multi-media / Megastory

U30 Forbes Việt Nam 2022: Huỳnh Lê Thái Bão cho đi để nhận lại

Ở tuổi 27, bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão tiến xa trong lĩnh vực chuyên môn đồng thời với những đóng góp hữu ích cho cộng đồng.


SỐNG LÀ PHẢI BIẾT CHO ĐI chứ không chỉ có mỗi nhận lấy,” Huỳnh Lê Thái Bão nói đó không phải triết lý cao xa gì mà từ nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ, những lời răn học được từ giáo lý mỗi khi đi nhà thờ Công giáo. Tham gia chương trình tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn lên thành phố thi đại học năm 2012 đã khiến chàng sinh viên năm đầu cảm nhận được ý nghĩa của việc sẻ chia với tinh thần chuyên nghiệp và đầy sức trẻ. “Đó là cột mốc đầu tiên đưa tôi đến với các phong trào hoạt động cộng đồng sau này, với phương châm tự đặt ra: Không hoạt động cộng đồng mất nửa đời sinh viên,” Bão kể.

Năm 2018, Bão tốt nghiệp bác sĩ đa khoa loại giỏi tại đại học Tây Nguyên và gia nhập đại học Duy Tân. Năm 2022, khi Forbes Việt Nam công bố danh sách những người trẻ tuổi nổi bật dưới 30 tuổi, Bão là bác sĩ giảng dạy tại khoa Y và là quyền trưởng bộ môn Thực hành bệnh viện. Bão vừa giành học bổng toàn phần đào tạo tiến sĩ nội khoa tại đại học Y Dược Huế từ 2022 do quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF trao, trở thành một trong những bác sĩ được đặc cách đào tạo tiến sĩ trẻ nhất ngành y.

Nhưng thành quả học tập và làm việc là một phần trong quỹ thời gian được chia cho cả các hoạt động xã hội sôi nổi của bác sĩ trẻ này. Hiện Bão là chủ nhiệm Diễn đàn Y khoa và trưởng dự án hệ sinh thái Y khoa online (www.ykhoa.org) do Bão sáng lập năm 2018, đồng thời là thư ký biên tập tạp chí hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE).

Thời đại học (2012–2018), suốt năm năm liền Bão là “Sinh viên 5 tốt” cấp quốc gia, tốt nghiệp bác sĩ đa khoa loại giỏi và kết nạp Đảng vào năm cuối. Cùng thời gian đó, Bão mang về hàng loạt thành tích cá nhân: giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học, giải nhất cuộc thi Olympic tiếng Anh (đại học Tây Nguyên); bán kết toàn quốc cuộc thi nghiên cứu khoa học trẻ Eureka, giải thưởng Thanh niên kiến tạo – CSDS; giải được yêu thích nhất cho dự án phi lợi nhuận cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng nhiều thành tích khác.

Ngân hàng Máu sống được Bão sáng lập năm 2015 và sau đó đồng sáng lập CLB Một Sức Khỏe (One Healh Club) tại đại học Tây Nguyên, Bão quản lý và phát triển cả đội nhóm lập trình và quản lý web. Những hoạt động này cũng là nền tảng cho ý tưởng của Bão lập hệ sinh thái Y khoa kết hợp cả bốn lĩnh vực giáo dục – y tế – công nghệ và hoạt động cộng đồng. Năm 2018, CLB Tình nguyện y khoa ra đời hoạt động nòng cốt ở miền Trung và Tây Nguyên với 300 thành viên đầu tiên, họ tổ chức các hoạt động trực tuyến và trực tiếp.

Bước tiếp theo là hệ sinh thái y khoa trực tuyến (ykhoa.org) hình thành với sáu thành phần, trên ứng dụng (app), website, kênh YouTube, Facebook, giao lưu trực tuyến và cộng đồng hoạt động thực tế, đến nay thu hút hơn 26 ngàn thành viên. Kênh thực tế phát động nhiều chương trình như Đồng hành cùng bệnh nhi ung thư, Vầng trăng yêu thương, Tiếp sức mùa thi, Hỗ trợ phòng chống dịch COVID–19, hiến máu tình nguyện…

Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão, Under 30 Forbes Việt Nam 2022. Ảnh: Khánh Nguyễn chụp cho Forbes Việt Nam

Đến nay trang ykhoa.org thu hút hơn bảy triệu lượt truy cập với 2,5 triệu lượt sử dụng và hàng ngàn tài khoản dùng thường xuyên. Hệ thống này hiện tích hợp hơn 3.500 bài viết, bài học, hàng trăm video, các trang, nhóm và cộng đồng tương tác đang được Bão ấp ủ phát triển thành nền tảng học y khoa trực tuyến. Dự án được công nhận qua các giải nhất về thanh niên kiến tạo 2021, giải nhất Sao Kim 2021, giải nhất Thử thách sáng tạo xã hội VSIC 2021 và nhiều giải thưởng khác. Hệ thống tự vận hành từ các nguồn tài trợ cộng đồng theo mô hình phi lợi nhuận, người dùng miễn phí.

Bén duyên với các hoạt động tình nguyện, Bão nói “may mắn, nếu không tôi đã mất nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, bạn bè và giá trị sống lĩnh hội được”. Sự “phân thân” nhiều vai cùng lúc của Bão khi còn quá trẻ khiến các giám khảo Forbes Việt Nam Under 30 mảng Hoạt động xã hội năm nay yêu cầu phóng viên xác thực thêm thông tin. “Một cá nhân xuất sắc với nhiều hoạt động tích cực, điểm sáng nhất là tạo ra diễn đàn thông tin đặc thù như ngành y,” theo giám khảo Khuất Hải Oanh – giám đốc trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng – SCDI. Tuy nhiên, bà yêu cầu: “Làm rõ các điều kiện khác (nhân thân) liệu có tác động nào đến sự nổi trội của ứng viên, tránh để các bạn trẻ rơi vào phong trào hào nhoáng.”


BÃO SINH RA TRONG GIA ĐÌNH có mẹ đang là giáo viên tại một trường trung học và bố trước khi mất cách đây hai năm là bác sĩ ở bệnh viện huyện Cư Jút Đắk Nông. Vì sao làm được quá nhiều thứ trong cùng thời gian? “Mỗi dự án, ý tưởng đều nhận được sự hỗ trợ của nhiều người chứ một mình không làm xuể,” Bão nói. Nhờ đâu được bổ nhiệm khi còn quá trẻ: “Tôi may mắn được làm việc ở nơi mà lãnh đạo đánh giá trên thực lực công việc, luôn hỗ trợ khuyến khích để mình làm cách tốt nhất.”

PGS.TS.BS Nguyễn Ngọc Minh, phó hiệu trưởng đại học Duy Tân, hiệu trưởng trường Y Dược (thuộc đại học Duy Tân), nhớ lại khi khảo sát, đánh giá chọn nhân sự về trường Bão tốt nghiệp loại giỏi, đã kết nạp Đảng, trình độ tiếng Anh khá. Một bác sĩ trẻ năng động, chịu khó học tập, có năng khiếu hoạt động xã hội và lãnh đạo nhóm. “Bão được thử thách qua các nhiệm vụ được giao đều hoàn thành tốt, ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao là cơ sở để phân công nhiệm vụ. Cũng trên cơ sở đó, nhà trường giới thiệu BS Bão tiếp tục nghiên cứu sinh tiến sĩ,” PGS Minh nói với Forbes Việt Nam. Đối với ngành y, tư cách đạo đức và khát vọng nghề nghiệp là hai yếu tố quan trọng, “Bão có đủ hai tố chất với chí tiến thủ và hoài bão phấn đấu chiếm lĩnh đỉnh cao,” người đứng đầu trường này nhận xét.

Còn Lê Văn Thanh, sinh viên năm cuối tại đại học Y Đà Nẵng, là cộng sự của Bão khi đưa dự án hệ sinh thái Y khoa online dự cuộc thi khởi nghiệp, cho biết Bão năng động, tràn đầy ý tưởng với tinh thần lãnh đạo cao. “Tôi học được ở anh rất nhiều thứ với tinh thần làm việc khoa học và chuyên nghiệp, luôn chỉ dẫn tận tâm.”

Danh sách Under 30 Forbes Việt Nam năm 2022
Lê Yên Thanh lập trình cho cuộc sống
Trần Công Minh nghiên cứu theo từng nhịp thở

Hoàng Tùng dọn tiệc trên bàn ăn

Tại Việt Nam có rất nhiều cá nhân, tổ chức tình nguyện. Theo Bão, bên cạnh những hoạt động hiệu quả vẫn còn nhiều mô hình mang tính xin – cho, chỉ giải quyết những khó khăn tình thế mà chưa tạo giá trị lâu dài. Bão nói về hoạt động cộng đồng cũng theo cách nghiên cứu khoa học: “Chìa khóa để giải quyết vấn đề là kiến thức cốt lõi và kỹ năng thực hiện, để thực tế hóa mong muốn của mình, phải tham chiếu với các mục tiêu phát triển bền vững số 3, 4 và 10 của Liên Hiệp Quốc”.

Bác sĩ Bão thừa nhận nhiều hoạt động hội đoàn không được ưa thích vì tính phong trào và hình thức. Anh cho rằng các hoạt động xã hội đều có những công cụ khoa học giúp xác định mục tiêu theo các thang đo bền vững. Khi cụ thể hóa và trình bày công khai mục tiêu, có thể sử dụng công cụ SMART (đặt mục tiêu thực tế và có khả năng hoàn thành). Mô hình SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ) giúp xác định nguồn lực, những thuận lợi và hạn chế, những rủi ro cùng khả năng thành công. “Khi cộng đồng trí thức trẻ và nghề nghiệp được cung cấp thông tin rõ ràng, được chứng minh là phong trào hợp lý – hiệu quả, họ mới cân nhắc đến việc tích cực tham gia,” Bão nói.

“Người tham gia sẽ được gì?” Bão tự hỏi và trả lời: “Câu hỏi này rất thô nhưng luôn rất thật”. Mỗi người tham gia phong trào luôn mong muốn điều gì đó, không hẳn vật chất, đôi khi là kỹ năng qua hoạt động, hay đơn giản là niềm vui, sự cống hiến… dù mục đích gì thì tất cả đều chính đáng. Nhiều dự án quên rằng không chỉ có đối tượng đích trong phong trào mới thụ hưởng mà chính người tham gia xây dựng phong trào cũng cần đạt mục tiêu họ mong muốn. Điều này khiến nhiều mạng lưới tình nguyện lớn nhưng vẫn mang tính hình thức, đặt tiêu chí nhưng không hiểu thành viên, “nếu không khắc phục được, các phong trào chỉ thành công một nửa,” theo Bão.



Bão nói về mô hình cộng đồng của mình nặng tính khoa học: “Tôi xác định mô hình vững chắc, một trong các mô hình được định hướng là mô hình Canvas dành cho dự án cộng đồng.” Khát vọng của Bão đặt ra cho mô hình của CLB Tình nguyện Y khoa là từ những diễn đàn và bài đăng rất cơ bản dành cho sinh viên y khoa và nhân viên y tế, sẽ có những chương trình thực tế đến với cộng đồng như hiến máu, chăm sóc sức khỏe thể chất – tinh thần, giảm tỉ lệ thừa cân béo phì… “Chúng tôi sẽ không dừng lại ở một hệ sinh thái online mà là một cộng đồng tác động trực tiếp đến người bệnh bằng phương án phù hợp để cải thiện sức khỏe cộng đồng,” Bão nói.

Bão tự nhận hệ sinh thái hiện “còn nhiều hạn chế, làm nhiều càng thấy nhược điểm nhiều”. Tổ chức nhân sự còn nhỏ, đa số có tinh thần cao nhưng chưa thể có nhiều kinh nghiệm, cần thêm các khóa đào tạo nhân rộng; phần hiệu đính giá trị còn chưa thực sự cao cần thêm sự ủng hộ của các cố vấn chuyên môn. Tuy nhiên họ vẫn lạc quan khi nhận được sự ủng hộ của cộng đồng 2,5 triệu lượt người dùng. “Sự công nhận của cộng đồng chính là ‘vốn’ và kinh nghiệm để chúng tôi tiếp tục phát triển giai đoạn sau,” Bão cho biết với đội ngũ hiện có, giai đoạn tiếp theo của dự án là đào tạo kỹ năng cho nhân sự để hình thành mạng lưới tình nguyện y khoa đến nhiều vùng miền – địa phương.

Bão tham vọng đưa diễn đàn y khoa thành một hệ sinh thái với nhiều bác sĩ trẻ và sinh viên y dược tham gia ủng hộ, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao sức khỏe người Việt. Là bác sĩ – nghiên cứu sinh đòi hỏi chiều sâu kiến thức và chuyên tâm học tập nghiên cứu, trong khi hoạt động xã hội là bề mặt cộng đồng, hai yếu tố này phải cân bằng thế nào?

Theo Bão, học tập nghiên cứu hàn lâm và hoạt động xã hội dù rất khác nhau, nhưng đích đến đều là làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn. Sẽ không có ý nghĩa nếu chỉ học nâng cao kiến thức mà không thực hành, dù nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng thì đích đến đều để áp dụng thực tiễn, phục vụ bệnh nhân. Cũng sẽ không hiệu quả nếu chỉ phụng sự cộng đồng chỉ với tinh thần tình nguyện. Vì thế cần có con người và mô hình kết nối lý thuyết và thực tế.

Dự định cá nhân của Bão là hoàn thành chương trình tiến sĩ y khoa và đóng góp nhiều hơn nữa cho mảng nội khoa – nội tiết và đái tháo đường. “Tiếp tục phát triển sự nghiệp khoa học và giảng dạy, truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên y dược có khát vọng học tập, vươn lên và sống cống hiến, đồng thời với các nỗ lực hỗ trợ cộng đồng đều là những việc quan trọng tôi tiếp tục theo đuổi,” anh nói.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 102, tháng 12.2022, Danh sách Under 30 Forbes Việt Nam năm 2022