Forbes Việt Nam Under 30

Nguyễn Thủy Tiên, Forbes Việt Nam U30: Sứ mệnh “người được chọn”

Phỏng vấn: Khổng Loan
Biên tập: Tuyết Ân
Thiết kế: Thành Long
Hình ảnh: Duy Lê

Trong cuộc trò chuyện với Forbes Việt Nam, Nguyễn Thủy Tiên, thành viên 30 Under 30 năm 2016 của Forbes Việt Nam, giữ ánh mắt tươi tắn, thái độ điềm tĩnh với những diễn đạt thấu cảm nhiều hơn về cuộc sống. Từ năm 2015, Thủy Tiên tiếp tục sứ mệnh của Thương Sobey, người chị, một bệnh nhân ung thư và là người gieo hạt các hoạt động của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV). Bắt đầu từ tình yêu với chị mình, sự thấu hiểu về người bệnh ung thư và người thân của họ đối mặt, nhìn lại sau 10 năm đồng khởi xướng và điều hành, cô nói: “Tôi tin mình đã ‘được chọn’ để làm việc với cộng đồng bệnh nhân ung thư vú mỗi ngày với niềm say mê, nhiều cảm hứng và nhiều sự biết ơn.”

PV: Sáu năm kể từ khi Tiên vào danh sách Forbes Việt Nam U30 nhờ những hoạt động của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, đến nay hoạt động của mạng lưới này đã thay đổi như thế nào?

Thủy Tiên: Thay đổi rõ nhất có thể thấy là cộng đồng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn các hoạt động về ung thư vú. Mạng lưới chúng tôi cũng dần lớn hơn với gần 5.000 bệnh nhân ung thư vú cùng các bệnh ung thư khác tham gia, hai dự án lớn nhất đang thực hiện là thư viện tóc giảthư viện áo lót cho bệnh nhân ung thư vú cùng nhiều hoạt động kết nối khác. Số người tham gia hiến tóc đến nay đã lên hơn 28 ngàn và chúng tôi đã tặng khoảng 140 ngàn bộ tóc tới hơn 10 bệnh viện khắp Việt Nam. Thư viện áo lót cũng hỗ trợ cả ngàn người. Từ năm 2022, chúng tôi bắt đầu dự án tự sản xuất áo lót ở Việt Nam để hỗ trợ được nhiều người bệnh hơn.

PV: Trong năm năm tới, Tiên hình dung các hoạt động sẽ ở quy mô như thế nào?  

Thủy Tiên: Tôi học tập hình mẫu rất rõ là Mạng lưới ung thư vú Úc. Chính người sáng lập mạng lưới này đã truyền cảm hứng, chia sẻ rất nhiều kiến thức và thông tin giúp chúng tôi gây dựng tổ chức tương tự ở Việt Nam. Khi kỉ niệm 20 năm của tổ chức ở Úc cách nay hai năm, họ thông báo đã giúp hơn 20.000 người ung thư tại Úc. Đó cũng là con số để chúng tôi hướng tới.

PV: Với quy mô và nguồn lực như ở Việt Nam, liệu điều đó có quá tham vọng?

Thủy Tiên: Nếu so với Úc, đó là sự chênh lệch rất lớn. Họ có tòa nhà làm việc và đội ngũ hùng hậu, còn mạng lưới chúng tôi tại Việt Nam hiện có 8 người cùng các tình nguyện viên. Một chiến dịch nhỏ thôi chúng tôi cũng cần từ 50-100 tình nguyện viên. Mọi thứ chật vật nhưng chúng ta đều có quyền ước mơ để tìm cách biến chúng thành hiện thực.

PV: Từ khi chị của Tiên bị bệnh, rồi qua đời, đưa Tiên đến cộng đồng người ung thư vú, Tiên có nghĩ đó là vì định mệnh đã đưa mình đến với họ?

Thủy Tiên: Khi biết chị tôi mắc bệnh, có người anh đã viết thư cho tôi nói rằng chị Thương đã được trao sứ mệnh làm các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Tôi nhớ rất rõ cảm xúc của mình khi đọc, cho rằng đó là một anh chàng dở hơi và rất lý thuyết, đang vẽ sự thơ mộng cho một con người có số phận không may. Cảm xúc lúc đấy của tôi là tức giận khi có người nói những từ hoa mỹ giữa lúc tôi và gia đình đau buồn.

Nhưng về sau tôi nghiệm ra người anh đấy đã nói rất đúng, sau khi mình đã trải qua một hành trình đầy khó khăn. Các công việc đang làm đã mang lại cho tôi nguồn cảm hứng mỗi ngày, thấy mình may mắn vì đã có công việc giúp mình cảm thấy hạnh phúc và mang lại giá trị cho cộng đồng. Tôi đã lựa chọn và với tôi đó công việc đáng mơ ước. Tôi nghĩ đó là sứ mệnh gắn với hoàn cảnh.



PV: Một ngày hạnh phúc, hay một khoảnh khắc hạnh phúc vượt trội, một cuộc đời hạnh phúc, Tiên sẽ mô tả nó thế nào?

Thủy Tiên: Tôi có triết lý sống và thực hành mỗi ngày, đó là sống trọn vẹn từng giây phút. Mỗi giây phút đi qua, mỗi ngày làm được điều gì thực sự thấy vui và hạnh phúc, quan trọng nhất là đang thực sự sống cho chính mình, cho cuộc đời của mình, nhưng có thể mang ý nghĩa cho người khác nghĩa có niềm hạnh phúc lớn hơn.

PV: Công việc khiến Tiên biết tới nhiều hoàn cảnh đã cạn kiệt niềm hi vọng, những neo giữ cuối cùng để con người có thể cảm nhận được niềm vui sống. Điều đó thay đổi suy nghĩ của Tiên về cuộc đời như thế nào?

Tôi nhớ năm 2015 khi chị gái tôi qua đời và trước đó một năm tôi biết thời gian sống với chị không còn nhiều. Thời gian đó tôi tìm kiếm rất nhiều thông tin về cái chết, tôi đọc nhiều sách, xem nhiều phim và thậm chí đi phỏng vấn những người có người thân mất. Mỗi người cho tôi một trải nghiệm và cách chào đón khác nhau về những gì họ trải qua.

Nó giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về việc mình đang sống thông qua cái chết. Khi biết mình còn sống được bao nhiêu thì đó cũng là may mắn của kiếp người. Khi khỏe mạnh, ta không thể trả lời được câu hỏi liệu tôi sống được bao lâu, nhưng với người ung thư, bác sĩ có thể cho bạn câu trả lời. Nhiều người bệnh đã tận dụng khoảng thời gian còn lại một cách xuất sắc, dành thời gian sống cho cuộc đời của chính họ. Trải nghiệm đó giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về con người ở hai thái cực sống và chết.

PV: Trải nghiệm nào với bệnh nhân ung thư mà Tiên cảm thấy vô cùng quý giá với mình?

Thủy Tiên: Hành trình tôi đi qua có quá nhiều thứ đáng trân trọng, nhưng thứ nổi bật nhất là tôi chứng kiến khi họ trải qua bệnh tật, họ trân trọng mọi thứ, chứng kiến sự thay đổi rất ngoạn mục của họ. Họ bắt đầu biết sống vì mình, quan tâm tới mình hơn, trông đẹp hơn, chăm chút hơn, họ bắt đầu sắp xếp các khoảng thời gian cho bên ngoài, bên cạnh thời gian cho gia đình. Đối với tôi, đó là hành trình sống rực rỡ hơn bao giờ hết.

Câu chuyện của những người như thế đang truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp Việt Nam cho dù bạn còn đang rất khỏe mạnh. Với nhiều người theo đuổi giá trị vật chất, đó có thể là câu chuyện khiến họ nhìn lại chính mình. Bởi có thể họ đang theo đuổi một thứ không thuộc về giá trị chính của bản thân mà là những thứ xã hội, gia đình hay đối tác mong mỏi. Những câu chuyện tự sự từ những người bệnh là những bài học nhắc nhở cho mỗi người được sống thật.

PV: Quá trình đó giúp Tiên có sự chuyển hóa nhận thức như thế nào?

Thủy Tiên: Hành trình song hành cùng chị gái, phát triển mạng lưới Việt Nam cùng rất nhiều bệnh nhân ung thư và gia đình của họ cũng là quá trình chuyển hóa của chính cá nhân tôi.

Đầu tiên là vẻ bề ngoài của tôi cũng khác xưa. Tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc người khác đánh giá và nhìn nhận mình như thế nào.

Khi tôi cạo đầu trọc, tôi gặp rất nhiều định kiến. Ba mẹ tôi cũng rất khổ sở khi con gái để tóc như vậy. Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi thấm thấm nhuần tư tưởng Bắc bộ, thậm chí ba mẹ tôi còn được các bác trong làng nhắc nhở vì “con gái đầu tóc như vậy là không văn hóa.” Nhiều người cũng cho mình “không tử tế” khi làm việc cùng, cho thuê nhà hay thuê văn phòng. Có rất nhiều định kiến khiến mình không làm việc được với nhau, không giao tiếp được với nhau.

Điều này cho tôi trải nghiệm như những gì người bệnh ung thư gặp phải, họ nghe những định kiến và họ có thể vô tình bị gạt sang bên lề, cho tôi nghiệm ra tại sao cái nhìn của người khác khiến người bệnh ung thư mặc cảm, không muốn người khác biết mình đang bị tổn thương. Nó giúp tôi hiểu sâu hơn về cách để đi trên hành trình của mình, hỗ trợ cộng đồng ung thư vú.

Càng đi sâu thì tôi càng giúp tôi cởi bỏ nút thắt để hiểu về chính mình. Khi cởi bỏ những định kiến giúp tôi có thể chan hòa, chấp nhận bất kì sự khác biệt nào đối với mình, với cộng đồng của mình thì tôi bắt đầu những hoạt động hỗ trợ cách tốt hơn và có thể xây dựng những dự án một cách thiết thực hơn đối với những người cần.


Tại Việt Nam, mỗi năm, ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với gần 22.000 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong.


PV: Khi ở trong những hoàn cảnh mà cảm xúc được đẩy lên tới cùng cực, mình phải rất cẩn trọng khi muốn nói gì, hay làm gì để giảm bớt nỗi đau của người khác. Với Tiên, kim chỉ nam ở đây là gì?

Thủy Tiên: Tôi được gặp rất nhiều người đang cuối quãng đời của họ, và việc mà tôi trân quý nhất là sự hiện hữu của họ trong giây phút họ sống. Đối với tôi, sự có mặt của họ, tôi biết là họ đang ở đây, cùng với tôi. Đó là triết lý của Sư ông Làng Mai mà tôi hiểu điều đấy rất sâu sắc. Đôi khi món quà của bạn chỉ đơn giản là sự hiện diện của bạn đối với người đối diện, đó là sự hiện diện 100%, là khi bạn ở đây, bạn đang không cầm điện thoại để bạn tương tác với người thứ ba, thứ tư, mà tâm trí, cơ thể của bạn hoàn toàn ở đây dành cho người đối diện. Sự hiện diện của những người trước mặt tôi và tôi biết họ còn tồn tại và tôi vô cùng trân quý khoảnh khắc đó.

PV: Tiên vượt qua những thời điểm khó khăn như thế nào?

Thủy Tiên: Tôi từng nhiều lần bỏ cuộc. Lần bỏ cuộc rõ ràng, dứt khoát là tôi chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM, xem như câu trả lời là tôi không muốn làm công việc mà tôi và chị tôi đã bắt đầu. Đặc biệt sau khi chị tôi mất đi đã có khoảnh khắc tôi rơi vào trầm cảm, không biết làm gì tiếp theo, khoảng thời gian đó thực sự tăm tối theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng rồi tôi đã tự hỏi mình có muốn ngồi để mặc kệ không, hay làm gì với cuộc đời của mình? Sau thời gian khá dài, tôi bắt đầu quay lại công việc, tìm lại chính mình.

Đó cũng là khoảng thời gian tôi nghiên cứu nhiều về tâm lý học, giúp tôi hiểu thêm về giai đoạn tổn thương của những người phải chịu mất mát, tôi cũng hiểu hơn về cách hỗ trợ cho cộng đồng mắc ung thư. Tôi tìm đến những chuyên gia tâm lý, bắt đầu hiểu hơn về những tổn thương của mình và nhìn lại thì do mình bị “kiệt sức nghề nghiệp” (compassion fatigue). Nó giúp tôi nhận ra mình thiếu nhiều kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực đang làm, cách giải quyết những cảm xúc mình gặp phải. Chính tôi đã không nhận thức được vấn đề đó. Cho đến bây giờ khi nhận thức đầy đủ hơn và có kiến thức tổng quan hơn về công việc, tôi tìm cách hỗ trợ, xây dựng tổ chức của mình để không gặp phải vấn đề tương tự.

PV: Đâu là thách thức lớn nhất hiện nay mà Tiên đang tập trung giải quyết để phát triển tổ chức của mình?

Thủy Tiên: Thách thức lớn nhất đó là môi trường, bối cảnh xã hội còn rất nhiều bất cập cho những tổ chức phi lợi nhuận. Bối cảnh ở đây nếu nói cách hẹp hơn đó là nhận thức của mọi người chưa đủ về công việc hoạt động xã hội.

Mơ ước lớn nhất của tôi là có thể xây dựng được chương trình mang tầm quốc gia. Mặc dù chúng tôi đã trở thành thành viên của một số hiệp hội về giới, những nhóm về ASEAN hay chung về ung thư ở khu vực, thế nhưng ở bối cảnh trong nước thì đôi khi nó là câu chuyện buồn. Nhưng nó lại là một cái tiếp tục để mình mơ ước vì nó sẽ là con đường mà mình tiếp tục làm và trải nghiệm.

PV: Trở thành thành viên U30 do Forbes Việt Nam bình chọn năm 2016, với Tiên có những thay đổi nào đáng kể từ cột mốc này?

Thủy Tiên: 2016 là năm mà tôi dự định du học, việc vào danh sách với tôi là may mắn vì đã giúp cho việc xin học bổng dễ dàng hơn. Điều thứ hai là tôi thấy mình vô cùng may mắn, được gặp các bạn vô cùng tài năng ở các lĩnh vực, mỗi lần gặp các bạn cho mình thêm động lực tiến lên.

Điều thứ ba là nó giúp tôi nhìn thế giới rộng lớn hơn, vì các bạn đang xuất sắc trên quá nhiều lĩnh vực. Khi nhìn vào họ, mình không có lý do gì để nhìn lại phía sau hay nhìn vào điều tiêu cực. Thực tế tôi có rất nhiều người bạn, anh, chị đã hỗ trợ tôi rất nhiều cho công việc của mạng lưới.

PV: Tiên có kế hoạch cụ thể gì cho mạng lưới của mình trong vài năm tới?

Thủy Tiên: Chúng tôi có kế hoạch chuyển mình thành một doanh nghiệp xã hội, có thể tạo ra giá trị kinh tế và mang lại tác động cộng đồng cho xã hội. Chúng tôi đang rất cần nguồn lực từ các tổ chức kinh tế, xã hội, các ban ngành và cá nhân cũng như sự thấu hiểu về vai trò của một tổ chức như vậy tại Việt Nam.

PV: Tiên làm gì để khỏe hơn về tâm, thân, trí?

Thủy Tiên: Tôi tham gia rất nhiều hoạt động khác, như yoga, chạy bộ, các hoạt động thể thao khác cùng nhiều chương trình hỗ trợ, nâng đỡ các bạn trẻ. Cá nhân tôi đang có sở thích mới đó là học piano và viết thư pháp. Đó là những trải nghiệm cho chính mình, vừa là sở thích cá nhân vừa là có khả năng trị liệu rất cao.

PV: Có một quan niệm là thế hệ trẻ giờ đề cao cái tôi cũng như trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn là cần phải có thành công trong nghề nghiệp. Quan điểm của Tiên như thế nào?

Thủy Tiên: Tôi nghĩ là mỗi cuộc đời, mỗi con người chỉ chính họ mới biết điều gì quan trọng và tốt cho chính họ, vậy thì điều gì họ quan tâm và muốn làm cho cuộc đời thì cá nhân tôi hoàn toàn tôn trọng. Khi họ đã có quyết định cuộc đời mình thì điều quan trọng nhất đối với tôi là tôn trọng quyết định đó.

Forbes Việt Nam: Một lời chia sẻ với thế hệ sau của Tiên?

Các bạn hãy sống với đúng cuộc đời của chính mình, hãy trăn trở với những câu hỏi mà bản thân đang có và hãy đi theo trái tim mách bảo, bởi điều đó có thể điên khùng, rồ dại nhưng chỉ chính bạn mới biết được điều đó đúng hay không.

Forbes Việt Nam: Miêu tả bản thân Tiên trong 3 từ?

Điên rồ – Hoang dại – Giàu có (theo nghĩa rất giàu tình yêu, sự quan tâm của mọi người dành cho tôi).

Forbes Việt Nam: Cuốn sách vượt trội Tiên yêu thích nhất?

 “Không sinh, không diệt, đừng sợ hãi” của thầy Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách luôn nhắc nhở mình về triết lý sống, đó là mình đến từ đâu? Bản ngã mình có ý nghĩa gì? Nhắc nhở tôi sống trọn vẹn với cuộc đời mình đang sống.

Forbes Việt Nam: Ba giá trị vượt trội mà bạn tin tưởng và theo đuổi?

Yêu thương, Trách nhiệm, Minh bạch. Đây cũng là giá trị tôi xây dựng cho tổ chức.