multi-media / Megastory

Tạp chí Forbes Việt Nam số 110: Tài chính cảm xúc

Chuyển đổi số là hành trình mọi doanh nghiệp phải đi nhưng các công ty thành công nhất sẽ tạo ra được sản phẩm tài chính có sức hấp dẫn để chinh phục khách hàng.

Trong cuốn sách Bank 3.0 – Tương lai của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số xuất bản cách đây mười năm, tác giả Brett King dự báo về ngành tài chính: các chi nhánh ngân hàng sẽ biến mất vì chúng gây tốn kém trong khi khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện dịch vụ nhanh chóng trên thiết bị cầm tay thông minh; máy ATM sẽ chỉ còn chức năng duy nhất là rút tiền mặt; thẻ nhựa cứng ghi nợ biến mất khi việc thanh toán có thể thực hiện qua thiết bị di động… Lập luận của tác giả: khách hàng cần dịch vụ của ngân hàng mà không cần ngân hàng.

Quan sát chuyển động của hệ thống tài chính Việt Nam vài năm gần đây có thể nhận thấy những thay đổi nhanh, phù hợp với dự báo này. Các ngân hàng không còn chạy đua mở rộng mạng lưới vật lý bằng mọi giá, thay vào đó phân bổ nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số. Hậu đại dịch COVID-19, tại các khu công nghiệp không còn cảnh công nhân xếp hàng chờ rút tiền, họ đã sử dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tại, các ngân hàng và kỳ lân fintech của Việt Nam đã cung cấp dịch vụ đa dạng cho phép khách hàng hoàn tất chuyển tiền, thanh toán chỉ sau vài cú chạm màn hình.

Câu chuyện chuyển đổi số đang được nhắc đến khắp nơi nhưng hiểu thế nào cho đúng về xu hướng này? Tại Diễn đàn Kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam mới đây, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, F&B, bán lẻ đều đồng quan điểm chuyển đổi số không phải là trang bị phần mềm, mua sắm phần cứng hay thành lập phòng ban công nghệ thông tin. Việc chuyển đổi số đầu tiên phải bắt đầu từ nhà lãnh đạo số, dẫn dắt sự thay đổi bộ máy. Trung tâm của chuyển đổi số là tinh thần thay đổi, thấm vào bộ máy doanh nghiệp từ lãnh đạo tới nhân viên, trở thành nét văn hóa đưa tổ chức chuyển đổi số tiến về phía trước.

Khách hàng là thước đo thành công của các ý tưởng kết hợp dịch vụ và công nghệ, biểu hiện ở số người dùng, mức độ hài lòng, tần suất sử dụng. Sản phẩm tài chính thành công phải tạo ra sự hài lòng, giữ được chân khách hàng hay nói cách khác phải tạo ra cảm xúc. Chuyển đổi số là hành trình mọi doanh nghiệp phải đi nhưng các công ty thành công nhất sẽ tạo ra được sản phẩm tài chính có sức hấp dẫn để chinh phục khách hàng.

Forbes Việt Nam số 110
Tạp chí Forbes Việt Nam số 110: Tài chính cảm xúc

CÂU CHUYỆN TRANG BÌA

Ngân hàng ngôi sao đỏ

Khép kín hệ sinh thái tài chính và chuyển đổi số quyết liệt, ngân hàng Quân đội (MB), nhà băng có logo hình ngôi sao đỏ tìm thấy sức bật ngay trong đại dịch.

Lãnh đạo MB cho rằng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, số lượng giao dịch trên kênh số là thước đo lớn nhất cho thấy sự thành công của việc chuyển đổi số.

Anh em có nhiều ý tưởng cả về công nghệ lẫn dịch vụ nhưng người quyết định thành công hay thất bại của một sản phẩm là khách hàng. Vì vậy, mình phải liên tục thử nghiệm

ông Lưu Trung Thái, tổng giám đốc ngân hàng Quân đội.

– Giang Thanh


NHỮNG NỘI DUNG NỔI BẬT


Thay đổi cách chơi

Không đi theo mô hình truyền thống, sử dụng công nghệ, công ty Chứng khoán DNSE muốn tạo ra một nền tảng môi giới với chi phí hợp lý cho nhà đầu tư – Minh Tâm

Ống heo sinh lãi

Quản lý tài sản là lĩnh vực hứa hẹn phát triển tại Việt Nam trong thập niên tới đây, một trong những cái tên đón đầu xu hướng đó là Finhay. – Trọng Nam


Pha trộn tính địa phương

Sử dụng ưu thế nguồn vốn giá rẻ, Mirae Asset, nhà môi giới chứng khoán đến từ xứ sở kim chi muốn xác lập vị thế trong lĩnh vực môi giới chứng khoán tại Việt Nam. Nhưng trước hết họ phải vượt qua thách thức: Tính địa phương! – Trọng Nam


Cầu nối dòng vốn Hàn

Korea Investment Management, công ty quản lý quỹ từ xứ sở kim chi, khẳng định vị thế mới trong vai trò cầu nối cho dòng vốn vào Việt Nam – Tuyết Ân



TRÒ CHUYỆN CÙNG FORBES VIỆT NAM


Trải nghiệm khách hàng là hành trình không có điểm dừng. CEO Prudential và AIA Việt Nam chia sẻ về thay đổi của ngành bảo hiểm sau đại dịch. Forbes Việt Nam


KHỞI NGHIỆP TẠI VIỆT NAM


Vườn ươm kỳ lân

Những năm gần đây lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam sôi động với dòng vốn đầu tư quốc tế, bất chấp thực tế chưa có nhiều thương vụ thoái vốn thành công và số công ty kỳ lân mới dừng ở con số bốn. Sức hấp dẫn càng cao khi nền kinh tế truyền thống dịch chuyển sang kinh tế số. – Tạ Hồng Phúc


35 quỹ đầu tư mạo hiểm nổi bật

Năm 2021, vốn đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam đạt 1,44 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước tới nay. Năm 2022, dự báo con số này sẽ đạt kỷ lục mới. Lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam được nâng đỡ bởi dòng tiền trong nước và quốc tế của khoảng 170 quỹ đầu tư mạo hiểm. Forbes Việt Nam điểm lại các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi bật đang hoạt động tại Việt Nam.



PHỎNG VẤN ĐỘC QUYỀN


Người tặng quà từ thiện

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền, Bill Gates tiết lộ quá trình ông và người vợ cũ Melinda cùng nhau quyên góp số tiền khổng lồ 20 tỉ đô la Mỹ giúp quỹ của họ tăng mạnh khoản chi hằng năm lên 50%, đạt 9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. – Randall Lane


DANH SÁCH FORBES


Danh sách giàu nhất Singapore


Singapore vẫn đang là nơi thu hút những người nước ngoài giàu có. Tuy nhiên, những khó khăn lớn trên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến tổng tài sản của những người giàu nhất quốc gia này trong năm nay. Tình hình lạm phát tăng cao và thị trường công nghệ toàn cầu lao dốc khiến tổng tài sản của 50 người giàu nhất Singapore giảm hơn 1/5 so với một năm trước, xuống còn 164 tỉ đô la Mỹ.

100 To Watch


Danh sách Forbes Asia 100 to Watch thường niên lần thứ hai là danh sách 100 doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp trên khắp khu vực đang giải quyết những thách thức trong thế giới thực bằng tư duy mới và các sản phẩm cùng dịch vụ sáng tạo. Cộng đồng khởi nghiệp sôi động của Singapore đóng góp 19 công ty vào danh sách, theo sau là Hong Kong với 16 thành viên. Để biết danh sách đầy đủ, truy cập forbes.com/100toWatch

Danh sách Best Under A Billion

200 doanh nghiệp tốt nhất có doanh thu dưới một tỉ đô la Mỹ) thường niên năm 2022 của Forbes Asia cho thấy sự dịch chuyển sang hướng chi tiêu theo ý thích. Trong khi 2021 là thời điểm nổi bật của các công ty dược và chăm sóc sức khỏe, 2022 lại là năm hưởng lợi của các doanh nghiệp may mặc, đơn vị vận hành trung tâm thương mại, nhà hàng, thiết bị điện tử tiêu dùng và giải trí, cùng những công ty khác, khi thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường hậu đại dịch.


Đón đọc những bài viết không thể bỏ qua trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 110