biết.

MeaTech 3D đặt tại Rehovot, nổi tiếng trong các công ty khởi nghiệp về thịt nhân tạo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và những công ty công nghệ sinh học khác đang đặt mục tiêu thay đổi lĩnh vực thực phẩm.

Tuy nhiên, nhà máy đầu tiên sản xuất sinh khối mỡ ngon béo này sẽ được đặt tại thành phố Antwerp của Bỉ, nơi Peace of Meat cũng đặt ở đó từ năm 2019. Vào cuối năm 2021, công ty con này đã có thể sản xuất một lọ sinh khối mỡ gà 700 gram trong một chu kì sản xuất: “Tôi nghĩ chúng tôi quyết định đúng ngay từ đầu chọn một loại tế bào mà chưa ai sử dụng trong lĩnh vực nuôi cấy thịt nhân tạo,” Dirk Standaert, CEO của Peace of Meat, cho biết.

Văn phòng công ty Peace of Meat nằm trong khu vườn ươm Blue Chem ở miền nam Antwerp. Ảnh: Daniela De Lorenzo/Forbes
 
    

Lò phản ứng sinh học giúp công ty sản xuất được một khối lượng lớn như vậy: “Nhưng mục tiêu hiện tại của chúng tôi lớn hơn nhiều. Cơ sở mới sẽ được sử dụng để thực hiện những hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có đủ chỗ cho nhân viên,” ông giải thích vì đội ngũ nhân sự của công ty đã tăng lên rất nhiều chỉ trong một năm.  

Theo Standaert, với lò phản ứng sinh học 2.000 lít, công ty sẽ thử nghiệm những hoạt động nghiên cứu và phát triển cách thức mà sau đó sẽ được sử dụng cho những nhà máy sản xuất tiếp theo. Công ty khẳng định việc đầu tiên cần phải làm là hiểu được cách thức nào sản xuất sinh khối mỡ hiệu quả nhất: “ Đây vẫn là một ngành công nghiệp nghiên cứu và phát triển rất chuyên sâu. Vì vậy, tất cả chúng tôi đều muốn thực hiện đúng cách thức đó,” Kaufman cho biết thêm.

Nhà máy và hợp tác

Chỉ với nhà máy đầu tiên, MeaTech có thể sản xuất tổng cộng 20 tấn sinh khối mỡ mỗi năm để cho thêm vào những sản phẩm thịt nhân tạo. Công ty vừa mở rộng sản xuất vừa tăng cường bán sản phẩm: “Chúng tôi sẽ sản xuất ra những miếng bít tết và gà viên mang thương hiệu riêng, mà còn cung cấp sinh khối mỡ cho những công ty muốn mua chúng để cho thêm vào sản phẩm của họ,” Kaufmann cho biết.    

MeaTech lên kế hoạch thành lập 4 đến 5 nhà máy trên toàn thế giới vào năm 2025, có thể sản xuất khoảng 560 tấn sinh khối mỗi năm. Thành phần duy nhất thêm vào có thể giúp tạo ra miếng thịt ngon ngọt là giải pháp hữu ích cho các công ty muốn tăng hương vị và cảm giác ngon miệng cho sản phẩm, mà còn giúp giảm chi phí cũng như không cần thêm vào những thành phần nào khác nữa.

Công ty đang tăng cường quan hệ hợp tác với startup ENOUGH ở Hà Lan sản xuất protein có nguồn gốc từ nấm để kết hợp sinh khối gà vào trong nhóm thịt nhân tạo sản xuất từ thực vật: “Chúng tôi muốn gia nhập thị trường càng sớm càng tốt, vì vậy chúng tôi tìm kiếm hợp tác với những công ty có thể giúp chúng tôi tiếp cận thị trường nhanh nhất có thể,” Kaufman cho biết, hy vọng thông qua mối quan hệ hợp tác này, cả hai công ty cùng sẽ tạo ra một sản phẩm để xin phép cơ quan quản lý phê duyệt.

Trang trại bền vững của tương lai

Theo các nhà nghiên cứu của đại học Delf Hà Lan đánh giá vòng đời, thịt nhân tạo có thể mang lại lợi ích về môi trường so với thịt thông thường, đặc biệt là khi so sánh với sản xuất thịt bò. Tuy nhiên, cách duy nhất để thịt gà hoặc thịt lợn được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể phát thải ít carbon hơn so với quá trình chăn nuôi truyền thống là sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng sinh học.

Kaufman cho biết các nhà máy của công ty sẽ sản xuất sinh khối mỡ theo hướng bền vững: “Chúng tôi dự định áp dụng mô hình tuần hoàn vào quá trình sản xuất với nguồn năng lượng sạch.” Ông cũng cho biết thêm mục tiêu này phù hợp cho những nhà máy được xây dựng ở những nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt chẳng hạn như sa mạc hay Nam Cực.

Trong khi đó ở Rehovot và Antwerp, công ty vẫn đang tiếp tục thực hiện các cuộc thử nghiệm để hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, công ty thực hiện bảy sự kiện chính thức nếm thử sản phẩm tại cơ sở và dự định tổ chức thêm.

Công ty còn phải thực hiện thêm nhiều việc để có thể sản xuất đại trà những sản phẩm thịt nhân tạo từ nguyên liệu thực vật. Kaufman cho biết kỳ vọng của công ty không quá cao. “Vẫn còn nhiều thử thách trước mắt, nhưng công ty có thể vượt qua được.”

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

Xu hướng: Thịt nhân tạo phát triển trong năm 2022
Chuyên gia về thực phẩm bền vững quan ngại về độc quyền protein thay thế