multi-media / Megastory

Startup Luup phát triển mô hình micromobility tại Nhật Bản

Luup, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Tokyo đặt mục tiêu mang đến giải pháp đi lại thuận tiện hơn nữa cho người dân Nhật Bản.

Một thành phố lý tưởng theo Daiki Okai, nhà sáng lập và CEO của Luup, là nơi mọi trạm xăng, tòa nhà văn phòng và bãi đậu xe kết nối với nhau. Ở đó, mọi người không cần phải mất nửa giờ đồng hồ để đi bộ đến các nhà ga xe lửa.

Trả lời Forbes trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến, Daiki Okai (29 tuổi) cho biết mục tiêu của Luup là “phát triển loại hình di chuyển chặng đầu và chặng cuối, kiến tạo nên tương lai nơi mọi người có thể đi lại thuận tiện.” Sau khi tốt nghiệp đại học Tokyo, anh bắt đầu suy nghĩ về cách giúp các chuyên viên chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi dễ dàng đến chỗ của người bệnh, nhất là những nơi mất nhiều thời gian để di chuyển tới nhà ga xe lửa. Chính ý tưởng này đã dẫn đến sự ra đời của Luup, công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê xe scooter điện, xe đạp điện và những phương tiện vận hành bằng điện khác.

Thành lập vào năm 2018 với trụ sở đặt tại Tokyo, Luup, từng lọt vào danh sách Forbes Asia 100 to Watch năm 2022, đã vươn mình trở thành một trong những cái tên hàng đầu Nhật Bản về micromobility – loại hình chia sẻ những phương tiện có kích thước nhỏ. Theo công bố của Luup, công ty hiện có 10.000 chiếc xe đạp điện và xe scooter điện tại 6 thành phố của Nhật Bản, nắm giữ hơn 90% thị phần thị trường dịch vụ xe scooter điện công cộng ở quốc gia này.

Thông qua ứng dụng của Luup, công ty cho biết có hơn 1 triệu lượt tải về, người dùng có thể tìm thấy trạm xe gần nhất và thuê xe đạp, hoặc scooter điện với giá thuê mỗi chiếc 15 yên (0,11 đô la Mỹ)/phút, tương đương với 7 đô la Mỹ/giờ. Daiki Okai cho biết độ phủ rộng khắp của hệ thống trạm xe giúp Luup trở thành dịch vụ lý tưởng cho việc đi lại từ chặng đầu đến chặng cuối, khi người dùng còn có thể thuê xe để di chuyển trong lộ trình ngắn.

Ví dụ, người dùng chỉ cần 5 phút đi bộ từ nhà đến trạm xe của Luup gần đó, sau đó dùng xe scooter điện cho quãng đường còn lại thay vì mất 20 phút để đi đến nhà ga xe lửa gần nhất.

Việc có trạm xe cũng là điểm khác biệt của Luup so với các startup tại Mỹ như Bird, công ty đặt trụ sở tại Los Angeles và Lime có trụ sở tại San Francisco, khi người dùng có thể thuê và trả xe ở bất kỳ địa điểm nào.

Tuy mang lại tiện ích to lớn, song mô hình chia sẻ phương tiện này cũng tiềm ẩn rủi ro về hư hỏng hoặc tình trạng ăn cắp. Theo số liệu thống kê từ sở cảnh sát thành phố Los Angeles (L.A.P.D), nơi đây đã ghi nhận số vụ ăn cắp xe scooter điện tăng gấp đôi trong năm 2022, mặc dù phần lớn trong số đó là tài sản cá nhân.

Dẫu vậy, giám đốc tài chính (CFO) của Luup Satoshi Mukoyama cho rằng đó không phải là vấn đề tại Nhật Bản. “Tôi không muốn tỏ ra mình quá yêu nước, nhưng người dân Nhật Bản nói chung có nhận thức cao và không suy nghĩ đến việc ăn cắp thứ gì đó trên đường phố,” anh cho biết.

Dịch vụ thuê xe của Luup có mức phí 7 đô la Mỹ cho một giờ đồng hồ sử dụng. Ảnh: Luup

Vào tháng 4.2023, Luup đã huy động thành công 4,5 tỉ yên (33,5 triệu đô la Mỹ) từ các nhà đầu tư hiện hữu gồm ANRI, SMBC Venture Capital trực thuộc Sumitomo Mitsui Financial và Spiral Capital – quỹ đầu tư mạo hiểm do cựu giám đốc công ty tư vấn McKinsey & Company (McKinsey & Co.) Nhật Bản Masao Hirano điều hành, nâng tổng số vốn công ty nhận được lên 9,1 tỉ yên (67 triệu đô la Mỹ).

Vòng gọi vốn này còn có sự tham gia từ nhóm nhà đầu tư mới gồm GMO Internet Group và Mitsubishi UFJ Trust and Banking Corporation, quỹ đầu tư trực thuộc ngân hàng lớn nhất Nhật Bản tính theo giá trị tài sản Mitsubishi UFJ Financial Group. Luup từ chối chia sẻ với Forbes về mức định giá sau vòng gọi vốn trên, song cho biết công ty kỳ vọng sẽ có lãi trong vòng 2 năm tới.

“Luup là công ty hiếm hoi thực sự muốn tạo ra một hạ tầng xã hội. Dịch vụ của Luup trở nên phổ biến và được người dùng lựa chọn cho nhu cầu đi lại hằng ngày, giúp công ty trở thành cái tên dẫn đầu thị trường micromobility,” Takashi Chiba, giám đốc của Spiral Capital, cho biết trong thông cáo báo chí về khoản đầu tư vào Luup.

Quá trình mở rộng quy mô của Luup có sức bật từ quyết định đổi mới quy định về xe scooter điện của Nhật Bản. Theo các quy định sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 7.2023, Okai cho biết những người từ 16 tuổi trở lên không cần phải có bằng lái xe hoặc đội mũ bảo hiểm, từ đó phổ biến hơn nữa loại hình xe scooter điện. Luup có kế hoạch sử dụng vốn đầu tư mới để mở rộng sang các thành phố lớn khác tại Nhật Bản trong năm 2023 và nâng gấp ba lần số lượng trạm xe hiện nay lên 10.000 điểm vào năm 2025.

Theo báo cáo của McKinsey công bố hồi tháng 8.2022, kể từ năm 2018, châu Á đã mở ra cơ hội cho dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực micromobility, theo sau hai khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu. Một báo cáo phân tích riêng đưa ra, quy mô của thị trường micromobility toàn cầu hiện vào khoảng 180 tỉ đô la Mỹ và được dự báo đạt mốc 440 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.

Nhưng không phải hình thức micromobility nào cũng được công nhận. Cho đến tận năm 2020, bộ luật giao thông của Nhật Bản khi đó vẫn chưa công nhận loại hình xe scooter điện và Luup đối mặt với sức ép cạnh tranh từ những công ty mới nổi khác.

Nhóm này gồm Hello Mobility của OpenStreet, cung cấp xe moped (xe đạp máy) và xe cân bằng điện có hậu thuẫn tài chính từ tập đoàn SoftBank và công ty khởi nghiệp từ Hàn Quốc Swing, chính thức hoạt động tại thị trường Nhật Bản từ tháng 7.2022 sau khi chốt vòng gọi vốn Series B trị giá 24 triệu đô la Mỹ.

“Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực micromobility đã nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh, và không gặp quá nhiều áp lực về việc tạo ra lợi nhuận. Thách thức nằm ở việc hiểu rõ hơn nữa hoạt động và từ đó chứng minh rằng lĩnh vực này có thể tăng trưởng ổn định trong dài hạn,” Kersten Heineke, giám đốc sinh sống và làm việc tại Frankfurt, Đức của McKinsey & Co. và đứng đầu McKinsey Center for Future Mobility (MCFM), nhận định.

Video giới thiệu về Luup. Nguồn: https://luup.sc/.

Trong thời gian tới, Daiki Okai định hướng Luup trở thành công ty cung cấp nhiều loại hình di chuyển khác nhau, bao gồm cả phương tiện dành cho nhóm người cao tuổi và người khuyết tật. Đội ngũ tại Luup đang nghiên cứu, đánh giá những giải pháp nêu trên, kể cả tính năng vận hành tự động. Một trong những thiết kế đầy hứa hẹn của Luup là mẫu xe scooter điện bốn bánh, một chỗ ngồi có tốc độ vận hành tối đa thấp hơn so với những mẫu scooter điện hiện hành.

“Mô hình micromobility chỉ là bước đi đầu tiên để chạm tới mục tiêu chúng tôi đề ra. Có rất nhiều dịch vụ có thể dựa trên mạng lưới sẵn có, bất kỳ điều gì có thể góp phần giải quyết vấn đề trong cuộc sống thường ngày của mọi người,” Daiki Okai cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn