multi-media / Megastory

Nữ tỉ phú Diane Hendricks xây di sản doanh nghiệp từ “Giấc mơ Mỹ”

Diane Hendricks có con ở tuổi 17, làm Playboy Bunny để kiếm tiền sinh sống, đánh bại căn bệnh ung thư hai lần và kiên cường chống đỡ sau cái chết bi thảm của chồng, rồi biến mình thành nữ doanh nhân thành công nhất nước Mỹ.

Bà đã tăng gấp ba lần giá trị tài sản ròng của mình trong năm năm qua. Mục tiêu tiếp theo của bà: cải thiện trường học và cơ sở hạ tầng của đất nước.

Diane Hendricks chuẩn bị ngồi để trả lời phỏng vấn qua video, nhưng bà chạy vào phòng quần áo của mình rồi trở lại với chiếc ghim cài áo hình lá cờ Mỹ nhỏ trên ve chiếc áo khoác mỏng màu đen. “Tôi yêu đất nước này. Tôi thật may mắn khi được sinh ra ở Mỹ,” bà nói. “Tôi chưa bao giờ thấy cánh cửa nào không mở cho mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc  mình là phụ nữ và không thể làm những gì mình muốn.”

Lòng yêu nước của bà thể hiện trong khắp ngôi nhà rộng gần 900 m2 ở phía nam Wisconsin. Trong văn phòng là bức tượng Ronald Reagan cưỡi ngựa và bức ảnh bà chụp với Donald Trump gần chồng sách gồm những tác phẩm như The MAGA Doctrine, Land of HopeBack in the Game.

Dưới lầu là bức tranh bản sao giới hạn chất lượng cao, giống hệt bức tranh được treo trong Nhà Trắng của Trump, vẽ mười tổng thống của đảng Cộng hòa đang cùng uống rượu (Dwight Eisenhower dường như đang thưởng thức rượu Scotch; Trump uống Diet Coke). Bên ngoài, tượng đồng người da đỏ có kích thước như thật hướng mặt về phía ba chú ngựa diễu hành Budweiser Clydesdales.

“Mang đến Giấc mơ Mỹ từ năm 1982” là khẩu hiệu của công ty ABC Supply, nhà phân phối tấm lợp có trụ sở tại Beloit, Wisconsin của Hendricks và “Niềm tự hào của người Mỹ” là một trong bảy giá trị cốt lõi của công ty. Một video bài quốc ca God Bless the USA của ca sĩ nhạc đồng quê Lee Greenwood được chiếu cho tất cả các giám đốc công ty xem; Greenwood thường biểu diễn bài hát trực tiếp tại các sự kiện của công ty.

Hendricks tin vào Giấc mơ Mỹ vì bà là người đã đạt được điều này. Trở thành mẹ khi vẫn ở tuổi thiếu niên, làm bồi bàn để sống, bà đồng sáng lập ABC Supply với chồng mình, Ken, vào năm 1982 và xây dựng công ty này thành nhà phân phối bán buôn tấm lợp mái, vách ngăn và cửa sổ lớn nhất toàn quốc.

Sau khi Ken qua đời năm 2007, Hendricks tiếp nối quá trình mở rộng nhanh chóng của doanh nghiệp, mua lại các đối thủ và tăng hơn gấp đôi số cửa hàng của mình lên 900 địa điểm. Doanh thu đạt mức kỷ lục 15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021.

Diane Hendricks

Bà nói: “Chúng tôi sẽ đạt doanh thu gần 18 tỉ đô la Mỹ trong năm nay,” Hendricks nói. “Công ty của chúng tôi không còn là một doanh nghiệp nhỏ nữa. Công ty đã lớn gấp năm lần so với khi Ken còn sống.”

Hendricks, người sở hữu 100% ABC cùng một công ty phát triển bất động sản và một công ty holding có cổ phần trong 18 doanh nghiệp, hiện có giá trị tài sản ròng 12,2 tỉ đô la Mỹ. Con số đó gấp ba lần giá trị tài sản ròng của bà cách đây năm năm và nhiều hơn bất kỳ nữ doanh nhân nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ.

Để thấy rõ, có thể so sánh bà với nữ doanh nhân tự thân giàu thứ hai của Mỹ, Judy Faulkner, tiên phong trong lĩnh vực hồ sơ y tế điện tử (và cũng sống ở Wisconsin), có giá trị tài sản “chỉ” 6,7 tỉ đô la Mỹ.

Rob Gerbitz, CEO của Hendricks Commercial Properties, công ty bất động sản của Hendricks, cho biết: “Những gì mà bà ấy đã làm, tôi không chắc là Ken sẽ làm.” Gần đây, công ty này đã chi 42 triệu đô la Mỹ mua một khách sạn ở Santa Barbara, California và xây sân bóng chày cho các giải đấu nhỏ trị giá 40 triệu đô la Mỹ ở Beloit.

Ở tuổi 75, Hendricks thành công bằng chính khả năng của mình. Bà muốn tạo ra ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chính trị quốc gia và tạo việc làm đến nghiên cứu ung thư và cải cách trường học công. “Mọi người đều biết tôi là người bảo thủ,” Hendricks, người đã tặng hơn 40 triệu đô la Mỹ kể từ năm 1992 cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa, cho biết.

Số tiền đó bao gồm hơn năm triệu đô la Mỹ tặng cho cựu thống đốc bang Wisconsin, Scott Walker và 50.000 đô la Mỹ cho Scott Pruitt, quản trị viên EPA khét tiếng của Trump, để ông này có thể thanh toán các hóa đơn pháp lý trong hàng loạt vụ bê bối đạo đức.

Hendricks cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay là không có nhiều người đánh giá cao công việc của mình. “Người ta từng xem công việc là một món quà. Bạn từng thấy tự hào về công việc,” bà trầm ngâm nói.

Trong sâu xa, bà cảm nhận rõ ràng về điều đó. “Tôi già rồi và vẫn đi làm vì tôi vẫn còn suy nghĩ được. Tôi cảm thấy như mình có thêm mục đích,” Hendricks, người vẫn thức dậy lúc năm giờ sáng mỗi ngày trong tuần và ra khỏi cửa lúc bảy giờ sáng, cho biết.

Tinh thần làm việc đó bắt nguồn từ cuộc sống ở trang trại bò sữa của gia đình bà ở Osseo, Wisconsin, thị trấn nông thôn nằm ngay phía đông nam của Eau Claire với dân số chỉ 1.800 người. Là con thứ tư trong chín cô con gái, Hendricks không được phép vắt sữa bò hoặc lái máy kéo (theo lời cha của bà thì đó là “công việc của đàn ông”), nhưng bà làm rất nhiều việc nhà, gồm cả chăm sóc các em gái.

Đến năm 10 tuổi, Hendricks biết rằng bà muốn nhiều hơn một cuộc đời chỉ làm nông. “Tôi không muốn thành nông dân và tôi không muốn lấy nông dân làm chồng,” bà nhớ lại suy nghĩ của mình. Bà muốn mặc bộ đồ công sở và làm việc tại Minneapolis, thành phố gần nhà bà nhất.

Tuy vậy, bà phải gác lại những kế hoạch đó khi vào năm 1964, bà có con ở tuổi 17 và bị buộc thôi học. Bà kết hôn và chuyển đến Janesville, Wisconsin, cách đó hơn 300km. Hai người ly hôn ba năm sau đó. Bà mẹ đơn thân nhận công việc làm Playboy Bunny (nhân viên phục vụ đeo tai thỏ) tại câu lạc bộ Playboy địa phương. “Bạn phải làm những gì bạn phải làm,” Hendricks nói về thời điểm đó.

Không lâu sau, bà bán bất động sản khắp miền nam Wisconsin. Bà cũng bắt đầu bán những ngôi nhà thiết kế theo yêu cầu. Nhờ đó, ở tuổi 22, bà gặp nhà thầu lợp mái Ken Hendricks. Họ kết hôn vào năm 1976. Họ mua lại 200 ngôi nhà cũ trong vòng ba năm, sửa lại và bắt đầu cho sinh viên đại học thuê. “Tôi đã làm sạch rất nhiều nhà vệ sinh,” bà nhớ lại.

Năm 1982, họ cầm cố tất cả tài sản và vay ngân hàng 900.000 đô la Mỹ để mua ba cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng đang gặp khó khăn. Ý tưởng là mua trực tiếp từ các nhà sản xuất và bán cho các nhà thầu và nhà xây dựng dự án như Ken. Bí quyết là cung cấp dịch vụ khách hàng ở mức độ chưa từng có trong một ngành công nghiệp khét tiếng là không thân thiện. Trong vòng năm năm, ABC đã có 50 cửa hàng và doanh thu xấp xỉ 140 triệu đô la Mỹ.

Công ty đạt doanh thu một tỉ đô la Mỹ vào năm 1998, cùng năm mà vợ chồng Hendricks tuyển dụng David Luck, giám đốc điều hành của Bridgestone từ Chicago, bổ nhiệm làm chủ tịch của ABC. Với sự điều hành của Luck, cặp đôi này đã tìm cách kiếm thêm các dự án mới. Konya Hendricks-Schuh, một trong bảy người con của bà (trong đó có bốn con riêng), cho biết: “Bà và cha tôi đam mê cải tổ các công ty đang thất bại, nên họ đã mua nhiều công ty phá sản.”

Sau đó, mái nhà sụp đổ, theo đúng nghĩa đen. Ngày 21.12.2007, Ken về nhà sau bữa tối bàn công việc và kiểm tra mái nhà mới phía trên nhà để xe. Ông ngã và chết trong cuộc phẫu thuật vào khuya hôm đó.

Nhiều người cho rằng Hendricks sẽ rời khỏi lĩnh vực kinh doanh. Một đối thủ đề nghị mua lại công ty. “Họ chỉ nghĩ rằng, tôi là một phụ nữ, rằng tôi sẽ bán,” Hendricks nói. Thay vào đó, bà đề nghị Luck trở thành CEO và tự bổ nhiệm mình làm chủ tịch.

Đó là khoảng thời gian khó khăn, không chỉ vì bà đã mất người chồng chung sống 40 năm. Doanh số giảm 7% từ năm 2006 đến năm 2009 do thị trường bất động sản sụp đổ. ABC lần đầu tiên đóng cửa các cửa hàng.

Tuy nhiên, giữa tình trạng hỗn loạn, Hendricks thấy được cơ hội. Tận dụng việc giá cả giảm mạnh, bà tiến hành thương vụ mua lại lớn nhất của ABC, mua đối thủ Bradco với doanh số 1,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010. Sáu năm sau, bà trả 674 triệu đô la Mỹ cho nhà phân phối vật liệu xây dựng L&W Supply có trụ sở tại Chicago.

Để tài trợ cho thỏa thuận đầu tiên, bà bán 40% cổ phần ABC của mình cho một nhà đầu tư với điều kiện bà có thể mua lại chúng trong vòng năm năm. Bà đã làm được điều đó trong vòng chưa đầy bốn năm. “Tới giờ tôi vẫn còn rùng mình,” bà nói. “Bởi vì tôi cảm thấy rằng tôi đã mạo hiểm với công ty mà tôi muốn các con tôi điều hành. Đó không phải là một công ty sẽ dùng để rao bán.”

Trong những năm sau đó, Hendricks chứng minh rằng di sản của bà còn vượt xa tầm một doanh nghiệp tấm lợp mái. Vào một buổi chiều tháng tám ẩm ướt gần đây, Hendricks đứng trước tác phẩm điêu khắc ngoạn mục hình lá cờ Hoa Kỳ cao khoảng 6x9m ở lối vào một trong những dự án yêu thích của bà: khu Ironworks Campus mới của Beloit.

Kể từ khi Ken qua đời, bà đã chi 85 triệu đô la Mỹ để tái phát triển không gian này, trước đây là một nhà máy sắt (lá cờ được làm từ 230 chi tiết của máy móc đã được cải tạo), thành một khu phức hợp hào nhoáng, nơi đặt văn phòng của tổ chức YMCA địa phương, phòng thương mại Beloit và 46 doanh nghiệp nhỏ, tuyển dụng 1.800 nhân viên.

Hendricks cần làm nhiều thứ. Thoát khỏi ung thư hai lần – bà bị ung thư tử cung năm 33 tuổi và ung thư vú ở tuổi 69 – bà là chủ tịch của NorthStar Medical Radioisotopes, sử dụng y học hạt nhân và đồng vị phóng xạ để phát hiện và điều trị một số dạng ung thư và bệnh tim. Bà đầu tư 550 triệu đô la Mỹ vào công ty chỉ có doanh thu 10 triệu đô la Mỹ, nhưng bà không bỏ cuộc.

Đồng thời, sau khi thấy chưa tới 20% thanh thiếu niên Beloit “thành thạo” các bài kiểm tra đọc của bang Wisconsin, bà đã giúp tài trợ cho một trường bán công trong thành phố. Học viện Lincoln được mở cửa vào năm ngoái. Bà cũng đang mở rộng chuỗi khách sạn boutique của mình, từ Beloit sang Indiana, Idaho và California. Trở ngại thực sự duy nhất là thời gian.

“Đó là phần khó chịu nhất của việc già đi,” bà nói. “Trời ơi, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.”

Không gian xanh
“Tôi thích sống ở đây, giữa thiên nhiên. Mọi thứ rất yên bình,” Hendricks nói khi đang giới thiệu khu đất Wisconsin của bà cùng chú ngựa Clydesdale tên Rock, nặng khoảng 453kg và ăn đến 22,6kg cỏ khô mỗi ngày.


Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 112, tháng 12.2022