Thương mại điện tử không chỉ là không gian kết nối người mua người bán mà còn là nơi các dữ liệu về hành vi, trải nghiệm của khách hàng được sinh ra.
Đầu tháng 4.2022, Unilever bỏ vị trí giám đốc tiếp thị (CMO) mà đổi thành giám đốc kỹ thuật số và thương mại (Chief Digital and Commercial Officer). Điều này không chỉ thể hiện “ranh giới mờ nhạt” giữa tiếp thị kỹ thuật số và thương mại mà còn là mối quan hệ mật thiết đang được hình thành trong các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Hoà, sáng lập kiêm tổng giám đốc YouNet Group dẫn chứng bằng dữ kiện của Unilever và nhận định “Điều đó cho thấy cuộc chơi thay đổi khiến phương thức tiếp thị, bán hàng thay đổi.”
Đại dịch thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến phát triển nhanh hơn. Thương mại điện tử được ví von như chiến trường mà doanh nghiệp không thể không tham gia vì kênh này đã chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Tuy nhiên, để tham gia cuộc chơi, doanh nghiệp cần có dữ liệu để xác định mục tiêu cũng như đưa ra các quyết định. Từ kinh nghiệm điều hành công ty có hơn 15 năm cung cấp giải pháp phân tích dữ liệu mạng xã hội tại Việt Nam, ông Hoà đánh giá, nếu biết sử dụng, dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát cuộc cạnh tranh.
Theo ông Hòa, trong các nhóm kênh chính hiện nay của thị trường thương mại điện tử, có hai nhóm kênh đang chiếm tỷ trọng cao nhất là các sàn thương mại điện tử và các kênh thương mại xã hội.
Tuy nhiên, kênh thương mại điện tử còn một xu hướng đáng chú ý khác. Đó là sự đổ bộ của các thương hiệu, lập trang chính hãng trên các sàn. Nếu trước đây, sàn là nơi những người bán là nhà phân phối thì nay, các thương hiệu trực tiếp bán cho người tiêu dùng. Xu hướng này thay đổi trật tự bán hàng.
Điều này nói lên sự thật rằng, các thương hiệu chính hãng đang ngày càng trở nên quyền lực hơn khi bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, họ chỉ có dữ liệu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình và thiếu thông tin tổng thể về thị trường cũng như ngành hàng. Trong khi đó, trên thị trường hiện có các đơn vị có thể tham gia giải quyết vấn đề này.
Ông Hoà lấy ví dụ về mối hợp tác giữa YouNet Group với hai đối tác trong ngành hàng tiêu dùng nhanh và nguyên liệu làm bánh gần đây nhằm minh chứng về “sức mạnh” của dữ liệu.
Một thương hiệu cung cấp nguyên liệu làm bánh thông qua các nhà phân phối và bán lẻ cho các nhà hàng khách sạn theo phương thức truyền thống gặp khó khăn trong phân phối khi đại dịch xảy ra. Với quyết định xuất hiện trên kênh trực tuyến, đơn vị này bắt tay hợp tác với YouNet Group.
Thông qua phân tích dữ liệu, YouNet Group ghi nhận thảo luận về làm bánh tại nhà trên các nền tảng mạng xã hội trong giai đoạn COVID-19 đã tăng 17%, đồng thời dự kiến nhu cầu mua sắm ngành hàng này sẽ tăng trưởng 25% trong giai đoạn 2020-2025.
Đơn vị này đã tính toán dựa trên dữ liệu thị trường để giúp đối tác dự báo được doanh thu và tốc độ tăng trưởng kênh online của ngành hàng, từ đó có kế hoạch đầu tư phù hợp. Một số giải pháp thực thi đã được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu trên như sản xuất gói hàng nhỏ, phù hợp nhu cầu riêng của khách hàng và hợp tác với các nhà bán lẻ không chính hãng để đa dạng kênh phân phối.
Một doanh nghiệp khác trong ngành hàng tiêu dùng nhanh gặp vấn đề về kiểm soát nguồn hàng, tiết kiệm chi phí vận hành. Trước khi hợp tác với YouNet, họ phải lập đội sáu nhân viên để truy cập website của các đại lý và kiểm tra ghi nhận số hàng tồn bằng phương pháp hoàn toàn thủ công. YouNet đã xây dựng được cho đối tác một hệ thống kiểm tra hàng tồn hoàn toàn tự động, đảm bảo việc nhập hàng hiệu quả, ngăn chặn hết hàng mùa cao điểm.
Kết quả, doanh nghiệp này giảm được chu kỳ kiểm tra từ tám tiếng (6 người thực hiện thủ công) thành hai tiếng (tự động) cho tất cả các ngày trong tuần; độ chính xác trên 97%; giảm 18,6% tỷ lệ mất doanh thu nhờ luôn luôn cung cấp đủ nguồn hàng cho các đại lý đối tác.
“Dữ liệu sẽ giúp kiểm soát thị phần, tăng hiệu quả kinh doanh, nếu biết cách khai thác và tận dụng dữ liệu, các doanh nghiệp sẽ vượt lên đối thủ trong cuộc cạnh tranh trên kênh thương mại điện tử,” theo ông Hòa.
Xem thêm
4 nguyên tắc của đại sứ thương hiệu – ca sĩ Tóc Tiên
Ưu tiên trải nghiệm và cân bằng cuộc sống với công việc
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Thương hiệu 2022
Danh sách 25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu 2022
Danh sách 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu 2021
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/du-lieu-co-the-tro-thanh-vu-khi-tren-kenh-thuong-mai-dien-tu)
2 năm trước
Startup quà tặng UrBox nhận đầu tư 2,2 triệu USD3 năm trước
Doanh thu Amazon lần đầu vượt Walmart