Bất chấp việc số hóa dữ liệu ngày càng phát triển và được ưa chuộng, doanh nhân Jim Thompson của công ty Crown Worldwide đã xây dựng được một doanh nghiệp lưu trữ tài liệu giấy tờ với mức sinh lời rất cao.
Gần nửa thế kỷ sau khi cụm từ “xã hội không giấy tờ” được đề ra, thế giới lại đang tạo ra nhiều giấy hơn bao giờ hết – và điều đó có lợi cho tỉ phú Jim Thompson ở Hong Kong.
Năm nay 83 tuổi, Thompson đã đa dạng hóa tập đoàn Crown Worldwide của mình, mở rộng ra ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi là dịch vụ chuyển nhà, chuyển văn phòng (chuyển địa điểm) và đã tìm được thị trường ngách sinh lời đến khó tin: dịch vụ lưu trữ hồ sơ – loại hình dịch vụ tồn tại đã lâu.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển địa điểm vẫn mang lại phần doanh thu lớn nhất, 45% trong tổng số 824 triệu đô la Mỹ của năm ngoái, nhưng mảng sinh lãi nhiều nhất của ông là dịch vụ lưu trữ hồ sơ – bao gồm cả việc giữ hàng đống giấy tờ cho khách hàng. Dịch vụ này tạo ra 29% lợi nhuận thuần vào năm ngoái, trong khi mảng dịch vụ chuyển địa điểm tạo ra 16% lợi nhuận. (Là công ty tư nhân, Crown không tiết lộ con số lợi nhuận.)
Việc số hóa dữ liệu ngày càng phát triển, với hàng tỉ đô la Mỹ được chi để tạo ra các trung tâm dữ liệu mới trên khắp thế giới. Nhưng bất ngờ thay, số lượng hồ sơ giấy cũng đang tăng lên.
Thompson, với tài sản ước tính 1,8 tỉ đô la Mỹ trong danh sách Tỉ phú thế giới của Forbes năm nay, cho biết: “Việc kinh doanh lưu trữ giấy tờ của chúng tôi cũng đang được đà phát triển.” Ông tích lũy khối tài sản của mình nhờ là người sở hữu duy nhất Crown, công ty ông thành lập ở Nhật Bản vào năm 1965 với khoản đầu tư chưa đến 1.000 đô la Mỹ.
Vị chủ tịch của Crown coi các dịch vụ lưu trữ là nguồn doanh thu ổn định hơn để bù đắp cho hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển địa điểm, thường nhộn nhịp vào mùa hè. Trong những năm COVID-19 làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu, hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển địa điểm lại không bị ảnh hưởng – thực tế còn ngược lại. Crown cho biết họ đã thực hiện 45 ngàn lượt chuyển địa điểm quốc tế trong năm 2022, cao nhất từ trước đến nay.
Mảng kinh doanh lưu trữ do chi nhánh Crown Records Management điều hành, hoạt động 365 ngày một năm, với nhiệm vụ giữ hàng hóa an toàn tại chỗ – đối lập với dịch vụ vận chuyển người và đồ dùng cá nhân.
“Suốt nhiều năm qua, những chiếc hộp này tạo ra nguồn thu nhập và doanh thu ổn định. Nếu xét theo hướng đó thì đây là việc kinh doanh tốt, thu nhập rất ổn định,” Thompson cho biết trong cuộc phỏng vấn tại nhà kho đầu tiên mà ông phát triển ở khu Tân Giới, Hong Kong. “Ngoài ra, đó còn là loại hình bất động sản.”
Thompson sở hữu 74 nhà kho công nghiệp có máy lạnh ở 48 quốc gia và thuê 105 nhà kho khác. Hoạt động kinh doanh kho chứa của Crown không chỉ bao gồm giấy mà còn cả mỹ phẩm, nước hoa và thời trang cao cấp cũng như các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, các kho của Crown còn có kệ chứa 1,1 triệu chai rượu vang. Trong tủ và hầm được kiểm soát nhiệt độ, có 1,4 triệu đĩa CD-ROM và băng từ.
Thompson bắt đầu công việc kinh doanh lưu trữ giấy tờ vào năm 1984, lưu trữ 25 ngàn hộp, mỗi hộp có dung tích 0,03 m3. Hiện tại, số lượng hộp đang được sử dụng là khoảng 50 triệu hộp và vẫn đang tiếp tục tăng; công ty dự kiến đạt mốc 52 triệu hộp vào năm 2025.
Các công ty lưu giữ giấy tờ vì nhiều lý do, liên quan đến chính sách nội bộ, yêu cầu của chính phủ hoặc các thủ tục pháp lý, kiện tụng tiềm ẩn. Không giống như dữ liệu điện tử có thể dễ dàng thay đổi, giấy tờ lưu trữ thông tin lâu dài hơn và do đó an toàn hơn.
Thompson cho biết, tại Hong Kong, hợp đồng và các tài liệu liên quan phải được lưu giữ trong vòng bảy năm và không có gì lạ khi các công ty chọn lưu giữ chúng trong 12 năm. Một số ngân hàng có các quy tắc nội bộ để lưu giữ hồ sơ vật lý trong vòng 15 năm.
Vì những doanh nghiệp này có thể không có đủ không gian để lưu trữ tất cả số giấy tờ đó nên họ thuê Crown lưu trữ giúp. “Nhờ có Internet, ngày càng xuất hiện nhiều thông tin hơn. Rất nhiều thông tin được thể hiện dưới dạng điện tử, nhưng cũng có rất nhiều thông tin trong số đó được ghi lại trên giấy và những tài liệu giấy đó được giữ lại,” Thompson cho biết. “Vì vậy, cả hai xu hướng đều đang phát triển.”
Để phát triển việc kinh doanh lưu trữ đang mở rộng, Thompson tích lũy rất nhiều bất động sản công nghiệp. Những tài sản này có giá trị tăng vọt nhờ giá bất động sản tăng, đặc biệt là ở những nơi như Hong Kong và Singapore.
Khi ông xây dựng nhà kho mà ông mua năm 1985, bất động sản bốn tầng ở khu Tân Giới này là một trong những tòa nhà cao nhất khu phố. Ngày nay, tòa nhà này lọt thỏm giữa các khu nhà ở cao tầng và dịch vụ thương mại khác.
Thompson cho biết, bất động sản chiếm 15% lợi nhuận ròng của Crown Worldwide vào năm ngoái. Đơn vị về bất động sản của Crown cho công ty quản lý hồ sơ của tập đoàn thuê không gian nhà kho.
Ông sở hữu danh mục đầu tư bất động sản trị giá hơn một tỉ đô la Mỹ và vì thế các chủ ngân hàng đã khuyên Thompson thành lập một quỹ tín thác đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, ông đã từ chối, muốn giữ quyền sở hữu riêng hoàn toàn. “Tôi là nhà sưu tập bất động sản, không phải là đại lý bất động sản,” ông nói.
Henry Chin, cố vấn bất động sản đứng đầu bộ phận dẫn dắt đầu tư toàn cầu của CBRE khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho biết trước đây nhu cầu thuê mặt bằng làm nhà kho không cao do nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng tầng hầm hoặc các không gian khác mà họ sở hữu.
Nhưng trong thập niên vừa qua, điều đó đã thay đổi. Ngày càng có nhiều nhu cầu đối với các nhà kho thông minh được trang bị tự động hóa và robot, máy điều hòa không khí và các tấm pin năng lượng mặt trời.
Ở châu Á-Thái Bình Dương, hoạt động kinh doanh lưu trữ nói chung vẫn còn nhỏ so với Hoa Kỳ – nghĩa là Thompson vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển. CBRE ước tính tổng công suất kho bãi công nghiệp của Hoa Kỳ vào cuối năm 2022 là 54,6 triệu m2, tăng 17% so với năm trước. Công suất của châu Âu là 24,1 triệu m2 (tăng 13%), trong khi châu Á—Thái Bình Dương chỉ có 4,7 triệu m2 (tăng 8%).
Đối thủ cạnh tranh của Crown ở châu Á là công ty lưu trữ Iron Mountain được niêm yết ở New York, hoạt động tại 60 quốc gia, cũng có mảng kinh doanh lưu trữ hồ sơ. Công ty này quản lý không gian 9,01 triệu m2, bao gồm 2,1 triệu m2 thuộc sở hữu của họ. Trong khi đó, không gian kho hàng của Crown có sức chứa 4,1 triệu m2. Tính đến ngày 10.4, Iron Mountain có mức vốn hóa thị trường 15,3 tỉ đô la Mỹ.
Thompson không phải là thành viên đầu tiên trong gia đình mình có liên quan đến dịch vụ chuyển địa điểm. Cha của ông làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ chuyển địa điểm có trụ sở tại California với các chi nhánh tại Nhật Bản. Trong thời gian theo học kỹ thuật hàng không tại trường San Jose State College (về sau đổi tên thành San Jose State University), Thompson đã đến Nhật Bản và yêu thích đất nước này.
Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm tại chính công ty mà cha mình làm việc, nhờ đó được trở lại Nhật Bản và công tác tại chi nhánh ở Yokohama, cho đến khi xảy ra những bất đồng khiến ông nghỉ việc. Cha của ông đã thuyết phục cậu con trai 25 tuổi tự mình xây dựng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển địa điểm ở Nhật Bản.
Thompson chỉ có một nhân viên địa phương và một chiếc xe tải thuê. Tuy vậy, ông cũng có một người cố vấn quý giá là cha mình, từng sống ở Nhật Bản trong thời gian dài. Công việc đầu tiên là chuyển đồ đạc của một gia đình từ Nhật Bản đến California. Đơn hàng thứ hai là lô hàng nhập khẩu khá lớn cho một giám đốc điều hành ở Tokyo. Thompson đã giúp đóng gói và chất hàng lên các container.
Ông nhớ lại: “Năm đầu tiên, tôi phải chật vật xoay xở nhiều.” Ba năm sau, ông mua chiếc xe tải đầu tiên. Năm 1970, Thompson bắt tay với một đối tác kinh doanh, cùng thành lập một công ty ở Hong Kong. Năm 1978, ông mua lại đối tác của mình và chuyển trụ sở từ Nhật Bản sang Hong Kong.
Chuyển địa điểm luôn bao gồm cả công việc lưu trữ, vì mọi người cần lưu trữ tạm thời các vật dụng trong nhà. Đến tham quan các nhà kho lớn ở Hoa Kỳ và vương quốc Anh vào giữa những năm 1970, Thompson nhận thấy một điều chưa từng thấy ở châu Á: các kệ chứa hộp tài liệu đặt bên cạnh kệ đồ gia dụng.
Vì thế, ông bắt đầu cung cấp dịch vụ lưu trữ hồ sơ cho khách hàng ở Hong Kong, bằng cách cho thuê không gian lưu trữ. May mắn thay, đúng thời điểm đó, Trung Quốc mở cửa và giá thuê văn phòng ở Hong Kong tăng vọt. Ông kể: “Chúng tôi phải giới thiệu khái niệm thuê ngoài dịch vụ lưu trữ phù hợp với các công ty, để thuyết phục họ đưa hồ sơ giấy tờ ra khỏi văn phòng mình.”
Vì số lượng khách hàng ngày càng mở rộng, Crown đã tiến hành mua lại doanh nghiệp suốt hai thập niên, cho đến năm 2000, để vươn ra ngoài châu Á. Thời điểm nhộn nhịp nhất là cuối những năm 1990, khi ông thực hiện các thương vụ mua lại ở Bắc và Nam Mỹ, vương quốc Anh, Úc và Nam Phi. Ông nói: “Chúng tôi đã phát triển từ những năm 1980. Việc đó chưa bao giờ dừng lại.”
Năm 2006, Crown chi khoảng 87 triệu đô la Mỹ mua lại mảng kinh doanh tại vương quốc Anh và Ireland của công ty dịch vụ chuyển địa điểm Sirva, thời đó được niêm yết ở New York, giúp đẩy mạnh tăng trưởng cho mảng kinh doanh lưu trữ của Crown, đạt 14 triệu thùng carton với 10 ngàn khách hàng ở 46 quốc gia.
Từ năm 2015–2020, Crown tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, với các thương vụ mua lại ở Malaysia và Úc. Thompson đặt mục tiêu mở rộng “trong vài năm tới,” vì vậy ông vẫn luôn lưu ý tìm kiếm các công ty quản lý hồ sơ giấy tờ có khả năng sẽ rao bán. Khi được hỏi đâu là những nơi ưu tiên, ông nêu tên Adelaide, Thiên Tân, Ấn Độ và Việt Nam.
Theo Thompson, các thị trường hàng đầu cho năm 2022 về quản lý hồ sơ, bao gồm lưu trữ vật lý và kỹ thuật số, dịch vụ quét và truy xuất kỹ thuật số, được xếp thứ tự lần lượt là Úc, Ấn Độ và Hong Kong, nhưng “thị trường toàn Đông Nam Á cũng rất mạnh.”
Xét về tỉ lệ phần trăm, quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu lưu trữ nhanh nhất trong năm ngoái là Ấn Độ, với mức tăng 12%, trong khi các thị trường lâu đời như Mỹ và châu Âu tăng từ 4% lên 6%. Trong vài năm tới, Thompson dự kiến mức tăng trưởng doanh thu toàn cầu hằng năm ít nhất là 6%.
Trên con đường dẫn đến thành công của Crown cũng có những khúc khuỷu. Trong cuốn sách viết về lịch sử công ty xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2015, Thompson nhắc đến sự kiện sa thải những quản lý không trung thành và giải quyết tình trạng bỏ việc hàng loạt. Thompson bổ nhiệm giám đốc tài chính lúc bấy giờ là Ken Madrid làm CEO vào năm 2019.
Jennifer Harvey, con gái lớn của ông, là người kế nhiệm được chỉ định của ông. Hiện 54 tuổi, Harvey đã làm việc cho công ty từ năm 1993 và đang quản lý các hoạt động tại Hoa Kỳ từ văn phòng ở New York. Con trai ông, Jim Thompson Jr., thông thạo tiếng Quan thoại, điều hành công ty đầu tư bất động sản của riêng mình, Throne, tại Bắc Kinh.
Harvey, cũng là vận động viên marathon, cho biết qua email rằng có lẽ điều quan trọng nhất trong số nhiều điều bà học được từ cha mình là kết nối với mọi người. “Ông ấy gặp ai đó một lần, rồi mười năm sau gặp lại họ và vẫn nhớ những điều rất cụ thể về họ,” bà nói.
Cho đến năm ngoái, Thompson vẫn giữ thói quen ăn mừng sinh nhật mình bằng cách thực hiện số lần hít đất tương ứng với số tuổi của ông. Tuy nhiên, một chấn thương ở vai đã khiến ông phải chấm dứt truyền thống này sau tuổi 82. Hiển nhiên là ông sẽ không từ bỏ việc kinh doanh nhanh như vậy. “Tôi thích những tòa nhà, tôi thích những chiếc xe tải, và tôi có những nhân viên lành nghề. Đó là cách tôi xây dựng công ty.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43