Xu hướng

Metaverse làm thay đổi cách doanh nghiệp xây dựng thương hiệu

1 năm trước
Tác giả Bảo Trung

Share
this:

Metaverse được dự báo trở thành một thành phần quan trọng của các chiến lược thương hiệu, điều này có thể thấy qua những thương hiệu lớn trên thế giới trong hai năm trở lại đây đang tích cực mở rộng kinh doanh vào thị trường mới mang tên metaverse này.

Cuộc đổ bộ của các thương hiệu lớn

Đầu năm 2022, McDonald’s đã nộp đơn đăng ký 10 nhãn hiệu lên văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ cho cả thương hiệu McDonald’s và McCafe. Một về “sản phẩm thực phẩm ảo” bao gồm cả NFT; một về “hoạt động giao đồ ăn tận nhà cho nhà hàng ảo”. Ngoài ra, các dịch vụ giải trí và sự kiện dưới thương hiệu McDonald’s và McCafe, bao gồm “lễ hội âm nhạc trực tuyến thực tế và ảo”, cũng được đăng ký.

Trong thực tế McDonald’s đã triển khai hoạt động trên “vũ trụ ảo”. Dịp năm mới Âm lịch vừa qua, hãng đồ ăn nhanh này đã tung ra bộ sưu tập 12 con giáp trên metaverse. Người dùng có thể dùng kính thực tế ảo để tham quan “bảo tàng” 12 con giáp. Thăm con giáp nào, sẽ được thấy thông tin lịch sử, ý nghĩa và vận mệnh của người cầm tinh con giáp đó. Thậm chí có thể nhận và gửi lì xì cho người dùng khác.

Nike cũng đã thành lập Metaverse Studio và dự định đăng ký bằng sáng chế cho một loạt tài sản ảo như hình đại diện hoặc “cryptokick”. Nike đã đi sâu vào thị trường bằng cách tạo ra trải nghiệm kỹ thuật số hoàn toàn nhập vai, hướng đến người dùng kết nối với sản phẩm vật lý của họ. Công ty thậm chí đã thuê một giám đốc của Metaverse Engineering, sử dụng các công cụ thực tế tăng cường (AR) để kết hợp các đổi mới về thời trang, giải trí và trò chơi.

Hay Louis Vuitton trong lễ kỷ niệm ngày ra đời của Louis Vuitton (4.8.1821), nhà mốt đã phát triển Louis The Game, một trò chơi điện tử kết hợp giữa di sản, sự đổi mới và nghệ thuật NFT. Trò chơi tích hợp công nghệ blockchain tiên tiến bao gồm 30 NFT, có sẵn trên Apple Store và Google Play. Trong trò chơi, các NFT sẽ xuất hiện ngẫu nhiên khi người chơi di chuyển qua các cấp độ khác nhau. Chúng là đồ sưu tầm nhưng không phải để bán. Trò chơi thú vị và mang tính chuyển thế hệ với việc tiếp nhận di sản của nhà mốt và NFT.

Metaverse sẽ thay đổi cách thức mua hàng của người tiêu dùng. Ảnh: Forbes.com

Trước đó, Coca-Cola cũng tung ra bộ sưu tập mã thông báo không thể thay thế (NFT) và thu về 575.000 USD trong một cuộc đấu giá trực tuyến. Công ty đã dựa vào sức mạnh của thương hiệu để thúc đẩy bộ sưu tập và quyên góp được hơn 500.000 USD cho tổ chức từ thiện trong 72 giờ. Oana Vlad, giám đốc Chiến lược toàn cầu của Coca-Cola nói rằng việc chuyển sang NFT và metaverse có vị trí tốt để cung cấp cho khách hàng “những trải nghiệm lạc quan và mang tính biểu tượng giống như họ đã từng có trong cuộc sống thực ở thế giới kỹ thuật số ”.

Sớm hơn cả là vào năm 2020, Gucci  – một thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới đã nhanh chóng tiến vào metaverse. Gucci hợp tác với Roblox bằng cách bán một số mặt hàng hiếm trên nền tảng Roblox. Trải nghiệm Roblox bắt chước trải nghiệm vật lý, cho phép người dùng Roblox mua quần áo kỹ thuật số chỉ có sẵn trong khoảng thời gian giới hạn, tạo ra cảm giác khan hiếm và tăng giá. Một trong số này được bán với giá 4.115 USD, cao hơn giá trị bán lẻ 3.400 USD của một chiếc túi vật lý.

Tất cả vì nhận diện thương hiệu

Vũ trụ ảo hiện vẫn ở giai đoạn sơ khai nhưng hứa hẹn mang lại nhiều ứng dụng trong kinh doanh. Đến năm 2021, vũ trụ ảo đã trở thành một trong những kênh phổ biến nhất để thử nghiệm thương hiệu. Theo Bloomberg, năm 2020, giá trị thị trường của metaverse đã đạt gần 500 tỉ USD và có thể tăng lên mức 800 tỉ USD vào năm 2024.

Maury Rogow, giám đốc điều hành tập đoàn truyền thông Rip của Hollywood, nói rằng bán lẻ sẽ là một trong những lĩnh vực lớn nhất trong metaverse. Đây là một hiện thực đang dần được đưa vào áp dụng sau đại dịch COVID-19. Các biện pháp giãn cách xã hội và xu hướng làm việc tại nhà đã thúc đẩy nhiều người mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến hơn. Trong những năm tới, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng đáng kể mua hàng trực tiếp đến hình đại diện (D2A), có nghĩa là các sản phẩm kỹ thuật số chỉ được bán và sử dụng trong thế giới kỹ thuật số.

Người tiêu dùng hiện quen dần với thực tế mua sắm và xã hội hóa kỹ thuật số thông qua mạng xã hội cũng như việc sử dụng các bộ lọc AR, trò chơi điện tử, nội dung tương tác và thời gian thực phong phú. Điều này sẽ dẫn đến một nhánh hoàn toàn mới của thương mại trực tuyến iCommerce (thương mại nhập vai). iCommerce là hoạt động mua và trải nghiệm các sản phẩm kỹ thuật số trên internet – một không gian tương tự metaverse.

Ngoài ra, metaverse không nhất thiết là phải xây trên nền tảng blockchain, Web3 phi tập trung. Chính vì vậy các công ty như Meta (Facebook) vẫn có thể tiếp cận được các thông tin khách hàng hay hoạt động trong khu vực nào trên metaverse, thói quen đăng nhập, thời gian sử dụng… Cho nên những nhà phát triển metaverse hoàn toàn có thể cung cấp thông tin cho các thương hiệu để bán hàng.

Vũ trụ ảo tiến gần đến thế giới thực, được dựng lên bằng máy tính và nằm trong máy chủ của một công ty công nghệ nào đó. Sự khác biệt chính là người dùng có thể tương tác nhiều hơn với “quảng cáo” của các thương hiệu, như thử đồ tại chỗ, đặt hàng trực tiếp… và nhất là sở hữu các sản phẩm độc nhất như NFT. Những nhãn hàng tiên phong tiếp thị trên vũ trụ ảo sẽ có nhiều thời gian hơn để sáng tạo, thử nghiệm và điều chỉnh các hoạt động quảng cáo. Sự kết hợp của vũ trụ ảo với các nền tảng quảng cáo khác sẽ cung cấp thêm thông tin cho các nhãn hàng thay đổi chiến lược và làm mới thương hiệu trong mắt người dùng.