multi-media / Megastory

Tỉ phú Trung Quốc sau một năm lao đao

Giá trị tài sản của 79 trong số 100 người giàu nhất Trung Quốc sụt giảm do những vấn đề về kinh tế, chính trị và đại dịch COVID-19.

Những khó khăn về kinh tế, chính trị và đại dịch là nguyên nhân khiến tài sản của những người giàu nhất Trung Quốc sụt giảm nhiều nhất kể từ khi Forbes bắt đầu theo dõi giá trị tài sản ở đất nước này cách đây hai thập niên.

Tổng tài sản của 100 người giàu nhất Trung Quốc đã giảm 39% xuống còn 907,1 tỉ đô la Mỹ từ 1,48 ngàn tỉ đô la Mỹ năm ngoái. Trong đó, 79 người ra khỏi danh sách, 12 người trở lại danh sách, bốn người phải phân chia tài sản, ba gương mặt mới và chỉ hai người giàu có hơn.

Ngoài ra, lo ngại trong nền chính trị Trung Quốc sau đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10.2022 và việc đồng nhân dân tệ giảm hơn 12% giá trị so với đồng đô la Mỹ trong năm qua cũng khiến tài sản của các tỉ phú Trung Quốc sụt giảm. Hai chỉ số chịu ảnh hưởng nặng nề là chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc, giảm hơn 25% kể từ lần gần nhất Forbes tính toán giá trị tài sản, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong thậm chí còn giảm mạnh hơn, gần 41%.

Giữ vững vị trí số một trong năm nay là Chung Thiểm Thiểm, chủ tịch hãng nước đóng chai hàng đầu Trung Quốc, Nongfu Spring. Trong khi tài sản của nhiều người hao hụt nghiêm trọng, tài sản của Chung Thiểm Thiểm vẫn tương đối ổn, chỉ giảm 5% xuống còn 62,3 tỉ đô la Mỹ so với 65,9 tỉ đô la Mỹ của một năm trước. Ông Chung thiệt hại ít hơn nhờ khoản đầu tư khôn ngoan vào nhà sản xuất bộ xét nghiệm COVID Beijing Wantai Biological Pharmacy và từ việc cung cấp mặt hàng thiết yếu là nước uống.

Những doanh nhân hoạt động trong mảng năng lượng xanh cũng chịu mất mát tài sản. Robin Zeng, chủ tịch hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới CATL, đứng thứ ba trong danh sách năm nay với giá trị tài sản ròng 28,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 43% so với 50,8 tỉ đô la Mỹ năm ngoái.

Trong năm nay, nhà sản xuất xe điện BYD được Warren Buffett hậu thuẫn, đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, giành hai vị trí trong danh sách năm nay. Chủ tịch Vương Truyền Phúc đứng đầu tập đoàn với giá trị tài sản 17,7 tỉ đô la Mỹ và giám đốc không điều hành Lu Xiangyang có 12,7 tỉ đô la Mỹ.

Thành viên mới đáng chú ý trong danh sách năm nay là Chris Xu, người sáng lập hãng thời trang nhanh trực tuyến Shein. Xu đứng thứ 25 với khối tài sản trị giá 10 tỉ đô la Mỹ sau đợt gọi vốn mới. Một tỉ phú khác mới ra mắt năm nay là Xue Min, cổ đông kiểm soát của Shanghai United Imaging Healthcare, nhà cung cấp thiết bị hình ảnh y tế, với tài sản ước tính 5,25 tỉ đô la Mỹ.

Các tỉ phú sở hữu công ty điện tử và Internet cũng trải qua một năm khó khăn. Lôi Quân, CEO của nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi, chứng kiến tài sản hao hụt hơn một nửa từ 17,9 tỉ đô la Mỹ xuống còn 7,6 tỉ đô la Mỹ trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm.

Tài sản của chủ tịch công ty thương mại điện tử JD.com, Lưu Cường Đông, giảm xuống còn 8,3 tỉ đô la Mỹ từ 17,6 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái.

Cũng không đạt kết quả tốt trong năm qua là nhóm các tỉ phú ngành bất động sản. Một trong những người giảm tài sản nhiều nhất năm nay là đồng chủ tịch của Country Garden, Dương Huệ Nghiên, với tài sản 4,91 tỉ đô la Mỹ, giảm từ 27,8 tỉ đô la Mỹ một năm trước. Nhưng ít nhất thì bà Dương cũng đã trở lại danh sách năm nay, trong khi năm người khác trong ngành không đạt giá trị tài sản ròng tối thiểu để vào danh sách là 3,5 tỉ đô la Mỹ.

Thành phố Thượng Hải – trung tâm thương mại, tài chính và ngân hàng sầm uất, hiện đại bậc nhất của Trung Quốc.


Chung Thiểm Thiểm: Khao khát thành công


Năm qua là một năm khó khăn với các công ty công nghệ nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông hoàng nước đóng chai Chung Thiểm Thiểm đã vượt qua một năm đầy biến động cho các tỉ phú Trung Quốc với kết quả tương đối ổn.

Mặc dù tài sản của ông giảm 5% xuống còn 62,3 tỉ đô la Mỹ so với một năm trước, nhưng người sáng lập kiêm chủ tịch của Nongfu Spring tiếp tục giữ vị trí hàng đầu bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc trong năm thứ hai liên tiếp.

Từng bỏ học tiểu học trong cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, ông Chung, 67 tuổi, đã đi qua vài chặng đường sự nghiệp khác nhau như xây dựng và báo chí. Tuy nhiên, thành công lâu dài hơn cả là trong lĩnh vực đồ uống.

Bắt đầu từ năm 1996, ông Chung thành lập nhiều công ty khác nhau, làm tiền đề cho Nongfu Spring, trong đó có cả công ty Nước uống dưỡng sinh đường hồ Thiên Đảo Chiết Giang (Zhejiang Thousand Island Lake Yangshengtang Drinking Water). Hiện nay, nhà cung cấp nước đóng chai và trà có trụ sở tại Hàng Châu có vốn hóa thị trường trị giá 59 tỉ đô la Mỹ.

Nhờ phân phối sâu rộng trong nền kinh tế số hai thế giới và có phương pháp tiếp thị phù hợp với văn hóa địa phương, Nongfu Spring đã vượt qua khó khăn kinh tế trong chiến dịch “zero-COVID” của Trung Quốc vào năm 2022.

Lợi nhuận ròng nửa đầu năm tăng gần 15% so với một năm trước đó, đạt 4,6 tỉ nhân dân tệ (676 triệu đô la Mỹ). Doanh thu tăng 9% lên 16,6 tỉ nhân dân tệ (2,3 tỉ đô la Mỹ). Tài sản của ông Chung cũng tăng vọt sau đợt IPO năm 2020 của Beijing Wantai Biological Pharmacy, nhờ sở hữu phần lớn cổ phần trong công ty cung cấp các bộ xét nghiệm COVID-19.

Mã Vân: Thay đổi hoàn toàn


Tỉ phú Mã Vân tiếp tục rút lui khỏi đế chế Internet mà ông đồng sáng lập hơn 20 năm trước khi chính quyền Bắc Kinh tiếp tục kiềm chế các công ty Internet lớn của đất nước này. Jack Ma (Mã Vân), người giàu thứ năm Trung Quốc với tài sản ròng 20,6 tỉ đô la Mỹ, đang lên kế hoạch rời bỏ quyền kiểm soát fintech Ant Group trong vòng ba năm sau khi ông rời khỏi vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp khổng lồ về thương mại điện tử Alibaba.

Theo báo cáo thường niên mới nhất của Alibaba, ông Mã sẽ giảm dần lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp của mình đối với Ant, xuống còn không quá 8,8%. Doanh nhân 58 tuổi này đang kiểm soát hơn 50% cổ phần của công ty có trụ sở tại Hàng Châu thông qua các công ty holding về đầu tư có liên quan, nhưng có thể sẽ chuyển một số quyền biểu quyết cho các giám đốc điều hành của Ant, bao gồm cả giám đốc điều hành Eric Jing, người cung cấp thông tin về vấn đề này cho Forbes vào tháng 7.2022.

Động thái này diễn ra khi Ant tái cơ cấu thành công ty holding về tài chính theo yêu cầu của ngân hàng trung ương quốc gia, vốn đang tăng cường giám sát các ứng dụng cho vay và thanh toán kỹ thuật số như Alipay của Ant.

Mức định giá của Ant bị ảnh hưởng nặng nề – theo một số ước tính, giảm hơn 70%, xuống mức thấp nhất là 70 tỉ đô la Mỹ sau khi đợt IPO trị giá 35 tỉ đô la Mỹ của công ty này bị các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đình chỉ vào cuối năm 2020.

Theo hồ sơ giao dịch chứng khoán của Alibaba, công ty thu được lợi nhuận 3,7 tỉ nhân dân tệ (555 triệu đô la Mỹ) trong quý 1.2022, giảm 17% so với một năm trước đó. Alibaba nắm giữ 1/3 cổ phần của Ant và báo cáo kết quả tài chính của Ant theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

Mã Vân hầu như không xuất hiện trước công chúng trong hai năm qua. Gần đây, siêu du thuyền Zen dài 88m của ông được phát hiện cập cảng ngoài khơi đảo Mallorca của Tây Ban Nha vào tháng 6.2022, sau đó ông Mã đến thăm một trường đại học Hà Lan để tìm hiểu về sản xuất thực phẩm bền vững.

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 112, tháng 12.2022