multi-media / Megastory

Andrew Forrest thuyết phục thế giới tin rằng hydro xanh lá là nhiên liệu sạch của tương lai

Andrew Forrest đi khắp thế giới, cố gắng thuyết phục các lãnh đạo trong ngành và các chính trị gia, cùng những người lao động có trình độ cao để họ tin rằng, bất chấp quá khứ từng gây ô nhiễm của mình, ông vẫn là người ủng hộ tuyệt đối với việc hydro xanh lá sẽ là nhiên liệu sạch của tương lai.

“Tôi tin rằng nhà máy nhiệt điện than này có tương lai to lớn,” tỉ phú khai khoáng người Úc nói. Sự hoài nghi của công nhân không phải là điều vô lý. Chỉ vài tuần trước đó, họ biết rằng nhà máy của họ sẽ là nơi đóng cửa muộn nhất, tiếp nối hàng loạt hoạt động đóng cửa các nhà máy khác trên khắp thủ phủ than đá này.

Thông điệp của Forrest nhiệt tình, đi ngược xu hướng và vô cùng khó tin. Tại Tây Virginia, khu vực sản xuất than lớn thứ hai ở Hoa Kỳ, Forrest nói với các công nhân rằng 22 trong số 26 nhà máy chạy bằng than của bang có thể được chuyển đổi thành các nhà máy hydro xanh lá.

Ông bảo họ hãy nói với gia đình và bạn bè của mình như thế. Sản xuất hydro không phát thải sẽ cần thợ đun sôi, thợ mộc và thợ hàn ở ngay tại nhà máy. Và không chỉ họ, mà cả con cháu của họ, những người sẽ giúp cung cấp năng lượng cho nước Mỹ bằng nguồn năng lượng mới không phát thải gì ngoài hơi nước.

Forrest, người đàn ông giàu nhất nước Úc, đối mặt với sự hoài nghi ở Hoa Kỳ vì nhân vật chủ chốt này của ngành công nghiệp kim loại (ngành góp phần tạo ra khí thải carbon của hành tinh) có vẻ đang là nhà truyền giáo bất thường cho năng lượng xanh lá. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa tầm nhìn của ông vẫn chưa tồn tại.

Forrest vẫn chưa sản xuất một phân tử hydro nào và một loạt các thông báo rầm rộ gần đây không mang lại hợp đồng cho công ty. Hai trong số các tỉ phú nổi tiếng khác trong ngành đã tỏ ra hoài nghi về hydro và không ai trong số họ từng cố gắng sản xuất hydro ở quy mô mà Forrest hình dung.

Dẫu vậy, Goldman Sachs ước tính hydro xanh lá sẽ là ngành công nghiệp 12 ngàn tỉ đô la Mỹ vào năm 2050. Bất chấp sự phản đối, Forrest trở thành người ủng hộ lớn nhất thế giới và là người chịu khó đi nhiều nơi nhất để đưa ra các đề xuất về hydro xanh lá, và cho biết ông đang chuẩn bị sản xuất thương mại vào năm 2024.

“Đây là CEO của một công ty từ Úc đi máy bay tư nhân tới Tây Virginia,” Jay Powell, chủ tịch Pleasants County Commission, người cùng Forrest đến thăm nhà máy, giới thiệu. “Việc ông ấy muốn tận dụng hiệu quả thứ gì đó mà chúng tôi có ở đây hiển nhiên là điều khiến tôi và những người khác trong cộng đồng của chúng tôi phấn khích đến độ nổi da gà.”

Những tham vọng lớn lao như vậy và thách thức trong việc gây dựng ngành công nghiệp ngay từ đầu khiến một số người nghi ngờ, liệu Forrest có đang gắng sức quá mức hay không.


Ngồi trong phòng khách sang trọng tại biệt thự bên bờ biển của mình ở Perth, cách nhà máy than hơn 17 ngàn km, Forrest, người xây dựng công ty quặng sắt lớn thứ tư thế giới, Fortescue Metals Group, nói với Forbes rằng những nơi như Tây Virginia đã chín muồi cho cuộc cách mạng hydro xanh lá của mình. Ông nói: “Thật hoang đường khi nghĩ công nhân trung thành với than đá. Mọi người trung thành với công việc.”

Để thúc đẩy liên doanh hydro Fortescue Future Industries (FFI) của mình, năm ngoái Forrest đã gặp tổng thống Joe Biden, chủ tịch ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Anh Boris Johnson, cùng các lãnh đạo khác trên thế giới.

Chuyến đi vòng quanh thế giới của ông mang lại hơn mười cam kết không ràng buộc, bao gồm một thỏa thuận với Airbus để nghiên cứu cách chế tạo máy bay chạy bằng hydro và kế hoạch gửi năm triệu tấn hydro xanh lá đến Đức vào năm 2030 – đạt khoảng 30% nhu cầu của nước này để thay thế sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. FFI cũng đang đàm phán để xây dựng nhà máy hydro xanh lá ở Kenya.

FFI đóng góp 10% lợi nhuận hằng năm của Fortescue (đạt gần một tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái.) Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, FFI đã chế tạo xe tải và giàn khoan chạy bằng hydro trong thời gian kỷ lục và dự kiến sẽ tung ra thị trường đầu máy và tàu thủy được cung cấp năng lượng tương tự vào năm sau. Một số mỏ của Fortescue hiện chủ yếu vận hành bằng năng lượng mặt trời và FFI đang chi 83 triệu đô la Mỹ để xây dựng cơ sở sản xuất máy điện phân riêng, loại máy chiết xuất hydro từ nước.

Những tham vọng lớn lao như vậy và thách thức trong việc gây dựng ngành công nghiệp ngay từ đầu khiến một số người nghi ngờ, liệu Forrest có đang gắng sức quá mức hay không. Mike Cannon–Brookes, tỉ phú người Úc và là đồng CEO của doanh nghiệp khổng lồ phần mềm Atlassian, từng hợp tác với Forrest trong dự án liên doanh đưa năng lượng mặt trời đến châu Á, cho biết: “Đó là điều chúng tôi thích ở ông ấy. Lời của ông ấy nửa táo bạo, nửa tào lao và một ít trong đó sẽ thành hiện thực. Sau 20 năm nữa chúng ta sẽ biết được.”

Cũng có rất nhiều người cho rằng hydro không đem lại hiệu quả về mặt năng lượng. Nghiên cứu của MIT cho thấy, hydro xanh lá có hiệu suất khứ hồi từ 18–46% khi so sánh với dòng pin được sử dụng trên ô tô có tỉ lệ hiệu suất từ 60–80%.

Một tỉ phú khác, Elon Musk, người giàu nhất thế giới, vừa khẳng định lại ngôi vị lâu năm của mình vào tháng trước, nói rằng khi xét đến số năng lượng cần thiết để sản xuất hydro, ông thấy “để lưu trữ năng lượng thì hydro là thứ ngu ngốc nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra.”

Có lập luận nhận định việc sản xuất hydro được xây dựng trên cơ sở kinh tế học phi lý. David Leitch, nhà phân tích năng lượng của ITK Services tại Sydney, cho biết với mức giá phải chăng của các nguồn tài nguyên khác như khí đốt, hydro sẽ không thực sự có giá trị thị trường trừ phi chính phủ trợ cấp và đầu tư. Có thể nhìn vào trường hợp của Úc, cho đến nay chính phủ nước này tỏ ra rất ít quan tâm đến việc trợ cấp nghiêm túc cho hydro xanh lá.

Forrest phớt lờ và nhắc đến than. Than ở Hoa Kỳ cũng kém hiệu quả – chỉ đạt hiệu quả khoảng 33% sau khi được chuyển đổi trở lại thành điện. Đây cũng là một trong những ngành được trợ cấp nhiều nhất trên thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã nhận được 5,9 ngàn tỉ đô la Mỹ trợ cấp trên toàn thế giới vào năm 2020.

Đối với sự say mê của Musk dành cho pin, Forrest cho rằng tỉ phú Tesla phụ thuộc vào thứ có tuổi thọ hữu hạn, với số lượng hữu hạn. Forrest chia sẻ: “Chúng ta có cuộc sống vô hạn và nguồn cung cấp hydro vô hạn.”

Để thêm phần thuyết phục, Forrest đang tìm kiếm người mua lại từ Hoa Kỳ và vào thời điểm ông rời khỏi Pleasants Power Station, các công nhân không phải là những người hoài nghi duy nhất mà Forrest thuyết phục thành công. Ngày hôm đó, ông đã gặp thượng nghị sĩ Joe Manchin (đảng Dân chủ), người kiên quyết bảo vệ ngành than và là trợ thủ đắc lực nhất trong kế hoạch của tổng thống Biden nhằm đưa nước Mỹ đến một tương lai xanh. “Các khoản đầu tư của Forrest vào hydro và các công nghệ năng lượng sạch khác có khả năng tạo ra biến đổi ở Úc, Hoa Kỳ và trên toàn thế giới,” người phát ngôn của Manchin, Sam Runyon, cho biết trong một tuyên bố.

Một ngày sau khi đến thăm Tây Virginia, Forrest gặp ông Biden trong 45 phút, và cho biết tổng thống thấy hài lòng rằng “đây là tương lai cho Bắc Mỹ.” Nhà Trắng không trả lời yêu cầu bình luận.

Forrest hoạt động rầm rộ ở Úc trong nhiều thập niên qua. Nổi tiếng với biệt danh “Twiggy,” cách chơi chữ theo tên gia đình của ông và thực tế ông cũng là đứa trẻ gầy gò, Forrest sử dụng tài sản khổng lồ của mình từ khai khoáng (theo Forbes ước tính 18 tỉ đô la Mỹ), để trở thành nhà từ thiện tích cực nhất đất nước. Hình ảnh ông tạo dựng trước công chúng là người đàn ông rặt Úc, thường xuất hiện trong các bức ảnh báo chí với bộ vest sáng chói và nói chuyện với những người thợ mỏ.

Với khả năng thay đổi trạng thái khuôn mặt trong chớp mắt, Forrest nói với Forbes rằng FFI là minh chứng cho nỗ lực mang lại điều tốt hơn khi ông từ giã cõi đời. “Tôi không phải là người có suy nghĩ ‘Tốt rồi, mình đã đạt được mọi thứ, giờ mình sẽ ra khơi chơi quần vợt trên boong sau của du thuyền,’” ông chia sẻ. “Tôi chỉ muốn sống cuộc đời có ích.”

Cách khu phức hợp bên bờ biển của Forrest vài kilomet, những tòa nhà chọc trời cao nhất tại Perth mang tên những công ty khai khoáng khổng lồ trên thế giới: Rio Tinto, BHP và Woodside. Chính tại đây, Forrest đã khởi đầu sự nghiệp của ông lớn ngành khai khoáng. Là hậu duệ của thống đốc đầu tiên của Tây Úc, cái tên Forrest có mặt khắp vùng, trên các biển báo đường phố, khu phố và công viên quốc gia.

Lớn lên, Forrest dành nhiều thời gian cưỡi ngựa chăn gia súc ở trang trại Minderoo của gia đình mình – có diện tích gấp ba lần thành phố New York. Sau khi tốt nghiệp đại học Tây Úc với bằng kinh tế và chính trị, ông làm môi giới chứng khoán trước khi mua cổ phần và trở thành CEO của Anaconda Nickel vào năm 1993 – liên doanh mà về sau gần như hủy hoại ông.

Ông bị đẩy khỏi Anaconda một thập niên sau đó, vì đầu tư liều lĩnh, nợ nần chồng chất và dự án chậm trễ, nhưng tái xuất hiện vào năm 2002 trong vai trò lãnh đạo Fortescue Metals Group, công ty mà ông thành lập từ thương vụ mua lại một công ty khai khoáng nhỏ. Tầm nhìn mới của ông dựa trên linh cảm: Suốt nhiều năm, ông tin rằng có tiềm năng khai thác ở vùng Pilbara của Tây Úc, khu vực mà ông biết rõ vì lớn lên ở trang trại Minderoo. Có những mỏ quặng sắt ở đó. Chỉ là Rio Tinto và BHP đã bỏ qua chúng.

Xu hướng phớt lờ chỉ dẫn của Forrest sau này được chứng minh là do ngẫu nhiên. Fortescue đã thúc đẩy làn sóng về nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc, khiến giá mặt hàng này tăng từ 30 đô la Mỹ lên 200 đô la Mỹ/ tấn vào năm 2008, khi công ty bắt đầu vận chuyển.

Thời điểm Forrest từ chức CEO và trở thành chủ tịch vào năm 2011, Fortescue đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ doanh thu và một tỉ đô la Mỹ lợi nhuận. Hiện là công ty lớn thứ tám của Úc, Fortescue được định giá 42 tỉ đô la Mỹ và có lợi nhuận ròng chín tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái.

Trở thành ông lớn ngành khai khoáng và xây dựng một trong những nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới – đồng thời là một trong những tác nhân gây ô nhiễm carbon lớn nhất của Úc – có nghĩa là việc cứu hành tinh khỏi biến đổi khí hậu không phải lúc nào cũng được Forrest quan tâm. Nhưng sau khi từ chức CEO, Forrest và người vợ Nicola dành nhiều thời gian hơn cho tổ chức từ thiện của họ, quỹ Minderoo, để giải quyết các vấn đề lớn. Sự nóng lên toàn cầu là vấn đề chính trong số đó.

Năm 2016, Forrest bắt đầu theo học chương trình tiến sĩ bốn năm về sinh thái biển tại đại học Tây Úc, đồng thời hướng dẫn đội ngũ của mình xem xét công nghệ có thể vận chuyển hydro và amoniac, và liệu việc tăng quy mô năng lượng mặt trời có khả thi hay không. Ông nhận ra “sự kìm kẹp của lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch đối với tương lai của tất cả mọi người trên hành tinh này kinh khủng đến mức nào,” Forrest nói. Đến năm 2020 là thời điểm chín muồi để Forrest ra mắt FFI.

Forrest phải đối mặt với điệp khúc giễu cợt ồn ào ở quê nhà. Một nhà báo viết chuyên mục đã dùng cụm từ “sự tẩy xanh thế kỷ” sau khi FFI ra mắt. Tác giả còn viết thêm, ngoài ông lớn ngành khai khoáng Gina Rinehart, “chưa có người Úc nào gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường hơn Andrew Forrest, và tương tự, chưa có người Úc nào kiếm được nhiều tiền hơn khi làm như vậy.”

Forrest không cảm thấy có lỗi. Khi được hỏi ông nghĩ gì về việc mọi người chỉ trích rằng ông tích lũy tài sản nhờ nhiên liệu hóa thạch, ông liền lạnh mặt. “Tôi muốn hỏi, có ai không làm vậy?” ông nói. “Bởi vì tôi đã làm được điều gì đó, bởi vì tôi kinh doanh ngành công nghiệp lớn, sản xuất lớn và tiêu thụ năng lượng lớn, nên tôi cần được lắng nghe khi tôi nói với ngành sản xuất năng lượng:  Chúng ta sẽ phát triển theo hướng xanh.”

Fortescue Future Industries có hai nhiệm vụ: phát triển cơ sở hạ tầng và phương tiện chạy bằng hydro để khử carbon cho các hoạt động sản xuất của Fortescue vào năm 2030, đồng thời sản xuất và bán 15 triệu tấn hydro xanh lá và amoniac xanh lá mỗi năm.

Tại nhà kho rộng lớn ở ngoại ô Perth, Jim Herring, người phụ trách giám sát nghiên cứu và phát triển để đưa FFI đứng đầu ngành công nghiệp xanh, đang nhìn vào khu đất lớn có chiếc xe tải chở hàng màu trắng đang chạy vòng vòng. Sử dụng hydro do bên thứ ba sản xuất, chiếc xe tải này có thể chạy trong 20 phút trước khi cần được tiếp nhiên liệu, nhưng đây là bằng chứng về khái niệm mà đội ngũ của Herring xây dựng vào năm ngoái trong vòng chưa đầy 100 ngày.

Nhóm của ông đang chế tạo các động cơ chạy bằng hydro nguyên mẫu cho đầu máy và tàu thủy mà ông dự định sẽ tiết lộ trong 12 tháng tới. Tuần trước, FFI cho biết họ đã mua 120 xe tải – bằng một nửa đội xe hiện tại của Fortescue – để trang bị thêm động cơ chạy bằng hydro của FFI.

“Khi được chứng kiến những động cơ đó hoạt động mà không gây ô nhiễm, tôi nghĩ, ‘Cuối cùng thì chúng ta cũng tìm ra mùi của tương lai: không mùi; và âm thanh của tương lai: không có âm thanh,’” Forrest nói. “Ngoài ra, còn có tín hiệu của tương lai: Hiệu quả cũng ngang bằng, nếu không muốn nói là hơn, so với dầu khí hay than đá. “

Không giống như hydro xanh dương hoặc xám – cả hai đều thải ra carbon – quá trình tạo ra hydro màu xanh lá không phát thải carbon, nhưng lại đòi hỏi nguồn tài nguyên khổng lồ. Khi kết hợp với năng lượng tái tạo như gió hoặc năng lượng mặt trời, một chiếc máy điện phân được sử dụng để tách nước thành hydro.

Sau đó, khi ở thể khí hoặc ở thể lỏng – được bảo quản ở nhiệt độ dưới 250 độ C – hoặc cùng với amoniac, hydro được vận chuyển trong các bồn chứa trên tàu thủy, xe lửa hoặc xe tải. Khi nhiên liệu này được sử dụng trong pin nhiên liệu để tạo ra điện, hơi nước là phát thải duy nhất.

Những chiếc xe tải chở hàng chạy bằng năng lượng hydro là những bước đi nhỏ đầu tiên của quá trình mà Forrest hi vọng sẽ phát triển thành ngành công nghiệp được ông xây dựng hiệu quả ngay từ đầu, cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ tàu đến máy bay.

Nhằm củng cố niềm tin của Forrest, FFI đã thuê gần 1.000 người trong năm qua và tuyển dụng các lãnh đạo trong ngành năng lượng. Trong số đó có Mark Hutchins, cựu chủ tịch kiêm CEO General Electric Europe, trở thành CEO của FFI.

Trong khi Forrest bận rộn lôi kéo sự ủng hộ trên toàn thế giới, tại trụ sở chính của FFI, tham vọng toàn cầu của công ty được thể hiện rõ ràng. Các phòng có tường kính đánh dấu các quốc gia nơi đội ngũ của công ty đang làm việc: Jordan, Cộng hòa dân chủ Congo, Argentina. Nhưng Hoa Kỳ mới là nơi FFI nhìn thấy cơ hội lớn nhất. “Chúng tôi có thể sản xuất ở Hoa Kỳ và cũng có thể bán ở Hoa Kỳ,” Julie Shuttleworth, CEO sắp mãn nhiệm của FFI cho biết. “Hoa Kỳ rất có ý nghĩa.”

Để thực hiện ước mơ năng lượng sạch của mình, Forrest sẽ phải vượt qua những thách thức kỹ thuật để sản xuất hydro. Các công ty như Toyota và Hyundai đang đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào việc phát triển các phương tiện giao thông chạy bằng hydro, và Nhật Bản trở thành quốc gia ủng hộ hàng đầu, triển khai xe buýt chạy bằng hydro tại Thế vận hội Tokyo và đốt cháy ngọn lửa Olympic bằng khí đốt.

Hydro xanh được ủng hộ ở Liên minh châu Âu, nơi đang thúc đẩy các nhà sản xuất năng lượng đạt năng suất 10 triệu tấn hydro xanh lá hằng năm vào năm 2030. Ở Hoa Kỳ cũng thế. Hồi tháng 2.2022, Biden công bố khoản trợ cấp 9,5 tỉ đô la Mỹ cho lĩnh vực hydro, nhằm hạ giá tài nguyên từ khoảng năm đô la Mỹ/kg xuống còn một đô la Mỹ trong thập niên tới và giúp năng lượng này có thể cạnh tranh với khí đốt.

Andy Marsh, CEO của công ty sản xuất hydro xanh lá Plug Power có trụ sở tại New York, từng hợp tác với Forrest để chế tạo máy điện phân, cho biết tại Hoa Kỳ, hydro xanh lá cũng không trở thành mục tiêu tranh cãi chính trị.

Thậm chí còn xuất hiện các thương vụ mua vào từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Hồi tháng 7.2022, gã khổng lồ dầu khí BP thông báo họ đang nắm giữ 40% cổ phần của Asian Renewable Energy Hub, liên doanh trị giá 30 tỉ đô la Mỹ bao phủ hơn 647.000 héc ta Tây Úc với các tuabin gió và trang trại năng lượng mặt trời, sản xuất 26 gigawatt điện – khoảng 1/3 của toàn bộ lưới điện của Úc – dành cho các máy điện phân tạo ra hydro màu xanh lá.

Nhưng các nhà quan sát khác đang muốn chờ xem mọi việc diễn tiến như thế nào. Cannon–Brookes, đồng đầu tư với Forrest trong dự án 30 tỉ đô la Mỹ mang tên Sun Cable, đang xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới để truyền tải điện đến châu Á qua cáp ngầm dưới biển, cho biết cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa tầm nhìn của Forrest đối với năng lượng tái tạo vẫn chưa tồn tại.

“Về mặt lý thuyết thì có khả năng đó,” ông nói, “Có thể phải cần đến 5–10 năm nữa để thử nghiệm tất cả các hướng nhằm hiện thực hóa ý tưởng.”

Dù Forrest có lo ngại về sự hoài nghi đối với ván cược lớn của mình, ông cũng không thể hiện ra và chuyến đi vòng quanh thế giới theo phong cách bão táp của ông vẫn tiếp tục. Vào tháng 5.2022, Forrest tham gia liên minh các công ty trong ngành tại đại hội Green Hydrogen Global Assembly ở Barcelona, đặt mục tiêu sản xuất 100 triệu tấn hydro xanh lá trên toàn cầu vào năm 2030, tăng từ 100.000 tấn hiện nay.

Khi tiêu chuẩn toàn cầu được công bố, Forrest tỏ ra vô cùng hào hứng, và trước hàng trăm người, ông cùng Teresa Ribera, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái của Tây Ban Nha, đã nhảy theo bài hát của Hamilton The Room Where It Happens.

“Chúng tôi có rất nhiều điều để ăn mừng,” Forrest nói với Forbes hồi tháng bảy tại New York. “Vì thế, chúng tôi đã nhảy múa.”

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 109, tháng 9.2022