multi-media / Megastory

Danh sách: Forbes Under 30 châu Á 2023


Trong một năm qua, thế hệ doanh nhân trẻ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đối mặt với những thách thức mới, khi bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng và vốn đầu tư mạo hiểm giảm đáng kể. Tuy nhiên, môi trường phát triển khó khăn này không làm họ mất đi tinh thần đổi mới, sáng tạo. Đánh giá cao điều đó, danh sách Forbes Under 30 châu Á năm 2023 cho thấy tính sáng tạo là tài sản đáng giá để có chỗ đứng vững chắc và nâng tầm bản thân trong bối cảnh nhiều thách thức hơn.
Từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng hiệu quả công việc trong các ngành nghề, lĩnh vực cho đến góp phần giải quyết các vấn đề về hiểu biết tài chính, thúc đẩy cải tiến thời trang theo hướng thủ công và thích ứng, những người trẻ luôn tiến lên phía trước. Những cái tên tài năng này vươn lên từ quyết tâm và mong muốn mang đến sự thay đổi tích cực. Ngoài những nhà sáng lập khởi nghiệp kiên cường, danh sách này còn nêu bật những nghệ sĩ, vận động viên và nhà khoa học có tài năng được công nhận trong và ngoài nước ở các lĩnh vực tương ứng.




MC Cheung Tin-fu
Tuổi: 26  • Ca sĩ • Hong Kong


Michael Cheung Tin-fu từng là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi âm nhạc hút khán giả của Hong Kong, trình diễn lại các bài hát của Jay Chou và Maroon 5. Hiện nổi tiếng với vai trò MC, Cheung là ngôi sao đang lên trong làng nhạc Cantopop (nhạc tiếng Quảng Đông) ở Hong Kong.

Album phòng thu (một album đầy đủ thường có hơn 10 bài hát) đầu tiên mang tên This Is MC của anh trở thành album bán chạy nhất ở Hong Kong trong tuần phát hành vào tháng 1.2023.

Trong cùng tháng đó, buổi biểu diễn của anh tại sân vận động Hong Kong Coliseum 12.500 chỗ ngồi cũng cháy vé.

Trong số các tác phẩm của anh có bản hit năm 2021 Pillow Talk, đứng đầu các bảng xếp hạng địa phương trong 12 tuần và đạt 23 triệu lượt xem trên YouTube. Sinh ra ở Hong Kong và lớn lên ở Canada, bước đột phá lớn của Cheung xuất hiện năm 2019, khi anh giành vị trí thứ hai trong cuộc thi hát trên truyền hình thực tế King Maker.

Nam ca sĩ biết ơn cha mình vì đã ủng hộ và bồi dưỡng tài năng âm nhạc của anh. Ông đã qua đời vì bệnh ung thư khi anh tiến vào vòng bán kết của mùa giải King Maker.

Năm 2020, Cheung ký hợp đồng với Warner Music Hong Kong và vào năm 2021, anh phát hành album EP đầu tay mang tên Have a Good Time.

Cheung chia sẻ, những nghệ sĩ mới như anh đang tái tạo sức sống cho Cantopop và anh tin rằng thể loại âm nhạc này có thể tạo được sức hấp dẫn toàn cầu như K-pop. Cheung mong muốn tiếp tục biểu diễn trực tiếp trong khi theo đuổi nghiệp diễn xuất. “Cho dù là người hát rong hay biểu diễn trên sân khấu, tôi đều tiếp cận âm nhạc của mình theo cùng một cách,” anh nói. “Tôi thực sự thích kết nối trực tiếp hơn.”


Akshay Rampuria & Yashovardhan Poddar
Tuổi: 28, 29 • Đồng sáng lập, Openhouse • Ấn Độ


Akshay Rampuria (trái) và Yashovardhan Poddar thành lập Openhouse vào năm 2018, để tìm giải pháp cho những hạn chế mà họ nhận thấy trong hệ thống giáo dục Ấn Độ. Chuỗi trung tâm dạy kèm sau giờ học này hỗ trợ các môn như toán và khoa học, cũng như các hoạt động ngoại khóa, bao gồm chế tạo robot và nhảy hip-hop.

Hai sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford đã khai trương trung tâm đầu tiên trong số tám trung tâm của họ, với các phòng học hiện đại, sáng sủa, ở Kolkata trước khi mở rộng sang Bangalore. Công ty tuyên bố có 10 ngàn học sinh, chủ yếu từ 3-10 tuổi và tính phí đăng ký hằng tháng từ 35-50 đô la Mỹ, tùy từng loại lớp học.

Rampuria và Poddar lớn lên ở Ấn Độ nhưng sau khi du học ở nước ngoài, họ đã nhận thấy cơ hội tiếp cận giáo dục toàn diện hơn thay vì chỉ chú tâm kiểu học vẹt. Chiến lược của họ thiên về giảng dạy trực tiếp, dù phụ huynh có thể theo dõi sự tiến bộ của con mình thông qua ứng dụng Openhouse. Poddar nói: “Chúng tôi tin rằng việc dạy và học trực tiếp mang lại kết quả tốt nhất.”

COVID-19 khiến Openhouse phải chuyển sang dạy trực tuyến, nhưng trung tâm đã chuyển đổi trở lại hình thức dạy trực tiếp khi đại dịch qua đi. Openhouse huy động được 11 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn Series A vào tháng 12.2022, nâng tổng vốn gọi được lên 17 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư bao gồm các công ty đầu tư mạo hiểm Accel, Matrix Partners và GSV Ventures.

Openhouse đang tìm cách bổ sung thêm nhiều trung tâm ở Ấn Độ và nước ngoài, có thể mở rộng trên cơ sở đồng sở hữu. Rajat Agarwal, giám đốc điều hành của Matrix Partners, cho biết công ty “có nguồn tài chính tốt và hòa vốn ở một số địa điểm.”


Seo Kyoung Lee
Tuổi: 28 • Chuyên gia thẩm định, TPG • Hàn Quốc


Nhân tài đang tỏa sáng tại văn phòng Seoul của tập đoàn đầu tư tài chính toàn cầu TPG, luôn bận rộn với các giao dịch – nhưng 2021 là năm đặc biệt đáng chú ý. Trong năm đó, Lee đã giúp Kakao Mobility huy động được hơn 500 triệu đô la Mỹ, hợp tác với các công ty và nhà đầu tư như Google, LG và Carlyle.

TPG rất coi trọng Kakao Mobility, không chỉ vì đây là công ty gọi xe hàng đầu của Hàn Quốc mà còn vì TPG là cổ đông lớn thứ hai của doanh nghiệp này sau công ty mẹ Kakao Corp. Số tiền huy động được đã giúp Kakao Mobility duy trì vị trí dẫn đầu trong thị trường gọi xe.

Lee trở thành thành viên hội đồng quản trị của Kakao Mobility vào tháng 11.2022, là nữ thành viên hội đồng quản trị trẻ nhất của một công ty công nghệ lớn ở châu Á. “Đó là quyết định táo bạo,” Lee nói trong cuộc phỏng vấn qua video.

Theo báo cáo của Deloitte năm ngoái, Hàn Quốc có tỉ lệ phụ nữ tham gia hội đồng quản trị thấp nhất châu Á – chỉ 4% số ghế trong hội đồng quản trị ở nước này là do phụ nữ đảm nhiệm. Tỉ lệ trung bình của khu vực là 12%, trong khi tỉ lệ ở Nhật Bản dao động quanh mức 8% (thấp thứ hai ở châu Á).

“Tôi hi vọng việc mình là thành viên hội đồng quản trị sẽ cho những phụ nữ trẻ thấy rằng đó là điều khả thi, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ,” Lee nói thêm. “Tôi là người trẻ nhất, nhưng tôi chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng.” Tốt nghiệp đại học Quốc gia Seoul, Lee làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư tại JPMorgan Chase trước khi gia nhập TPG vào tháng 1.2019.


Simran Kaur & Sonya Gupthan
Tuổi: 26, 26 • Đồng sáng lập, Girls That Invest • New Zealand


Simran Kaur (ảnh) và Sonya Gupthan gọi hành trình phát triển của họ là một “quá trình mày mò,” vượt qua những lo ngại rằng họ không có nền tảng, học vấn hay kinh nghiệm phù hợp để đầu tư. Hai cư dân Auckland, làm bạn với nhau từ khi mới 5 tuổi, đã thực hiện chương trình podcast Girls That Invest dựa trên các cuộc trò chuyện ở trường đại học về đầu tư vào cổ phiếu, quỹ và tài sản.

Theo thông tin từ Spotify, podcast này thuộc top 1% chương trình được chia sẻ nhiều nhất của Spotify toàn cầu vào cuối năm 2022, hai năm rưỡi sau khi tập đầu tiên ra mắt. Kaur cho rằng podcast thành công nhờ cái duyên của người dẫn chương trình.

Kaur nói: “Chúng tôi là hai phụ nữ trẻ Nam Á nói về những điều không giống cách nói của một người trong lĩnh vực tài chính. Chúng tôi nói về túi Birkin, chúng tôi nói về Love Island,” Kaur nói. “Điều đó khiến người nghe có cảm giác rằng, ‘Nếu họ có thể làm được, thì tôi cũng có thể làm được.’”

Kaur xem chương trình podcast này – được quảng bá là “không có chuyên gia tài chính, không có từ chuyên ngành đặc biệt và không có giọng điệu trịch thượng” – như cánh cổng mở vào thế giới đầu tư. Cô và Gupthan đã bổ sung một khóa học đầu tư kéo dài sáu tuần, ba lần một năm, nhằm tạo ra một lộ trình tự do tài chính.

Kaur đã viết một cuốn sách (cũng mang tên Girls That Invest), xuất bản vào tháng 8.2022, hiện xếp thứ 13 trong số những cuốn sách bán chạy nhất của Amazon về đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Gupthan cho biết rào cản đầu tư của chính cô là tâm lý sợ mắc sai lầm và chính sự trung thực khi nói về những khó khăn của họ đã giúp họ tiếp cận được những khán giả trung thành của mình.

“Khi giải thích mọi thứ, chúng tôi nghĩ ‘Làm thế nào để chương trình có thể vui vẻ? Làm thế nào để giữ cho ngôn ngữ phù hợp với nhóm khán giả ngang hàng?’ Và những nỗ lực đó đã thực sự mang lại hiệu quả,” cô nói.


Bo Zhiyuan
Tuổi: 29 • Sáng lập, Qingflow • Trung Quốc


Hơn ba năm bị phong tỏa do đại dịch COVID-19, Bo Zhiyuan nhận thấy nhu cầu sử dụng nền tảng làm việc cộng tác Qingflow của mình tăng cao khi các công ty Trung Quốc bắt đầu sử dụng các công cụ làm việc từ xa.

Phần mềm quản lý quy trình công việc dựa trên đám mây của Qingflow xây dựng các ứng dụng web và di động để quản lý các quy trình và dự án kinh doanh giữa các nhóm, phòng ban và địa điểm.

Có thể tạo ra nội dung tùy chỉnh dùng để nhập dữ liệu, theo dõi hợp đồng và lập hóa đơn thông qua giao diện kéo và thả, không yêu cầu kỹ năng viết mã.

“Có nhiều nhu cầu cá nhân từ các nhóm khác nhau, mà hệ thống CNTT tiêu chuẩn của công ty thường không thể đáp ứng được,” Bo, người sáng lập kiêm CEO của công ty có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. “Đại dịch chỉ làm tăng thêm nhu cầu đối với các công cụ mới này.”

Theo iResearch, thị trường Trung Quốc cho các dịch vụ không yêu cầu lập trình phức tạp được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 44% lên 1,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, từ 400 triệu đô la Mỹ vào năm 2021.

Cũng theo công ty iResearch có trụ sở tại Bắc Kinh, hơn 500 ngàn công ty Trung Quốc đã dùng thử các sản phẩm của Qingflow.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi cho biết họ sử dụng nền tảng của Qingflow để xây dựng phần mềm quản lý tài liệu liên quan đến pháp luật và cập nhật các giao thức nội bộ. Các công cụ cơ bản của Qingflow miễn phí, nhưng khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ chuyên nghiệp hơn với giá từ 1.400 đô la Mỹ một năm.

Bo, thạc sĩ điện toán đám mây của đại học Giao thông Thượng Hải, đã sáng lập Qingflow vào năm 2015 với mô hình giúp các trường quản lý các sự kiện và đơn đăng ký của sinh viên. Công ty huy động được khoảng 30 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư bao gồm Tencent và Qiming Venture Partners.

Bo muốn phục vụ các công ty lớn hơn cũng như làm việc với các đối tác địa phương ở Nhật Bản và Đông Nam Á. Anh nói: “Sản phẩm của chúng tôi có thể đáp ứng các nhu cầu khác nhau ở các quốc gia khác nhau.”


Harsh Agarwal
Tuổi: 27 • Sáng lập, Harago • Ấn Độ


Harsh Agarwal đã kiếm vải và tự thiết kế quần áo cho mình từ năm lớp bảy. Niềm đam mê đó được anh chuyển thành thương hiệu quần áo nam Harago (bắt nguồn từ tên của anh) ra mắt năm 2019, kết hợp các kỹ năng thủ công truyền thống của Ấn Độ, chẳng hạn như thêu và in khối, trong các thiết kế trang phục thường ngày.

Ý tưởng thành lập thương hiệu có trụ sở tại Jaipur xuất hiện năm 2017, khi Agarwal thực hiện các sáng kiến bền vững trong vai trò thực tập sinh của Liên Hiệp Quốc tại New York. Với mong muốn kết hợp giữa nghệ thuật thủ công và các khái niệm thân thiện với môi trường trong thời trang, sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế tại đại học Quốc tế Symbiosis ở Pune vào năm 2018, Agarwal đã đi khắp Ấn Độ, ghé thăm nhà và cửa hàng của các nghệ nhân để hiểu công việc của họ.

Bộ sưu tập đầu tiên của anh có các sản phẩm chủ đạo là áo sơ mi và quần dài được làm từ vải cotton, lụa, len và vải dệt thủ công. Bốn năm sau, Agarwal bán sỉ các thiết kế của mình cho các nhà bán lẻ trên toàn thế giới bao gồm Saks Fifth Avenue ở New York và Hanstyle của Hàn Quốc.

Thương hiệu Harago được thúc đẩy phát triển vào năm 2021 khi người hâm mộ nhìn thấy ca sĩ nổi tiếng Harry Styles mặc quần short hiệu Harago. Công ty sản xuất 8.500 chiếc mỗi năm, thành phẩm từ hơn 200 nghệ nhân trên khắp Ấn Độ. Mất khoảng một tuần đến mười ngày để hoàn thành một sản phẩm.

Agarwal không quảng bá Harago như một thương hiệu bền vững, vì theo anh, “ngành thời trang không bao giờ có thể bền vững 100%.” Anh chia sẻ: “Trọng tâm của chúng tôi là về nghề thủ công, thợ thủ công và tiếp nối di sản nghề thủ công truyền thống của nghệ nhân.” Harago đã ra mắt một phần của bộ sưu tập đầu tiên dành cho phụ nữ vào tháng 5.2023. 


Emma Clegg & Molly Rogers
Tuổi: 29, 28 • Đồng sáng lập, JAM the label • Úc


Các chuyên gia vật lý trị liệu Emma Clegg (trái) và Molly Rogers đồng sáng lập JAM the label vào năm 2019 để thiết kế quần áo thời trang cho người khuyết tật. Thương hiệu này sử dụng dây buộc từ tính, vật liệu co giãn và thiết kế không gắn nhãn mác để tạo sự thoải mái và dễ dùng, với mục tiêu đưa quần áo thích ứng trở thành xu hướng chủ đạo.

Thời đại học, Clegg và Rogers biết rằng mặc quần áo là một trong những hoạt động hằng ngày khó khăn nhất của người khuyết tật khi hỗ trợ Jack và Maddie, hai bệnh nhân bị bại não phải ngồi xe lăn.

Clegg cho biết, họ phải mua quần áo có kích thước quá khổ ở cửa hàng để mặc, mà các thiết kế này lại kém hấp dẫn và “thuần túy phục vụ mục đích y tế.” Cô tự hỏi “Chúng ta không phải băn khoăn lựa chọn giữa chức năng và thời trang, vậy tại sao Jack và Maddie lại phải chịu điều đó?”

JAM thu thập các phản hồi của khách hàng để thiết kế ra nhiều lựa chọn mang tính thời trang hơn, trẻ trung và có màu sắc rực rỡ nhằm phục vụ những người khuyết tật về thể chất, trí tuệ và giác quan. JAM bán sản phẩm trực tuyến (trên trang web của chính JAM và các nền tảng bán lẻ khác) và giao hàng trên toàn thế giới đến các quốc gia bao gồm Anh, Hoa Kỳ, Canada và Singapore.

Clegg và Rogers đang tập trung vào việc đưa JAM trở thành thương hiệu dẫn đầu danh mục quần áo thích ứng/hòa nhập. Họ tổ chức các buổi cung cấp thông tin miễn phí và sản xuất các video cho trang web của mình, bao gồm một video về “Cách thực hiện buổi chụp ảnh cho người khuyết tật.”

Năm ngoái, JAM tham gia buổi trình diễn thời trang thích ứng của Tuần lễ thời trang Úc, với nữ diễn viên phim Heartbreak High của Netflix, Chloe Hayden, làm người mẫu cho họ. Rogers nói: “Một phần bất ngờ trong hành trình của chúng tôi với JAM là thuyết phục cộng đồng khuyết tật tin rằng có lựa chọn dễ dàng hơn dành cho họ và họ không phải chấp nhận mọi thứ chỉ vì đó là điều mà người ta vẫn áp đặt cho họ.”


Kyosuke Shibata
Tuổi: 28 • Đồng sáng lập, Rutilea • Nhật Bản


Được Kyosuke Shibata đồng sáng lập vào năm 2018, Rutilea giúp việc kiểm tra chất lượng sản xuất trở nên dễ dàng hơn bằng cách sử dụng AI để phân tích hình ảnh của sản phẩm. Dù các dây chuyền sản xuất được tự động hóa cao, việc kiểm tra chất lượng thường vẫn cần đến con người. “Như thế thực sự mệt mỏi,” Shibata nói. “Chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể được cải thiện tốt hơn.”

Theo Shibata, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của công ty, giao diện kéo và thả trực quan, không cần lập trình của Rutilea có thể cắt giảm thời gian cài đặt hơn 95% so với phần mềm thông thường.

Để nhanh chóng xây dựng cơ sở khách hàng của mình, Rutilea sớm phát hành phiên bản nguồn mở của phần mềm vào năm 2019, phiên bản này đã được hơn 500 công ty tải xuống trong vòng sáu tháng.

Toyota và nhà sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu Manufacturing trở thành khách hàng của Rutilea vào năm 2020 và công ty bắt đầu bán sản phẩm chủ lực ImagePro vào năm 2021.

Vào tháng 1.2023, Rutilea phát hành Rutilea Efficient Operations, giúp các công ty cải thiện hiệu quả và an toàn bằng cách phân tích chuyển động của công nhân.

Rutilea cho biết họ đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Rockwell Automation vào năm ngoái để mở rộng toàn cầu và huy động được số tiền không tiết lộ trong vòng gọi vốn Series B do Abies Ventures và Riyadh Valley, một quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia, dẫn đầu.

Đến nay, Rutilea đã huy động được 608 triệu yen (4,5 triệu đô la Mỹ) tiền tài trợ và Shibata cho biết họ đang hướng đến niêm yết trong vòng ba năm tới. Anh nói: “Chúng tôi muốn trở thành thị trường AI dành cho các khách hàng cần tìm giải pháp cho nhu cầu AI trong sản xuất và thậm chí là cho các lĩnh vực khác, như bán lẻ, dược phẩm và dịch vụ thực phẩm.”


Lorin Winata
Tuổi: 29 • Sáng lập, Melati Drinks • Singapore


Là chuyên viên đầu tư trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, giao tiếp xã hội là một phần công việc của Lorin Winata. Tuy nhiên, cô không hào hứng với chuyện uống bia rượu kèm công việc. Điều đó tạo cảm hứng cho cô sáng lập Melati, nhà sản xuất rượu mạnh không cồn tập trung vào các công thức truyền thống của châu Á, ra mắt năm 2020.

Hãng có hai sản phẩm, Melati Classic, hỗn hợp các thành phần có nguồn gốc thực vật, bao gồm hoa dâm bụt, quả kỷ tử và ca cao thô, và Melati Fresh, chứa xoài xanh, ổi và vỏ chanh. Thị trường rượu mạnh không cồn toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 642 triệu đô la Mỹ vào năm 2031, theo công ty nghiên cứu Allied Market Research có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Những doanh nghiệp khổng lồ về đồ uống như Pernod-Ricard và Diageo cũng tham gia thị trường này, với nhãn hàng Ceder và Seedlip của họ, nhưng Winata hi vọng sản phẩm rượu khai vị cao cấp của cô cũng sẽ hấp dẫn nhờ vào thành phần nguyên liệu.

Melati có quy trình sản xuất phức tạp, mỗi lô chỉ sản xuất được 500 chai nửa lít, được bán với giá 68 đô la Mỹ Singapore (52 đô la Mỹ) một chai, thuộc hàng đắt nhất trong danh mục rượu mạnh không cồn trên toàn cầu. Winata cho biết cô đã bán được 7.500 chai vào năm ngoái, khách hàng bao gồm cả những nhà hàng được gắn sao Michelin.

Winata lớn lên ở Singapore và Jakarta, học tập ở California. Cô trở về quê hương gia nhập công ty đầu tư mạo hiểm East Ventures có trụ sở tại Indonesia và sau đó là công ty đầu tư Reapra có trụ sở tại Singapore.

“Tôi luôn muốn thành lập công ty riêng nhưng không biết bắt đầu từ đâu, mãi cho đến khi tôi khám phá ra danh mục đồ uống không cồn,” Winata, người đã huy động được số tiền không được tiết lộ từ các nhà đầu tư, chia sẻ. Gần đây, cô đã lập một văn phòng ở Los Angeles để thâm nhập vào Hoa Kỳ, tập trung vào doanh số bán lẻ.


Zhao Yaran
Tuổi: 27 • Đồng sáng lập, Veminsyn Biotech • Trung Quốc


Zhao Yaran có nhiều tham vọng cho công ty khởi nghiệp mà anh đồng sáng lập vào năm 2021. Nhắm đến thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong ngành làm đẹp của Trung Quốc, công ty Veminsyn Biotech có trụ sở tại Bắc Kinh của anh đang phát triển và cung cấp nguyên liệu cho các sản phẩm chăm sóc da của Trung Quốc nhằm chống lão hóa và duy trì làn da khỏe đẹp.

“Những thương hiệu như L’Oréal và Estée Lauder đều có những thành phần chính của riêng họ, nhưng các thương hiệu chăm sóc da của Trung Quốc lại không giống vậy,” Zhao, CEO có bằng tiến sĩ sinh học từ Bắc Đại, cho biết. “Những gì chúng tôi muốn làm là đổi mới về mặt nguyên liệu và thay thế nguyên liệu từ nước ngoài.”

Các nhà nghiên cứu tại Veminsyn, nơi Zhao là cổ đông lớn nhất, đang thử nghiệm cách thay đổi cấu trúc phân tử của các nguyên liệu như collagen, để cải thiện hiệu quả các sản phẩm chăm sóc da, chẳng hạn như làm cho các thành phần dễ hấp thụ hơn. Khách hàng của công ty bao gồm các thương hiệu làm đẹp địa phương Zhuben và GenuineNamir.

Đây không phải là công ty đầu tiên của Zhao. Khi đang là sinh viên ngành kỹ thuật sinh học tại đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, Zhao đã thành lập một công ty để giúp sinh viên Trung Quốc chuẩn bị cho việc học tập và các cuộc thi quốc tế ở nước ngoài.

Anh làm việc bán thời gian trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sinh học cho một công ty đầu tư địa phương khi đang làm nghiên cứu sinh và sau khi lấy bằng tiến sĩ, anh đã thành lập Veminsyn cùng ba người bạn.

Cho đến nay, công ty đã huy động được 20 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư bao gồm Citic Capital, Next Capital và ZhenFund, theo thông tin từ hồ sơ quy định của địa phương.

Biên dịch: Quỳnh Anh