Forbes Việt Nam Under 30

Forbes Việt Nam U30, Lương Thế Huy: “Bớt cô đơn một chút trong thế giới tám tỉ người”

Lương Thế Huy, thành viên U30 năm 2016, xuất hiện trong sự kiện “Đối thoại với tương lai” mới đây do Forbes Việt Nam tổ chức với vẻ chững chạc, nói năng khúc chiết và điềm đạm. Huy kể câu chuyện trong quá khứ đã từng có những hệ quy chiếu đối lập với phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp, thay vì đi theo lối mòn trở thành kỹ sư, luật sư, nhân viên văn phòng… nhưng chọn con đường trở thành nhà hoạt động xã hội. Huy nói: “Tôi tin nếu làm những công việc bố mẹ chúng ta vạch sẵn, sẽ dễ dàng hơn, an toàn hơn nhưng động lực đam mê vẫn khiến mọi người quyết định chọn hướng khác biệt, mới và đầy thách thức.”

Phỏng vấn: Tạ Hồng Phúc
Thiết kế: Thành Long
Hình ảnh: Duy Lê


PV: Điều gì đã khiến Huy theo đuổi công việc của một nhà hoạt động xã hội suốt 12 năm qua khi nó chưa bao giờ là mục tiêu nghề nghiệp?

Lương Thế Huy: Tôi thích được nghe, được nói về các vấn đề về xã hội từ năm cấp ba dù nghĩ sau này sẽ làm trong các cơ quan nhà nước hay các công ty tư nhân chứ không có ý niệm về công việc hoạt động xã hội.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM năm 2010, người quen mời tôi vào làm việc tại một tổ chức về hoạt động xã hội. Khi ấy tôi tưởng làm hoạt động xã hội giống như hoạt động tình nguyện. Nhưng đó là một thế giới mới mà ở đó tôi học được rất nhiều thứ.

Tất cả những điều tôi có ngày hôm nay đều do công việc hoạt động xã hội mang lại. Tôi phát hiện ra rằng, công việc xã hội cho tôi một cái “vốn” mà “vốn” này không phải là tiền bạc. Nó là những giá trị mà tôi có thể dùng được suốt cả cuộc đời dù tôi đi đâu, gặp ai, ở trong hoàn cảnh nào bởi nó luôn giúp tôi hiểu rõ mình là ai và mình muốn gì.

PV: Phần “vốn” mà Huy nhắc đến cụ thể là gì?

Lương Thế Huy: Có những người nghĩ tôi hi sinh khi làm hoạt động xã hội. Tôi muốn đính chính là khi làm công việc mà thật sự là lựa chọn của mình, hài lòng với nó thì đối với tôi đó không phải là hy sinh.

Công việc xã hội mang lại rất nhiều thứ cho tôi. Cái “vốn” có thể dùng cả đời mà tôi nói, thứ nhất, chính là giá trị mà tôi tin vào bản thân.

Bạn có thể trở thành chuyên gia, thành công trong lĩnh vực nào đấy, nhưng điều quan trọng là phải hạnh phúc với công việc đấy, với giá trị mà công việc đó tạo ra cho xã hội. Thứ hai là liệu mình có phải là con người mà mình thật sự muốn trở thành hay không?

PV: Hạnh phúc trong công việc và khi được trở thành con người mà mình muốn của Huy nghĩa là gì?

Lương Thế Huy: Hạnh phúc của tôi là khi thấy những người khác cảm thấy dễ thở hơn, có niềm tin hơn một chút. Mỗi người một chút như vậy thì sự hạnh phúc của xã hội sẽ tăng lên. Khi được sống trong một xã hội mà ngày càng có nhiều người chia sẻ những cái giá trị chung với mình, như giá trị về tự do, bình đẳng, tất cả sẽ cảm thấy an toàn, bớt cô đơn hơn.

Dân số thế giới đã hơn tám tỉ người nhưng tôi nghĩ để cảm thấy mình không bị cô đơn trong cuộc sống này cũng rất khó. Công việc xã hội đã mang lại cho tôi cảm giác không cô đơn và tôi hạnh phúc vì điều đó.

Tôi tin rằng xã hội nên đa dạng vì có vẻ đẹp riêng của nó. Chúng ta sẽ học được từ sự khác biệt nhiều hơn từ sự giống nhau. Sự giống nhau có thể giúp đi nhanh hơn nhưng để mọi người có thể đi cùng nhau lâu dài thì phải tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Con người sinh ra không ai giống ai và có xu hướng ở gần những người giống mình. Trong một thời gian rất dài, cả xã hội đều tin rằng cái sự giống nhau thì tốt cho xã hội, mà nó thường được gọi với những cái tên như hài hòa, thống nhất.

Nhưng sự thuận tiện của số đông sẽ là sự bất công của số ít. Tôi tin vào tính đa dạng của sự khác biệt. Khi ngày càng nhiều người cùng tin giống mình, tôi bớt cô đơn hơn.

PV: Cộng đồng của Huy có đang cảm thấy sự cô đơn này?

Lương Thế Huy: Vẫn còn nhiều người trong cộng đồng cảm thấy không an toàn vì xã hội vẫn chưa chấp nhận sự thể hiện khác biệt. Chúng ta muốn đơn giản hóa mọi việc bằng cách khiến mọi người hành xử giống nhau nhưng cách đó lại làm phức tạp hơn những những vấn đề về bạo lực hay phân biệt đối xử.

Vẫn còn những cá nhân phải che giấu, không dám tiết lộ về bản thân vì cảm thấy không an toàn. Thông qua công việc hoạt động xã hội, không phải chỉ đấu tranh cho bản thân của mình, mà là cho những người không thể lên tiếng được, kể cả những người tôi chưa gặp nhưng tôi biết, hằng ngày họ đang phải vật lộn với sự định kiến.

Lương Thế Huy (ngoài cùng bên trái) tại sự kiện công bố Chiến dịch Tôi đồng ý vừa được tổ chức tháng 8.2022 (Nguồn: NVCC).

PV: Cái khó khi làm công việc xã hội là gì?

Lương Thế Huy: Là phải thay đổi nhận thức, thói quen của số đông. Người ta sẽ phải thay đổi những thứ mà họ đã tin hoặc đã không đặt câu hỏi chất vấn nó từ rất lâu.

Ví dụ dọc vỉa hè hay lối vào các tòa nhà cần có lối tiếp cận với người khuyết tật nhưng chúng ta hay bỏ quên điều đấy, vì nghĩ rằng, nếu thêm lối tiếp cận thì tốn thêm chi phí hoặc bất tiện với những người hằng ngày vẫn đi.

Nếu có ý nghĩ rằng người khuyết tật là gánh nặng của xã hội thì thực ra là do chúng ta không hiểu rằng họ cũng là một nguồn lực xã hội và xứng đáng có cơ hội bình đẳng để đóng góp.

Cộng đồng LGBT vẫn sống rất tốt, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Nhưng tôi muốn thách thức cách nghĩ của mọi người một chút, rằng liệu chúng ta có cần phải “sống tốt” để được thừa nhận là một người bình đẳng như những người khác hay không? Bởi có những khía cạnh, những quyền công dân mà đơn giản bạn là công dân thì đã được hưởng rồi.

Không chỉ ở Việt Nam mà nhìn xuyên suốt lịch sử nhiều nước, những nhóm thiểu số luôn phải lên tiếng. Có một câu tục ngữ vừa hài hước và mạnh mẽ mà tôi rất tâm đắc là “con có khóc mẹ mới cho bú.”

Đứa trẻ từ lúc nhỏ đã lên tiếng khi nó có nhu cầu của mình vậy tại sao một người lớn, một công dân lại không thể?

Lại có quan điểm cho rằng, một xã hội hài hòa là chỉ có nhóm số đông lên tiếng, còn nhóm thiểu số nào cũng lên tiếng thì xã hội có quá nhiều thứ để giải quyết.

Thực ra không phải vậy. Nguồn lực xã hội vẫn rất là dồi dào. Chúng ta có thể giải quyết nhiều thứ cùng một lúc, miễn là mỗi người làm đúng công việc của mình. Tiến bộ xã hội không xảy ra nhờ sự im lặng, mà nhờ sự lên tiếng.

PV: Sự thay đổi, chấp nhận sự khác biệt nếu xảy ra sẽ đến từ lý trí hay con tim?

Lương Thế Huy: Trong hoạt động xã hội, người ta hay nói về những thứ “nằm trên cổ” như lí trí, logic, thông tin nhưng thứ khiến người ta thực sự cảm nhận và hành động lại nằm ngay “ở dưới cổ”, chính là trái tim, cảm xúc, câu chuyện về con người.

Đây là kinh nghiệm của tôi khi vận động chính sách về vấn đề hôn nhân cùng giới năm 2013 hay vấn đề về người chuyển giới năm 2015.

Trong một hội thảo với đại biểu quốc hội, phần đầu, tôi đứng lên trình bày các số liệu, nghiên cứu. Phần sau, tôi mời những người trong cộng đồng, mà ở đây là người chuyển giới, người đồng tính đứng lên chia sẻ câu chuyện của họ.

Có một bạn kể rằng bạn ấy vừa đi Thái Lan phẫu thuật về và đang ở Quảng Ngãi để hồi phục nhưng khi nghe có hội thảo ấy, bạn bắt tàu lên Hà Nội để tham dự và xin được phép ngồi.

Chính câu chuyện cá nhân, sự hiện diện của bạn ấy tại lúc đó, ngay trước mặt những người có thẩm quyền đã tác động thẳng vào con tim chứ không phải những thông tin trong đầu óc.

Cuối buổi đó, vị đại biểu quốc hội nói ông ấy nói sẽ phát biểu về vấn đề này trước nghị trường. Khi nghe câu nói đó, tôi hiểu rằng cộng đồng đã có thêm người ủng hộ. Dù kết quả như thế nào thì tiếng nói của những người trong căn phòng đó sẽ có thể đi xa hơn.




Sinh năm 1988, tốt nghiệp đại học Luật TP.HCM, sau khi ra trường năm 2010, Huy làm việc cho các tổ chức chuyên nghiên cứu, tổ chức các hoạt động phong trào nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng LGBT. Sau đó, Huy chuyển công tác sang iSEE, tập trung vận động chính sách liên quan đến LGBT.

Cách đây 7 năm, trước tòa nhà Quốc hội, hòa trong nhóm người LGBT, Huy giương cao tấm bảng có dòng chữ CÁM ƠN khi đoàn xe quốc hội đi ngang. Đó là lần đầu tiên luật Việt Nam thừa nhận quyền cơ bản được là chính mình của những người chuyển giới.

PV: Huy dự định khi nào sẽ làm công việc mà mình được đào tạo, như trở thành luật sư?

Lương Thế Huy: Khi mới tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM, tôi nói với người tuyển mình rằng chỉ làm công việc này hai năm rồi quay lại với nghề tư vấn luật hoặc tranh tụng, vì đó là đam mê của mình.

Công việc cứ cuốn đi và khi hết hai năm, tôi hiểu rằng công việc không thể kết thúc ở đây được, vẫn còn nhiều thứ cần làm và tôi cũng muốn làm tiếp. Nên kể cả sau khi đi học thạc sĩ ngành Luật và tính dục tại trường luật Đại học UCLA, tôi vẫn tiếp tục công việc này và đến bây giờ đã là mười hai năm.

Tôi chưa nghĩ hành trình có thể dừng lại ở thời điểm này. Không phải tất cả mọi người đều đủ điều kiện làm công việc xã hội. Nhiều người thích làm công việc này nhưng họ phải ưu tiên nhiều nhu cầu khác hơn.

Một trong những nhiệm vụ tôi tự trao cho bản thân là làm sao khuyến khích các bạn trẻ tham gia nhiều hơn vào công việc xã hội, cũng như thảo luận những vấn đề mà trước giờ các bạn nghĩ rằng nó không liên quan đến mình hoặc không có khả năng tạo ra những tác động tích cực cho xã hội.

PV: Các bạn trẻ hiện nay có thể tham gia vào hoạt động xã hội bằng cách nào?

Lương Thế Huy: Ở Việt Nam chưa có ngành đào tạo chính thức về hoạt động xã hội mà chỉ có ngành công tác xã hội. Những kiến thức về luật mà tôi học được ở trong trường không thể áp dụng tất cả vào công việc nhưng tư duy về luật lại rất hữu ích trong hoạt động xã hội.

Dù bạn học bất kì ngành nào, nó đều có thể giúp ích nếu muốn bắt đầu công việc xã hội. Tìm một người đi trước, đang làm công việc đó để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm cũng không phải là tất cả mà chỉ là thứ cần nếu bạn muốn làm theo cách cũ, còn hoạt động xã hội lại luôn rất mới.

Nếu xem nó là một ngành nghề, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu từ khi còn là sinh viên. Tinh thần tình nguyện rất quan trọng. Đấy là hạt mầm của mọi mọi cá nhân muốn tham gia hoạt động xã hội. Hạt mầm này bạn có thể gieo nó từ khi còn học cấp 1, bắt đầu với hoạt động thiện nguyện, hoạt động giảm nghèo, phúc lợi động vật…

Đó là những cái dễ tiếp cận và có nhiều cơ hội sẵn có. Sau đó khi đã có kiến thức được đào tạo bài bản, nó sẽ giúp bạn tìm được cái chìa khoá xem đâu là lối vào phù hợp nhất.

Có thể cần vài thế hệ sau thì cộng đồng LGBT mới có được những thứ mà tôi nói đến bây giờ về bình đẳng, tự do. Nhưng nếu không bắt đầu, sẽ không kết thúc được. Khi làm công việc này, tôi nghĩ đó là tầm nhìn của vài thế hệ. Lịch sử là những thứ đang được viết, trong đó có cả những hoạt động xã hội. Đã bắt đầu có nhiều người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam là nghĩ đến một thế hệ, một xã hội cởi mở hơn với những sự khác biệt đa dạng về giới tính, về cộng đồng LGBT.

PV: Quay lại cuộc sống cá nhân ban đầu Huy, nếu không tham gia hoạt động xã hội, Huy có công khai những chuyện cá nhân?

Lương Thế Huy: Tôi sẽ không “come out” theo kiểu trên báo chí, truyền thông mà có thể chỉ công khai với gia đình và bạn bè.

Lương Thế Huy (thứ hai từ trái sang) tại Under 30 Summit 2016 do Forbes Việt Nam tổ chức (Nguồn: NVCC).

PV: Huy gặp định kiến và vượt qua như thế nào?

Lương Thế Huy: Sự định kiến cũng chạm đến tôi nhưng nó không gây quá nhiều ảnh hưởng, phần vì ngưỡng chịu đựng của mình khá cao và chỉ có được khi tôi ý thức được giá trị bản thân. Nhưng tôi biết, sự định kiến chạm đến nhiều người và nó gây đau cho họ rất nhiều.

Khi một người muốn làm đau mình, họ sẽ khiến mình cảm thấy mình là một người không có giá trị. Nhưng nếu nhận thức được thứ họ nói về mình không phải là mình, ngưỡng chịu đau sẽ được nâng lên và ít bị tác động từ nó hơn.

PV: Cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của Huy thay đổi như thế nào sau khi vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2016?

Lương Thế Huy: Trước đây, tôi chưa từng nghĩ mình và Forbes là hai danh từ có thể đi chung với nhau được, vì Forbes thiên về khía cạnh kinh doanh. Nhưng từ khi biết Forbes cũng quan tâm đến những vấn đề về xã hội, tạo ra những tác động tích cực, tôi không ngần ngại trở thành một thành viên của Forbes.

Ở trong nhóm những bạn bè ở cùng độ tuổi, đang làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã mang lại nhiều cảm hứng và mở rộng thế giới quan của tôi.

Tôi thích sự khác biệt nên cũng mang đến cái sự khác biệt. Khi tham gia vào trong nhóm, tôi hay đóng vai trò làm “cảnh sát giới tính”, tức là khi mà mọi người nói hay có những thể hiện có vấn đề thì mình có những trao đổi một cách tích cực.

Tôi không từ chối các danh hiệu, cố gắng tận dụng nó một cách tốt nhất để tạo tác động tích cực đến cộng đồng nhưng tôi cố gắng không để danh hiệu đó lớn hơn bản thân.

Khi nhiều người mời tôi tham gia các chương trình, họ thường quan tâm đến những cái danh hiệu mà mình có. Trong khi, tôi luôn muốn họ quan tâm đến những thứ mình làm hơn là những cái danh hiệu trong quá khứ. Danh hiệu có chức năng của nó và làm sao để cân bằng cũng là một thách thức thú vị.